Nhiều người trong đó có tôi, từng tin rằng cuộc sống mất cân bằng là do mình chưa biết quản lý thời gian hoặc do mình có quá nhiều việc… Vì vậy, tôi đã đăng ký tham dự vài khoá học ‘quản lý thời gian’, và đó là việc lãng phí thời gian mà tôi từng làm…

hurry 2119711 1280
(Ảnh: TeroVesalainen/ Pixabay)

Tôi nhận ra là mình chỉ có thể ‘quản lý bản thân mình’ chứ không phải là thời gian. Khi trải nghiệm nhiều hơn bạn sẽ hiểu rằng, thách thức thực sự trong cuộc sống, không phải là việc phân bổ thời gian như thế nào, không phải là cố gắng lấp kín lịch làm việc với thật nhiều đầu việc, thật nhiều cuộc hẹn v.v. Càng không phải là cố gắng làm thật nhiều việc cùng một lúc (multi-tasking), như một số người lầm tưởng.

Nỗi bất an ‘vô hình’

Phần lớn trong chúng ta đang tìm kiếm sự cân bằng về thời gian dành cho công việc, gia đình và các nhu cầu cá nhân. Có thể nhìn thấy nhu cầu này ở chiều ngược lại. Theo công bố của TS. Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) vào tháng 4/2017, có khoảng 30% người Việt từng rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Đáng chú ý, mỗi năm có từ 36.000 – 40.000 người Việt tự sát. Trong số những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm, có 36,5% người có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Thực tế là, ở những giai đoạn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, mỗi cá nhân luôn tự chạy đuổi theo những mục tiêu khác nhau để đi tìm sự cân bằng trong cuộc sống…

Có những người đang cố gắng cân bằng các mối quan hệ trong gia đình, hoặc ở nơi làm việc. Một số khác cân bằng lại các mục tiêu khi họ đã nhận ra là không thể đạt được tất cả. Một vài người cho rằng ‘cuộc sống cân bằng’ là khi họ có thể cân bằng được các khoản chi tiêu trong phạm vi thu nhập hạn hẹp của mình.

Nhưng sự lo lắng, bất an dường như vẫn không thay đổi ngay cả với những người đã có đầy đủ những gì mà hầu hết mọi người mong muốn. Một gia đình yên ấm với điều kiện sống đầy đủ tiện nghi, nỗi lo lắng về công việc hay tiền bạc cũng không còn. Nhưng trong phạm vi quan hệ đủ thân thiết, thì vẫn nghe tiếng than thở rằng họ thấy cuộc sống vô vị và trống rỗng… Như vậy, ‘cuộc sống cân bằng’ không đơn giản chỉ là sự cân bằng về thời gian hoặc tiền bạc như nhiều người từng nghĩ.

Chúng ta đang bận rộn vì điều gì?

Tôi đã từng trải qua giai đoạn coi công việc và kiếm tiền là trên hết. Nhờ làm việc chăm chỉ, tôi đã có thể gia tăng thu nhập tốt hơn, sắm sửa được nhiều hơn những thứ mình cần, mình muốn. Nhưng nghịch lý là, tôi không còn thời gian để tận hưởng những tiện nghi mình có, và thực sự thấy mệt mỏi vì phải chăm sóc những gì mình đang sở hữu! Tin rằng cũng có nhiều người đã và đang có trải nghiệm này.

Thực tế là, ‘nhiều hơn’ chưa hẳn đã là ‘tốt hơn’!

Thời gian là thứ công bằng nhất mà Tạo hóa ban cho con người. Dù ở trong xã hội hay thời đại nào, mọi người đều có 24h mỗi ngày và 7 ngày một tuần. Vấn đề không nằm ở việc chúng ta có thể làm được bao nhiêu việc trong 24h đó! Điều quan trọng hơn là trong 24h đó, chúng ta làm những gì và tại sao chúng ta làm những gì chúng ta đang làm? Rất ít người kể cả tôi đặt ra câu hỏi này. Hầu như chúng ta đều bị cuốn trôi cùng với dòng chảy của cuộc sống và đuổi theo những gì mà gia đình, mọi người xung quanh và xã hội cho là quan trọng, mà không tự hỏi ‘đó có thực sự là điều mình muốn hay không?!’.

Lối sống thực dụng và chạy theo hưởng thụ đang có tính phổ biến trong xã hội hiện nay, dẫn đến việc xem nhẹ các giá trị văn hoá và tinh thần. Những gì xuất hiện trên TV, phim ảnh, báo chí chủ yếu đều đề cao những người nổi tiếng, giàu có và kích thích hưởng thụ nhiều hơn… Theo thống kê từ Bộ VH-TD-TT, có khoảng 26% người Việt hoàn toàn không đọc sách, và thỉnh thoảng đọc là 44%. Đáng giật mình hơn, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (chưa được 1 cuốn/1 năm). Trong khi đó, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong năm 2015, mức tiêu thụ ô tô của Việt Nam vượt qua Singapore và đứng thứ nhất ASEAN.

Mahatma Gandhi từng nói: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi.Khá nhiều người Việt đang tự ‘ngừng đọc’, trong số đó có cả giới trí thức. Không ít cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sau lễ tốt nghiệp liền xa rời việc đọc sách. Nhưng không hẳn là tất cả mọi người đều thiếu thời gian. Theo khảo sát của WeAreSocial, vào năm 2015, trung bình người Việt dùng 5 tiếng mỗi ngày để lên mạng, trong đó truy cập vào mạng xã hội là 2 tiếng/ngày. Theo đó, vấn đề không phải là thiếu thời gian, chỉ là cách chúng ta sử dụng thời gian ra sao.

Nhiều năm qua cả thế giới đều ngưỡng mộ sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Israel, một đất nước chủ yếu có người Do Thái sinh sống, với mức GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 32.700 USD. Israel có số dân từ 14 tuổi có thể đọc sách và số đầu sách được xuất bản (tính theo đầu người) đứng đầu thế giới. Gần đây khi đọc bài “Giải mã sự thành công của Israel và người Do Thái”, chúng ta được biết theo truyền thống, tín hữu Do Thái giáo cầu nguyện ba lần mỗi ngày và bốn lần trong ngày lễ Shabbat hoặc các ngày lễ khác của Do Thái giáo. Với người Do Thái, đọc sách không chỉ lấy tri thức mà còn để bồi dưỡng các giá trị tinh thần, cách ứng xử hài hòa với xã hội.

Hầu hết các cá nhân hay quốc gia thành công và giàu có trên thế giới, dù bận rộn thế nào, họ vẫn dành thời gian cho cuộc sống tinh thần và đức tin vào các giá trị đạo đức của mình. Việc thiếu trau dồi các giá trị đạo đức thông qua giáo dục văn hoá truyền thống và tín ngưỡng khó có thể tạo dựng nên ‘nền tảng’ cho một cuộc sống cân bằng. Giữa vòng xoáy của công việc và những ham muốn cá nhân, việc làm giàu đời sống tinh thần, lắng nghe và tự học hỏi, nâng cao năng lực tự kiểm soát và dũng khí đối mặt với nghịch cảnh mới là những điều cần thiết.

Trong Hậu Hán Thư có câu: “Nền không chắc mà tường cao: sự HƯ HẠI nằm sẵn trong đó.” Người xưa dạy: “Tướng tự tâm sinh”. Mọi sự bất ổn và mất cân bằng phát sinh trong cuộc sống, hầu hết là xuất phát từ cái ‘tâm’ bất ổn và mất cân bằng…

Sống vì điều gì?

Bàn về cuộc sống cân bằng, tác giả Stephen Covey của cuốn sách ‘Tư duy tối ưu’ (First Thing First) đã đưa ra lời khuyên rất hữu ích rằng làm việc chăm chỉ hơn, tài giỏi hơn, nhanh nhẹn hơn không phải là phương cách hiệu quả để có được cuộc sống như bạn mong muốn và có ý nghĩa. Hãy biết dừng lại và suy ngẫm về “những ưu tiên số một” trong đời, một vài điều mà bạn cho là quan trọng nhất – thì đó là những điều gì?

Cuộc sống cân bằng, không bởi vì những gì xảy ra ở bên ngoài, mà chính là những gì diễn ra bên trong nội tâm mỗi con người, một sự ‘bình an tự-trong-tâm’. Do vậy, thay vì tiếp tục hướng ra bên ngoài để tìm kiếm sự cân bằng, hãy ‘hướng nội’ để cân bằng lại chính mình. Cuộc sống đôi khi cần những khoảng lặng, dừng lại để tự hỏi: “Nhiều hơn có hẳn đã là tốt?“, và “Mình đang sống vì điều gì?“…

Le Thanh HaiBlog Lê Thanh Hải

Doanh nhân, Singapore

Xem thêm: