Rất nhiều khi, học vấn và địa vị của một người hoàn toàn không đại biểu rằng người ấy là người có văn hóa. Người học nhiều không nhất định là có văn hóa, người có kiến thức rộng cũng không nhất định là có văn hóa. Bởi vì văn hóa của một người là đến từ đức hạnh, đến từ sự nâng cao tâm tính của người ấy. Nếu chỉ có học vấn cao mà khuyết thiếu sự tu dưỡng nội tâm thì đó không chỉ là một điều đáng tiếc, mà còn là một điều hết sức nguy hiểm. Có thể đặt tâm tu dưỡng, tự giác ước thúc bản thân, lương thiện suy nghĩ cho người khác thì mới thực sự là người có văn hóa.

Người học nhiều không nhất định là người thực sự có văn hóa
(Ảnh minh họa: Zephyr_p, Shutterstock)

1. Tôn trọng người khác

Nói đến có tu dưỡng, có văn hóa, nhiều người sẽ cảm giác rằng nó cao xa, được thể hiện ở những nơi trang trọng. Nhưng kỳ thực, ngay trên đường phố, trên phương tiện giao thông công cộng, hay nơi công viên… cũng có thể nhìn rõ tố chất của một người là cao hay thấp. Một người có văn hóa ắt phải là người biết lễ phép, ví như, khi lên xe họ sẽ tự giác xếp hàng, khi mua cơm cũng không chen lấn, thấy người khác vội sẽ nhường đường… Ngoài ra, nói chuyện, nghe ca nhạc, ăn mặc, ăn uống thứ gì… đều là điều thuộc về sự tự do của mỗi người, nhưng nếu sự tự do đó làm ảnh hưởng đến người khác thì nó đã vượt ra khỏi ranh giới của bản thân người ấy rồi. Điều đó cũng cho thấy, người ấy là thiếu ý thức, thiếu văn hóa.

Ở trong phạm vi nhỏ như gia đình, hay lớn như những nơi công cộng, người có văn hóa sẽ luôn biết tôn trọng người khác. Họ lấy việc “không làm ảnh hưởng đến người khác” làm tiêu chuẩn hàng đầu. Nho gia có câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, những điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Một người biết tôn trọng người khác thì sẽ biết suy nghĩ cho người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà cân nhắc có nên làm hay không. Đối với xã hội, người ấy cũng lại tự giác thực hiện các lễ quy, phép tắc mà không cần người khác lên tiếng. Người có thể quan tâm, biết suy nghĩ cho người khác thì đa phần, thái độ và sự lễ phép của họ cũng đã rất cao rồi.

Có thể nói, tôn trọng người khác cũng không phải chỉ là sự lễ phép xã giao, mà nó đến từ sự thấu hiểu, yêu mến, thông cảm và trân quý người khác được ẩn sâu ở trong lòng mỗi người. Tôn trọng ấy không có hàm chứa bất cứ sắc thái lợi ích nào, cũng không bị ảnh hưởng bởi thân phận hay địa vị. Bởi vì như vậy mới là thuần túy nhất, chất phác nhất.

Tôn trọng lẫn nhau không chỉ là một đức tính quan trọng mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền vững. Một mối quan hệ thiếu sự tôn trọng thì sẽ không thể tồn tại được, một xã hội thiếu sự tôn trọng sẽ rất khó để phát triển lâu dài. Tôn trọng người khác không chỉ là một loại mỹ đức mà còn là một loại học vấn mà mỗi người đều cần hướng đến.

2. Tu dưỡng bản thân

Cổ nhân cho rằng: “Tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn tảng đá, mồi lửa nhỏ cũng đủ để đốt cháy cả cánh đồng, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn chí lớn, mỗi ngày một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chính vì thế con người muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc tu thân, sau đó mới đến tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được.

Thời cổ đại, từ bậc hiền nhân đến người nông phu đều hướng đến những phẩm chất của người quân tử. Họ ví người quân tử giống như ngọc. Họ cho rằng, đức hạnh của người quân tử sáng và cao quý như ngọc vậy. Tuy nhiên ngọc cần mài giũa mới có thể sáng, con người cần tu dưỡng mới có đức hạnh cao quý.

Trong mỗi con người đều có cả hai nhân tố thiện và ác, nhưng con người tự cổ chí kim luôn lấy thiện làm chủ, đó là giá trị quan phổ quát của nhân loại. Đạo tu thân về cơ bản chính là kiềm chế phần ác và phát triển phần thiện của bản thân. Một người có tự trọng, có lý trí cần phải luôn nghiêm khắc với chính mình, suy ngẫm về ngôn từ, hành vi hàng ngày của mình và xem xét ý nghĩ của mình có phù hợp với thiên lý hay không. Đây cũng chính là điểm mấu chốt của một con người có văn hóa.

Sau khi không ngừng tu chỉnh bản thân, hàm dưỡng nên đức hạnh cao thượng thì người đó sẽ mang trên mình trọng trách với xã hội. Bởi vì thông qua không ngừng giáo dục và cảm hóa, con người có thể quay trở về với bản tính lương thiện của mình, nên trách nhiệm của một người chính trực là đánh thức lương tri, bản tính của những người khác, giúp họ quay trở về với con đường chân chính.

3. Lương thiện chính nghĩa

Người có văn hóa, biết tu dưỡng bản thân, thì cũng nhất định lựa chọn lương tri và chính nghĩa, nhất định là người lương thiện. Thiện lương không phải là vẻ thành kính nơi chùa chiền, miếu mạo mà chính là sự quan tâm, tôn trọng xã hội từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống đến những điều rất lớn dẫu nó xảy ra ở cách xa bản thân. Thiện lương là lương tri, là bản tính, là lựa chọn và là một đức hạnh tốt đẹp của con người.

Thiện lương, chính trực không chỉ thể hiện ở hành động mà là biểu hiện chân thực của nội tâm con người. Làm việc thiện, giữ gìn phẩm hạnh cao thượng, vô tư, vô ngã, không cầu danh cầu lợi, người như vậy không chỉ có thể quy phục nhân tâm, cảm hóa người khác, mà còn cảm động tới cả thiên thượng.

Thế gian có thể hỗn loạn nhưng nội tâm không thể dơ bẩn. Trong thời điểm nhiễu nhương, thiện lương thường hay bị chê cười, nhưng rốt cuộc nó lại là thứ duy nhất có thể bảo tồn lương tri, ban cho con người hy vọng, đưa con người vượt thoát tuyệt cảnh. Người có tấm lòng lương thiện sẽ không khiến người khác rơi vào tình thế nguy nan, trừng trị kẻ ác, giúp đỡ người yếu, là mảnh đất an lành, là bến đỗ cho rất nhiều người.

Trong xã hội coi trọng của cải tiền bạc ngày nay, để tìm được một người thắp sáng lương tri thực sự là khó. Nhưng chính trong xã hội hỗn loạn này, trong nguy nan khốn khó, trong hoàn cảnh “trắng đen lẫn lộn”, nếu như ai có thể vượt qua được những cám dỗ của danh lợi, không đánh mất bản tính chân thật, lương thiện, vẫn bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác, thì người ấy chính là người có phẩm chất cao quý. Cho dù họ có phải chịu thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo lâu dài.

Ngày hôm nay, trong tâm chúng ta gieo xuống một hạt giống thiện lương, có một ngày nó nhất định sẽ đơm hoa kết trái thiện lành. Người có thiện niệm, ắt sẽ được trời xanh phù hộ, che chở. Đó cũng là đạo lý “thiện ác có báo” mà cổ nhân thường giảng.

Nếu trong cuộc đời này, ai có thể xem nhẹ hết thảy, coi mọi được mất trong đời chỉ là mây khói thoảng qua, kiên trì bảo hộ chính nghĩa và thiện lương, thì người ấy đâu chỉ là “người có văn hóa”, mà họ đã chân chính có được sự bình an nội tâm, có được hạnh phúc chân thật, có thể thực sự sống được tự do tự tại.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: