Trung Quốc đã đề ra chính sách cho phép gia đình có 3 con, nhưng làn sóng công luận cho thấy xu thế người dân không hưởng ứng. Sau nỗi hoang mang vì phong trào “nằm ngửa” của giới trẻ, giờ đây Trung Nam Hải có lẽ lại phải đối diện một thực tế khác gây cản trở “giấc mơ Trung Quốc” của họ.

shutterstock 1932285113
(Nguồn: Shutterstok)

Buổi họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 31/5 đã quyết định một cặp vợ chồng Trung Quốc có thể có 3 con. Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã có bài chỉ ra chính sách nhằm giải quyết tình trạng già hóa dân số quá nhanh và hỗ trợ nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cũng lên tiếng rằng quyết định này rất kịp thời, là tín hiệu rõ ràng về việc nhà nước rất cầu thị trong nỗ lực ứng phó với nhiều thách thức hiện nay của Trung Quốc.

Nhưng dường như phản ứng về chính sách 3 con của người dân Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với tâm trạng hồ hởi của truyền thông chính thống. Tân Hoa xã Trung Quốc đã thực hiện trưng cầu ý dân trên Weibo về việc liệu mọi người đã sẵn sàng chính sách 3 con hay chưa, kết quả cuộc thăm dò cho thấy 90% người dân đã chọn không cân nhắc gì cả.  Có cư dân mạng cho biết: “Tôi đã mong đợi, nhưng không phải cho mở hoàn toàn, lẽ nào chỉ 3 con, thế hơn nữa thì sẽ ra sao? Nhưng dù hoàn toàn cởi mở hết thì cũng chẳng ích lợi gì. Tôi không mua 3 chiếc Rolls-Royce là vì không đủ tiền chứ không phải vì  bị hạn chế?”

Trước đây chính quyền Trung Quốc hạn chế sinh con, tại sao bây giờ lại thay đổi trái ngược? Tại sao giới trẻ Trung Quốc lại phản ứng tiêu cực, không muốn sinh con?

Cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng của Trung Quốc

Bỏ qua vấn đề sai lệch như thế nào trong số liệu thống kê điều tra dân số lần thứ 7 của Trung Quốc, dựa trên phân tích dữ liệu họ công bố, ít nhất cho thấy hai vấn đề chính: tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số.

Báo cáo điều tra dân số của Trung Quốc công bố ngày 11/5/2021 cho thấy, dân số Trung Quốc đã tăng với tốc độ trung bình hàng năm 0,53% trong 10 năm qua, giảm 0,04% điểm phần trăm so với tỷ lệ tăng dân số hàng năm của thập kỷ trước đó. Đồng thời, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59 tuổi trên tổng dân số là 63,35%, giảm 6,79 điểm phần trăm so với 10 năm trước đó; trong khi dân số trên 60 tuổi chiếm 18,70%, tăng 5,44 điểm phần trăm so với 10 năm trước đó.

Khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố cho sinh con thứ hai, số ca sinh trong năm 2016 và 2017 đã tăng đáng kể, lần lượt vượt 18 triệu và 17 triệu. Nhưng từ năm 2018 thì số ca sinh bắt đầu giảm, vào năm 2020 là 12 triệu, đã giảm 1/3 so với năm 2016.

Tỷ suất sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh ở Trung Quốc (tức là bình quân số trẻ sinh của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh) vào năm 2020 là 1,3. Trong một cuộc phỏng vấn của Tân Hoa xã Trung Quốc vào giữa tháng Năm, người phụ trách tổng điều tra dân số Trung Quốc lần thứ 7 cho biết, thông thường quốc tế xác định tỷ suất sinh khoảng 1,5 là mức “đường cảnh báo nhạy cảm cao”, ở dưới mức đó là rơi vào khả năng “bẫy sinh sản thấp”.

Sau khi dữ liệu điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 được công bố, Tiến sĩ Dị Phú Hiền (Yi Fuxian) – nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison, cho rằng tổng dân số của Trung Quốc chưa đến 1,28 tỷ người,  cho rộng rãi thì cùng lắm là 1,3 tỷ.

Chính sách sinh sản mới chỉ như “thêm dầu vào lửa”?

Ngay khi chính quyền Trung Quốc công bố chính sách 3 con đã lập tức thu hút chú ý của mọi tầng lớp xã hội, chủ đề về chính sách này ngay lập tức đứng đầu trong danh sách tìm kiếm trên Weibo, theo đó là vô số bình luận bày tỏ không hưởng ứng: “Ai thích đi mà sinh, tôi không sinh”, “Bây giờ khả năng trục lợi từ dân số không còn mới thúc đẩy người ta sinh…”

Chiếm áp đảo là những bình luận rằng áp lực cuộc sống quá lớn, chi phí nuôi con quá cao, thu nhập không đáp ứng được là ngọn núi cản trở người trẻ kết hôn và sinh con. Vấn đề nữa được nhiều người bức xúc chỉ ra là trước tiên hãy giải quyết những vấn đề phúc lợi cơ bản nhất và những vấn đề khó khăn trong việc làm mà phụ nữ chắc chắn gặp phải khi sinh con rồi hãy khuyến khích họ có con! Đặc biệt nhiều người chỉ trích rằng họ cảm thấy chua xót về thân phận phụ nữ, bị xem như cỗ máy sinh sản!

Trong cộng đồng mạng Twitter, người ta cũng cho biết chính sách chống con người này hoàn toàn không nên tồn tại, vấn đề hiện nay có thể xem là quả báo từ chính sách hạn chế từ trước không? Có người mỉa mai rằng vấn đề sinh con là quyền cơ bản của con người, không phải chuyện mấy ông ‘thánh tướng’ ngồi trên tự cao cao tự đại tuyên bố quyết định!

Cư dân mạng thậm chí còn đáp lại chính sách này bằng từ, “Cảm ơn, nằm ngửa là tốt nhất!”.

Làm thế nào để đánh giá hiện tượng nằm ngửa ở Trung Quốc? Có giáo sư của Đại học Thanh Hoa đã phân tích hiện tượng nằm ngửa rằng phong trào nằm ngửa này không chỉ là vấn đề của những người tầng đáy xã hội không có vốn liếng; nằm ngửa còn ý nghĩa khác là thể hiện trạng thái vô vọng, thấy vô nghĩa trước những nỗ lực phấn đấu, điều này phổ biến ở giới trẻ trung lưu hoặc những người làm việc văn phòng.

Giáo sư Quách Vu Hoa (Guo Yuhua) cũng đã viết một bài báo về việc nằm ngửa. Bà kể về những năm 1980, đó là thời đại mà Trung Quốc không có người nằm ngửa. Thời đó nông dân muốn làm giàu, công nhân muốn tăng thu nhập, doanh nhân doanh nghiệp muốn có lãi, nhà khoa học muốn phát minh, văn nghệ sĩ muốn sáng tạo, học giả và sinh viên đầy mộng mơ, các vận động viên muốn chiến đấu cho chức vô địch, ngay cả người vừa đi cải tạo ra cũng phấn đấu để trở thành hộ gia đình thu nhập tốt… Giáo sư Tôn Lập Bình (Sun Liping) kết luận rằng vấn đề mấu chốt là làm thế nào để tạo được bầu không khí xã hội có thể khuyến khích mọi người không ngại làm việc chăm chỉ và phấn đấu.

Có thể thấy, giới trẻ Trung Quốc chọn cách nằm ngửa để phản ứng trước thực tế không có hy vọng khi nỗ lực, họ chọn cách “tôi là chủ thân xác tôi”, không sinh con, tất cả đều phản ánh sự thất vọng và bất mãn của họ đối với chính quyền toàn trị.

Trung Quốc là nước không thích hợp để sinh tồn

Tôi nghĩ rằng phong trào nằm ngửa hiện đang nổi lên ở Trung Quốc là thể hiện sự thất vọng của những người trẻ đối với chính quyền, sự hoang mang về tương lai, cảm giác không còn hy vọng trong cuộc sống, và những cảm xúc tiêu cực được thể hiện phản đối theo kiểu im lặng. Điều đó trái ngược với giấc mơ của Tập Cận Bình về phục hưng dân tộc, về một quốc gia hùng mạnh thành trung tâm của thế giới, và về thể hiện tính ưu việt của mô hình “Đảng là đất nước” của tư bản Đỏ. Người dân rất tiêu cực và bất lực, nhưng Tập Cận Bình lại tự thấy hăng say; người dân rất thực tế và không muốn làm vật hy sinh, nhưng Tập Cận Bình đang suy nghĩ ngông nghênh cho rằng xu thế thế giới là phương Đông đang nổi lên thay thế phương Tây. Tôi thường chỉ ra rằng chúng ta không nên bị lừa bịp bởi những khẩu hiệu màu hồng, thanh niên Trung Quốc bây giờ không phải là Hồng vệ binh của thời Mao Trạch Đông, cái họ kêu gào chỉ là tình cảm dân tộc, nhưng họ rất thực tế và biết phân biệt đúng sai. Họ sử dụng phong trào nằm ngửa để nói với những người nắm quyền rằng họ không hài lòng và sống không hạnh phúc. Đây là nỗi buồn của Tập Cận Bình, giấc mơ đế chế đỏ của ông ta là không có cơ sở và không được hoan nghênh. 

Chuyện những người trẻ tuổi không muốn có con tưởng như là vấn đề cá nhân từng người, nhưng nó thực sự là một vấn đề xã hội, thậm chí còn là một vấn đề mà ĐCSTQ lo ngại. Bởi vì giới trẻ không có con thì đất nước sau này lấy ai  làm vật hy sinh giúp đế quốc Đỏ trỗi dậy? Cho thấy thực tế Trung Quốc [dưới chính thể toàn trị của tư bản Đỏ] không còn là nơi thích hợp để sinh tồn.

  1. Không có tự do và dân chủ trong chính trị: các quyền công dân được nêu trong Hiến pháp Trung Quốc nhưng trên thực tế luôn bị ĐCSTQ tước đoạt. Người dân không có tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp và tự do biểu tình. Cư dân mạng Thù Tử Minh (Qiu Ziming) bình luận trên Weibo nghi vấn về số người chết và bị thương của quân đội Trung Quốc trong vụ Xung đột biên giới Trung-Ấn, ngày 31/5 anh bị tòa án ở Nam Kinh – Giang Tô buộc tội xâm phạm uy tín và danh dự của các anh hùng và liệt sĩ, bị kết án tù 8 tháng…

  2. Kinh tế bị tước đoạt âm thầm: nền kinh tế Trung Quốc lạm phát trầm trọng, thường xuyên có giông tố tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao. Hầu hết những người trẻ tuổi đã trở thành nô lệ về vấn đề nơi ở (mortgage slave),  nô lệ thẻ trả sau (card slave)…

  3. Gánh nặng học hành của trẻ em: nền giáo dục theo định hướng thi cử của Trung Quốc có nhiều điểm hạn chế, chi phí giáo dục cao. Cảnh học sinh vì áp lực học hành nhảy lầu tự tử là đáng báo động.

  4. Quan chức tham nhũng tràn lan: chống tham nhũng ở Trung Quốc là vấn đề đấu đá quyền lực hơn là vấn đề vì công tâm, thực tế cho thấy  tham nhũng không hề giảm mà ngược lại ngày càng nghiêm trọng hơn.

  5. Không có tư pháp công minh: Trung Quốc là một quốc gia không có chỗ để lý luận. Tư pháp chỉ là con dao của nhà cầm quyền. Những vụ trả thù xã hội liên tục xảy ra.

  6. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Khói mù ô nhiễm làm u ám bầu trời là hiện tượng xảy ra phổ biến, mức độ báo động.

  7. Thức ăn độc tràn lan: tình trạng thực phẩm độc hại cũng báo động đến mức một số cơ quan chính quyền thậm chí còn thuê nông dân trồng rau thay vì mua rau ở siêu thị.

  8. Xung đột sắc tộc nghiêm trọng: ĐCSTQ gây diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và hủy diệt văn hóa người Tây Tạng và người Mông Cổ. Việc đàn áp dân tộc thiểu số của ĐCSTQ sẽ làm sâu sắc thêm lòng thù hận dân tộc tại Trung Quốc.

Kế hoạch hóa gia đình là chính sách phi lý nhất trong lịch sử loài người. Từ thời Mao Trạch Đông ĐCSTQ đã khuyến khích sinh con, đến thời Đặng Tiểu Bình lại kế hoạch hóa gia đình, ngày nay lại ra chính sách 3 con. Ngay cả quyền cơ bản là sinh sản mà người Trung Quốc cũng bị quản lý, quả bi hài khi chuyện sinh con phải theo kế hoạch nhà nước. Thời kỳ đầu, chính sách kế hoạch hóa gia đình đã khiến nhiều nông dân trở thành “du kích siêu sinh” (bỏ thôn làng tha hương để sinh thêm con, hy vọng có con trai), làm bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu bé gái bị hành hạ chết hoặc bị đem đi mua bán, bao nhiêu phụ nữ có thai bị ép phá thai…

Hiện nay, ĐCSTQ nghĩ rằng bằng cách thả cho sinh 3 con thì người dân sẽ biết ơn, không ngờ chẳng mấy ai hứng thú. Giới trẻ Trung Quốc bày tỏ thái độ bất mãn bằng cách ăn rồi nằm ngửa không sinh con. Tôi nhớ một cơ quan thăm dò dư luận phương Tây gần đây đã đưa ra một báo cáo cho biết người Trung Quốc hài lòng với chính phủ, nhưng họ không hiểu rằng lòng người Trung Quốc khi được hỏi thường vì tế nhị mà không nói thẳng, nhưng rồi họ lại thể hiện bằng những cách khác thực tế hơn. Người Trung Quốc yêu dân chủ và tự do nhiều như người dân các nơi khác trên thế giới, yêu cuộc sống và ghét chế độ độc tài. Trong thời kỳ kế hoạch hóa gia đình, Chính phủ Trung Quốc không cho phép người Trung Quốc sinh thêm con, nay khủng hoảng dân số lại càng đòi thêm con, nhưng ở một đất nước không thích hợp để sinh tồn thì ai muốn sinh thêm con? Ông Tập muốn Đảng lãnh đạo mọi thứ, dĩ nhiên trong đó có cả tử cung của các chị em phụ nữ yếu thế.

Tại Romania trong thời kỳ Nicolae Ceausescu cầm quyền, vì ngăn chặn người dân tránh thai không sinh con mà nhà cầm quyền đặc biệt tổ chức cho cảnh sát đi kiểm tra kinh nguyệt của phụ nữ. Ngày nay, mấy chục triệu người trong Ủy ban kế hoạch hóa gia đình không có việc gì làm, có phải muốn biến thành cảnh sát kinh nguyệt không. Độc tài và phi lý là anh em song sinh. Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, đất nước Trung Quốc đã trở thành một nơi vô pháp, đạo lý đảo lộn, công lý tiêu tan, trên đánh nhau dưới hại nhau. Giới trẻ Trung Quốc nằm ngửa là một kiểu phản ứng khác thể hiện họ thấy bất lực, nhưng sau khi nằm ngửa một thời gian rồi cũng đến lúc họ sẽ đứng lên thể hiện nỗi phẫn uất trong lòng.

Trương Kiệt, Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của ​​cá nhân tác giả)

Xem thêm: