Cư dân mạng thường để lại tin nhắn dưới các bài viết của tôi. Họ nói rằng tôi quá lạc quan, gần đây, một cư dân mạng đã gửi tin nhắn riêng cho tôi, nói rằng anh ấy không có hy vọng gì vào tương lai của Trung Quốc.

IMG 3682.DNG 600x338 1
Một người biểu tình cầm khẩu hiệu ghi “ĐCSTQ là nguồn gốc tội ác”. (Nguồn: Ling Xiao/Epoch Times)

Tôi trả lời anh ấy rằng khi Bành Tái Chu hô vang khẩu hiệu trên cầu Tứ Thông, chúng ta cũng không thể tin được rằng người dân Trung Quốc sẽ hưởng ứng. Nhưng trên thực tế, chỉ trong hơn một tháng, người dân trên khắp Trung Quốc đã hưởng ứng, vì vậy không cần quá bi quan.

Cư dân mạng này lại hỏi tôi một lần nữa, vì nghĩ rằng tôi vẫn còn quá lạc quan. Hóa ra anh ấy mới 30 tuổi và nghĩ rằng cả đời mình sẽ không thể chứng kiến ​​​​cảnh Trung Quốc được dân chủ hóa. Điều này khiến tôi khá ngạc nhiên, tôi vẫn mong sẽ được chứng kiến cảnh này trong phần đời còn lại của mình, lẽ nào họ lại tuyệt vọng đến thế sao?

Những người bi quan về tương lai của Trung Quốc thường có 2 lý do, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quá hùng mạnh, hai là người Trung Quốc quá hèn nhát, một bên mạnh một bên yếu, thực lực chênh lệch đến mức không thể thay đổi.

ĐCSTQ có thực sự mạnh như vậy không? ĐCSTQ có một hệ thống quản trị dựa trên mạng lưới. Lời nói và hành động của mọi người đều bị giám sát bằng công nghệ cao.

Những nhân viên chống dịch trong bộ đồng phục trắng (được gọi là “Đại bạch”) duy trì ổn định xã hội có thể xông vào nhà bất cứ lúc nào, để khám xét và bắt giữ. Trên đường phố, có rất nhiều cảnh sát vũ trang được trang bị từ đầu đến chân. Bức tường lửa kiểm duyệt Internet dường như không có kẽ hở. Vì sao chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, người dân lại biểu tình khắp Trung Quốc?

Những khẩu hiệu của anh Bành Tái Chu chỉ được rất ít người vượt tường lửa biết đến. Nhưng khẩu hiệu đó đã gây tiếng vang từ thành thị đến nông thôn trong các cuộc biểu tình. Điều đó chứng tỏ rằng người dân Đại Lục đã tìm ra những kênh truyền bá thông tin mà quyền lực của chính phủ chưa biết đến.

Lý Khang Mộng, một nữ sinh viên tại Học viện Truyền thông Nam Kinh, đã giơ tờ giấy trắng đầu tiên. Chỉ trong vài ngày, tờ giấy trắng đã xuất hiện ở khắp mọi nơi. Điều này chứng tỏ sự kiểm soát của ĐCSTQ không quá hiệu quả.

ĐCSTQ nuôi dưỡng một lực lượng duy trì ổn định khổng lồ, dường như không thể lật đổ. Nhưng vì sao người dân Đại Lục lại có thể tập hợp mọi lúc mọi nơi?

Khi họ tập hợp lại, vì sao lực lượng duy trì ổn định không sớm xua đuổi họ như cảnh sát Hồng Kông đã làm, mà để mặc nó bùng phát? Bởi vì ĐCSTQ cảnh giác, họ sợ rằng cuộc đàn áp sẽ dẫn đến một làn sóng phản kháng lớn hơn.

Duy trì ổn định không phải là thuốc chữa bách bệnh. Khi 10 “Đại Bạch” đấu với 1 người dân, “Đại Bạch” sẽ thắng, nhưng 10 “Đại Bạch” đấu với 100 người dân, “Đại Bạch” sẽ thua.

“Đại Bạch” có nhiều như vậy không? Dân số của một thành phố có lên đến hàng chục triệu người, nhưng “Đại Bạch” có lẽ chưa đến 100.000 người. ĐCSTQ rất tỉnh táo và nhận thức được cán cân quyền lực giữa hai bên.

Nếu có ít người phản đối thì việc duy trì ổn định sẽ có lợi, nhưng nếu có nhiều người chống lại thì việc duy trì ổn định sẽ bất lợi. Vì vậy ĐCSTQ mạnh hay không phụ thuộc vào quy mô phản kháng của người dân Đại Lục, càng nhiều người phản kháng, ĐCSTQ sẽ càng yếu.

Người Trung Quốc nói chung là khiếp sợ, khuất phục, quen bị ức hiếp. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm cải cách, dân trí Trung Quốc đã tiến bộ rất nhiều so với thời Cách mạng Văn hóa.

Sự xuất hiện của anh Bành Tái Chu, “Siêu nhân Trùng Khánh”, Lý Khang Mộng, cũng như các bài phát biểu của rất nhiều người biểu tình trên đường phố trong Phong trào Giấy trắng, đều có thể thấy được sự tiến bộ này. Đây không phải là nhận thức của từng cá nhân, mà là sự đồng thuận của mọi người trong cuộc mít tinh.

Mặc dù lượng người tham gia cuộc biểu tình vẫn còn ít so với toàn bộ người dân Trung Quốc, nhưng từ một người là Bành Tái Chu đã tăng lên hàng chục ngàn hoặc hàng trăm ngàn người biểu tình. Nếu tăng lên hàng triệu người thì chẳng phải chỉ là vấn đề thời gian thôi sao?

Đừng quên rằng số ít những người đứng lên đấu tranh hầu hết đều không đeo mặt nạ, và họ biết mình sẽ phải gánh chịu điều gì. Anh Bành Tái Chu đã biến mất, “Siêu nhân Trùng Khánh” đang chạy trốn, Lý Khang Mộng cũng mất tích.

Nhiều người hơn có thể bị “Đại Bạch” đánh thương tích trên đường phố, bị tra tấn sau khi bị bắt. Tương lai của họ sẽ bị hủy hoại, số phận của họ sẽ rất khốn khổ, nhưng không ai khiếp sợ.

Không thể đếm được có bao nhiêu chàng trai và cô gái như Lý Khang Mộng. Vụ hỏa hoạn tại thành phố Urumqi, Tân Cương đến nay mới xảy ra chỉ hơn chục ngày, không phải ngẫu nhiên mà vụ việc có thể được bùng phát với tốc độ như vậy. Điều này không hề ngẫu nhiên, mà có căn nguyên xã hội và chính trị sâu sắc.

Tôi chỉ tin vào bản tính con người, bản tính của con người là theo đuổi lợi, trốn tránh hại, theo đuổi tự do, chống áp bức và đòi hỏi hạnh phúc cá nhân và gia đình.

Bản tính con người là điều căn bản nhất, nếu đảng tính phù hợp với nhân tính, đảng tính sẽ được người dân chấp nhận. Nhưng nếu đảng tính luôn mâu thuẫn với nhân tính, vĩnh viễn áp bức nhân tính, nếu nói rằng đảng tính có thể bền lâu thì tôi không tin điều đó.

Khi cuộc sống vẫn tiếp diễn, vâng lời là sự lựa chọn tuân theo. Nhưng khi cuộc sống không thể tiếp diễn, và cái giá của sự vâng lời lớn hơn cái giá của sự phản kháng, bất kỳ ai cũng sẽ chọn phản kháng. Nếu bị phong tỏa trong vài tháng và sắp chết đói, có bệnh không được chữa trị, phụ nữ mang thai phải sinh con trên đường phố, người già chết tại nhà vì chữa trị chậm trễ, khi điều này xảy ra, cái giá của sự vâng lời sẽ cao hơn nhiều so với cái giá của sự phản kháng.

Khi người dân Đại Lục thường bị ĐCSTQ tra tấn sống không bằng chết, họ sẽ hỏi căn nguyên ở đâu. Căn nguyên không phải ở ủy ban khu phố, bí thư, thị trưởng hay Ủy ban Trung ương, mà căn nguyên nằm ở thể chế. Cách duy nhất để giải phóng bản thân một lần, và mãi mãi chỉ có thể là thay đổi chế độ.

Phong trào Giấy trắng có thể bị đàn áp, nhưng trừ khi số phận của người dân Trung Quốc được viết lại, nếu không sự phản kháng chỉ có thể trỗi dậy như những đợt sóng, cho đến khi ĐCSTQ sức cùng lực kiệt.

Trong tương lai chủ yếu phụ thuộc vào tình hình kinh tế, thời gian phục hồi kinh tế của ĐCSTQ sẽ dài hơn. ĐCSTQ sẽ kiệt quệ khi nền kinh tế suy thoái, người dân Đại Lục sẽ không còn lối thoát, lúc đó những thay đổi thực sự sẽ xảy đến.

Bi quan bắt nguồn từ sự mờ mịt, còn lạc quan dựa trên niềm tin. Tại thời điểm quyết định giữa thiện và ác, bi quan không giải quyết được vấn đề gì, không có tính xây dựng, chỉ làm tan rã ý chí. Ngược lại, nâng cao tinh thần, chống lại các thế lực xấu, quyết không từ bỏ, chỉ bằng cách này, người Đại Lục và người Hồng Kông mới có khả năng tự giải phóng.

Nhan Thuần Câu
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times.)