Dư âm buổi lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar vừa qua chắc hẵn vẫn còn in đậm trong lòng đa số người hâm mộ điện ảnh. Qua bài viết dưới đây, ông Đường Bách Kiều (một trong những lãnh đạo phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989) lên án cách hành xử thiếu chuẩn mực của người dẫn chương trình Jimmy Kimmel cũng như ban tổ chức giải. Tác giả cho rằng họ không chỉ làm tổn hại hình ảnh giải Oscar mà còn bôi bẩn nghệ thuật thánh thiện.

Ông Đường Bách Kiều (nguồn Facebook Đường Bách Kiều).
Ông Đường Bách Kiều (nguồn Facebook Đường Bách Kiều).

Ban đầu tôi định sẽ không xem Lễ trao Giải Oscars tối nay, vì đoán trước sẽ xảy ra cảnh có minh tinh mượn cơ hội này để công kích Donald Trump. Tôi đã quá ngán ngẩm những ngôn từ chửi đổng của họ. Nhưng vì tâm lý hiếu kỳ, cuối cùng tôi vẫn mở truyền hình lên xem. Cho dù đã sớm chuẩn bị tâm lý, nhưng tôi vẫn không khỏi giật mình khi chứng kiến nhà tổ chức và người dẫn chương trình biến buổi lễ long trọng này thành hội nghị chống Trump. Ủy ban Oscar đã lột bỏ lớp ngụy trang cuối cùng!

Tại giải Oscar hai mươi bốn năm trước, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Richard Gere lên tiếng yêu cầu đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là tại khu vực Tây Tạng, đồng thời lên án ông Đặng Tiểu Bình trong sự kiện giết hại sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989. Kết quả, nhà tổ chức Oscar lúc đó là Học viện Nghệ thuật Điện ảnh và Khoa học Mỹ rất không hài lòng. Sau đó viện này đã công khai lên án Richard Gere, lý do vì giải Oscar là một hoạt động nghệ thuật, không nên lợi dụng để lôi chuyện chính trị vào. Vì vậy mà Richard Gere đã bị Oscar tẩy chay kéo dài suốt 20 năm, một kiểu trừng phạt quá nghiêm trọng. Khi đó khắp Hollywood bao phủ bầu không khí im lặng đáng sợ, dường như không ai công khai lên tiếng thể hiện nỗi bất bình. Cứ như toàn bộ Hollywood đều ủng hộ lập trường và cách làm của Ủy ban Oscar. Dù khi đó tôi rất khâm phục dũng khí của Richard Gere nhưng cũng không cách nào phản bác được quan điểm của họ. Vì nghệ thuật là thánh thiện, đưa chuyện chính trị hỗn loạn vào dường như không thích đáng.

Thế nhưng, ngày hôm nay chúng ta đã chứng kiến một Oscar ra sao? Trước đây họ luôn hô hào nghệ thuật không nên bị chính trị hóa, thế mà bây giờ lại áp dụng một tiêu chuẩn hoàn toàn khác. Họ biến buổi lễ nghệ thuật thiêng liêng này thành hội nghị công kích Trump. Vừa mở màn, người dẫn chương trình Jimmy Kimmel chế giễu chính sách di dân của Trump: “Cả thế giới có 225 quốc gia đang hận chúng ta đang xem buổi phát sóng trực tiếp này”. Đây đúng là nhận định tầm bậy. Không bao giờ có chuyện toàn thế giới đều căm hận nước Mỹ, mà cho dù có như thế cũng không phải vì Trump lên cầm quyền mới như thế. Nực cười hơn là số nước thực sự trên toàn thế giới chỉ có 195 nước, phải cộng thêm những vùng đất trực thuộc (nước Mỹ) vào mới là 225. Phải chăng ý của anh ta là người Mỹ cũng căm hận người Mỹ? Dường như ông này cảm thấy không chửi khó nghe một chút thì nỗi hận trong lòng không thể vơi được, lại còn dùng ngôn từ hạ lưu trước khoảng một tỷ người xem phát sóng trực tiếp: “Năm giờ sáng mai khi Trump tỉnh dậy, có lẽ phải vừa làm vệ sinh vừa đăng lại toàn bộ những chữ cái to này trên Twitter nhỉ”. Trong lúc đang ở trên sân khấu, anh ta tranh thủ viết trên Twitter lời nhắn giễu cợt Tổng thống Trump có lẽ đang chìm trong giấc ngủ: “Trump, ông đã tỉnh ra chưa?”, kèm theo đó là tên minh tinh Meryl Streep từng công kích Trump tại Giải Quả Cầu Vàng trước đó. Đây là hành vi cực kỳ xấc xược, một tấm gương quá xấu xí cho hàng triệu thanh niên đang xem phát sóng trực tiếp.

Hành vi quá quắt nhất của Jimmy Kimmel là đề nghị những người tham gia tại hiện trường vỗ tay tán thưởng Meryl Streep. Ban đầu anh ta dùng một khoảng thời gian khá dài để quảng cáo khoa trương Meryl Streep, sau đó chuyển đề tài câu chuyện: “Nếu bạn sẵn lòng xin hãy đứng lên. Các vị, xin hãy cùng tôi tặng cho bà tràng pháo tay ‘không xứng đáng’” (Trump từng nói thành tựu của Meryl Streep được Hollywood phóng đại quá mức, người dẫn chương trình nói “không xứng đáng” là kiểu nói chế nhạo Trump). Anh ta còn thừa cơ hội này nói móc cô con gái Ivanka của Trump: “Tối nay Meryl Streep mang bộ lễ phục rất đẹp, không biết có phải của Ivanka phải không?” Trò “châm biếm” hạ cấp này không những không thể gây cười, ngược lại còn để lộ nhân phẩm kém cỏi của anh ta. Cách ăn nói của một người dẫn chương trình giải Oscar như thế là quá thiếu chuẩn mực, làm bôi nhọ giải thưởng.

Anh ta dùng cách này để nhờ mọi người hoan hô tán thưởng Meryl Streep, ép tất cả những người tham dự công kích Trump, đây là thủ đoạn bỉ ổi, đi ngược lại văn hóa đa nguyên của Mỹ. Mọi người đều biết nhiều ngôi sao lớn của Hollywood như Stallone, Jon Voight, Brooklyn Eastwood… là những người kiên định ủng hộ Trump. Trong số người tham dự buổi lễ có không ít người ủng hộ chính sách của Trump. Cách làm của anh ta cho thấy thái độ không tôn trọng những người này, cũng không phù hợp với tinh thần bao dung nhất quán của người Mỹ. Qua ống kính chúng tôi có thể nhận ra vô số người không sẵn lòng đứng lên hoan hô. Người dẫn chương trình biểu diễn thô vụng giống như một tên hề đang đuổi theo chửi rủa một người trên đường phố làm anh ta chướng mắt để thỏa mãn nội tâm không bình thường của anh ta.

Nhưng người tính không bằng trời tính, cuối cùng Oscar đã gây một trò hề lớn nhất trong lịch sử của mình: đọc nhầm tên phim giành giải thưởng phim hay nhất. Quả là cú bạt tai mạnh nhất vào người dẫn chương trình này. Anh ta phải hổ thẹn nói câu cuối cùng “Tôi mãi mãi không thể trở lại được nữa”. Không hổ là màn trào phúng vĩ đại! Thượng đế thật công bằng, Oscar làm nhục Trump, Thượng đế làm nhục Oscar.

Nhưng điều khó dung thứ nhất là Lễ trao giải Oscar mà tại sao lại có thể bố trí cho một đạo diễn Iran giỏi ngoại ngữ phát biểu một bài lên án chính sách di dân của Trump. Bài phát biểu được gọt giũa ngôn từ đẹp đẽ nhưng trống rỗng, còn người phát biểu là nhân vật đến từ một nơi có nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới, bị nước Mỹ liệt vào nước trụ cột vi phạm nhân quyền. Dĩ nhiên ông ta không thể phát biểu những lời này tại quốc gia mình để nhắm vào những kẻ độc tài của quốc gia ông ta. Nhà nghệ thuật của một quốc gia độc tài không dám lên án nhà độc tài của nước họ mà lại chạy đến quốc gia có đủ quyền tự do ngôn luận để lên án người lãnh đạo của quốc gia dân chủ, vậy thì ông ta có phẩm chất gì đáng được tán dương? Dũng khí hay lương tri? Lợi dụng một người sống tại quốc gia chuyên chế nhưng không dám lên tiếng chống lại cường quyền để phê bình một tổng thống Mỹ vi phạm nhân quyền thì đúng là việc làm khôi hài nực cười! Chẳng lẽ họ không tìm được người nào khác phù hợp hơn hay sao? Đặc biệt nhiều cơ quan truyền thông hay đưa tin thất thiệt lại tung hô ông ta thành chiến binh bảo vệ nhân quyền. Nếu như phát ngôn của ông ta không nhắm vào lãnh đạo của quốc gia dân chủ (không phải chịu bất cứ nguy hiểm gì) mà nhắm vào những kẻ độc tài ở những quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác thì ông ta mới xứng đáng được mọi người ca ngợi. Nhưng ông ta không như thế. Theo cái nhìn của tôi, ông ta không chỉ là kẻ quái đản mà còn vô sỉ. Cộng thêm chuyện Oscar và loại truyền thông dối trá tung hô cho ông ta càng khiến người ta tăng thêm ác cảm. Rõ ràng vở náo kịch này là kế hoạch công phu thông qua ban tổ chức Oscar để công kích Trump. Tình trạng suy thoái biến chất của Oscar và truyền thông giả dối lại đạt đến một độ cao mới.

Tại sao Ủy ban Oscar lại áp dụng tiêu chuẩn khác nhau trong ứng xử với Richard Gere chỉ trích Đặng Tiểu Bình gây ra thảm họa Thiên An Môn và Jimmy Kimmel chỉ trích Tổng thống Trump? Lý giải duy nhất hợp lý là thị trường tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc làm cho Oscar đánh mất lương tri trước sức mạnh của kim tiền và lợi ích. Một điều trùng hợp là, lễ trao giải Oscar bị biến thành hội nghị phê phán Trump này lại diễn ra vào lần thứ 89, trùng con số năm 89 mà Đặng Tiểu Bình gây ra thảm sát sinh viên tại Thiên An Môn, nguyên nhân khiến Richard Gere lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc.

Một tổng thống Mỹ do dân bầu ra chỉ vừa mới lên nhậm chức đã bị thế lực hiểm ác của Hollywood lợi dụng mọi cơ hội công kích bôi nhọ. Trong khi Richard Gere lên án Đặng Tiểu Bình gây thảm họa giết người hàng loạt tại Thiên An Môn lại bị thế lực hiểm ác tẩy chay hai mươi năm. Chả trách càng ngày càng nhiều người Mỹ hốt hoảng kêu gào: Từ khi nào người Mỹ phải ăn nói theo sắc mặt của đảng Cộng sản Trung Quốc? Hơn hai mươi năm trước, họ nói nghệ thuật không thể bị chính trị lôi kéo vào để lên tiếng phản đối kẻ độc tài giết hại sinh viên, thế mà ngày nay họ lại biến buổi lễ nghệ thuật long trọng và thiêng liêng này thành hội nghị công kích Trump. Khó mà chấp nhận cách hành xử mâu thuẫn này. Họ không chỉ làm tổn hại hình ảnh giải Oscar mà đã vấy bẩn nghệ thuật thánh thiện.

Tôi là người rất yêu thích điện ảnh và âm nhạc. Tôi cũng từng rất hâm mộ một số diễn viên Hollywood. Nhưng hơn một năm qua họ không tiếc công sức thời gian để công kích Trump, đạt đến mức trơ trẽn, không bình thường. Hành vi quá phản cảm của họ làm tôi thực sự ngán ngẩm. Đặc biệt từ sau khi Trump làm tổng thống, nhiều minh tinh tung tin đồn sẽ di dân đến Canada, nhưng không những họ không làm theo lời hứa mà lại mặt dày vô sỉ chửi bới huyên thuyên, thậm chí còn biến hành vi này thành một thói quen sống hàng ngày, họ làm tôi bắt đầu sản sinh “chứng sợ Hollywood”. Giờ đây, chỉ cần nghe đến những cái tên như Ross, Meryl Streep, Madonna là tôi không còn thấy muốn ăn uống gì nữa. Để cơ thể của tôi được khỏe mạnh, tôi quyết định từ nay về sau sẽ đoạt tuyệt kết nối thông tin giữa tôi và họ. Tôi cũng muốn nhân đây nhắn gửi mọi người: “Hollywood không tốt cho sức khỏe”.

Nguyễn Đoàn dịch

Xem thêm: