Mấy chục năm qua nhưng vết hằn năm tháng vẫn chưa thể xóa nhòa trong tâm trí của những người tuổi trẻ từng đi qua chiến tranh. Đấy là kỷ niệm để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim tôi khi hồi tưởng cuộc chiến Tết Mậu Thân năm 1968. Không ai sinh ra để chịu thương đau nhưng nào ai biết khổ nạn sẽ rơi xuống tình cờ trên bước đường nhân sinh như thế nào?

tet mau than 1968
Những người mẹ, người vợ mất chồng, con trong Tết Mậu Thân 1968. (Nguồn: Keith W. Nolan)

Hồi ấy tôi đang là sinh viên mới bước vào giảng đường đại học sư phạm. Chiến tranh vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi của một thế hệ thanh niên nhưng việc học tập vì tương lai đã đẩy anh em chúng tôi miệt mài với sách vở ngập tràn. Nhưng Tết đến là những ngày vui bên gia đình êm ấm. Niềm vui được nhân lên khi biết được chiến tranh có những ngày hứa hẹn tắt đi tiếng súng theo một thỏa thuận của hai phe tham chiến. Một chút mừng vui hiếm hoi khi mà quê hương không ngừng chìm trong khói lửa.

Ngày lễ thiêng liêng ấy đã đưa tôi trở về với căn nhà nơi tôi lớn lên từ thuở tấm bé. Đó là một vùng quê êm đềm chỉ cách xa thành phố Huế chừng bảy cây số. Hương khói quê nhà cho tôi được thả hồn vào những ngày thanh bình năm xưa, ở đó tôi được rảo bước qua những con đường quanh co đầy bóng mát của tre xanh, được sống với những người làng quê dân dã, chân chất sao mà đáng yêu đến thế. Chỉ được ngày đầu năm yên ả trôi qua trên từng bước chân tung tăng của đàn em bé ngoài hiên nhà cùng vài tiếng pháo lẻ loi vang lên cuối xóm. Những cơn mưa phùn mang đến gió lạnh đầu năm khiến người dân nghèo thu mình trong từng mái tranh nhỏ nhoi nhưng nhưng đầy ấm cúng.

Nhưng đó cũng là lúc mà tiếng súng từ vùng núi xa dồn dập rót vào thành phố, chẳng mấy chốc làm đổ nát di tích trong cổ thành, nhà cửa tan hoang trên từng con phố và khói hương ngày Tết cũng chìm mất dưới làn khói đạn tơi bời. Khắp thành phố vang lên tiếng kêu thương, từng đoàn người lũ lượt bỏ nhà cửa rủ nhau chạy về vùng yên tĩnh. Nhưng có nơi nào mà không vang tiếng súng? Nhà cửa hoang tàn và những khuôn mặt thảng thốt lầm lũi trên những con đường loang dấu đạn bom. Chiến tranh đến tận từng ngôi nhà, từng con hẻm, từng am miếu bên đường. Bom đạn từng ngày vẫn không ngơi rơi xuống thành phố êm đềm và cổ kính của tôi. Lá cờ trên đỉnh Phú Văn Lâu đã thay đổi. Và trong mưa gió, ngọn cờ ấy tung bay được 25 ngày đêm để rồi cuối cùng không còn nữa. Lá cờ được kéo lên thì những phận người ngã xuống. Mà không chỉ đôi người, chục người, trăm người mà cả ngàn người tan tác chôn vùi thân xác đầy oan khiên. Trong cơn gió mùa xuân, những oan hồn lạnh lẽo nghe chừng như còn lẩn khuất đâu đây.

Huế của tôi năm Mậu Thân là như thế. Mà không chỉ có ở thành phố. Làng quê tôi một ngày kia cũng trở thành vùng đất dữ. Một buổi sáng mưa nhẹ, tôi bước ra xóm chơi, bỗng thấy một đoàn thiếu nhi cùng mặc áo xanh, quấn khăn rằn, đi qua. Chợt nhận ra anh bạn học luật khoa năm nào dẫn đầu các em. Đây là người đã bị cảnh sát săn lùng, tìm bắt ngay trong trường luật, nhưng anh ta khôn khéo leo ống nước xuống sân trường chạy trốn. Nhận ra tôi anh ta mỉm cười, thì ra đó là đội văn nghệ xung kích thiếu nhi lầm lũi đi trong mưa lạnh.

Cũng đến lúc làng quê sẽ điêu tàn khi thành phố đã được chiếm lại. Đó là một buổi chiều tôi thoáng thấy một đoàn người mặc thường phục dẫn nhau đi, theo sau mấy anh du kích. Họ là ai và đi đâu? Nhìn dáng người thiểu não, thất thần, có thể biết được đó chính là những công chức của chính quyền Sài Gòn. Họ bị bắt khi thành phố thất thủ. Họ đi xuyên qua làng quê tôi để đến một vùng xa hơn ở miệt biển. Có lẽ vì trải qua đoạn đường mệt mỏi nên tất cả được lệnh vào nghỉ chân ở đình làng vào buổi xế trưa. Chính vào thời điểm ấy một chiếc trực thăng quần thảo bên trên sân đình rồi những loạt súng vang lên. Không khí hoảng loạn đã đẩy đoàn người vừa đến bỏ chạy tán loạn ra bốn phía. Ngay sau đó, một máy bay chiến đấu được gọi đến; nó bay thấp từ đầu làng đến cuối xóm trong tiếng gầm thét đầy kinh hãi. Không phải những tiếng súng nữa mà từng loạt bom trút xuống những ngôi nhà chung quanh đình làng. Gia đình tôi vội vã chạy vào hầm trú ẩn được dựng sát ngay ngôi nhà rường cổ kính. Khi tám người vừa vào trong hầm thì một tiếng nổ lớn vang lên bên tai. Tôi không còn biết gì nữa, thì ra tôi đã bất tỉnh. Một lúc sau mới nhận ra tôi đang bị đè bẹp bởi lớp ván nặng trên lưng, căn nhà rường đã bị trúng bom và căn hầm trú ẩn đã đổ nhào xuống. Tiếng kêu la của ai đó không thoát ra nổi căn hầm giờ chỉ còn là mấy cây cột xiêu vẹo bên mấy thân người đổ gục kề nhau với đất đai vương vãi. Căn hầm bị thổi bay lớp đất dày hơn một mét, biến dạng và tối thui. Tôi thấy đau nhức cả mặt, cả đầu và sống lưng. Khi tỉnh ra thì chợt nghe tiếng đại bác dồn dập bắn vào làng từ phía biển. Đấy là những chiếc tàu hải quân từ cửa biển Thuận An rót vào. Sau những loạt đạn pháo là sự im lặng như nín thở của một làng quê đầy ắp người vui chơi rộn rã vào thời gian trước đó không lâu. Giờ đây cả làng quê chờ đợi phút giây không còn tiếng đạn bom để bước ra nơi trú ẩn để thở than nhìn xóm quê tan tác.

Tôi ngồi bệt trong không gian tăm tối và nóng bức, ngột ngạt và cảm thấy đuối sức không còn thở nổi. Chiếc áo ấm tôi đã xé từ lúc nào để tránh cái nóng hầm hập trong không gian kín bưng như thế. Chợt tôi liếc mắt nhìn nghiêng, một tia sáng nhỏ nhoi rọi xuống từ kẽ hở trên đầu. Tôi vội lấy sức tàn rút những sợi rơm lót trên bộ ván trước khi đổ lên đó một lớp đất dày, ôi mừng quá, vì nhận ra còn có chút không khí để thở. Dần dần vẳng lên tiếng nói của ai đó đến gần. Có tiếng khóc thút thít bên trên, tiếng mẹ tôi kêu gào hàng xóm đến giúp đỡ để lôi kéo những thân người từ dưới lớp đất lên trên. Chao ôi, trong số tám nhân mạng trong hầm giờ chỉ có năm người sống sót. Ba người đã trút linh hồn khi đất đá vùi dập họ ở ngay tại cửa hầm: ba mẹ con đã ra đi không một lời trăng trối. Căn nhà rường bề thế giờ đã tan hoang, thay vào nơi đó là một hố sâu xâm xấp nước và đủ rộng để có thể xoay trở một con đò. Tôi biết điều đó do mẹ tôi kể lại sau này, còn ngay lúc đó thân tôi mềm nhũn, ý thức mờ ảo, đôi mắt đỏ ngầu không mở được vì khuôn mặt sưng vù do cây cột va đập. Một người hàng xóm cõng tôi trên lưng đi về nhà người quen phía cuối xóm, xin tá túc qua đêm cũng trong một căn hầm khác. Ơn trời, chiều hôm đó mẹ tôi ra khỏi nhà để đến chơi với người quen nên được an toàn. Nhưng khi bước về nhà, nhìn chung quanh mẹ tôi thấy nhiều căn nhà cũng tan hoang như thế; có căn hầm chứa cả gia đình cũng hứng nguyên một trái bom, chục mạng người đều tan xương nát thịt trong tiếng khóc thảm thiết của người thân.

Một đêm đau đớn kinh hoàng trong đời người. Cơn đau khiến tôi không thể nhúc nhích và nằm yên không ngủ được. Về khuya những tiếng súng đì đùng dội về từ xa trong tiếng côn trùng nghe thảm não. Và rồi đêm cũng qua mau trong niềm mong mỏi sẽ được chữa bệnh để trở về với bạn bè, lớp học. Từ sáng sớm, không còn gì ngoài bộ đồ dính bùn đất, tôi gắng gượng bước đi về nhà thương, một tay cầm gậy, tay kia tựa vào đứa em chừng 12 tuổi, cũng tự căn hầm bước ra. Hai anh em khó khăn cất từng bước chân nặng nhọc và đau đớn trên con đường đá vắng người. Chiến tranh từ thành thị đã lan ra vùng quê nên vài ngôi làng xa xa trên đường đi vẫn còn tiếng súng nổ vang và tiếng máy bay gầm thét. Tôi đã thấy một bé gái từ trong làng công giáo gánh trên vai đôi thúng, trong đó ở hai đầu là hai đứa bé chừng 2 tuổi, thân hình bị bỏng cháy sau một đợt bom napalm. Bé đi về nhà thương cũng như tôi. Ôi chao, xót xa nào bằng! Tôi cũng không hiểu được sức mạnh kỳ lạ nào đã cho tôi bước đi được trong tình trạng như thế. Hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi qua đò ngang rồi cũng lê bước về bệnh viện. Vào đây thật không thể hình dung những người bị thương nhiều đến thế. Bệnh viện lớn nhưng không còn giường để nằm vì nạn nhân từ mọi nơi về quá đông. Tôi được đưa vào phòng quang tuyến X để chụp xương sống. Bác sĩ cho giấy chứng thương cùng toa thuốc, ghi bằng tiếng Pháp “fracture du 2ème vertèbre lombaire” (gãy xương sống lưng thứ 2), thương tật 61%. Tôi lủi thủi ra về, đi qua chiếc phà của quân đội đặt tạm gần cầu Trường Tiền vì cầu đã gãy một nhịp. tá túc nhà của người dì ở thành phố. Theo lời dặn của bác sĩ, tôi phải uống calcium corbière và nằm yên trên giường thêm một tháng rưỡi nữa. Trời ơi, đang học hành dở dang mà phải nghỉ dài ngày, quên hết chữ nghĩa. May mắn thay, ngôi trường của tôi vẫn còn nguyên vẹn nhưng trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm nạn nhân chiến cuộc. Trong tình cảnh bom đạn ấy, nhiều bàn ghế của lớp học, sách vở của thư viện được làm củi đốt để người dân có miếng cơm lót lòng. Thật đau xót nhưng chiến tranh là như vậy. Thời điểm ấy, trường cũng chưa hoạt động trở lại nên khi xong bệnh thì cũng là lúc bạn bè vừa kịp ổn định cuộc sống và việc học hành. Nhìn quanh các lớp học thấy vắng đi một số bạn, Phan Như bị gãy xương vai, Thuận thì đã bỏ mình vì bom đạn, Yên Thi đi vào rừng, Hoàng Hòa sau đó cũng bị tù ở Côn Đảo…

Thời buổi chiến tranh mỗi người bị rơi vào một tình cảnh nghiệt ngã khác nhau, có thể họ có nhiều chọn lựa khác nhau. Nhưng trên hết, lý tưởng của lớp người trẻ là tâm nguyện được phục vụ đất nước với tấm lòng sắt son, mong ước góp phần đem lại tương lai tươi sáng cho quê hương sau ngày chinh chiến. Thế hệ chúng tôi trải nghiệm và ước vọng như thế đó, cho nên được sống sót sau trận bom là một ân huệ nồng thắm của số phận riêng tôi!

Nguyễn Phú Yên

Đăng lại từ bài viết đăng trên báo Người Đô Thị, Xuân Mậu Tuất 2018 dưới sự đồng ý của tác giả.

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu và trao đổi có thể liên lạc tác giả qua Facebook: Nguyễn Phú Yên.

Xem thêm: