Ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, các máy bay của Mỹ thực hiện một chiến dịch bí mật thả 2 quả bom nguyên tử xuống lãnh thổ của Nhật Bản. Hơn 200.000 người thiệt mạng. Ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng đọc tuyên bố đầu hàng đồng minh.

us bomb japan2
Một quyết định sai lầm? (Ảnh: STANLEY TROUTMAN/ Lưu trữ AP)

Trong những năm qua, nhiều học giả và một số nhà nghiên cứu lịch sử đã lên án quyết định thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản Hiroshima và Nagasaki của Tổng thống Mỹ Harry S. Truman là không cần thiết và vô nhân đạo. Tuy nhiên, cách giải thích này phản ánh sự thiếu hiểu biết về lịch sử và không cân nhắc đến tình huống lúc đó, bỏ qua bối cảnh của sự kiện. Việc thả bom đã rút ngắn cuộc chiến và cứu sống vô số sinh mạng của cả người Mỹ lẫn người Nhật.

Sự thật là việc thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản Hiroshima và Nagasaki của Tổng thống Truman là một trong những quyết định gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nhiều năm đã trôi qua, cuộc tranh luận không có hồi kết mà chỉ trở nên gay gắt hơn. Ngày càng có nhiều người – cả ở Mỹ và ở nước ngoài – đã lên án cả Tổng thống Truman và nước Mỹ về quyết định này.

Nhưng những sự chỉ trích này lại dựa trên những kiến ​​thức lịch sử hạn chế về cả tình huống mà tổng thống Truman phải đối mặt lẫn cơ sở để đi đến quyết định của ông. Sự phân tích đầy thiếu sót như thế đã được hỗ trợ bởi những thông tin lịch sử không đúng đắn và lệch lạc, chẳng hạn như thông tin được đưa ra bởi các thành viên của trường phái “ngoại giao nguyên tử”. Các nhà sử học này đã cáo buộc một cách đáng hổ thẹn rằng việc Tổng thống Truman tiến hành thả hai quả bom nguyên tử lên một nước Nhật Bản, mà ông này biết là đang trên bờ vực đầu hàng, là để đe dọa Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang dần dần thành hình. Sự giải thích chỉ hợp lý ở bề ngoài này phải bị bác bỏ hoàn toàn.

Tổng thống Truman tìm cách ném bom Hiroshima và Nagasaki, hai mục tiêu quân sự và công nghiệp chủ chốt của quân đội Nhật, nhằm tránh một cuộc xâm chiếm Nhật Bản mà ông Truman biết chắc sẽ trở thành “một Okinawa từ đầu bên này đến đầu bên kia của nước Nhật” (Chú thích: Okinawa là nơi diễn ra một trong các trận chiến đẫm máu nhất tại Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai). Giả định của ông là hoàn toàn chính đáng.

Vào tháng 7/1945, Nhật Bản đã phải chịu các cuộc tấn công tàn phá bởi máy bay B-29 của Mỹ trong nhiều tháng, thủ đô và các thành phố lớn khác đã bị thiệt hại nặng nề, và các đảo chính đã bị hải quân phong tỏa làm cho thực phẩm và nhiên liệu ngày càng khan hiếm. Tổn thất quân sự và dân sự của Nhật Bản lên đến khoảng ba triệu người và trước mắt cuộc chiến dường như không có hồi kết. Bất chấp những điều này, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và đặc biệt là quân đội của họ quyết liệt bám lấy quan điểm Ketsu-Go ( “trận chiến quyết định”). Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản đã huy động một phần lớn dân số làm thành một lực lượng dân quân quốc gia, lực lượng này sẽ được điều động để bảo vệ các quốc đảo.

Việc khẳng định quyết tâm tiếp tục chiến đấu của Nhật Bản là một sự thật đã được chứng minh, vì ngay cả sau khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị thả bom nguyên tử, các tướng lĩnh quân đội Nhật Bản vẫn muốn theo đuổi lựa chọn tuyệt vọng này. Nhưng hai quả bom nguyên tử đã buộc Hoàng đế Hirohito phải hiểu rõ, và hiểu theo cách mà các lãnh đạo quân sự của ông từ chối, rằng việc bảo vệ Nhật khỏi quân đồng minh là vô vọng. Hoàng đế Nhật Bản đã phải sử dụng quyền can thiệp chưa từng có để phá vỡ sự bế tắc trong chính phủ Nhật Bản và cuối cùng ra lệnh đầu hàng. Chính việc thả bom nguyên tử đã khiến Nhật hoàng và phe chủ hoà trong chính phủ Nhật Bản đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Tại tình huống đó, tất cả các kịch bản thay thế khác, khả thi để đảm bảo được chiến thắng của Mỹ đều đi đến một kết luận là số lượng thương vong của Mỹ và quân đồng minh sẽ lớn hơn nhiều lần và thương vong dân sự và quân sự của Nhật Bản sẽ còn cao hơn nhiều. Theo ước tính của quân đội Mỹ vào thời điểm đó, số người bị thiệt mạng có thể lên trên một triệu. Số người chết tại Nhật theo các thống kê chính thức, vì 2 quả bom nguyên tử là khoảng 200.000 người.

Mặc dù khó có thể chấp nhận, nhưng tổn thất của Nhật Bản sẽ lớn hơn rất nhiều nếu không có những quả bom này. Và thương vong tổng thể cũng sẽ bao gồm hàng ngàn tù binh chiến tranh thuộc quân đồng minh, tức là có cả người Mỹ – mà quân Nhật đã lên kế hoạch hành quyết trong trường hợp nước họ bị xâm lược.

Quyết định sử dụng đến bom nguyên tử của Tổng thống Truman cần được cân nhắc trong bối cảnh đó để thấy đó là lựa chọn ít khủng khiếp nhất trong số các phương án có sẵn dành cho ông.

>> Mỹ rải hơn 63 triệu tờ rơi trước khi thả bom nguyên tử xuống Nhật trong Thế chiến thứ II

Ngay cả khi suy ngẫm lại về thời điểm đó, xa rời những áp lực mà tổng thống Truman phải đối mặt vào năm 1945 thì những người chỉ trích ông cũng không thể đưa ra được một đề nghị nghiêm túc và thuyết phục về một phương án thay thế khả thi và ít tổn thất hơn.

Sự phán xét của lịch sử là rõ ràng và không mơ hồ: những quả bom nguyên tử đã rút ngắn cuộc chiến, ngăn chặn sự cần thiết phải tiến hành một cuộc chiến xâm lược, cứu sống vô số sinh mạng ở cả hai bên của cuộc xung đột đẫm máu – nhiều hơn nhiều lần số người thiệt mạng do hai quả bom gây ra, và kết thúc sự đối xử tàn bạo của nước Nhật đối với các dân tộc bị xâm lược ở châu Á.

Căn cứ vào các lựa chọn khả thi lúc đó, một con người có đạo đức sẽ làm gì nếu ở vị trí của tổng thống Truman?

Tác giả: Wilson Miscamble, giáo sư lịch sử tại Đại học Notre Dame, bang Indiana, Hoa Kỳ phát biểu trên Prager University.