giao duc

Sau status hôm trước, có một bà mẹ muốn cho con đi du học nhắn tin hỏi tôi: “Đi du học thì em được gì?” Câu hỏi này tôi đã không nghĩ đến từ rất lâu rồi. Ở thời điểm này, những điều tôi được không phải là những câu chuyện về du học sinh thường thấy trên mặt báo, càng không phải là những điều bố mẹ muốn cho con cái mình. Nhưng tôi muốn chia sẻ ra ở đây, để nếu có ông bố bà mẹ nào đang lo lắng về việc con mình xa nhà sẽ ra sao, thì có thêm một góc nhìn.

1. Sự cô đơn

“Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi mới ngủ dậy, và khi ngoài trời nắng ráo mà chẳng biết đi đâu, về đâu” – Nguyễn Ngọc Tư.

Tôi có quá nhiều những khoảnh khắc cô đơn như thế. Ai đọc blog của tôi thời mới sang Canada đều biết tôi than vãn và quằn quại nhiều như thế nào về nỗi cô đơn. Suốt cả bốn năm học đại học, tôi không có một người bạn nào trong trường, ngoài mấy bạn Việt Nam thỉnh thoảng gặp nhau ăn một bữa cơm. Nguyên nhân thì nhiều, vì tôi nhút nhát, tự ti, và không có gì hấp dẫn để duy trì cuộc hội thoại quá năm giây gượng gạo ban đầu. Lúc đầu thì khóc, nhưng về sau chẳng khóc được nữa, cảm giác không có ai khiến tôi rệu rã, bải hoải và chán nản. Trong kỳ nghỉ Giáng sinh, tất cả sinh viên khác về nhà hoặc đi chơi, tôi hầu như ở một mình trong vài tuần lễ trường đóng cửa, nhiều khi phát hoảng vì nghe thấy giọng nói vang vang trong đầu.

Việc nghe thấy giọng nói trong đầu thì quả là đáng sợ, nhưng đấy lại là một điều kiện cần thiết cho những người muốn viết. Phải khi nào những tiếng động bên ngoài lắng đi, thì người ta mới nghe thấy giọng nói bên trong – ai tập thiền thì đều biết điều này. Đối với tôi, thời kỳ đi du học cũng có tác động tương tự. Vì không có ai để kể lể và chia sẻ, những suy nghĩ trong đầu tôi tràn ngập, lúc nào cũng chỉ chực ứ ra. Thế nên tôi viết rất nhiều. Tôi viết về những suy nghĩ của mình trên blog cá nhân. Tôi viết về sự khác biệt trong quan điểm về tình yêu thể hiện trong “Hey there Delilah” và “Chiếc khăn gió ấm”. Tôi viết nhận xét cho một cuốn tiểu thuyết đang phôi thai. Viết và ném tất cả vào một khoảng không, cũng không mong nhận được gì. Cái mà tôi giữ được là những con chữ, và rất nhiều giờ suy nghĩ mông lung về những điều viển vông.

Những suy nghĩ đó thường không dẫn đến khám phá vượt trội gì, chỉ dẫn đến hoài nghi, tự vấn, những câu hỏi vô tận mà tôi không trả lời được. Nhưng về sau này tôi mới biết, chừng nào còn đặt câu hỏi, thì chừng đó cuộc sống còn phát triển và tiềm ẩn những bước ngoặt thay đổi. Nếu đã không có gì để tự vấn thì người ta làm sao còn tự làm mới bản thân được nữa? Những câu hỏi đó và cố gắng để trả lời chúng, đã dẫn dắt tôi trong những năm sau này.

2. Sự va đập

Một hệ quả của việc ném mình vào một xã hội khác, là những điều trước đấy tôi chẳng hề nghĩ đến bỗng nhiên bị lung lay dữ dội. Ở Việt Nam, tôi chẳng bao giờ phải nghĩ mình là ai, người Việt Nam nghĩa là gì. Sau rất nhiều lần người đối diện không biết Việt Nam nằm ở đâu (cho đến khi tôi nói nằm cạnh Trung Quốc), hỏi tôi Việt Nam có ngôn ngữ riêng hay nói tiếng Pháp, hoặc nói đến nghĩa của từ Việt Nam duy nhất mà họ biết (nước bạn còn chiến tranh không?) thì tôi bắt đầu tự hỏi, cái gì khiến mình là người Việt Nam, nếu không có giấy tờ chứng minh thì cái gì khiến mình khác với bất kỳ người Trung Quốc nào không nói tiếng Hán?

Thỉnh thoảng tôi làm một buổi trình bày về Việt Nam, rồi tự nhận ra tất cả những điều mình cho là đặc trưng Việt Nam (áo dài, nón lá, vịnh Hạ Long) từ trước đến nay chỉ là sản phẩm của ngành du lịch. Một lần tôi nói chuyện với một người đàn ông trung niên, và khi biết tôi đến từ Việt Nam, lại từ miền Bắc Việt Nam nữa, ông ấy thốt lên một câu, ánh mắt đầy thương cảm “Tội nghiệp cháu!”. Một thanh niên thì hỏi tôi, rất chân thành “Có phải ở nước bạn ai cũng phải ăn từ một cái bát giống nhau không?“.

Những sinh viên có cha mẹ là người Việt nhưng sinh ra ở Canada thì cho tôi (bàng hoàng) nhận ra rằng, các bạn ấy được dạy một bài quốc ca khác, và gọi ngày 30/4 bằng một cái tên khác (Quốc hận). Có những người miền Nam chỉ nghe giọng Bắc của tôi đã quay đi, và lầm bầm câu chửi. Những người Việt gốc Hoa vừa là Hoa, vừa là Việt, vừa là Canada, và chẳng hẳn thuộc về nơi nào, lại khiến tôi buồn phát khóc.

Thư viện trường mênh mông có những sách mà ở Việt Nam tôi sẽ không thể tiếp cận được. Tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng những khúc giữa và khúc đuôi của chữ S mà tôi tưởng đấy là hình dạng nước mình từ thiên cổ thật ra đã từng thuộc về những vương quốc hùng mạnh khác. Chữ S trong tôi vỡ tan tành, và những điều đã cho tôi cảm giác yên tâm về bản thân cũng vỡ theo. Mình là ai, Việt Nam là gì, cái thực thể mình gọi là quốc gia đó được tạo nên từ gì? Khi một phần rất vững chắc trong nhân dạng cá nhân và bản sắc dân tộc bị lung lay, tôi cảm thấy hoang mang và chới với kinh khủng.

Đấy cũng là động lực để tôi ôm về hàng chồng sách từ thư viện đọc ngấu nghiến. Không phải sách trong bất kỳ lớp học nào, cũng chẳng ai cho điểm. Tôi chỉ muốn hiểu rõ Việt Nam mà tôi biết và chưa biết, rốt cuộc là gì.

3. “Tất cả rồi sẽ qua!”

Một điều mà tôi được sau những năm tháng du học, mà đối với tôi thì cũng giống như những năm lên núi tu thiền, đấy là việc ngộ ra một chân lý “Tất cả rồi sẽ qua!”.

Tôi đã tự nhủ câu thần chú đấy không biết bao nhiêu lần. Khi đứng trước một căn phòng bừa bộn đồ đạc, ngổn ngang giấy tờ, nồi niêu xoong chảo sau khi chuyển nhà, tôi tự nhủ câu đó để biết vài ngày sau, tôi sẽ có một căn phòng ngăn nắp. Khi nghiến răng kéo túi đồ nặng chịch đi trên tuyết, nước mắt chảy ra vì lạnh, vì đau người và vì tủi thân, tôi lại nghĩ đến câu đó và vẽ ra trong đầu cảnh tượng mình đã về đến nơi, vào trong nhà ấm áp và nằm dài trên giường. Khi ngồi thất thểu ở bến xe buýt liên tỉnh giữa đêm, buồn ngủ rũ mắt mà tay vẫn khư khư giữ túi, tôi tự nhắc mình đêm không dài mãi mãi, rồi sẽ qua. Khi cảm thấy bốn năm học sao dài như vĩnh cửu, tôi cố không nghĩ đến cái đằng đẵng kinh khủng, mà ép mình chỉ sống trong từng ngày. Rồi sẽ qua, sẽ qua hết.

Đã ngộ ra rằng không có gì là vĩnh viễn, thì tôi áp dụng với cả những niềm vui. Hoàng hôn lộng lẫy, tôi dừng tay làm việc để ngắm, vì rồi nắng sẽ tắt. Một người bạn mời đến nhà đãi bữa ăn ngon, tôi nhai thật kỹ, hít hà thật lâu, vì biết sẽ rất lâu nữa mình mới được ăn bữa cơm gia đình. Chú chó nhỏ của bạn ở cùng nhà cào vào cửa, dù rất buồn ngủ tôi vẫn ra mở cho vào, vì cảm giác có một tâm hồn yêu quý và muốn đến bên mình, cũng sẽ không dễ gì mà có lại.

Ở một mình và không có ai để nhờ cậy, tôi thường cảm thấy bất lực và choáng ngợp. Đi nhổ răng khôn, nhìn quanh những người khác đều có gia đình đi cùng để đưa về, tôi cũng ứa nước mắt. Những lúc ấy, chỉ có thể tự nhắc bản thân “Rồi sẽ qua” để nuốt nước mắt vào mà tự ôm má đi bộ về. Nhưng việc nghiệm ra chân lý đó cũng khiến tôi vượt qua được rất nhiều đau khổ khác lớn hơn về sau này.

4. Bị gạt ra ngoài rìa

Khi còn ở Việt Nam, là con trong một gia đình lao động trung lưu tại thủ đô khiến tôi có cuộc sống khá thoải mái. Nhưng tôi không biết điều đó. Chẳng ai biết mình may mắn cho đến khi sự may mắn đó bị tước đi, giống như một người lành lặn đến khi bị gãy chân mới thấy cái chân thật quý.

Là một người thiểu số ở trong xã hội Canada, tôi cảm nhận rõ ràng những khác biệt trong đối xử. Khi tôi lại gần một người lạ trên đường, người đó sẽ tập trung, mắt mở to trước khi tôi kịp mở miệng nói câu gì, vì họ đoán (một cách vô thức) là tôi sẽ không nói tiếng Anh thành thạo. Trong lớp, khi tôi giơ tay phát biểu, cả lớp sẽ rơi vào im lặng, vì chẳng ai biết gì để tiếp nối những điều tôi vừa nói (thường là về Việt Nam hoặc châu Á). Những khi bạn học tranh luận sôi nổi về trường phổ thông ở Canada, tôi im thin thít. Khi bạn cùng trọ cười khà khà xem phim hoạt hình, tôi ngẩn tò tè chẳng thấy có gì đáng cười cả.

Không có ai xua đuổi hay nhục mạ gì, nhưng cảm giác mình là một cá thể không trùng khớp với môi trường luôn khiến tôi bồn chồn. Rất nhiều lần, tôi ước mình có thể giống cô bạn cũng từ Hà Nội, bằng tuổi và nhập học cùng năm, nhưng lúc nào cũng dễ dàng bắt chuyện, làm quen, ôm vai bá cổ bạn bè khắp năm châu bốn bể.

Cảm giác đó chẳng hay ho gì khi tôi phải ở trong nó, nhưng khi về Việt Nam và trở lại vị trí được nhiều ưu ái của mình, tôi dễ cảm thông hơn với những người bị gạt ra ngoài lề. Tôi làm việc với phụ nữ nông thôn (mặc dù từ bé đến lớn ở thành phố), với các nhóm dân tộc thiểu số, với người bán hàng rong với đầy đủ nhận thức rằng mình không có gì hơn, ngoại trừ may mắn hơn họ. Những năm tháng vật lộn với sự khác biệt và là một cá thể đơn lẻ giúp tôi nhìn ra điểm tương đồng giữa mình và người khác. Thế là, ngồi với chị em ở thôn thì tôi nói chuyện gà toi, giá thịt lợn ngoài chợ. Lên bản thì tôi đi tắm suối. Ra đường thì tôi ngồi bệt ra vỉa hè, chui rúc vào xóm trọ ở bãi Phúc Tân để nói chuyện với chị bán bánh đa cua. Có nhiều người nhận xét rằng nói chuyện với tôi họ cảm giác tôi bình tâm và cởi mở. Có lẽ đều là từ những ngày tôi lạc lõng và trơ trọi.

Tôi không có những năm đi du học như người ta thường viết trên báo: tham gia các hoạt động xã hội, kết bạn khắp năm châu, làm đại sứ cho văn hóa Việt Nam. Tôi cũng phải mất rất lâu, thực tế là gần hết khoảng thời gian bốn năm học đại học, mới chấp nhận được sự thật rằng những năm xa nhà ở Canada của tôi không và sẽ không được như hình mẫu mà tôi ngưỡng mộ. Không có người bạn nào mời tôi về nhà ăn Giáng Sinh, không có chuyện tình lãng mạn với anh tây da trắng mắt xanh nào cả. Đi ra ngoài, có những người mở rộng thế giới của họ, giao lưu với những nền văn hóa khác, thử những trải nghiệm khác lạ. Còn với tôi, việc ra ngoài và va đập với điều khác khiến tôi đào sâu vào thế giới của riêng tôi. Mình là ai, mình đến từ đâu, gia đình mình cấu thành bởi điều gì, đất nước mình thuộc về là thế nào.

Tôi kể ra chuyện này vì tôi thấy xung quanh mình có quá nhiều ông bố bà mẹ, như người mẹ tôi nhắc đến ở đầu, không chịu buông tay để cho con mình sống. Ai cũng muốn con mình sẽ được yên ả, hạnh phúc. Con đi du học thì cha mẹ cũng phải tìm mọi cách để con đỡ vất vả nhất, để con đường của con được bằng phẳng nhất. Nhưng tôi không có những năm tháng du học như thế, và những trải nghiệm buồn bã, cô đơn, hoài nghi và tự ti không phải là chỉ xấu xí, nhất là bây giờ sau khi tôi đã ra trường nhiều năm và có thể đánh giá lại từ một góc nhìn khác.

Cha mẹ sẽ không phải ôm con trong lồng kính được mãi, càng không thể kiểm soát được việc con sẽ sống một cuộc đời không chút tì vết của đau buồn. Hãy nhớ rằng, khi một đứa con được sinh ra, đó đã là một thực thể độc lập. Vì thế, hãy buông tay cho con được sống, vì mầm non muốn nhú lên thì cũng phải nứt vỏ cơ mà. Ai mà biết những đau đớn của hiện tại sẽ không phải là những trái ngọt của ngày mai?