Kể từ khi đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát ở Vũ Hán Trung Quốc đến nay đã qua hơn 3 năm. Thời gian này, điều mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tự đắc là dùng thành quả chống dịch bệnh để làm nổi bật tính ưu việt thể chế của chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc. Giờ đây, giấc mộng của ông có thành không?

Tap Can Binh 1
Ông Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 4/2022 (Ảnh: Shag 7799 / Shutterstock)

Ba năm chống dịch là ‘phim bom tấn’ Trung Quốc do đích thân ông Tập Cận Bình viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất, kinh phí hàng chục tỷ USD, khiến thế giới phải chăm chú.

Ba năm này đại thể trải qua vài giai đoạn.

Giai đoạn 1 có thể xem từ cuối năm 2019 – 3/2020 khi bắt đầu bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán. Khi đó ông Tập Cận Bình không biết phải làm gì, khiến Trung Quốc và thế giới hoang mang. Ông Tập không ló mặt lên tiếng trong suốt 3 tháng, khi bình minh chiến thắng hé lên từ phong tỏa Vũ Hán thì ông Tập mới xuất hiện và phát biểu rằng chính ông đã “trực tiếp chỉ đạo và triển khai”. Không lâu sau khi xuất hiện, ông Tập đã viết lại tường thuật về sự bùng phát của virus Vũ Hán, chỉ định nguồn gốc của virus và quy kết trách nhiệm, theo đó bầy sói của ông nhanh chóng vào cuộc đổ lỗi cho Mỹ và Ý.

Giai đoạn 2 là từ tháng 4/2020 – 2021, có thể là giai đoạn mãn nguyện nhất đối với ông Tập trên cương vị lãnh đạo cuộc chiến chống COVID-19. Tháng 9/2020, khi dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, ông Tập đã tổ chức họp tuyên dương thành tích chống dịch của mình. Ông nhấn mạnh tại cuộc họp rằng “cuộc chiến chống COVID-19 đã đạt được những thành quả chiến lược quan trọng, thể hiện hết ưu điểm sự lãnh đạo của ĐCSTQ và hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc”; thể hiện mạnh mẽ vai trò của Đảng và khả năng tổ chức huy động phi thường của hệ thống xã hội chủ nghĩa, cho thấy tính ưu việt của hệ thống quản trị này… Với thành tựu đó, không có gì lạ khi ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) – nhà ngoại giao chiến lang nổi tiếng của ĐCSTQ – tự hào nói với các phóng viên nước ngoài rằng: “Các bạn có thể tận hưởng niềm vui sống ở Trung Quốc ngày trong thời dịch COVID-19″.

Giai đoạn 3, từ đầu năm đến cuối năm 2022, tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Tháng 4 dịch bệnh bùng phát ở Thượng Hải khiến người dân Thượng Hải lâm khổ nạn vì thành phố bị phong tỏa, vậy là ông Tập Cận Bình lại không lộ diện lên tiếng kéo dài vài tháng. Vào tháng 10, cuối cùng ông Tập đã được bầu lại làm nhà lãnh đạo số một của Trung Quốc, những người đang gặp khó khăn vì việc phong tỏa thành phố muốn thở phào và hy vọng phong tỏa sẽ được nới lỏng. Thật bất ngờ, dịch bệnh tưởng như được kiểm soát tốt thì đột ngột mất khả năng kiểm soát. Ngày 7/12, ĐCSTQ bất ngờ bỏ phong tỏa xã hội trong bối cảnh dịch bệnh đang ngoài tầm kiểm soát. Sau dỡ bỏ triệt để phong tỏa xã hội là cảnh cộng đồng hứng chịu làn sóng lây lan COVID-19 trên quy mô lớn, kiếp nạn khắp nơi, vậy là ông Tập Cận Bình lại có thời gian dài không ló mặt, không lên tiếng. Thật khó tưởng tượng khi gần như cùng lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc bị sốt và ho, nhiều người bệnh nặng không mua được thuốc cũng không vào được bệnh viện vì quá tải, nhiều người chết mà không thể kịp thời lo hậu sự… Những khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp đó cho thấy cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 vào năm 2022 của ĐCSTQ thành trường hợp thất bại kinh điển.

Trách nhiệm thất bại trong cuộc chiến chống dịch năm 2022 không ai khác ngoài ông Tập Cận Bình. Thất bại này minh chứng chuyện ông Tập mang vấn đề sức khỏe, vốn cần được giải quyết bằng khoa học y học nhưng bị nhà cầm quyền móc nối vào vấn đề ưu thế của chế độ chính trị, là ảo tưởng! Chống dịch năm 2022 không những không cho thấy ưu việt thể chế mà ông Tập muốn chứng minh, mà làm nổi bật hàng loạt điểm tiêu cực về thể chế ở Trung Quốc: Kiểu quyết sách toàn trị độc đoán do một người quyết định, kiểu chống dịch bệnh bất nhân phản khoa học không xem con người là người, kiểu hệ thống tuyên truyền chỉ đưa tin vui chứ không đưa tin buồn, kiểu bộ máy tuyên bố ‘thượng tôn nhân dân’ nhưng hành động thực tế do cá nhân chuyên quyền dẫn đến báo láo và bưng bít thay đen đổi trắng… Ngoài ra, để thể hiện ưu điểm của thể chế, chính quyền Bắc Kinh thà để người dân sử dụng vắc-xin trong nước kém hiệu quả và lây lan dịch bệnh chứ không nhập khẩu vắc-xin ngoại có hiệu quả cao. Ngược lại với phương Tây, Mỹ và châu Âu đã hết dịch và trở lại bình thường sau 3 năm chống dịch nhờ vắc-xin, thuốc đặc hiệu và các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Như vậy bên nào ưu việt hơn chẳng phải đã rõ ràng?

Việc thảm bại trong cuộc chiến chống COVID-19 vào năm 2022 cũng chứng tỏ ông Tập Cận Bình có nhiều sai lầm lớn trong việc điều hành đất nước. Ông Tập tưởng rằng sẽ bất khả chiến bại bằng cách tự mình chỉ đạo và triển khai, nghĩ rằng chỉ cần hô vang khẩu hiệu “nhân dân trên hết, mạng người trên hết”, “nhân dân chấp thuận” là có thể được đồng cảm từ hàng trăm triệu người dân thường đang vật lộn trong đau khổ sinh tử. Ông Tập Cận Bình ảo tưởng Trung Quốc có thể nổi lên thành anh cả thế giới nhờ tuyên bố “Đông lên Tây xuống“, rằng Trung Quốc phòng chống dịch bệnh tốt hơn Mỹ, rằng thời của Mỹ sẽ kết thúc. Ông Tập ảo tưởng chỉ cần tuyên bố chống dịch COVID-19 của Trung Quốc minh chứng thể chế của Trung Quốc ưu việt hơn phương Tây đồng nghĩa là điều đó là sự thật. Ông Tập ảo tưởng khi truyền thông chính thống dưới trướng ca ngợi khả năng quản trị vô song của Tập Cận Bình đồng nghĩa đó là thực tế.

Ông Tập Cận Bình đã và đang sống trong ảo mộng hão huyền do chính ông thêu dệt nên. Kịch bản thảm họa vào năm 2022 là hệ quả tất yếu?!

Chu Phổ
(Bài viết thể hiện góc nhìn của cá nhân tác giả, được đăng trên Đài RFA.)