Mấy ngày nay, câu chuyện BOT Cai Lậy chưa lắng xuống thì chuyện tăng thuế phí ở TP.HCM lại rộ lên, rồi chuyện đánh thuế bán hàng qua mạng. Rất nhiều ý kiến phản đối chuyện tăng thuế phí ở TP.HCM cũng như đánh thuế người bán hàng qua mạng.

sai gon
Sài Gòn (Ảnh: Pixabay)

Chuyện đánh thuế người bán hàng qua mạng thì chắc không quá phức tạp. Về nguyên tắc, đã có kinh doanh thì phải có đóng thuế. Như vậy, kinh doanh qua mạng hay kinh doanh tại cửa hàng đều phải đóng thuế như nhau. Đúng ra, việc kinh doanh qua mạng dễ tính thuế hơn, do việc đánh giá doanh thu dễ hơn, đặc biệt đối với việc kinh doanh bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng. Việc nhà nước quản lí việc này và đánh thuế không cần phải bàn cãi nhiều.

Tuy nhiên, việc tăng thuế phí tại TP.HCM để phục vụ cho sự phát triển của thành phố thì lại khác. Cần phải khẳng định ngay, là tôi ủng hộ chủ trương thu thêm một số thuế, phí phục vụ cho sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, tôi khá bất ngờ khi lãnh đạo thành phố thực hiện việc tăng thuế, phí như là hành động đầu tiên khi thành phố được hưởng cơ chế đặc thù.

Việc thêm các sắc thuế, thêm một số phí để phục vụ cho việc phát triển một địa phương nào đó là chuyện bình thường ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ở các nước ấy, việc đầu tiên là Hội đồng Thành phố phải có kế hoạch làm gì cụ thể, làm như thế nào, trong bao lâu… Rồi từ đó mới đến cần bao nhiêu tiền, có những nguồn nào. Và cuối cùng mới là cần bao nhiêu từ nguồn đóng thuế, phí, và thuế phí nào thu cho mục tiêu đó.

Ở Việt Nam, tham nhũng đã là một căn bệnh trầm kha, thâm nhập vào mọi ngành, mọi cấp. Gần đây, những đường dây tham nhũng lớn đang được phanh phui. Niềm tin của người dân vào sự trong sạch của bộ máy công quyền đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Đã vậy, việc chi tiêu tiền của người dân đóng thuế lại là đặc quyền của một nhóm người, mà người dân, người đóng thuế, lại không được biết chi tiết, ngay cả khi có nhiều dấu hiệu tham nhũng, đục khoét.

Nếu thực sự muốn TP.HCM có lại được niềm tự hào của Sài gòn – Hòn ngọc Viễn Đông xưa kia, thì việc minh bạch các khoản thu và chi tiêu nói chung, và việc chi tiêu các khoản thuế phí đóng thêm nói riêng là việc cần thiết. Nếu muốn không còn cán bộ cỡ lớn nào phải vào tù thì đây cũng chính là yêu cầu cấp bách đối với lãnh đạo thành phố.

Một vấn đề nữa là ý định thu phí xe cộ vào trung tâm thành phố. Điều này phảng phất ý tưởng của cựu Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: chặn hết mọi ngả đường và thu phí. Tôi không nhìn thấy khả năng giải quyết nạn ùn tắc xe cộ ở trung tâm thành phố bằng việc thu phí xe vào trung tâm, mà chỉ thấy sẽ có tắc nghẽn nhiều hơn, tình hình giao thông chắc chắn sẽ căng thẳng hơn.

Nếu muốn giải quyết bài toán giao thông ở TP.HCM, việc đầu tiên cần làm là phát triển giao thông công cộng. Tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, hệ thống xe buýt, hệ thống giao thông bánh sắt… Song song đó là ổn định trật tự giao thông, tăng tỷ lệ diện tích cho giao thông. Sau đó mới là các biện pháp giảm phương tiện lưu thông cá nhân. Song song với việc giảm các phương tiện lưu thông cá nhân, cần phải xây dựng các trạm đậu xe ở khu vực ngoại vi, để người dân có chỗ gởi xe để sử dụng hệ thống giao thông công cộng.

Muốn như vậy, ngoài chuyện quy hoạch và kế hoạch cho giao thông nội ô, còn phải có một bộ máy, nhất là bộ máy cảnh sát giao thông (CSGT) thực sự trong sạch. Có thể nói là các biện pháp gia tăng tiền phạt cho đến nay đều không khắc phục được nạn lưu thông bát nháo. Nó chỉ làm tăng số tiền “làm luật”, và làm tăng sức hấp dẫn của việc phạt vi phạm giao thông với những sắc áo khác ngoài CSGT.

Và trên hết, thành phố cần có những người lãnh đạo vừa có tầm, lại có tâm, trong sạch, hoặc ít nhất đừng phá hoại như những ông đang được gọi vào khám kia. Đây là việc khó, rất khó, có thể nói là không tưởng đối với cơ chế tập trung quyền hành, không dân chủ, thiếu minh bạch, lại bị lũng đoạn bởi các tập đoàn lợi ích nhóm như hiện nay.

Và thú thực, tôi cứ tưởng khâu đầu tiên mà lãnh đạo thành phố đột phá sau khi thành phố được hưởng quy chế tự chủ chính là khâu minh bạch này.

Theo Facebook Bác sỹ Võ Xuân Sơn

Xem thêm: