Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, chiến tranh không còn là chuyện riêng của 2 bên, mà thường có nhân tố ở tầng sâu của nhiều mối tương quan đằng sau. Ví như cuộc chiến Nga – Ukraine hiện nay, đáng chú ý có ít nhất 5 mối tương quan gồm: Ukraine và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Ukraine và Mỹ, Nga và ĐCSTQ, Nga và NATO, Nga và Ukraine.

chiến tranh Nga Ukraine 2
(Từ trái sang) Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Ảnh ghép từ: Wikimedia, Shutterstock, Pixabay và chụp màn hình video)

Ukraine và Đảng Cộng sản Trung Quốc

Về vấn đề Ukraine và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Giáo sư Dư Mậu Xuân, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Tự Do tại Đài Loan có một đoạn khiến người ta phải suy nghĩ sâu thêm. Ông nói:

“Ukraine đã có mối quan hệ rất mập mờ với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, và họ đã vận chuyển lậu vào Trung Quốc rất nhiều sản phẩm công nghiệp quân sự do Nga sản xuất, tàu sân bay, tàu chiến cho đến động cơ máy bay ném bom hạng nặng. Về cơ bản Ukraine cho là miễn phí (hoặc giá rẻ) cho ĐCSTQ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Chính phủ Ukraine cũng nên học một bài học, đó là không được đi theo con đường trung gian với ĐCSTQ.”

Ukraine và Mỹ

Về Ukraine và Hoa Kỳ, có hai việc có thể thuyết minh vấn đề: Thứ nhất là vào tháng 12/2015, ông Biden, khi đó là Phó tổng thống Mỹ, đã đến thăm Ukraine và đe dọa giữ lại 1 tỷ USD mà Mỹ viện trợ cho Ukraine, buộc Ukraine phải sa thải Trưởng Công tố Viktor Shokin vì đã điều tra vụ án tham nhũng của Burisma mang lại lợi ích cho con trai ông là Hunter Biden.

Thứ hai là Ukraine đã được sử dụng như một con cờ chống Trump trong cuộc bầu cử Mỹ. Mặc dù Tổng thống đương nhiệm của Ukraine là ông Zelensky thanh minh rằng ông không bị “tống tiền” trong cuộc điện đàm với ông Trump, kế hoạch luận tội “thông đồng Nga” do phe chống Trump tung ra đã không đạt được mục đích. Nhưng khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, hàng loạt chính sách của ông Zelensky rất giống với nước Mỹ hiện nay. Và những chính sách này, dẫn lời của một người Ukraine gốc Hoa tóm tắt như sau:

“Chính phủ của Zelensky đưa ra dự luật, ủng hộ LGBT, chi 666.000 hryvnia (tiền tệ của Ukraine) để đưa các phim hoạt hình tuyên truyền đồng tính vào các thư viện dành cho trẻ em (666 là biểu tượng của chủ nghĩa Satan ở phương Tây), ký dự luật buộc dân chúng tiêm loại vắc-xin mà chưa thông qua thử nghiệm, cưỡng chế thông qua dự luật làm triệt tiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ và nông nghiệp; tăng giá nhà đất lên gấp mấy lần, nếu người dân không đóng được các chi phí thì chính quyền sẽ cưỡng chế tịch thu nhà bán đấu giá … “

Tóm lại, cho dù đó là đường lối cánh tả đỏ thân ĐCSTQ hay đường lối cánh tả trắng thân phương Tây của Ukraine, cả hai đều không phải là con đường chính trực. Đã không phải là con đường chính trực thì cũng ắt gặp phải gập ghềnh. Sự phản bội và bị lợi dụng là biểu hiện trực tiếp của vấn đề này. 

Nga và ĐCSTQ

Liên quan đến Nga và ĐCSTQ, có một số chuyện khiến người ta trở nên rối tung. Đầu tiên có thể nói, lập trường của ông Putin là chống chủ nghĩa Cộng sản. Cũng tức là nói rằng hình thái ý thức (hệ tư tưởng) của ông khác với ĐCSTQ. Do đó, sự tương tác của Putin với ĐCSTQ dường như không được hiểu trực tiếp là cùng chí hướng. Cách nói chính xác hơn đó là Nga đang lợi dụng ĐCSTQ chứ không phải sự thân thiện thực sự. Sự thân thiện kiểu Nga là gì? Nhìn vào màn trình diễn của ông Putin trong chuyến thăm Ấn Độ thì có thể thấy sự thân thiện của Nga như thế nào. Bạn cũng biết rằng tương tác giữa Nga và ĐCSTQ đầy chiếu lệ, lợi dụng và thiếu tin tưởng. Giống như gấu Bắc Cực gặp gấu Pooh, bạn có thực sự nghĩ rằng chúng có cảm giác là đồng loại? Trong đó có chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin trước Thế vận hội Mùa đông, ngoài đơn đặt hàng 500 tỷ nhân dân tệ là ‘tiền tươi thóc thật’, tiệc chiêu đãi sau lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông thậm chí còn không được ông ấy “nể mặt” tham dự.

Tất nhiên, dù vì lý do gì thì việc gấu Bắc Cực tay trong tay với gấu Pooh, hiển nhiên không phải là cục diện tốt, nhưng tình huống này không phải là không thể tránh khỏi. Ít nhất khi ông Trump còn nắm quyền, ông ấy đã cố gắng cải thiện quan hệ với ông Putin. Sự cải thiện này không phải là kết nối với Nga, mà là mong muốn làm dịu quan hệ với Nga, như thế mới có thể tập trung tốt hơn vào cuộc chiến toàn cầu chống lại ĐCSTQ. Tuy nhiên, chính sách của chính quyền Mỹ hiện tại khác với chính sách của chính quyền Trump trước đó, và sự thù địch đối với Nga cũng trực tiếp khiến gấu Bắc Cực cân nhắc ngả về phía gấu Pooh để được ấm áp, có (chỗ dựa) còn hơn không.

Nga và NATO

Liên quan đến ân oán giữa Nga và phương Tây, trước tiên hãy nói xa một chút, trên mạng có lan truyền rộng rãi một đoạn bình luận “Các phương tiện truyền thông chính thống sẽ không cho bạn biết về ân oán giữa phương Tây và Nga”. Bình luận này đã tổng kết 4 lần mâu thuẫn Nga – phương Tây từ thời Sa hoàng Alexander I đến thời Putin, và tổng kết tình hình Nga – phương Tây ngày nay là kết quả của những thay ‘đổi về lượng’ của 4 lần mâu thuẫn trong lịch sử. Có nghĩa là, chiến tranh chỉ là bề mặt, và những ân oán tích tụ đằng sau nó mới là cội rễ sâu xa.

Nói gần hơn một chút. Trong những năm 1990, Mỹ và NATO đã hứa rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. Nhưng tình hình hiện nay là NATO tiếp tục mở rộng về phía đông, và liên tiếp có các nước khác gia nhập NATO. Nếu Ukraine gia nhập NATO nữa, đồng nghĩa với việc Nga sẽ mất vùng đệm chiến lược cuối cùng. Về vấn đề này, xét từ góc độ của Ukraine, thì đó là để tìm kiếm sự bảo vệ, nhưng từ góc độ của Nga, thì việc này đã trở thành một mối đe dọa lớn. Nó cũng tương tự cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, tức là việc Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba đã gây ra sự lo lắng tột độ cho Mỹ. Trên đây là nguyên nhân gốc rễ khiến xung đột giữa Nga và NATO ngày càng leo thang. Bây giờ Nga đã bắn phát súng đầu tiên, các chính phủ phương Tây đã chờ đợi và theo dõi một thời gian và bắt đầu ủng hộ Ukraine, yêu cầu Putin ngừng bắn.

Cần phải nói rằng việc kêu gọi hòa bình và ngừng chiến tranh là đúng, nhưng điều này không có nghĩa là bên nào hô hào “hòa bình” là hoàn toàn vô trách nhiệm trong việc gây ra chiến tranh. Nói cách khác, để thực sự chấm dứt chiến tranh, cả hai bên cần thể hiện sự chân thành và giải quyết vấn đề từ căn nguyên của chiến tranh.

Nga và Ukraine

Cuối cùng, hãy nhìn Nga và Ukraine trong cuộc chiến. Chính sách văn hóa cực đoan của Chính phủ Ukraine, không cho phép những người được coi là không phải dân bản địa ở Ukraine như người Nga, người Belarus, người Do Thái, v.v, thành lập các phương tiện truyền thông và trường học sử dụng ngôn ngữ của họ. Điều này giống hệt như việc ĐCSTQ thúc đẩy giảng dạy tiếng Hán thay tiếng Mông Cổ trong các trường ở Nội Mông, giống như việc bắt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ăn thịt lợn. Kết quả là vào năm 2014, Crimea đã cùng Nga tham gia trưng cầu dân ý về độc lập, Donetsk và Luhansk ở Đông Ukraine cũng tiến hành trưng cầu dân ý thực hiện tự trị và nhận được sự ủng hộ độc lập mạnh mẽ. Ukraine không thể chấp nhận kết quả này và bắt đầu khai chiến, hai bên đều thương vong nặng nề. Năm 2015, Nga và Ukraine đã đạt được Thỏa thuận Minsk. Theo thỏa thuận, Nga và Ukraine sẽ ngừng bắn, rút ​​quân và công nhận quyền tự trị của miền đông Ukraine. Nhưng kể từ đó, Ukraine đã liên tục vi phạm Thỏa thuận Minsk và kích động chiến tranh. Chẳng hạn như vào tháng 3 và tháng 4/2021, lực lượng vũ trang Ukraine đã nổ súng vào lãnh thổ Donbass, gây ra vô số thương vong cho dân thường vô tội. Trong số các vụ thảm sát thường dân Ukraine, bạo lực nhất là Tiểu đoàn Azov, một lực lượng phát xít mới trong quân đội Chính phủ Ukraine.

Vì vậy, hiện nay khi chúng ta kêu gọi hòa bình, chúng ta cũng phải biết rằng mọi cuộc chiến tranh đều là sự tiếp nối của cuộc chiến trước đó. Nói về các lực lượng chính trị, không có bên nào hoàn toàn vô tội. Điều bị lên án là chiến tranh, điều đáng tiếc là những sinh mệnh tử nạn, và điều được khẳng định chỉ có thể là lương tâm không thể xóa nhòa trong thời buổi loạn lạc.

Ví dụ, dũng khí cùng tồn tại với Kyiv của Tổng thống Ukraine, lòng dũng cảm bảo vệ quốc gia của người dân Ukraine. Hay như đối mặt với những ngôn luận ác ý và tục tĩu của ‘tiểu phấn hồng’ ĐCSTQ làm khơi dậy tình cảm chống Trung Quốc ở Ukraine, vậy mà vẫn có những người Ukraine giúp đỡ, hỗ trợ người Trung Quốc…

Nói nhiều những điều này, không phải để giải thích một cách hợp lý cho bên nào về vấn đề chiến tranh, mà là muốn nói rằng cần có cái nhìn khách quan về các nguyên nhân của chính cuộc chiến. Việc này cũng giống như không ai thích mắc bệnh, nhưng một khi đã mắc bệnh thì phải tìm nguyên nhân thì mới biết được căn nguyên của bệnh. Không ai thích chiến tranh, nhưng khi nó xảy ra thì phải tìm nguyên nhân mới biết được nguyên nhân sâu xa. Tất cả các cuộc chiến tranh đều liên quan đến giết chóc, nhưng rất ít cuộc chiến tranh hoàn toàn vì mục đích giết chóc.

Vì vậy, lời kêu gọi hòa bình không thể chỉ dừng lại ở việc lên án hành động giết người, mà còn phải nhìn được rằng làm thế nào dẫn đến giết người thì mới thực sự ngăn chặn được nó.

Tôi còn muốn nói dù là đường lối cánh tả đỏ của chủ nghĩa Cộng sản hay hay đường lối cánh tả trắng của chủ nghĩa toàn cầu, đều không phải là chính đạo. Trên thế giới không chỉ có hai con đường, tất cả mọi người đều cần quay trở lại với truyền thống, quy chính nhân tâm thì mới là con đường đúng đắn để tránh xa chiến tranh và thảm họa.

Tống Tử Phụng
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)