Sau vụ giáo viên ép học sinh uống nước giẻ lau bảng, lại xuất hiện một vụ một giáo viên ra lệnh cho cả lớp tát đến sưng má tím môi một học sinh, tổng cộng tới 231 cái tát. Động lực nào đứng sau những hành vi mà chỉ có thể dùng từ “độc ác” để mô tả đối với những nhà giáo dục Việt Nam này?

tat hoc sinh
Ảnh minh họa (Báo Người lao động)

Cái sự “độc ác” của việc bắt một cháu bé 11 tuổi chịu tra tấn bằng 231 cái tát, cô giáo là người tát cuối cùng khiến cháu phải nhập viện, là sự độc ác hiển nhiên mà bất cứ ai cũng sẽ phẫn nộ. Cô giáo nói rằng mình bị nóng giận, bị áp lực thành tích chi phối mà hành động như vậy. Nhưng còn một cái “ác” thứ hai, khó thấy hơn, ác độc hơn, nhưng sự hủy hoại của nó đối với thế hệ tương lai còn ghê gớm hơn. Cái ác này, cũng phải nhận được sự lên án tương tự.

Giáo dục kiểu đấu tố

Trong 23 em được yêu cầu tát bạn với “mệnh lệnh” nếu em trước tát nhẹ thì em sau phải tát mạnh hơn, không có một em nào dám đứng ra bênh vực bạn. Tại sao không có một em nào dám nói không? Không có một em nào dám đối mặt với sự phẫn nộ vô lý của cô giáo?

Tại sao người xưa, khi thầy đồ có quyền roi vọt tuyệt đối với học trò (phụ huynh thường không được phép can thiệp) nhưng vẫn dạy ra những Lưu Bình – Dương Lễ? Còn chúng ta, với tất cả sự đổi mới, công nghệ mới và hàng chồng sách giáo khoa đè cong vai của con em mình, đang dạy ra những gì?

Chúng ta dạy cho các em những lý tưởng xa xôi, những chủ nghĩa rỗng tuếch, những giáo điều cũ kỹ mà ngay cả chúng ta cũng không hiểu hoặc biết thừa là dối trá. Chúng ta dạy học sinh nói răm rắp như con vẹt đọc khẩu hiệu.

Chúng ta dạy học sinh phải trở thành “con ngoan trò giỏi” nhưng không dạy chúng làm người tốt. Chúng ta dạy học sinh phải làm người “có ích cho xã hội” nhưng không dạy chúng cách bảo vệ bạn bè. Chúng ta dạy học sinh lớn lên phải “xây dựng đất nước” nhưng không dạy chúng xây dựng nhân phẩm và sự chính trực. Tất cả những gì ta dạy cho chúng là phải “ganh đua với nhau”, là nỗ lực với mục đích tối cao, là những điểm 10 trong các bài kiểm tra.

Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu có một em từ chối tát bạn, nhưng không có. Và lỗi không phải là của các em.

Tôi tưởng đã qua lâu rồi cái thời bà nông dân tốc váy, chỉ vào mặt người địa chủ đang bị trói gô cổ giữa bãi đất sân đình mà chì chiết, cho dù chính người địa chủ đó trong nhiều năm đã cưu mang bà và những người nghèo khổ như bà. Vợ đấu tố chồng, trò đấu tố thầy, bạn học đấu tố nhau, những ký ức không bao giờ muốn lặp lại này, nay lại hiện hình hiện bóng trong khuôn khổ một lớp học nhỏ bé, khi giáo viên ép học sinh của mình vả thật mạnh vào mặt của người mà có khi là bạn bè thân thiết cùng vui chơi cười đùa cùng nhau. Đây không phải là một trường hợp cá biệt, từ lâu một số giáo viên Việt Nam vẫn “lệnh” cho học sinh này đánh hay phạt một học sinh kia khi phạm lỗi.

Biến anh em, bạn bè thành kẻ thù của nhau là một thủ đoạn trong đấu tranh giai cấp. Cái thời “điên rồ” đó đã qua từ lâu, nhưng cái tâm lý điều khiển nó vẫn còn bám víu dai dẳng trong nhiều thế hệ người Việt.

Khi phá vỡ những mối quan hệ thân thiết nhất, thay chúng bằng thù hận, một xã hội gồm toàn những kẻ đạo đức giả, vô luân được tạo ra. Khi cho học sinh vốn là bạn bè thân thiết sát phạt lẫn nhau, giáo viên đã tạo ra trong tiềm thức của các em cảm giác vô dụng, hèn yếu và bạc nhược, lấp dưới tâm lý “tôi không làm sai, tôi chỉ làm theo lệnh”. Trong những em học sinh đã tát bạn ấy, có bao nhiêu em hả hê vì đang thay cô “thực thi công lý”, có bao nhiêu em ân hận không dám nhìn vào mặt bạn mình vào ngày hôm sau?

Trong nền giáo dục “giả dối”, nặng bệnh thành tích, điểm số, cộng với kiểu giáo dục “đấu tố” như thế này, con em của chúng ta sẽ trở thành những người như thế nào khi lớn lên? Đây là điều đáng lo ngại nhất, và hậu quả của nó sẽ sớm xuất hiện.

Có một video rất cảm động khảo sát về phản ứng của của các bé trai phương Tây, hầu hết ít hơn độ tuổi 11 khi được người lớn yêu cầu tát một bé gái, đều đã lắc đầu phản đối.

“Tại sao không?”

  • Bởi vì đàn ông không nên đánh phụ nữ!
  • Bởi vì cháu không muốn đánh bạn ấy!
  • Bởi vì bạn ấy rất xinh!
  • Bời vì đó là việc xấu!
  • Bởi vì không nên đánh phụ nữ dù bằng một bông hoa, hay cả một bó hoa!
  • Bởi vì cháu là đàn ông!

Phải là những người cha, người mẹ, người thầy, phải là một xã hội như thế nào mới tạo ra những đứa bé như vậy? Còn chúng ta, ta đang dạy con em mình trở thành cái gì?

Trọng Đạt