Nhận được tin ông David Kilgour không may qua đời vào thứ Ba ngày 5/4 tại Ottawa ở tuổi 81, tôi vô cùng đau buồn. Sau năm 2000, khi tôi vẫn còn ở Trung Quốc Đại Lục, tôi bắt đầu chú ý đến ông Kilgour. Sau khi ra nước ngoài, tôi đã may mắn được nghe trực tiếp bài phát biểu của ông. Phong cách cẩn thật chặt chẽ và thiết thực, cùng tinh thần đề cao công lý của ông ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

David Kilgour diễn thuyết về tội ác thu hoạch tạng trước liên minh y học quốc tế
Ông David Kilgour. (Ảnh: Epoch Times)

Là một nghị sĩ lâu năm của hai đảng chính trị khác nhau và là một cựu bộ trưởng nội các nổi tiếng của Ottawa, ông David Kilgour được biết đến với sự kiên định độc lập và cống hiến cho sự nghiệp nhân quyền. Ông từng là Quốc vụ khanh của Canada phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Châu Phi từ năm 1997 đến năm 2002, và là Quốc vụ khanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ năm 2002 đến năm 2003. Trong 27 năm là thành viên của Quốc hội, ông Kilgour đã khẳng định mình là người ủng hộ sự nghiệp nhân quyền quốc tế.

Ông Kilgour là thành viên độc lập của Hạ viện từ năm 2005 cho đến khi rút lui khỏi chính trường vào năm 2006. Sau khi rời khỏi chính trường, ông vẫn tích cực tham gia vào hoạt động nhân quyền – đặc biệt là việc đi nhiều nơi để kêu gọi ủng hộ những người bị bức hại, bao gồm cả người Tân Cương, Tây Tạng và người tập Pháp Luân Công. Ông đã được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho cuộc điều tra độc lập về tội ác thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ.

Tôi nhớ rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công rất nghiêm trọng ở Trung Quốc Đại Lục hơn 10 năm trước, một số người mạo hiểm bị bức hại đã truy cập thông tin ngoài Trung Quốc ở các quán internet hoặc ở nhà. Người ta cũng in ra các tài liệu về nhiều đóng góp của ông David Kilgour trong việc bảo vệ nhân quyền của Pháp Luân Công trong cộng đồng quốc tế, và đặt chúng vào các hòm báo hoặc các khe cửa từng nhà.

Nội dung của những tờ rơi này vào thời điểm đó bao gồm: Năm 2006, ông Kilgour và luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada David Matas đã cùng nhau công bố một báo cáo về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công còn sống thông qua một cuộc điều tra độc lập. Các phương tiện truyền thông lớn của các nước như Đức, Mexico, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, liên tiếp đưa tin về nội dung liên quan.

9 8 1
Tối 30/10/2016, luật sư nhân quyền nổi tiếng David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách vấn đề châu Á-Thái Bình Dương David Kilgour đã tổ chức họp báo công bố chứng cứ mới về tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.

Khi đó tôi cũng tham gia vào việc phân phát những tờ rơi này. Tôi nhớ có lần tôi đang đi phát từ tầng trên xuống tầng dưới, lúc này một người đàn ông từ trên lầu đi xuống, tay vẫn cầm tờ rơi mà tôi vừa để vào nhà anh, anh nhìn tôi một cái và nói: “Thật lợi hại!” Ý là giữa ban ngày lại dám phát tờ rơi có nội dung mà ĐCSTQ sợ hãi và thẳng tay đàn áp. Lúc đó, tôi không biết anh ta là ai và anh ta sẽ làm gì. Tôi không đáp lời anh ta và nhanh chóng rời đi.

Rõ ràng, những tờ rơi này có tác dụng. Nó khiến thông tin về việc cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ vấn đề Pháp Luân Công bị đối đãi bất công được phổ biến ở Trung Quốc Đại Lục. Nó đã khích lệ mạnh mẽ đoàn thể Pháp Luân Công đang bị đàn áp nghiêm trọng và bị tước đoạt quyền biểu đạt. Nó cũng cho phép nhân viên của các cơ quan chức năng của ĐCSTQ hiểu được thông tin của cộng đồng quốc tế, có nhận thức và suy nghĩ lại mới về nhóm Pháp Luân Công, có một số người thậm chí đã từ bỏ việc tham gia đàn áp Pháp Luân Công.

Vào ngày 16/1/2010, chi nhánh tại Thụy Sĩ của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (IGFM) đã trao Giải thưởng Nhân quyền năm 2009 cho ông David Kilgour và ông David Matas, tôn vinh những nỗ lực của họ trong việc điều tra ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ những người Pháp Luân Công còn sống và tù nhân lương tâm. Và vì thế mà họ trở thành ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình năm 2010.

Bài thuyết trình TEDx về mổ cướp nội tạng của hai nhà hoạt động nhân quyền Canada

Sau khi rời Trung Quốc Đại Lục, tôi vẫn tiếp tục nghe được thông tin về ông David Kilgour. Ví dụ, vào năm 2016, để ngăn chặn lạm dụng cấy ghép nội tạng, ông Kilgour và ông Matas đã đến thăm hơn 50 quốc gia trong 10 năm. Ông cũng viết những cuốn sách như “Thu hoạch đẫm máu” và “Nội tạng quốc gia” (State Organs), trong đó đề cập đến nạn mổ cướp nội tạng sống.

Tại một buổi diễn thuyết cách đây 7 năm, tôi có vinh dự được gặp ông David Kilgour, nghe ông phát biểu và chụp ảnh lưu niệm cùng ông. Mặc dù gò má ông hơi gầy nhưng đôi mắt lại rất có thần thái, thể hiện sức sống tràn trề.

Vào tháng 12/2021, để ghi nhận việc ông Kilgour kiên trì giữ vững các nguyên tắc hòa bình, công lý và lòng nhân ái, “đứng lên chống lại bất công” và đặc biệt là những đóng góp của ông trong phương diện phơi bày thu hoạch nội tạng sống quy mô công nghiệp ở Trung Quốc, ông Kilgour đã được tổ chức Ủng hộ Người tị nạn Cần Sự giúp đỡ (CSRDN) trao giải thưởng “Nhà lãnh đạo Nhân đạo Toàn cầu 2021”. 

Ông Kilgour cũng rất quan tâm đến tình hình ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và Đài Loan, ông đã nỗ lực thúc đẩy các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do và nhân quyền trong nhiều thập kỷ. Ông Kilgour từng có bài phát biểu với tựa đề “Đã đến lúc Canada hỗ trợ Đài Loan” về quan hệ Đài Loan – Canada tại Trường Ngoại giao và Các vấn đề Quốc tế của Bộ Ngoại giao Đài Loan.

Vào ngày 3/2/2022, tờ “Công dân Ottawa” (Ottawa Citizen) của Canada đã đăng một bài viết của ông Kilgour “Thế vận hội mùa đông – Tại sao chúng ta gọi nó là đại hội thể thao diệt chủng?“, chỉ ra lý do vì sao gọi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh là “thế vận hội diệt chủng“, tức là ĐCSTQ bức hại bao gồm người Tân Cương, người Tây Tạng, người tập Pháp Luân Công, được coi là đã phạm tội ác chống lại loài người. ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng sống, coi “dân chủ” là chủ nghĩa toàn trị, sử dụng Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông để tước đoạt quyền tự do và quyền lợi của người dân Hồng Kông

Ông Kilgour kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế ngừng trao quyền đăng cai Thế vận hội Olympic cho các chế độ độc tài, đồng thời kêu gọi thế giới hành động để bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân Trung Quốc.

Gia đình của ông Kilgour cho biết, trong những ngày cuối cùng trước khi ông qua đời, ông vẫn giữ liên lạc với bạn bè và đồng nghiệp trên khắp thế giới.

Ông David Kilgour là một nhà đấu tranh cho nhân quyền và một nhà đấu tranh quốc tế. Để bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là để vạch trần các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, bao gồm tình hình nhân quyền ở Tân Cương, đặc biệt là cuộc đàn áp và bức hại người tập Pháp Luân Công và thu hoạch nội tạng sống v.v., ông đã đã kiên trì lên tiếng ủng hộ và phơi bày cảnh tượng đen tối, kinh hoàng này cho thế giới. Từ đó góp phần khiến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc bị suy yếu một cách hiệu quả, và sự tàn bạo của chính quyền ĐCSTQ đã được kiềm chế.

Sự ra đi của ông là một mất mát cho Canada và một mất mát cho thế giới. Chúng ta sẽ luôn nhớ đến ông.

Khái quát tình hình bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông:

1. Pháp Luân Công

Theo trang Minh Huệ (Minghui.org) của Pháp Luân Công đưa tin: Các trường hợp tử vong liên quan đến cuộc bức hại được thu thập ở đây là các trường hợp mà trang Minh Huệ đã vượt qua rất nhiều tầng phong tỏa của ĐCSTQ để có thể xác minh được, và chỉ là con số rất nhỏ so với toàn bộ các trường hợp thực tế bị bức hại đến chết. Do ĐCSTQ đã cố gắng hết sức để che đậy sự thật về tội ác của mình, do đó vẫn còn quá nhiều trường hợp vẫn bị che đậy, đặc biệt là một số lượng lớn các vụ thu hoạch nội tạng sống vẫn chưa được tiết lộ vì ĐCSTQ thiêu hủy xác và xóa các dấu vết.

Ngoài ra, các trường hợp được thu thập ở đây là các trường hợp tử vong do ĐCSTQ trực tiếp bức hại như tra tấn cực hình, chưa bao gồm các trường hợp tử vong do ĐCSTQ bức hại nên không thể kiên trì tập luyện Pháp Luân Công, dẫn đến bệnh cũ tái phát. Những cái chết này cũng là do cuộc bức hại của ĐCSTQ gây ra.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tin tức về việc những người tập Pháp Luân Công bị bức hại đến chết qua các kênh từ người dân có thể truyền ra ngoài: từ tháng 7/1999 đến tháng 3/2022, thời gian 272 tháng. Tổng cộng có 4.764 người bị bức hại đến chết. Trong đó 2.129 người là nam giới, 2.575 người là nữ giới. Các trường hợp tử vong do bức hại được phân bố ở hơn 30 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc. Các khu vực có tỷ lệ các trường hợp bị bức hại vong cao là Hắc Long Giang, Hà Bắc, Liêu Ninh, Cát Lâm, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Hồ Bắc. Như đã đề cập ở trên, con số này chỉ là phần nhỏ có thể biết được trong toàn bộ cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra, và không phải là danh sách đầy đủ của tất cả các trường hợp. Cũng giống như những trường hợp tử vong trong các trại tập trung của Đức Quốc xã năm xưa, con số thực tế cần được điều tra sâu và rộng hơn sau khi cuộc đàn áp kết thúc.

2. Tân Cương

Năm 2017, “trại cải tạo” Tân Cương nổi bật trên quốc tế và gây chấn động thế giới. Tuy nhiên, các trại cải tạo được chính quyền gọi là “trung tâm giáo dục và bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp”, không phải là đột ngột xuất hiện, mà là xuất hiện khi ĐCSTQ tiếp tục đi sâu và mở rộng sự kiểm soát đối với Tân Cương sau sự kiện ngày 5/7/2009. Với lý do ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, ĐCSTQ đã đưa Tân Cương vào tầm kiểm soát của mình thông qua các phương pháp mềm dẻo và cứng rắn: một mặt, cử người đến các gia đình của các dân tộc thiểu số Hồi giáo để “kết đôi và nhận họ hàng”, từ đó giám sát họ từ ngay trên bàn ăn; mặt khác đàn áp và thu hẹp quyền tự do của người Tân Cương, tịch thu hộ chiếu và giam giữ họ.

Theo Wikipedia: Sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ vào năm 2012, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, đã xấu đi đáng kể, đặc biệt là kể từ khi chính quyền Bắc Kinh xây dựng một số lượng lớn các trại cải tạo ở Tân Cương. Năm 2019, tờ New York Times căn cứ vào tài liệu nội bộ của ĐCSTQ bị rò rỉ ra ngoài, tiết lộ rằng ông Tập Cận Bình đã ra lệnh xây dựng các trại cải tạo ở Tân Cương, nhiều nước trên thế giới lên án các trại cải tạo này đã xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, theo Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, các cơ sở này là “trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề”, nội dung là dạy ngôn ngữ và chữ viết phổ thông của quốc gia, kiến ​​thức pháp luật, kỹ năng nghề, xóa bỏ cực đoan và trở lại cuộc sống xã hội bình thường.

3. Tây Tạng

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin: Gần đây, sau ca sĩ nổi tiếng người Tây Tạng Tsewang Norbu tự thiêu để phản đối ĐCSTQ, đã có báo cáo về các trường hợp người Tây Tạng tự thiêu để kháng nghị ở A Bá (tỉnh Tứ Xuyên), Ngọc Thụ (tỉnh Thanh Hải). Các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi ngoại giới chú ý đến các chính sách cai trị Tây Tạng bằng áp lực cao của chính quyền Trung Quốc.

Vào ngày 25/2 năm nay, ở Trung Quốc có tin tức lan truyền ra ngoài rằng ca sĩ nổi tiếng người Tây Tạng là Tsewang Norbu từng tham gia cuộc thi giọng hát hay của Trung Quốc, đã tự thiêu trước Cung điện Potala ở Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, sau khi phát hành bài hát mới của mình. Sau Tsewang Norbu đã qua đời, Chính phủ lưu vong Tây Tạng (Chính quyền Trung ương Tây Tạng) gần đây đã thông báo về hai vụ người Tây Tạng tự thiêu khác. Trong vòng 34 ngày, đã có 3 vụ tự thiêu liên tiếp xảy ra ở Trung Quốc. Vào lúc 4h chiều ngày 4/4, Chính quyền Trung ương Tây Tạng thông báo rằng họ sẽ ngừng làm việc và lên lớp, để đọc kinh cho Taphun, người được xác nhận là qua đời do tự thiêu.

Ông Dawa Tsering, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Tây Tạng thuộc Chính quyền Trung ương Tây Tạng, đã trả lời phỏng vấn của RFA hôm 4/4, ông đã nói về 2 vụ tự thiêu gần đây: “Cách đây vài ngày, một vụ tự thiêu trước cổng Văn phòng công an châu tự trị A Bá (Tứ Xuyên); một vụ khác cũng cách đây vài ngày, tại Gyêgu, thuộc trấn Ngọc Thụ (tỉnh Thanh Hải), một người Tây Tạng đã tự thiêu trước cổng cơ quan cảnh sát Trung Quốc. Thông tin về vụ ở Ngọc Thụ vẫn chưa rõ ràng, và người dân địa phương rất sợ hãi, cách duy nhất để liên lạc là thông qua WeChat, nhưng WeChat không đáng tin cậy, nếu truyền thông tin ra ngoài thì sẽ bị chính quyền ĐCSTQ trừng phạt rất nặng. Người dân không dám nói về điều này qua điện thoại, họ như một con chim hoảng sợ, vì sợ sẽ gây ra rắc rối. Việc này có thể sẽ bị ĐCSTQ coi là rò rỉ bí mật quốc gia.” 

Ông Dawa Tsering chỉ ra, kể từ năm 2008, có khoảng 158 trường hợp người Tây Tạng tự thiêu. Sau khi lửa được dập tắt, một số người đã bị cảnh sát đánh đập và tra tấn đến chết. Cơ quan công an, cảnh sát vũ trang và cảnh sát đặc nhiệm là những cơ quan của Chính phủ ĐCSTQ chấp hành việc đàn áp người Tây Tạng. Người Tây Tạng lựa chọn tự thiêu trước cổng cơ quan công an là có hàm ý đối diện trực tiếp với bạo lực cường quyền.

Ông Kelsang Gyaltsen, đại diện trú tại Đài Loan của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA rằng: “Người Tây Tạng thực sự đi đến đường cùng, và chiến lược của ông Tập Cận Bình đối với Tây Tạng là loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của ngài Đạt Lai Lạt Ma, muốn dùng cái gọi là danh nghĩa cộng đồng dân tộc Trung Hoa cùng chung vận mệnh để tiêu diệt tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng, thúc đẩy cái gọi là Trung Quốc hóa tôn giáo. Ba người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối vào tháng 2 và tháng 3, cho thấy toàn bộ khu vực Tây Tạng đáng sợ biết bao! Điều đó cho thấy tình hình căng thẳng như thế nào! Người Tây Tạng không cách nào nhẫn chịu nên chỉ có thể tự thiêu để lên tiếng, hy vọng thu hút sự chú ý của thế giới.”

4. Hồng Kông

Theo VOA đưa tin: Kể từ khi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thông qua và thực thi tại Hồng Kông, đến nay đã được gần một năm rưỡi. Một tổ chức quốc tế mới đây đã đưa ra một báo cáo thường niên cho biết rằng kể từ sau khi Hồng Kông thực thi Luật An ninh Quốc gia, lần đầu tiên có nhiều người làm trong giới báo chí bị bỏ tù. Trong đó có ông Lê Trí Anh, người sáng lập Next Media. Theo thống kê, hơn 50 tổ chức xã hội dân sự ở Hồng Kông đã buộc phải giải tán hoặc ngừng hoạt động dưới áp lực của Luật An ninh Quốc gia từ đầu năm đến nay. Nổi bật nhất là Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc, trong 30 năm qua, hàng năm liên minh này đều tổ chức thắp nến tưởng niệm sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989; còn có Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền, hơn 20 năm qua, hằng năm mặt trận này đều tổ chức tuần hành ngày 1/7 nhân dịp Hồng Kông chuyển giao chủ quyền về Trung Quốc Đại Lục; còn có cả Apple Daily, từ lâu đã bày tỏ quan điểm chống chính phủ, v.v. 

Một số học giả đã phân tích rằng sau phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông, Bắc Kinh đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia để tiến hành một cuộc thanh trừng chính trị toàn diện và có hệ thống nhằm biến Hồng Kông thành một xã hội một tiếng nói.

Đường Phong
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)