Minh Nhân vừa lái Uber được 20 ngày. Lịch sử làm việc của anh có 477 cuộc, trước khi tôi gọi xe anh chở đi cafe.

Thương vụ Uber bán lại mảng Đông Nam Á cho hãng Grab được báo chí tường thuật suốt mấy ngày qua. Nhưng không hiểu bằng cách nào, từ hôm cái app gửi đến tôi thông báo đó, những tài xế như Nhân vẫn không biết số phận sắp tới của mình ra sao. Ngày 26/3, tôi nhận được thông báo đó qua email:

Chúng tôi muốn chia sẻ với bạn một thông tin – Uber sẽ hợp nhất các hoạt động của mình với Grab để đưa bạn bước sang một giai đoạn mới của lĩnh vực chia sẻ xe tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Điều này có ý nghĩa gì với bạn: chúng tôi sẽ chuyển đổi các dịch vụ của mình sang nền tảng công nghệ của Grab vào ngày 4-8-2018, vì thế tất cả các yêu cầu đặt xe sau ngày này cần được đặt từ ứng dụng Grab.

Có hai điểm người dùng như tôi biết:

1. Uber không còn ở đây.
2. Từ nay khi đặt xe, tôi nên đặt từ Grab.

Vậy mà người tài xế đang chở tôi trước mặt nói anh “có nghe” nhưng thấy “vẫn bình thường mà“. Nhưng Minh Nhân không phải người duy nhất như vậy.

grab uber
“Khi một tập đoàn công nghệ khổng lồ lặng lẽ bơi khỏi Việt Nam, họ để lại những tài xế ngơ ngác như anh Nhân hay bác Hậu…” (Ảnh minh họa)

Tôi vừa đi với một bác tài xế khác tên Hậu, đã lái hơn 1.200 cuốc với Uber, và bác nói: “Tui nghe người ta đồn mấy ngày nay, nhưng Uber đâu có gọi tui lên thông báo hay làm việc gì đâu. Chắc không có đâu.” – Bác đã kiếm sống gần một năm nay hoàn toàn nhờ việc lái xe này.

Hai người tài xế tôi gặp chiều qua không khá hơn, một người chưa hề biết gì về vụ này. Người còn lại “nghe mấy anh ở bến xe miền Đông nói”.

Hôm nay ngày 28/3 – Minh Nhân nói chừng một tuần trước anh còn nhận được tin nhắn trong app Uber, nói anh tin sáp nhập chỉ là tin đồn thôi, tài xế cứ tin tưởng tiếp tục lái cơ mà. Nghĩ một lúc, anh nói tiếp, anh có thấy đâu đó thông báo “qua Grab” trong ứng dụng, nhưng chưa đọc kỹ.

Vẻ lo lắng, anh chặc lưỡi: “Trời, vậy sao không nói sớm, bữa qua anh mới lên Uber lấy quần áo nè. Giờ bắt chuyển qua Grab rồi hổng lẽ bắt mua quần áo mới?” – Bộ áo xanh và hai chiếc nón của Uber, tài xế phải bỏ tiền mua với giá 240.000đ – để thực sự bắt đầu cuộc hợp tác nghiêm túc với công việc này. Người sử dụng như tôi luôn được Uber hỏi: “Tài xế có mặc trang phục Uber không?

Người bán cho anh bộ quần áo tuần trước chắc chắn phải biết thương vụ này đã ồn ào suốt mấy tháng qua. Nhưng họ đã im lặng và nhắm mắt bán cho anh chiếc áo màu xanh sẽ không còn hữu dụng chỉ trong 10 ngày nữa.

240.000đ với Nhân là gần một ngày chạy xe bạc mặt giữa Sài Gòn. Mỗi ngày anh lái 12 giờ, kiếm 400.000đ và chỉ về nhà chợp mắt 1 tiếng khi quá mệt.

Anh làm công nhân, vừa nghỉ việc, và nghĩ mình đang nghiêm túc với việc hợp tác cùng Uber để thay thế việc cũ. Anh có hai đứa bé phải nuôi, và sau 20 ngày đầy hứa hẹn, anh hoang mang khi tôi thốt ra câu hỏi: “Ủa anh không biết gì sao?

Đó là khoảnh khắc tôi tự hỏi công đoàn cho người lao động tồn tại ở đâu trong cuộc chạy xe mà những người lao động này đang gồng sức mỗi ngày? – Có 50.000 tài xế Uber và Grab đang chạy ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam theo thống kê cuối 2017 (*), và phần thu nhập của họ đều bị Uber và Grab “thu hộ thuế” làm nghĩa vụ với cơ quan nhà nước. Nhưng khái niệm “nhà nước” đã làm gì khi những tài xế Grab đến biểu tình tại trụ sở vì họ tăng phí? Nó có biết tài xế phải ký vào hợp đồng hợp tác phần thiệt thuộc về họ với chiết khấu tăng dần. Nó vô hình khi Uber bán lại thị trường mà họ đã tồn tại nhiều năm với hàng ngàn tài xế. Họ không được đóng bảo hiểm xã hội – đây chỉ là cuộc mua bán trao tay trên sự “ưu việt của công nghệ”.

Và khi một tập đoàn công nghệ khổng lồ lặng lẽ bơi khỏi Việt Nam, họ để lại những tài xế ngơ ngác như anh Nhân hay bác Hậu. Nó lặng lẽ thông báo qua “tin nhắn trong app” thay vì cuộc kết thúc đàng hoàng của những đối tác với nhau.

Rất nhiều người lái Uber ít học và thậm chí lóng ngóng dùng điện thoại vất vả. Khi huấn luyện họ sử dụng cái app để chạy xe, thương hiệu này biết rõ trình độ của họ.

Nhưng bằng cách nào đó, nó đang lặng lẽ rũ bỏ họ – từng tế bào đã tạo ra một mảng thị trường Đông Nam Á được bán thành tiền – và anh Nhân đơn thuần chỉ nhận được một tin nhắn, để biết số tiền mua áo của anh có lẽ khó lòng kiếm lại được….

Khải Đơn

(*) Theo Cafef, 13/10/2017. Đây là con số tính riêng đối với tài xế Grabtaxi, Uber Taxi, chưa bao gồm bộ phận lái xe motor (TTVN)

Xem thêm: