Ảnh minh họa. (Flickr: Phạm Việt Minh Anh)
Ảnh minh họa. (Flickr: Phạm Việt Minh Anh)

Đến hẹn lại lên, ngày khai trường toàn quốc – với sự cập nhật của báo chí và mạng xã hội – lại bắt đầu là dịp sự phong phú, đối lập trong xã hội hiện ra.

Những đứa trẻ thành phố xúng xính trong đồng phục mới tinh đẹp đẽ, đến trường bằng xe hơi; trong khi đâu đó ở nông thôn/vùng sâu xa những đứa trẻ nhếch nhác lê đôi dép mỏng gót hay chân đất tới trường. Thật ra chỉ ngay trong Hà Nội có trường rộng rãi đẹp đẽ, có trường phải cho học sinh khai giảng trên đường phố. Xuất phát điểm về ngoại cảnh đã khó giống nhau, chỉ có một điều giống là bọn chúng đều ngây thơ, tinh khôi đẹp đẽ như trang giấy trắng.

Nhưng sự tinh khôi đấy đang bị triệt tiêu sớm quá. Lúc tôi có đứa con thứ nhất, tôi cũng bị bủa vây với đủ thứ giáo dục sớm, dạy con thông minh, giai đoạn con nhận thức nhanh nhất.. bla bla.. Khi con đang học mẫu giáo, tôi cũng từng đưa con đi học Finger Math, múa mấy ngón tay giải tính trong phạm vi 100. Rồi cũng sung sướng khi con mình ‘giỏi’ hơn bọn bằng tuổi vì bọn khác đếm chưa xong mà con mình đã tính xong. Nhưng sau tôi chợt nhận ra để có sự hỉ hả phù phiếm đấy là con phải học vài buổi một tuần, mẹ tuần vài ngày vật vờ đưa đón, trong khi lẽ ra con được chơi, mẹ được làm việc mẹ thích.

Thế là dẹp hết! Từ thủa con bước chân đi học, chả có học thêm bớt, thần đồng thần sắt, thông minh sớm hay muộn gì. Cứ làm hết việc cô giao, đủ trách nhiệm học sinh là chấm hết. Thời gian còn lại xem phim, chơi game, nghiên cứu chăm sóc chó mèo… Chỉ với một điều kiện, làm gì cũng được, nhưng phải đeo tai nghe, đọc tất cả đều phải là chương trình Tiếng Anh. Vậy là chả cần ai thúc giục đưa đón, bọn chúng nghe Tiếng Anh ngày vài tiếng. Khả năng nghe, đọc hiểu và phát âm khá tốt.

Học lực ổn định “top đuôi” của lớp, nhưng bù lại – nhờ sư phụ bố rèn luyện – chúng giỏi thể thao, âm nhạc và nhiều thứ khác. Dành rất nhiều thời gian xem phim cùng bố mẹ, chúng học được nhiều bài học từ phim ảnh. Từ chuyện tại sao nhân vật này lại cư xử thế này mà không thế kia, tình huống này trong cuộc sống sẽ ra sao, đến những thủ pháp điện ảnh kiểu cắt cảnh, dự báo… Qua đó nó học cả những khái niệm khá phức tạp kiểu Chiến tranh thế giới 1 2, Chiến tranh Lạnh, hay phe XHCN hay TBCN. Vì hiểu được nội dung phim nó phải lên mạng đọc trước hoặc bố mẹ giải thích.

Nhớ hồi con trai học cấp 1, anh là nỗi đau đầu của các cô giáo và bố mẹ. Tôi bị vời đến trường không biết bao lần vì các thành tích quậy phá của anh. Trong lớp có cậu bé chậm phát triển, cha mẹ bỏ nhau ở với ông bà. Cậu bé tội nghiệp thành mục tiêu trêu chọc bắt nạt của đám bạn, ông con của tôi là một thành viên khá tích cực. Đánh đòn, phân tích, kiểm điểm, răn đe, lên lớp đạo đức các kiểu… dạ vâng.. rồi được vài hôm lại y như cũ.

Một lần cả nhà xem bộ phim Flatliners, một nhóm sinh viên y khoa thử tiêm thuốc gây hôn mê chính mình. Ở ranh giới sự sống và cái chết, những việc làm ác từ thủa học trò bỗng ùa về ám ảnh họ. Từ việc bắt nạt bạn da màu, đến truy đuổi ném đá khiến bạn ngã từ ngọn cây xuống chết… hồn ma và ký ức đó bám riết họ. Xem phim xong cậu suy tư ghê lắm, và sau đó thôi trò bắt nạt cậu bạn tội nghiệp.

Những điều này không thầy cô sách vở hay lý thuyết đạo đức nào đi vào đầu nó được, chỉ những điều chúng tự vỡ ra. Những bài học chúng cần thực hành ngay luôn và suốt đời, chứ không phải kiến thức thành thần đồng này nọ. Nhưng có vẻ chúng ta ngày càng dành cho chúng ít cơ hội để vỡ ra những điều như thế. Trong khi những vụng dại, nỗi buồn, sự hối lỗi, giọt nước mắt, ngày khai giảng đầu tiên và những người bạn đầu tiên chẳng phải là chất liệu của những bài văn thơ giàu cảm xúc nhất hay sao. Trần Đăng Khoa nếu cũng bị bắt đi học từ mẫu giáo để thông minh sớm có khi cũng chẳng ra được bài thơ nào.

Hành trang sẽ đi theo chúng suốt cuộc đời chắc chắn không phải bảng điểm số hơn thua hay những khóa học thần đồng thần sắt ép chín sớm. Tôi luôn nói với con: “Cuộc sống muôn vẻ, con bước vào căn phòng có dạ tiệc sơn hào hải vị, bát đũa sáng choang, con ăn ngon lành; nhưng bước vào căn phòng bừa bộn, thức ăn nghèo nàn, bát đĩa mốc bẩn, con vẫn phải ăn được” thì lúc đấy cuộc sống của con sẽ cực kỳ thoải mái.

Trong mắt tôi, những đứa trẻ HN đồng phục đẹp đi xe hơi có niềm vui của chúng, nhưng những đứa trẻ đi chân đất ngồi bệt khai giảng trên thảm lá khô có những hạnh phúc mà ‘đội xe hơi’ không thể có. Dọc đường về chúng có thể đuổi bướm hái hoa, đổ dế hay khám phá thiên nhiên xung quanh, rồi ký ức đấy theo chúng vào những câu văn tuyệt đẹp.

Cuộc sống muôn màu, màu nào cũng có vẻ đẹp riêng, chỉ là mắt mình có nhìn thấy không, tôi luôn nói với con tôi như thế!

(Viết nhân ngày khai trường và những tranh cãi dạy thêm – học thêm đang ồn ào, và mẹ con tôi đã miễn nhiễm từ lâu)