Tối ngày 7/10 (giờ Mỹ), một cuộc tranh biện Phó Tổng thống đặc sắc duy nhất đã diễn ra tại thành phố Salt Lake, bang Utah. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa kiêm Phó Tổng thống Mike Pence và ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris đã có cuộc đối đầu ‘mặt đối mặt’ kịch tính. Trong buổi tranh biện này, ông Pence và bà Harris có cuộc khẩu chiến đầy kịch tính xoay quanh 9 chủ đề: viêm phổi Vũ Hán, sức khỏe Tổng thống Trump, khôi phục kinh tế và chính sách thu thuế, biến đổi khí hậu, vấn đề Trung Quốc, quan hệ quốc tế, Tòa án tối cao và phá thai, thực thi pháp luật mang tính chủng tộc, chuyển giao quyền lực.

Pence Harris
Phó Tổng thống Mike Pence và ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris (Ảnh ghép của: Nhà Trắng và Gage Skidmore)

Dưới đây là những nhận định đăng trên Facebook của doanh nhân Ngô Trường Anh Vũ sau cuộc tranh luận. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

Nếu tháng 11 này ông Biden trúng cử, thì những chuyện như sau sẽ diễn ra:

1/ Không có thương chiến với Trung Quốc nữa

Hiệp một thương chiến Mỹ – Trung tạm khép lại với đại dịch Virus Vũ Hán, hai bên chưa phân thắng bại. Tuy nhiên, phe Biden mà đại diện là bà Harris vừa rồi đã nói rằng Mỹ thua rồi – “you lost that trade war”. Một khi đã xác định thua, nghĩa là họ sẽ không tái khởi động thương chiến sau dịch. 

Để hiểu thương chiến (trade war) thì không thể chỉ nhìn kinh tế Mỹ – Trung hay những thứ vỡ lòng như thặng dư thương mại. Hãy nhìn cách mà Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc âm thầm rút doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc. Hãy nhìn vào điều khoản bảo vệ tài sản trí tuệ, chống ăn cắp công nghệ nằm trong thỏa thuận Giai đoạn 1. Đó đều là những yếu tố có tác động lâu dài chứ không phải những chấm xanh đỏ nay lên mai xuống của thị trường chứng khoán. 

Nhưng tất nhiên, nếu Mỹ không tái khởi động thương chiến và bắt Trung Quốc phải tuân thủ những điều họ ký kết thì sẽ “đâu lại vào đấy”, chính quyền Biden không cứng rắn với Trung Quốc thì cũng sẽ chẳng có ai động vào vì nguyên tắc thỏa thuận song phương.  

2/ Chính sách ngoại giao và sức mạnh toàn cầu của Mỹ sẽ trở lại như thời Obama, tức là có tiếng nhưng không có miếng

Cựu Tổng thống Obama dành cả nhiệm kỳ 2 hô hào “xoay trục” về Biển Đông, thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng rốt cuộc làm mãi không xong và giờ thì đã bị khai tử bởi chính quyền Tổng thống Trump. Trong 2 nhiệm kỳ của Obama, Trung Quốc không ngừng xây hàng loạt đảo nhân tạo, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. 

Tình báo và vệ tinh Mỹ đều nắm hết từng nước đi của Trung Quốc, nhưng ông Obama đã không làm gì cả. Kết quả là sau 8 năm cầm dưới thời Obama – Biden, Trung Quốc đã xây dựng được hàng loạt căn cứ vững chắc ở Biển Đông. Tuy Trung Quốc đánh trực diện với Mỹ không được, nhưng để uy hiếp mấy quốc gia ASEAN rời rạc thì quá dễ. Hậu quả còn để lại sẽ tính bằng trăm năm!

Hãy xem lại 2 cuộc tranh luận của Biden và Harris để thấy rằng một tổng, một phó không ai dám lên tiếng gọi thẳng mặt Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Trong khi ông Biden chỉ nói từ “China” vỏn vẹn bốn lần trong cuộc tranh luận Tổng thống thì bà Harris mới đây đã tránh né câu hỏi trọng tâm về chính sách ngoại giao với Trung Quốc mà bẻ lái sang vấn đề khác.

Hãy nhìn Chính sách ngoại giao của ông Trump khi từng bước mang lại hòa bình cho điểm nóng Trung Đông. Những thỏa thuận lịch sử của người Do Thái Israel và những nước khối Ả Rập liên tục được ký kết, mà Trung Đông có yên thì Mỹ mới rảnh tay để xoay trục. Hãy nhìn những chiến hạm Trung Quốc 2 năm gần đây liên tục bị tàu Mỹ theo sát hoặc đuổi khỏi vùng biển Trường Sa. Hãy nhìn cách ông Trump thẳng mặt chỉ tên Trung Quốc là mối đe dọa toàn cầu. Hãy nhìn cách Đài Loan vùng dậy mạnh mẽ trong thế tưởng như sắp bị sáp nhập đến nơi. Không có những ủng hộ từ ngoài mặt đến âm thầm của Mỹ thì một Thái Anh Văn làm gì được Trung Quốc? 

3/ Tam quyền phân lập Hoa Kỳ sẽ biến mất bởi chiêu bài sắc tộc

Trong 2 cuộc tranh luận, cả ông Biden và bà Harris đều ậm ừ né tránh câu hỏi Yes/No rằng liệu họ có thông qua dự luật gọi tắt là “Pack the Court” [đóng gói toà án] được đề xuất từ năm 1937 bởi Tổng thống Roosevelt hay không. Ông Mike Pence vừa rồi đã liên tục xoáy sâu vào câu hỏi này đến mức bà Harris cứng lưỡi không trả lời được. Ông Pence đã nói thẳng rằng Biden và Harris sẽ điều chỉnh số lượng Thẩm phán nếu họ đắc cử. 

Việc này rất quan trọng bởi nó liên quan đến nguyên tắc tam quyền phân lập – nền tảng của Hoa Kỳ. Theo thông lệ từ năm 1869, đứng đầu ngành tư pháp Hoa Kỳ là Tòa án Tối cao (Supreme Court) với 9 thẩm phán. 9 thẩm phán này có quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến Pháp và sẽ bỏ phiếu để quyết định các tranh chấp của liên bang. Con số 9 có nghĩa là luôn có một bên giành chiến thắng (tỷ số sít sao nhất là 5-4). Với việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett thay cho bà Ruth Bader Ginsburg vừa mới qua đời, những thẩm phán cánh hữu sẽ chiếm đa số tại Pháp viện và những dự luật “thiên hữu” sẽ có thể dễ được thông qua hơn. Tất nhiên, thẩm phán được đề cử bởi một đảng phái nhưng không bị ràng buộc bởi đảng phái mà phải đặt sự công tâm lên trên hết. 

Theo đúng truyền thống, Đảng Dân chủ sẽ phải chờ đến khi một trong 9 vị trí thẩm phán trống (thường là vì lý do sức khỏe). Nhưng họ không muốn chơi “fair-play” [chơi đẹp] kiểu này. 

Họ tận dụng một kẽ hở trong luật pháp Hoa kỳ. Hiến Pháp Hoa Kỳ KHÔNG có điều luật quy định Tòa án Tối cao phải có 9 thẩm phán. Nếu như vậy thì quyền bổ nhiệm thêm/bớt Thẩm phán sẽ rơi vào tay Hạ viện và Tổng thống. “Pack the Court” cho phép Đảng dân chủ bổ sung thêm tối đa 6 thẩm phán. Họ hoàn toàn có thể chiếm thế đa số trong Pháp viện tối cao bằng cách này, qua đó chiếm quyền đa số trong cả Tư pháp (Tòa án) – Hành pháp (Chính phủ Biden) và Lập pháp (Lưỡng viện mà hiện cánh tả đang nắm Hạ viện).

Vậy thì tại sao các đời Tổng thống trước không cố gắng “Pack the court” để có lợi cho đảng của mình? Vì họ không dám! Người dân Mỹ luôn ghét một chính thể độc tài, họ không cho phép một đảng nắm quá nhiều quyền lực. Đảng Dân chủ năm 2020 sẽ dựa vào đâu để thay đổi dư luận?

Đó là lúc vấn đề sắc tộc được sử dụng. Bà Harris trong lúc bị dồn ép đã trót làm lộ ra ngón đòn của Đảng dân chủ khi trả lời ông Pence “Ông có biết rằng trong 50 người được ông Trump đề cử cho Tòa phúc thẩm, không có người nào là da đen?”. Vậy bây giờ đa dạng sắc tộc quan trọng hơn phẩm chất hay sao? 

Cần nhớ trong số 9 Thẩm phán tối cao, hiện tại chỉ có một vị da đen là Clarence Thomas. Sắp tới sẽ là gì đây, do Pháp viện thiếu đa dạng chủng tộc nên chúng tôi đề cử thêm 4 người da đen thiên tả hay sao? 

Dùng chiêu bài sắc tộc và sự nổi lên của phong trào BLM, Đảng Dân chủ đang muốn dọn đường dư luận để phá thế đa số của cánh hữu trong Pháp viện. Đó là lý do những cuộc đốt phá của tổ chức ANTIFA và BLM vẫn được âm thầm ủng hộ để duy trì cho đến ít nhất là sau bầu cử, đóng vai trò là vũ khí thủ sẵn của cánh tả. 

Để tổng kết: Có thể thấy rằng nếu ông Biden mà thắng cử thì có 2 chuyện chắc chắn sẽ xảy ra là:

  1. Mỹ sẽ ngưng tạo áp lực với Trung Quốc thông qua thương chiến; và 
  2. Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ quay về bạc nhược như dưới thời Obama. Ngoài ra, cũng nên quên chuyện Mỹ xoay trục nghiêm túc về Biển Đông vì theo bà Harris, Nga mới là đối thủ của Mỹ. Chính quyền Biden sẽ đổ cho Nga can thiệp vào bầu cử 2016 để làm cái cớ. Báo chí thiên tả sẽ gào lên rằng “vì Nga can thiệp nên chúng ta đã có Tổng thống tệ nhất lịch sử”, sự chú ý sẽ hướng khỏi Trung Quốc và ông Tập sẽ được dưỡng sức.
  3. Chuyện thứ ba rất có khả năng xảy ra là Đảng Dân chủ chiếm thế tuyệt đối trong chính trị Hoa Kỳ bằng cách dùng chiêu bài sắc tộc để chiếm đa số trong Pháp viện tối cao. Tam quyền phân lập vốn là nền tảng của Hoa Kỳ sẽ bị đe dọa.

Ngô Trường Anh Vũ (Doanh nhân)

Đăng theo Facebook Michael Anh Vũ với sự đồng ý của tác giả. TTVN biên tập lại tựa đề và một số câu chữ. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Mời xem video:

Xem thêm: