Gần đây, liên tiếp có thông tin về những người trẻ tuổi tự tử ở Trung Quốc. Theo các báo cáo trực tuyến, từ ngày 19 – 23/3, trong vòng chưa đầy một tuần, 7 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Thiên Tân đã tự tử, nguyên nhân được cho là do áp lực gia đình hoặc điểm kém.

shutterstock 662022781
(Nguồn: Shutterstock)

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh trên mạng xã hội, bắt đầu từ ngày 1/4, thành phố Thiên Tân đã khẩn trương tổ chức họp phụ huynh của tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở trong thành phố, để kiểm tra trạng thái tâm lý của học sinh.

Vào ngày 4/4, bốn thanh niên từ 23 – 34 tuổi đã gặp nhau tại núi Thiên Môn ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam và nhảy xuống vách đá tự tử. Theo báo cáo của cảnh sát địa phương, 4 người này đến từ Hà Nam, Hà Bắc, Phúc Kiến và Tứ Xuyên và kết nối với nhau qua Internet. Trước khi nhảy xuống vực, cả 4 người đã uống thuốc độc và viết thư tuyệt mệnh đề ngày 2/4.

Nội dung bức thư tuyệt mệnh rất đơn giản, chỉ có một câu: “Tôi là xxx, có năng lực hành vi dân sự, tôi tự sát, không liên quan gì đến người khác”. Họ đều xuất thân từ những gia đình nghèo ở nông thôn, mất hy vọng vào cuộc sống nên quyết định tự tử tập thể.

Cho dù là vụ tự tử liên tiếp của học sinh tiểu học và trung học ở Thiên Tân, hay vụ nhảy xuống vách đá quyên sinh tập thể của 4 thanh niên ở Trương Gia Giới, tất cả đều phản ánh cùng một vấn đề: Điều kiện sống trong tương lai của thế hệ trẻ Trung Quốc rất đáng lo ngại.

Kể từ “cải cách và mở cửa”, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Trung Quốc đều hơn hai con số và kéo dài hơn 30 năm. Cộng đồng quốc tế đã gọi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong giai đoạn này là một kỳ tích về kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại. Các yếu tố về cơ cấu và dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) kéo dài 3 năm đã làm trầm trọng thêm sự suy thoái kinh tế.

Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc năm nay, khi Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Lý Khắc Cường trình bày báo cáo công tác của chính phủ, đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức “khoảng 5%”, con số tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua. E rằng trong thời gian dài sắp tới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể phục hồi tốc độ tăng trưởng cao như trước đây.

Hậu quả trực tiếp của một nền kinh tế yếu kém là không tạo ra đủ việc làm. Theo thống kê của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ đạt 11,58 triệu người vào năm 2023, mức cao kỷ lục. Do nền kinh tế hiện tại không thể hấp thụ một lượng lao động lớn như vậy, nên nhiều lao động trẻ phải làm những việc lặt vặt như giao đồ ăn, chuyển phát nhanh và gọi xe trực tuyến.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, đến cuối năm 2022, số người có “việc làm linh hoạt” không ký hợp đồng lao động chính thức sẽ đạt 200 triệu người, chiếm khoảng 1/4 tổng số lao động. Nhiều người trong số này đang thất nghiệp, bị sa thải hoặc làm những công việc bán thời gian bấp bênh.

Đối mặt với thực tế này, các quan chức đã phải tạo ra những luận điệu mới, nhằm xoa dịu tâm lý lo lắng của xã hội. Năm ngoái, kênh truyền thông chính phủ “Nhật báo Quang Minh” đã đăng bài viết có tựa đề “Những người trẻ tuổi chọn việc làm linh hoạt, không cần phải lo lắng quá nhiều.”

Bài viết chỉ ra rằng những người trẻ ở Trung Quốc ngày nay đã khác với cha mẹ và ông bà họ. Họ không còn bị ám ảnh bởi các đơn vị và tổ chức, mà đang theo đuổi những công việc “phù hợp với sở thích, và phù hợp với kỹ năng chuyên môn”. Họ được tự chủ hơn trong công việc và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Bài viết cũng cho rằng “việc làm linh hoạt” là sự lựa chọn chủ động của hầu hết những người trẻ tuổi, ngoại giới không phải lo lắng quá nhiều. Ban tuyên truyền thực sự đã rất cố gắng khi mô tả những công việc lặt vặt bắt buộc này là sự lựa chọn độc lập của những người trẻ tuổi.

Nhưng tuyên truyền không thể che đậy hoàn toàn thực tế trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng trì trệ, thi công chức ngày càng được săn đón. Các bạn trẻ cũng biết rằng trong xã hội mà đảng độc quyền mọi nguồn lực như thế này, thì bám vào cây đại thụ của thể chế là lối thoát duy nhất.

Lớn lên trong thời đại kinh tế tăng trưởng chậm này, những người thuộc thế hệ sau 10X sẽ phải đối mặt với những thách thức gay gắt về việc làm và cuộc sống trong tương lai. Nếu không cẩn thận, họ sẽ trở thành tầng lớp nghèo mới ở thành thị.

Thế hệ này là thế hệ lớn lên trên Internet, cuộc sống sung túc trên các kênh truyền thông xã hội khác nhau hiện ra trước mắt họ một cách trần trụi. Những người trẻ có hiểu biết cụ thể về một cuộc sống tốt đẹp, nhưng họ không thể tự mình đạt được điều đó.

Sự tương phản giàu nghèo mạnh mẽ này sẽ khiến thế hệ sau 10X, thậm chí cả thế hệ trẻ rơi vào tuyệt vọng, tạo ra cảm giác bất công và vỡ mộng mạnh mẽ. Nhưng cảm giác bất công này sẽ dẫn họ đến đâu thì vẫn chưa rõ.

Những người sinh sau năm 2000 có xuất thân và sự phân chia giai cấp vô cùng khác biệt. Nhìn chung họ sẽ lựa chọn phản kháng hay chịu đựng, thậm chí trở thành lực lượng chính trị được giới cầm quyền lợi dụng. Hiện rất khó phán đoán, nên đây là một biến số lớn đối với tương lai phát triển của Trung Quốc.

Vương Đan

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được ủy quyền đăng trên Vision Times, link gốc.)