Phát triển kinh tế Trung Quốc do cải cách mở cửa mang lại được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là thành tựu đầy tự hào, nhưng chính sách kiểu tư bản chủ nghĩa lại nhân danh xã hội chủ nghĩa đó khó tránh gây hỗn loạn về tư tưởng chính trị. Vậy là Đặng Tiểu Bình, người thúc đẩy cải cách, đã đưa ra thuyết nổi tiếng “bất kể mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo giỏi”. Hệ quả của thuyết “mèo đen mèo trắng” này đối với xã hội Trung Quốc là thế nào và ĐCSTQ đã chọn loại mèo nào?

Dặng Tiểu Bình
Đặng Tiểu Bình và thuyết mèo đen mèo trắng. (Ảnh ghép từ Shutterstock)

Lập luận “mèo đen mèo trắng” đã trở thành quan trọng trong tư tưởng chính trị của ĐCSTQ và được nhiệt tình hưởng ứng. Dưới dẫn dắt của tư tưởng này, chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc đã phát triển thành “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, và lý luận tư tưởng của ĐCSTQ cũng phát triển thành tư tưởng “tiến cùng thời đại”. Thoạt nhìn, điều này có vẻ phản ánh cái gọi là bản chất tiên tiến của ĐCSTQ, rằng họ có thể sẵn sàng thay đổi để lựa chọn và tiếp thu những giải pháp tốt nhất của thời đại. Nhưng trên thực tế, sự hỗn loạn trong xã hội Trung Quốc không thể tách rời thuyết “mèo đen mèo trắng”.

Cái gọi là thuyết “mèo đen mèo trắng” thực ra chỉ chú trọng kết quả mà không quan tâm quá trình để đạt kết quả. Nói đơn giản là chỉ cần kết quả cho thấy tốt thì quy trình và phương tiện dù như thế nào cũng có thể chấp nhận, bản chất của vấn đề đó là “Kết quả có biện minh cho phương tiện”. Việc một người hoặc một quốc gia thỉnh thoảng dung túng hoặc hành động rẻ mạt trong các vấn đề cụ thể là điều không khó hiểu, nhưng điều đó không mang tính nhất quán nên cũng không nên chủ trương lạm dụng (kiểu “đu dây”). Do trong vấn đề bất chấp nguyên tắc về cơ bản sẽ nguy hại đối với an ninh của chính bản thân cá nhân và quốc gia đó.

Trong “Luận ngữ” của Khổng Tử có chỉ ra “người không giữ chữ tín sẽ không có chỗ đứng trong xã hội, nước không có chữ tín tất suy bại”, do đó nhà hiền triết Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh “người quân tử nên biết việc gì nên và việc gì không nên làm” (quân tử hữu sở vi hữu sở bất vi). Người sống có nguyên tắc mới có thể có được những người bạn cùng chí hướng, và chỉ khi một người biết tuân thủ nguyên tắc thì họ mới có thể cho phép người khác hiểu được và qua đó đặt niềm tin được. Điều này cũng đúng ở cấp độ quốc gia. Tín nhiệm quốc tế dành cho một chính quyền đến từ nền luật pháp quản trị xã hội của chính quyền đó, đấy là nền móng cho thế đứng của một quốc gia; thực thi luật pháp nghiêm minh là thể hiện danh dự và tín nhiệm của quốc gia.

ĐCSTQ chưa bao giờ quản trị xã hội Trung Quốc theo pháp quyền [chỉ là cá nhân trị và phe cánh quyền lực trị].

Cải cách mở cửa của ĐCSTQ với chiêu bài lý luận “mèo đen mèo trắng”, nhưng thực tế họ không chọn mèo đen cũng không theo mèo trắng, mà là mèo xám kết hợp giữa đen và trắng: vận hành bằng các quy tắc ngầm.

Ban đầu là quy định kép về giá cả, dẫn đến tình trạng quan chức lộng hành và vô số kẻ được cơ hội trục lợi nhờ quyền lực. Sau khi cải cách tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước thì lại gây hệ quả sa thải hàng loạt người lao động, rồi tài sản nhà nước bị bán với giá rẻ mạt và tiếp tục tập trung vào tay những người nắm quyền, vậy là đã thực hiện được giai đoạn đầu của tích tụ tư bản “tanh mùi máu”. Sau khi gia nhập thị trường quốc tế để tham gia vào cuộc cạnh tranh, ĐCSTQ đã áp dụng chiến lược “siêu xe vượt lên bằng đường vòng” bằng cách dùng lao động giá rẻ và ăn cắp công nghệ, nhờ đó có được lợi thế cạnh tranh một cách bất bình đẳng.

Khi cộng đồng quốc tế bắt đầu làm ăn với Trung Quốc, đặc biệt là khi chấp nhận việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với một số lượng lớn các điều khoản ưu đãi để giúp phát triển kinh tế Trung Quốc, khi đó cộng đồng quốc tế đã đặt nhiều kỳ vọng vào xã hội Trung Quốc: Đó là Trung Quốc sẽ phát triển thành một nước dân chủ pháp trị để từ đó tuân thủ các quy tắc quốc tế. Tại sao ĐCSTQ luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng luật pháp nghiêm minh? Có phải là cảm thông với những người dân Trung Quốc luôn bị áp bức? Không đúng! Cái gọi là hệ thống pháp luật của ĐCSTQ chủ yếu là dành cho người nước ngoài, và trên danh nghĩa đó chẳng qua là cam kết để phù hợp gia nhập WTO.

Trong những năm qua, việc xây dựng hệ thống pháp luật của ĐCSTQ dường như đã đạt được những kết quả nổi bật, các bộ luật lần lượt được ban hành, bề ngoài cho thấy dường như theo kịp tiến bộ các nước phương Tây hiện đại. Thật đáng tiếc, ĐCSTQ thường chỉ nghiêm với bên ngoài mà lỏng lẻo nội bộ. Luật lao động đã được ĐCSTQ ban hành nhiều năm và được các công ty nước ngoài chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc thì như thế nào? Văn hóa doanh nghiệp 996 (làm từ 9:00 sáng đến 9:00 tối, một tuần làm 6 ngày) hay thậm chí 007 (làm việc liên tục 7 ngày trong tuần không nghỉ) được bình thường hóa, vấn đề khủng hoảng tuổi 35 (doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 35 tuổi trở xuống)…. và vô số kể biểu hiện vi phạm luật lao động đã là chuyện quá bình thường và bất lực đối với nhiều người lao động Trung Quốc. Mặc dù luật sở hữu trí tuệ đã được ban hành, nhưng ĐCSTQ vẫn không hổ thẹn khi cưỡng đoạt công nghệ phương Tây ở cấp quốc gia. Công ty nước ngoài muốn bán xe hơi ở Trung Quốc? Vậy thì hãy thành lập liên doanh với các công ty ô tô Trung Quốc theo tỷ lệ vốn nước ngoài thấp hơn và phải phụ trách cung cấp công nghệ cho công ty Trung Quốc, công ty phía Trung Quốc phụ trách vấn đề thị trường. Muốn bán đường sắt cao tốc cho Trung Quốc để kiếm tiền? Công nghệ phải được chuyển giao để thực hiện tất cả sản xuất tại Trung Quốc, hệ quả cuối cùng là Trung Quốc sẽ cạnh tranh giành thị trường quốc tế với giá thấp hơn. Sản phẩm mạng internet ưu việt? Tường lửa ngăn chặn mà không có thương lượng! Trung Quốc làm nhái và dựa vào thị trường khổng lồ Trung Quốc để lớn mạnh hơn, cuối cùng là xuất khẩu để đè bẹp đối thủ!

Những lợi ích ngắn hạn có thể thu được bằng những thủ đoạn gian xảo, nhưng tình trạng mất uy tín sẽ dẫn đến tương lai ảm đạm. Giống như một võ sĩ quyền anh bình thường có thể hạ nhà vô địch quyền anh Tyson một lần bằng thủ đoạn phạm luật khi đá vào đáy quần, nhưng những đòn phản công sau đó rất quyết liệt và không thể tránh khỏi. Sau khi kinh tế Trung Quốc cải cách mở cửa và phát triển nhanh chóng trong nhiều thập kỷ kể từ khi gia nhập WTO thì suy thoái là không thể tránh khỏi. Thất vọng vì vấn đề phong tỏa thị trường và lo sợ bị cướp bóc công nghệ khiến các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đề phòng Trung Quốc, hệ quả chiến tranh thương mại nổ ra và phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc. Thực tế đã chứng minh rằng nếu không có sức mạnh kỹ thuật của riêng mình thì “siêu xe chạy đường vòng” cũng không thể thành công. Lấy con chip làm ví dụ, khi Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa kỹ thuật đối với con chip cao cấp của Trung Quốc, các công ty do Huawei đứng đầu đã ngay lập tức bị mù. Khoản đầu tư nghìn tỷ USD của ĐCSTQ vào tinh chế chip cũng kết thúc trong phá sản. Xem ra, dù là mèo đen hay mèo trắng, nếu không có chuột chết để bắt thì cũng vô dụng.

Là tư tưởng chủ đạo, thuyết mèo đen mèo trắng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách và phong cách làm việc của chính quyền trung ương và địa phương của ĐCSTQ: Không có kế hoạch dài hạn, chỉ biết thiển cận mưu lợi ngắn hạn. Khi doanh thu tài chính địa phương không đủ thì phải làm thế nào? Bán đất đẩy giá bất động sản lên để hỗ trợ tài chính và thúc đẩy GDP. Để phát triển bất động sản thì các ngân hàng được phép cho các công ty nhà đất vay nhiều hơn, thậm chí thả lỏng cho các công ty kinh doanh nhà ở được dùng quỹ xây dựng nhà ở mà người mua cho vay để mua thêm đất và mở thêm bất động sản, bất chấp xu thế giá nhà đất trong tương lai quá cao khiến không ai dám gần và gây khủng hoảng nợ. Để phát triển kinh tế cần phải có tiền, do đó quỹ an sinh xã hội có thể bị chiếm dụng, tiền gửi ngân hàng cũng có thể bị chiếm dụng. Nếu cả thành phố muốn có N đợt axit nucleic thì chỉ cần sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Đối với việc suy kiệt quỹ an sinh trong tương lai hay vấn đề người tiêu dùng không thể rút tiền gửi ngân hàng thì sao? Để tính sau, dù sao cần xử lý xong vấn đề trước mắt, con chuột tạm thời bắt được là con mèo tốt!

Mặt khác, để đạt được mục tiêu, tất nhiên cách nhanh nhất và hiệu quả nhất là thông qua con đường xám đầy thủ đoạn khôn lỏi. Cứ thế theo thời gian, những con đường quang minh chính đại vì không được hiệu quả nên không thể vận hành theo được, thế là mọi thứ đều phụ thuộc vào các quy tắc bất thành văn. Đối với hầu hết các chính quyền cấp cơ sở ở Trung Quốc, muốn được họ giải quyết công việc thì phải “có quan hệ” với họ để được bật đèn xanh, không có thì khó xong việc. Thực tế vấn đề này không chỉ có ở chính quyền cơ sở mà là cả chính quyền trung ương. Về danh nghĩa, Hiến pháp là đạo luật cơ bản cao nhất, thế nhưng cơ quan trung ương nào thực hiện nghiêm túc? Trên danh nghĩa cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội), nhưng ai cũng biết rằng đây là đại hội bình phong, dấu cao su. Các quyết định quan trọng của ban lãnh đạo trung ương không phải được đưa ra tại bất kỳ cuộc họp chính thức nào, mà được thực hiện một cách riêng tư trong cái gọi là “nghị sự Bắc Đới Hà” tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà. Các quan chức không thể tuân theo các quy trình tổ chức thông thường khi giải quyết các vấn đề mà phải dành sự ưu ái cho những quan hệ mà đặc biệt từ những người được gọi là lãnh đạo cũ hay đồng chí, điều đó đã dẫn đến nạn bè phái nội bộ nghiêm trọng.

Thuyết “mèo đen mèo trắng” vô nguyên tắc đã làm suy thoái xã hội Trung Quốc một cách toàn diện. Các cấp chính quyền từ trên xuống dưới đều hành xử theo kiểu thủ đoạn ngắn hạn như vậy, và lối sống đông đảo người dân cũng như vậy! Từ khi cải cách mở cửa, dân gian Trung Quốc đã phổ biến câu “cười người nghèo chứ không chê gái điếm”!

Cuối cùng cần nhấn mạnh, quan điểm của tôi là hành vi của nhà nước không thể vô nguyên tắc, nhưng nếu bản thân các nguyên tắc đó sai thì có thể sửa đổi các nguyên tắc đó. Ví dụ, nguyên tắc quân phiệt của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II là sai, Nhật Bản đã tuân thủ nguyên tắc này và đưa đất nước đi vào bóng tối, cuối cùng đã thua trong Thế chiến thứ II. Sau thế chiến thì Nhật Bản đã chọn nguyên tắc dân chủ pháp trị và tự do, và thúc đẩy trong quản trị, cuối cùng đã phát triển thành một quốc gia phát triển về chính trị và kinh tế. Vấn đề tôi phản đối là vô nguyên tắc, thói cơ hội và khôn lỏi rẻ mạt, kiểu hành xử đó cuối cùng sẽ dẫn đến một xã hội không đáng tin cậy, hỗn loạn và tham nhũng tràn lan lộng hành.

Quảng Vũ
(Bài viết thể hiện lập trường của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)