Giới thiệu

Từ lâu tôi đã thấy rất đáng tiếc khi chưa ai bắt tay viết cuốn sách “Law for Dummies” (tôi tự dịch câu này là “Dạy luật cho những kẻ ngốc”) phiên bản Việt Nam.  Tại Mỹ, Law for Dummies được rất nhiều người ưa thích do cuốn sách này có khả năng sử dụng ngôn ngữ vô cùng đơn giản để giải thích một cách tổng quát những vấn đề phức tạp của luật pháp trong mọi khía cạnh cuộc sống. 

luat-phap-1

Nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng luật pháp ảnh hưởng đến mọi hoạt động, mối quan hệ và sinh hoạt hàng ngày của mỗi con người trong xã hội.  Do đó, cũng nhiều người trong chúng ta rất có thể sẽ phải trả giá vì sự “thiểu hiểu biết” này.  Nếu bạn không biết những quyền lợi của bạn là gì thì làm sao bạn có thể yêu cầu chúng ? Nếu bạn không biết bạn có nghĩa vụ gì với những người khác thì làm sao bạn có thể an tâm rằng bạn đang không làm một điều sai trái ? Tôi có thể ví dụ như nhiều người không biết rằng hợp đồng miệng có giá trị pháp lý, vượt đèn vàng là sai luật, hay như không ai có thể đuổi việc hoặc sa thải một người lao động nữ đang mang bầu hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi…

Hơn tất cả các lý do khác, Law for Dummies phiên bản Việt Nam là một cuốn sách trong mơ của tôi do tôi luôn tin tưởng rằng một xã hội mà ai cũng biết rõ luật pháp sẽ phải là một xã hội công bằng và tốt đẹp.

Và tôi không thể chờ đợi hơn được nữa. 

Nếu không ai viết, thì tôi sẽ là người viết ra cuốn sách “Dạy luật cho những kẻ ngốc”. 

Trước mắt tôi sẽ viết từng bài nhỏ một, và đăng trên tường Facebook của tôi dưới dạng Note.  Sau khi tôi thấy các bài viết nhỏ này đã bao chùm một cách tổng quát và đầy đủ các khía cạnh luật pháp trong đời sống hàng ngày của mọi người, tôi sẽ cố gắng thu thập và tổng hợp chúng lại.  Tôi rất mong sẽ có nhiều người đọc, chia sẻ và góp ý để cuốn sách “Dạy luật cho những kẻ ngốc” sớm được ra đời.  Tôi không bảo đảm sau khi đọc cuốn sách của tôi bạn sẽ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp, nhưng tôi hy vọng rằng bạn sẽ trở thành một người có khả năng sử dụng luật pháp để bảo vệ cũng như mang lại quyền lợi cho bản thân và người thân một cách hiệu quả nhất.

*Chú ý: Nhiều bạn đã đọc Law for Dummies rồi, sẽ thấy rằng cách sử dụng từ ngữ, cấu trúc và diễn đạt của “Dạy luật cho kẻ ngốc” được “bắt chước” theo cuốn sách đó khá nhiều.  Tôi hy vọng tác giả John Ventura sẽ ok với điều này. 

Hệ thống Pháp luật

Pháp luật phản ánh tiêu chuẩn, giá trị và triển vọng của một xã hội.  Bạn có thể coi pháp luật tạo ra những nguyên tắc căn bản của các mối quan hệ trong cuộc sống, bảo đảm mỗi cá nhân chúng ta được đối xử một cách công bằng.  Không những thế, pháp luật còn tạo ra nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá thể trong xã hội, giúp chúng ta ngăn ngừa đồng thời giải quyết các vấn đề khác nhau.

Hệ thống pháp luật nước ta thường được hình thành từ 6 nguồn cơ bản: Hiến Pháp, Bộ Luật và Luật (sau đây gọi chung là Luật), các Văn Bản Dưới Luật, Án Lệ,  Điều Ước Quốc Tế và Tập Quán.

Hiến Pháp

Bạn có thể hiểu rằng Hiến Pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị thiết lập quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền.  Không những thế, Hiến pháp nước ta cũng bảo đảm các quyền và nghĩa vụ căn bản của mọi công dân Việt Nam (ví dụ như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, hay tự do báo chí…).

Hiến Pháp là văn bản pháp luật tối cao và cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; điều này có nghĩa rằng mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp và không được trái với Hiến pháp.  Bản Hiến Pháp đang có hiệu lực là bản của năm 2013, bao gồm 11 chương và 120 điều.

Luật

Luật do Quốc hội ban hành.  Luật ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Luật có thể quy định về quyền lợi của bạn khi bạn trở thành một nhân viên của công ty nào đó, có thể đặt ra những nghĩa vụ cho bạn khi bạn bắt đầu làm một người chồng, một ông bố, hay cũng có thể giúp chúng ta có quyền kiểm tra tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước…

Văn bản dưới luật

Về nguyên tắc, Luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay.  Tuy nhiên, trên thực tế, trong các văn bản Luật khác nhau vẫn có một số điều khoản mà nội dung liên quan đến quy trình hoặc quy chuẩn kỹ thuật, và cần được giải thích hoặc quy định chi tiết hơn.  Khi đó, việc giải thích chi tiết này sẽ được giao cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện (ví dụ như Chính phủ, các Bộ ngành, Tòa án, Hội đồng nhân dân hoặc các cơ quan khác nhau của nhà nước do Luật quy định).  Đây là lý do cho sự ra đời của các Văn Bản Dưới Luật (ví dụ như Nghị Định, Thông Tư, hoặc Quyết Định…). 

Nói một cách dễ hiểu, các Văn Bản Dưới Luật là một nguồn pháp luật mà thông thường được tạo ra và áp dụng bởi các cơ quan nhà nước (không phải Quốc hội).  Ví dụ như: Bộ Giao Thông có quyền ban hành quy định chi tiết về tiêu chuẩn của những chiếc xe máy, ô tô để có thể sử dụng trên đường xá, hay Bộ Công An có quyền đưa ra những quy định chi tiết về nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi dừng xe đang lưu thông trên đường.

Như tên gọi của chúng, các Văn Bản Dưới Luật có hiệu lực pháp lý thấp hơn Luật.

Án lệ

Án Lệ, là bản án hoặc quyết định của Tòa án, tạo lập quy tắc hoặc căn cứ pháp lý đáng tin cậy cho việc quyết định các vụ việc tương tự trong tương lai.  Do đó, có thể nói Án Lệ là việc làm ra luật của Tòa án trong quá trình xét xử.

Hệ thống pháp luật Việt Nam trước đây không coi Án Lệ là một nguồn pháp luật chính thức và có tính ràng buộc.  Tuy nhiên, từ ngày 01/06/2016, một số bản án lệ có tính ràng buộc đầu tiên đã được công nhận và sẽ được các Tòa án áp dụng trong xét xử.  Tại Việt Nam, chỉ có Tòa án Nhân dân tối cao mới có quyền công bố bản án hoặc quyết định nào của Tòa án sẽ trở thành Án lệ.

Điều ước quốc tế

Điều Ước Quốc Tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa các quốc gia khác nhau làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các nước tham gia ký kết.  Theo hệ thống pháp luật Việt Nam, Điều Ước Quốc Tế có giá trị pháp lý cao hơn cả Luật; điều này có nghĩa rằng trong trường hợp một văn bản pháp luật (trừ Hiến Pháp) có quy định khác với Điều Ước Quốc Tế mà nước ta là thành viên, thì phải áp dụng Điều ước quốc tế. 

Trên thực tế, hầu hết quy định của các Điều Ước Quốc Tế mà Việt Nam tham gia đều phải được chuyển hóa thành quy định tại các văn bản pháp luật.

Tập quán

Tập Quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội và sinh hoạt hàng ngày, được mọi người công nhận làm theo.  Tại nước ta, Tòa án áp dụng Tập Quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định.   Tập Quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.