Một trong những điều được coi là đặc sản của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có lẽ chính là những gì diễn ra sau khi có kết quả. Thông thường, người công bố kết quả sẽ là một phóng viên nào đó của CNN với dòng chữ “President-Elect: XYZ”. Đó là lúc nước Mỹ biết chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Sau đó sẽ là lúc mà tâm điểm của báo chí rời khỏi các phòng phiếu và quay trở lại với hai nhân vật chính của buổi tiệc. Trong ánh đêm của thành phố quê nhà, ứng cử viên chiến thắng, vị tổng thống vừa đắc cử (President Elect) sẽ bước lên đọc bài phát biểu chiến thắng trong tiếng hò reo của những người ủng hộ. Sẽ có những lời tri ân cử tri, những lời hứa về một tương lai tốt đẹp hơn, và trên hết là lời ngợi ca ứng cử viên thua cuộc. Bài diễn văn chiến thắng thường cũng sẽ mở đầu với thông tin rằng cách đây không lâu, vị tổng thống đắc cử đã nhận được cú điện thoại chúc mừng từ chính đối thủ của mình. Cuộc điện thoại đó (concession call) xem như là bước đầu để chấm dứt cuộc đua kéo dài hơn 1 năm với nhiều chia rẽ.

Tại đại bản doanh của vị ứng viên thất cử, đó sẽ là sự im lặng và nỗi thất vọng bao trùm. Không một ứng cử viên nào dù thất thế nhất bước vào buổi sáng bầu cử mà không tin rằng mình sẽ chiến thắng. Ứng cử viên thất cử năm 2000 Al Gore từng nói đó là đêm khủng khiếp nhất đời ông, khi tất cả mọi thứ gần như trống rỗng. Nhưng ứng viên thất cử vẫn phải trấn tĩnh bản thân để làm hai điều. Đầu tiên, ứng viên này phải gọi cuộc điện thoại chúc mừng tổng thống đắc cử. Và sau đó, kẻ thua cuộc sẽ phải bước ra hội trường nơi những người ủng hộ mình vẫn đang ở đó để chia sẻ nỗi buồn thất cử. Kẻ thua cuộc sẽ phải đọc một bài diễn văn chấp nhận thua cuộc (concession speech). Truyền thống đọc bài diễn văn chấp nhận thua cuộc có lẽ bắt đầu từ buổi họp báo ngắn mà Richard Nixon tổ chức sau khi ông biết mình đã thất bại trước Kennedy năm 1960. Từ đó đến nay, nó đã trở thành thông lệ như một tuyên bố của kẻ thua cuộc từ bỏ cuộc đua, chấp nhận tính chính danh của vị tổng thống mới, và đặc biệt hơn là kêu gọi hàn gắn những chia rẽ mà nước Mỹ phải chịu sau hơn 1 năm tranh cử. Nhiều người đánh giá rằng chính bài diễn văn chấp nhận thua cuộc mới là đỉnh cao của sự tử tế chính trị, tinh thần dân chủ và vì cái chung của các ứng cử viên.

Chỉ duy nhất năm 2000, Al Gore đã không bước ra đọc bài diễn văn chấp nhận thua cuộc, dù trước đó ông đã gọi điện thoại chúc mừng George Bush. Lý do đó là vì Al Gore tin rằng việc kiểm phiếu ở bang Florida đã sai và ông yêu cầu một cuộc kiểm phiếu lại. Cuộc chiến pháp lý sau đó kéo dài hơn một tháng cho đến khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đưa ra một phán quyết có lợi cho Bush. Lúc đó, Gore mới chính thức chấp nhận thua cuộc.

Còn vài tiếng nữa, nước Mỹ sẽ biết ai là chủ nhân tiếp theo (và có thể là chủ nhân cuối cùng?) của Nhà Trắng. Ứng cử viên Donald Trump trong lần tranh luận thứ 3 đã không trả lời rõ ràng câu hỏi liệu ông có chấp nhận đọc bài diễn văn thua cuộc hay không. Trump cũng đe doạ sẽ điều tra Clinton nếu ông trở thành Tổng thống. Chính vì thế, ngoài việc tò mò kết quả của cuộc bầu cử, chắc hẳn nhiều người cũng mong ngóng chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho kẻ thua cuộc của lần bầu cử năm nay.

14991923_10154712016749532_8433257233137220854_n
Lời của ứng cử viên tổng thống thất cử John McCain năm 2008 sau khi ông thất bại trước Barack Obama. Giữa hàng vạn người ủng hộ, McCain tuyên bố rằng: “Tôi nguyện chúc cho người đã từng là đối thủ của tôi và nay sẽ là tổng thống của tôi.”

Vào năm 2012, ứng cử viên thất cử Mitt Romney quá tự tin đến mức không viết bài diễn văn thất cử của mình, nhưng ông vẫn bước ra và tuyên bố chấp nhận thua cuộc ngay khi kết quả được công bố.

Thường thì các ứng cử viên tổng thống sẽ bỏ phiếu khá sớm. Năm nay, Clinton bỏ trước Trump 2 tiếng đồng hồ. Mike Pence, ứng cử viên phó tổng thống liên danh với Trump, thì … đạp xe đến nơi bỏ phiếu.