Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em xảy ra thời gian qua tại Việt Nam khiến dư luận vô cùng căm phẫn và bức xúc. Có hàng trăm nghìn bình luận bày tỏ sự tức giận dành cho những kẻ bạo hành. Chính nghĩa dường như tràn ngập khắp nơi. Thế nhưng tại sao bạo hành vẫn tiếp tục xảy ra và những đứa trẻ tội nghiệp vẫn ngày qua ngày gánh chịu đòn roi và những thứ còn tồi tệ hơn thế?

bao hanh tre em
Cần chấm dứt bạo hành trẻ em (Ảnh: trongtre.net)

Rõ ràng là cái ác sẽ không thể diễn ra trong mảnh đất của thiện lương, trong một môi trường mà con người thật lòng quan tâm đến nhau. Cái ác chỉ có đất sống ở những nơi nhiều thù hận, ganh ghét và đặc biệt là nhiều sự vô cảm. Vậy chúng ta có vô cảm không? Hàng chục nghìn bình luận trên mạng dường như mang đến một cảm giác rằng chúng ta nào có vô cảm, chúng ta bất bình và lên án cái ác thật mạnh mẽ, thế nhưng sự thật là rất nhiều người bày tỏ căm phẫn cái ác trên mạng còn với cái ác ngoài đời thực thì dửng dưng né tránh.

Vụ cháu bé 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế hành hạ trong suốt 2 năm trời gây chấn động dư luận vừa qua tại Hà Nội là một minh chứng cho điều này. Ròng rã 2 năm, một đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn bị buộc nghỉ học, bị cách ly khỏi ông bà và mẹ đẻ, thường xuyên bị bỏ đói, bị đánh đến mức người chằng chịt sẹo mới sẹo cũ, lại sống ngay giữa một khu vực sầm uất của thủ đô mà tất cả mọi người xung quanh em dường như không hay biết, chỉ khi em vùng vẫy trốn thoát được thì tất cả mới được đưa ra ánh sáng.

Những người thầy cô trường cũ của em đã làm gì khi thấy học sinh của mình đột ngột nghỉ học? Người mẹ đẻ cho dù biện minh rằng mình cũng đã nỗ lực đi gặp con mà không được thì phải chăng cũng có phần thiếu trách nhiệm? Những người ở gần em nhất, những người hàng xóm, họ đã làm gì? Họ thỉnh thoảng nghe tiếng em la hét nhưng không đi tìm hiểu xem sự tình ra sao; họ không thấy em ngày ngày đi học và đi ra ngoài chơi như bao đứa trẻ khác nhưng cũng không hỏi han. Phải chăng khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì cổng mỗi nhà cũng ngày một đóng chặt, sự quan tâm dành cho nhau cũng ngày một vơi dần đi.

>> Khởi tố cha ruột, mẹ kế bạo hành con trai 10 tuổi

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ,” “Thương người như thể thương thân,” nhưng trong xã hội hiện nay liệu còn mấy ai làm được việc đó. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật dần dần khiến người ta mạnh ai nấy sống, chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân mình. Người ta vì bảo vệ lợi ích bản thân mà ngại va chạm, sợ phiền toái và liên luỵ. Cái đáng sợ không phải là kẻ xấu, mà cái đáng sợ là khi người được coi là tốt làm ngơ và im lặng trước cái xấu, để cái xấu mặc sức hoành hành. Đó là một biểu hiện của vô cảm, là việc gián tiếp tiếp tay cho cái xấu, cái ác.

Sự vô cảm khiến con người ta quên đi trách nhiệm giúp đỡ người bị nạn. Không chỉ là những trường hợp khó phát giác như những cháu bé bị bạo hành trong bóng tối, những cháu bé bị đánh thuốc cho ngủ mê man để kẻ lợi dụng dễ bề xin tiền người qua đường; mà ngay cả những sự việc hiện hữu ngay trước mắt thì họ cũng vô tình bước qua. Chắc hẳn chúng ta cũng đã được chứng kiến những đám đông trên đường khi có tai nạn xảy ra. Người giúp thì ít, đều sợ liên luỵ, kẻ hiếu kỳ xúm vào xem rồi bỏ đi thì nhiều, thậm chí có kẻ còn vô lương tâm hơn khi lợi dụng cơ hội đánh cắp tài sản của người bị nạn.

Điều đáng sợ trong xã hội hiện nay là căn bệnh vô cảm dường như không chỉ tồn tại ở một vài cá nhân riêng lẻ mà đã lây lan vào mọi tầng lớp. Thấy kẻ móc túi trên xe buýt, liệu mấy người dám lên tiếng; thấy có cô nữ sinh bị đánh hội đồng đến chảy cả máu, liệu đám bạn học có can ngăn hay lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi bạo hành trẻ em vẫn cứ liên tục xảy ra như bất kỳ một việc làm xấu nào khác bất chấp luật pháp, bất chấp tuyên truyền, bởi tất cả chỉ là bề nổi, nó không động chạm đến tâm can họ, nó không đủ sức đánh bật những tế bào “vô cảm” đang len lỏi xâm chiếm con người họ.

Vô cảm không chỉ là một hiện tượng, nó là một căn bệnh nan y. Nó biến con người trở thành vô tình lạnh lùng như những cỗ máy, vô trách nhiệm với xã hội, vô lương tâm với đồng loại của mình. Nếu căn bệnh này không được ngăn chặn thì đạo đức xã hội sẽ ngày một suy đồi, dần dần người ta rồi sẽ tê liệt khả năng phân biệt thiện – ác, tốt – xấu, đúng – sai. Hãy nhìn vào những tin về gương người tốt việc tốt chẳng được mấy ai quan tâm, chìm nghỉm giữa các scandal tình tiền, những status vô nghĩa nhưng hàng chục nghìn lượt “thích” chỉ vì nó là của người nổi tiếng nào đó, để thấy rằng các giá trị được đám đông theo đuổi đang đảo lộn thế nào, thấy được sự vô cảm trong xã hội đã trở nên đáng báo động như thế nào.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm. Về mặt chủ quan, đó là việc mất niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp xung quanh; là sự ích kỷ; là chủ nghĩa cá nhân; là việc sợ trách nhiệm v.v khiến các giá trị đạo đức của bản thân dần bị mai một, thậm chí bị triệt tiêu. Về mặt khách quan, sự vô cảm còn bắt nguồn từ những bất công trong xã hội không thể giải toả, từ những hành xử lạnh lùng vô tình của những người xung quanh, khiến cá nhân cũng dần dần bị cuốn theo và coi đó là bình thường.

Liều thuốc để chữa bệnh vô cảm không đâu xa mà nằm tại chính trong mỗi con người chúng ta. Tìm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, học cách cho đi nhiều hơn, quan tâm giúp đỡ người khác là những cách mà chúng ta có thể học và thay đổi bản thân. Đồng thời, nếu như mỗi người đều dám đứng lên chống lại cái xấu không phải chỉ trên mạng mà ngay tại đời thực, thì đó mới là nền tảng để xây dựng một nhân cách chính trực, giàu tình nghĩa, giàu lòng trắc ẩn. Bảo vệ trẻ em, xây dựng một tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau không phải chỉ trong việc ngăn chặn cái ác, xử lý cái ác, mà chính là sự thay đổi về giá trị sống hướng đến thiện lương mà mỗi người chúng ta tự ước thúc để thay đổi trước nhất chính bản thân mình.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: