Tôi đã viết khá nhiều về vấn đề ô nhiễm tại Việt Nam và ô nhiễm nhiệt điện nói riêng. Những “chuyên gia” bảo vệ nhiệt điện và các quan chức đã báo cáo sai lệch với những người có thẩm quyền, bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ và Đảng cầm quyền về sự nguy hại của nhiệt điện. Với trách nhiệm công dân của mình, không thể im lặng để người dân bị đầu độc diện rộng mãi được.

nhiet dien vinh tan
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. (Ảnh: Gia Bảo)

Xin tổng kết sau một thời gian dài nghiên cứu hồ sơ, số liệu và đi thực tế tại các nhiệt điện một số điểm cốt lõi về hiện trạng nhiệt điện của Việt Nam hiện nay.

1- Nhiệt điện là công nghệ lỗi thời mà chính Trung Quốc còn phải từ bỏ. Đa số các nhiệt điện tại Việt Nam là công nghệ Tàu (tôi còn chú ý cả công nghệ Hàn Quốc nữa).

2- Tiêu chuẩn an toàn vận hành nói chung và tiêu chuẩn an toàn của tro xỉ nhiệt điện nói riêng tại Việt Nam thấp hơn so với Mỹ hay EU. Ngay tại các quốc gia đã từng sử dụng thứ nhiệt điện xuất sang Việt Nam cũng kêu trời vì ô nhiễm thì không lạ khi hiện thực ô nhiễm diễn ra tại nước mình.

3- Nhiệt điện vận hành theo hình thức BOT. BOT nhiệt điện không gây bức xúc bằng BOT giao thông vì ít người biết và vì tiền điện có tăng thì người sử dụng khó mà cúp điện để phản đối. Cũng không thể coi nhân viên Tập đoàn Điện lực Viêt Nam (EVN) là đối tượng để trêu chọc hay phản đối vì họ là đơn vị thứ 3 đại diện thu tiền cho Nhà nước.

4- Trước khi triển khai bất cứ dự án nhiệt điện nào đều có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) song các ĐTM nhiệt điện đều không được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai để đánh giá, giám sát.

5- Các bãi chứa tro xỉ nhiệt điện đều được quy hoạch từ trước nhưng quy hoạch kiểu cho có vì chỉ sau vài năm là kín bãi, không có cách nào khác ngoài xin thêm đất như trước đây hay đem đi san lấp như đề xuất của Bộ Xây dựng.

6- Tro xỉ không bao giờ có chuyện đốt tối ưu tại từng nhà máy vì chất lượng, nguồn gốc than khác nhau và công nghệ, tay nghề vận hành cũng khác nhau. Chất lượng tro xỉ chắc chắn không bao giờ giống nhau mỗi ngày nên giấy phép cho san lấp đường bằng tro xỉ thí điểm tại Hà Tĩnh chỉ có thể áp dụng cho mẻ tro xỉ đi san ngay thời điểm lấy mẫu. Nhưng căn cứ lấy mẫu ấy được áp dụng cho… 3 năm.

7- Vì đốt không tối ưu nên hàm lượng caccbon trong tro xỉ còn. Việc mua tro xỉ về đóng gạch block (gạch babanh) hay trộn chung làm than tổ ong đều là hình thức phát tán ô nhiễm thứ cấp. Điều này đã diễn ra từ rất lấu, trước 1975, và dĩ nhiên trước khi có Luật Môi trường. Nhưng chỉ có khu vực phía Bắc mới dùng làm gạch block, gạch than tổ ong vì người dân thiếu thông tin. Ở phía Nam hiện tượng này rất rất hiếm.

8- Tro xỉ được quy định trong Luật Môi trường là chất thải nguy hại nhưng hiện nay vẫn được chở đi bằng xe ben (thay vì xe bồn). Đó vẫn là hình thức phát tán ô nhiễm thứ cấp dù cho có rửa xe trước khi rời khỏi nhà máy và rửa xe sau khi đã đổ vào bãi xỉ.

9- Trong tro xỉ có các độc chất nguy hại dưới dạng bụi và bụi nano. Nếu không beton hóa rắn tro xỉ thì chính độ mịn của bụi và bụi nano sẽ khiến cho tro xỉ ngấm ngay xuống đất, đi vào nước ngầm. Các mẫu đước tại khu vực đổ tro xỉ không bao giờ đạt.

>> Bãi xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 làm đất và nước nhiễm mặn

10- Các “doanh nghiệp xí phần” đều là sân sau của quan chức. Họ xí phần tro xỉ vì 2 điều: Một là phí xử lý môi trường cho mỗi m3 tro xỉ. Hại là chênh lệch giá bán ra cho người làm gạch, làm tetrapod hay vật liệu san lấp. Nghĩa là họ tước đi cơ hội tiếp cận và xử lý tro xỉ để xứng đáng nhận tiền hỗ trợ của doanh nghiệp khác. Cũng là cách họ tước luôn cơ hội hạ giá sản phẩm các sản phẩm beton hóa rắn khi đến tay người tiêu dùng.

11- Căn cứ theo Luật Môi trường, đã có nhiều địa phương phạt xe chở tro xỉ khỏi nhà máy để đi bán hay đi chôn lấp. Nghĩa là ngay cả khi có quyết định đi san lấp công trình xây dựng của Bộ Xây dựng hay công trình giao thông của Bộ Giao thông vận tải và thậm chí là quyết định 452/2017 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình dũng ký. Đơn giản là so với luật thì các văn bản nói trên đều đồng dạng: văn bản dưới luật.

12- Về việc xử lý tro xỉ, trước thời điểm ra quyết định 452/2017 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tất cả các văn bản Luật và quyết định, thông tư không hề có cụm từ nào “san lấp công trình xây dựng”, “làm đường giao thông”, “hoàn nguyên mỏ” cả. Ông Trịnh Đình Dũng trước đây là Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên trong 6 bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ xử lý tro xỉ đồng ý cho đem tro xỉ đi san lấp.

13- Tôi chú ý từ việc một hội thảo về gạch không nung của Bộ Khoa học công nghệ tổ chức tại Bình Dương, khi nhà khoa học bị ngăn cản trình bày các thành quả khoa học của mình. Viện nghiên cứu Vật liệu xây dựng là nơi đề xuất với Bộ Xây dựng về việc đem tro xỉ đi san lấp.

Sẽ có người hỏi tôi có cần dùng điện hay không. Điện cần! Nhưng phải là điện đúng nghĩa năng lượng sạch như các dự án phong điện, điện mặt trời đang được tạo điều kiện triển khai. Và phải hạn chế nhiệt điện tối đa nói chung và nghiêm cấm đem tro xỉ đi san lấp nói riêng nếu không muốn nhân lên các trường hợp thai chết lưu, quái thai, ung thư và các bệnh tật khác. Chưa kể những cuộc bạo loạn kiểu Vĩnh Tân…

Các tác hại của nhiệt điện rất dễ tìm và 13 vấn đề này vẫn chưa phải là toàn cảnh bức tranh nhiệt điện của Việt Nam. Tôi sẽ còn đấu tranh tiếp tục vì điều này! Không thể chấp nhận có thứ đại cục nào về chính trị nói chung và năng lượng nói riêng hình thành từ đánh đổi sức khỏe của người dân, sự trong lành của môi trường cả!

Nếu còn tiếp tay cho nhóm lợi ích thao túng đất nước thì chế độ cần phải nhớ rằng sinh mạng con người, bao gồm sức khỏe và tính mạng của người dân lẫn công an và quân đội đều vô cùng quý giá để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chứ không phải để quân và dân “dàn trận” đối đầu nhau như ở Bình Thuận.

Theo Facebook Nhà báo Mai Quốc Ấn

(*) Tựa bài do TTVN đặt. Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết so với nguyên bản.

Xem thêm: