Tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa qua, lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình đã phá bỏ mọi quy tắc để tại nhiệm. Liệu đây có phải “đại tiệc” của ông Tập và ĐCSTQ? Nhà văn Nghiêm Thuần Câu (NGAN, Shun-kau) tại Hồng Kông có bài nhận định thể hiện quan điểm cá nhân của ông về vấn đề này.

Tap can binh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh chụp màn hình video)

Một người bạn hỏi, Tập Cận Bình đã thắng tại Đại hội 20, vậy ai thua? Nhìn bề ngoài cho thấy “phe Giang” [thân tín cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân] đã thua toàn diện. Thế nhưng, nếu các phe phái trong ĐCSTQ đều thấy triển vọng tương lai u ám nên đồng lòng đoàn kết để bảo vệ Đảng và lợi ích chung của nhóm quyền quý, họ thấy trong bối cảnh này phải trao cho Tập Cận Bình địa vị cao nhất mới có thể ứng phó được cuộc đấu tranh tàn khốc phía trước, nếu đúng như vậy thì Tập Cận Bình đã thắng, nhưng không đồng nghĩa có phe nào trong ĐCSTQ thua.

Đại hội 20 là chuyện nội bộ của ĐCSTQ, ai thắng ai thua không liên quan gì đến “thế lực nước ngoài”. Tập Cận Bình toàn thắng không có nghĩa là lợi ích của Mỹ và phương Tây bị tổn hại, nếu là người khác thì đối đầu giữa Trung Quốc và nước ngoài vẫn khó tránh khỏi. Trái lại, việc Tập Cận Bình tập trung quyền lực có thể giúp phương Tây đối phó với Trung Quốc dễ dàng hơn, do đó có thể nói các thế lực bên ngoài không vì vấn đề này mà thua thiệt.

Nhưng nhìn chung, chiến thắng của Tập Cận Bình có nghĩa là ĐCSTQ đã thua và người dân Trung Quốc cũng thua, vấn đề chỉ là tổn hại của người dân Trung Quốc là tạm thời nhưng thua cuộc của ĐCSTQ là cuối cùng.

Sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, Tập Cận Bình sẽ có một chế độ độc tài kiên cố hơn, quyền lực chính trị trong ĐCSTQ để kiềm chế Tập Cận Bình sẽ suy giảm, ĐCSTQ sẽ “phát triển” thành đảng phát-xít nhanh hơn. Có vấn đề gọi là “vật cùng tất biến”, trong xã hội hiện đại này, khi một đảng cầm quyền tự biến thành thế lực phát-xít khổng lồ, không bị hạn chế bởi bất kỳ thế lực chính trị nào và bản thân nó lại không thể tự kiềm chế [quyền lực của chính nó], trong trường hợp đó xu hướng tà ác của thế lực đó sẽ có đủ điều kiện để bành trướng không giới hạn, và triển vọng sẽ không thể tốt đẹp mà chỉ là tự hủy hoại sức mạnh từ bên trong nó, giống như Hitler và Stalin.

Chuyện ông Hồ Cẩm Đào bị đưa đi khỏi hiện trường tại Đại hội 20 khiến một số người cảm thương cho ông ấy, nhưng tôi không có cảm giác gì với ông Hồ cả. Hệ quả của ông ấy ngày hôm nay có phần do chính ông ấy tạo ra. Khi Hồ còn là Bí thư Tây Tạng đã đàn áp dã man những đòi hỏi chính trị của người dân Tây Tạng, sau khi vào Ban Chấp hành Trung ương, ông ta chưa bao giờ chùn tay kiểm soát những trí thức tự do, xu thế bành trướng quốc doanh (‘nước tiến dân lùi’) cũng được ông Hồ thúc đẩy, chính hệ thống an ninh duy trì trật tự xã hội [phi dân chủ] cũng được gia cố trong nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào. Ông ta tận tâm tận lực bảo vệ vị thế cai trị toàn trị của ĐCSTQ, vấn đề giao lại mọi quyền lực sau khi nghỉ hưu không phải điều ông ấy muốn, mà vì sức ép của ban nguyên lão trong Đảng.

Trên mạng xuất hiện một đoạn video về buổi lễ chia tay do Tập Cận Bình tổ chức sau khi Hồ Cẩm Đào thoái vị. Trong buổi lễ, Tập Cận Bình đã nói những lời tốt đẹp yêu thương chân thành dành cho Hồ và họ bắt tay nhau, thế nhưng vẻ mặt của Hồ không thấy có gì vui mừng khi phải giao lại quyền lực. Ông ta đã có công lớn vun đắp bóng ma toàn trị này, và bây giờ chính nó nuốt chửng ông ta. Đây là hệ quả ông ta tự chuốc lấy, có thể xem như nhân quả báo ứng.

Chắc chắn quan điểm “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc đã kết thúc, cải cách và mở cửa đã kết thúc, kiểu lãnh đạo tập thể đã kết thúc, chế độ độc tài ĐCSTQ sẽ đạt đến đỉnh cao. Sau này, ĐCSTQ sẽ tăng cường đối đầu với phương Tây và đàn áp tàn bạo hơn phản kháng của người dân Trung Quốc, sẽ “không do dự” quay trở lại cuộc Cách mạng Văn hóa cực tả, đất nước Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành phiên bản bành trướng của Triều Tiên.

Nước Trung Quốc sẽ thế nào sau khi thành “phiên bản Triều Tiên” thì phụ thuộc vào mức độ chịu đựng của người Trung Quốc. Sức chịu đựng của người Trung Quốc càng lỳ và càng quen, thì tuổi thọ của ĐCSTQ càng dài, ngược lại nếu người dân Trung Quốc không thể chịu đựng được nữa thì ĐCSTQ sẽ khó có tháng ngày tươi đẹp. Người dân Trung Quốc sẽ nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền toàn trị.

Điểm chí mạng của nhà độc tài là ông ta thường ảo tưởng quyền lực không gì lay chuyển của bản thân, nhưng hãy xem quyền uy “một tay che trời” của Mao Trạch Đông cuối cùng không bị đổ do tay kẻ khác, mà do chính tay ông ta. Một khi nhà độc tài đã lên đỉnh cao uy quyền thì xung quanh ông ta chỉ còn đám nô tài, còn kẻ độc tài thì lại không muốn nghe thấy tiếng nói đối lập, cũng không thể nghe được tiếng nói đối lập, vì vậy nhận thức và phán đoán của ông ta đầy cực đoan khiếm khuyết và có xu hướng tự hủy hoại, hành vi ông ta làm thường dẫn đến tổn hại cho chính bản thân.

Trong những năm cuối đời, Viên Thế Khải (1859 – 1916) tin dùng toàn những lời xu nịnh xung quanh và được lên ngôi, kết quả là chỉ trong 83 ngày ông phải tuyên bố bãi bỏ chế độ quân chủ. Lời trăn trối ân hận trước lúc lìa đời của Viên Thế Khải xem như ông còn chút lương tri: “Ta vốn không có tư tưởng quân chủ, được quốc dân giao phó nắm quyền, nhưng lại nhất thời mê muội gây hệ quả xấu ngày nay…”.

Tập Cận Bình đã thắng, nhưng chiến thắng này chắc chắn không phải là điều tốt đối với ông Tập. Từ đây, Tập Cận Bình sẽ đơn độc thao túng có thể dễ dàng đánh giá sai lầm nghiêm trọng hơn tình hình trong và ngoài nước, triết lý đấu tranh sẽ dễ lên cực đoan, đưa Trung Quốc vào hoàn cảnh tồi tệ hơn không thể sửa sai. Trong trường hợp đó, Tập Cận Bình không chỉ gây hại cho tương lai của Trung Quốc mà còn dẫn dắt ĐCSTQ vào con đường tự diệt. Cuối cùng, Tập Cận Bình có thể an lành sao? Tất nhiên không, vì vậy, chiến thắng của Tập Cận Bình chính là khởi đầu cho thất bại của ông ta.

20 năm trước, trong một buổi họp mặt của cựu học sinh trung học, có người hỏi tôi trong bữa tiệc rằng bạn có nghĩ ĐCSTQ sẽ sụp đổ không, ngay lập tức tôi trả lời: Nếu mọi người [Trung Quốc] muốn sụp đổ thì sẽ sụp đổ, và ngược lại sẽ không. Câu này dù hiển nhiên nhưng cũng khiến mọi người trầm tư. Có lẽ mọi người không bất ngờ gì đối với lời của tôi, mà bản thân mỗi người suy ngẫm xem mình có muốn ĐCSTQ sụp đổ không.

Vấn đề nằm ở chỗ câu hỏi chỉ đề cập đến kết quả “ĐCSTQ có sụp đổ không” mà không chỉ vào nguyên nhân “liệu ĐCSTQ có đáng tồn tại không”.

Việc nhà cầm quyền có đáng tồn tại không thì phải xem “tính chính danh” của họ: Có do dân bầu lên không, có được lòng dân không, có đại diện cho giá trị của cộng đồng dân tộc đó không?

Trước tiên hãy hỏi xem ĐCSTQ có tính hợp pháp để cai trị hay không, sau đó hỏi liệu việc cai trị đó có hợp lý hay không, liệu đó là vì sự ích kỷ của một Đảng phái hay vì lợi ích của toàn dân. Nếu cả tính hợp pháp và hợp lý đều không có, thì ĐCSTQ cần phải sụp đổ. Nhưng trước tiên, số đông cần suy nghĩ có muốn nó sụp đổ hay không rồi hãy nghĩ kịch bản nó sụp đổ!

Do đó, dù hành động của Bành Tái Chu (Peng Zaizhou) [treo biểu ngữ phản đối Tập] trên cầu Tứ Thông (Sitong) thật dũng cảm, nhưng số người Trung Quốc được như vậy còn quá ít. Gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ một video ghi lại cảnh hai cô gái đi trên đường cầm một biểu ngữ có nội dung “Không muốn, không muốn, không muốn”, khẩu hiệu chính là lối ghi tắt của khẩu hiệu mà Bành Tái Chu đã làm trên cầu Tứ Thông, có vài cô gái đi theo cùng rõ ràng họ là một nhóm với nhau.

Kỳ lạ ở chỗ họ đều là con gái, đến một người đàn ông cũng không có, trong khi vài người dân xung quanh bàng quang ghi hình, nhưng không ai tham gia cùng. Ở trên một con phố bị kiểm soát chặt chẽ như vậy tại Thượng Hải mà có một nhóm phụ nữ liều mạng công khai tuyên bố nguyện vọng chính trị, thì có thể thấy rõ lòng dân đã quay lưng [với ĐCSTQ].

Vì vậy, nếu nói rằng Tập Cận Bình đã chiến thắng [tại Đại hội 20] thì nghĩa là ĐCSTQ đã thua, hệ quả cuối cùng là Tập Cận Bình còn thua thê thảm hơn.

Nghiêm Thuần Câu
(Bài viết được tác giả cho phép Vision Times đăng lại từ trang Facebook của ông).