‘Người Cuba chắc rồi sẽ khóc trong đám tang Fidel nhưng đôi lúc di sản một con người phải là những nụ cười của người dân chứ không phải những giọt nước mắt.’

(Ảnh: Facebook)
(Ảnh: Facebook)

Tháng 8, mình đến Cuba, phần nhiều vì tò mò không biết rằng đất nước sẽ canh giữ cho giấc ngủ của thế giới sẽ ra sao. Kết quả là mình không thất vọng. Những gì mình hình dung về Cuba thậm chí vượt cả mong đợi của bản thân. Tất cả bắt đầu ở sân bay Cancun, Mexico, những người Cuba may mắn đi nước ngoài mang về quê hương các mặt hàng không ai nghĩ có thể vận chuyển bằng máy bay: tủ lạnh, tivi, máy tính, tủ giặt, và… lốp bánh xe. Sự chậm tiến của Cuba đã quá nổi tiếng và không cần phải chứng minh.

Khi đến Havana thì một màu đỏ tràn ngập của sân bay Jose Marti chào đón các du khách như khẳng định hệ tư tưởng vẫn chưa đổi màu của đất nước. Hệ tư tưởng Nhà nước thì có thể chưa đổi màu nhưng chắc chắn hệ tư tưởng của người dân thì đã đổi. Sự xuất hiện của internet vào đầu năm 2015 như mở ra một chân trời mới cho người Cuba, kết nối họ với những đồng bào bên kia bờ biển (và mở mặt họ với cuộc sống “tư bản”). Hầu như người dân Havana nào cũng sở hữu một smartphones thế hệ mới mua ở thị trường chợ đen và hầu như ai cũng chừa ra một khoảng thu nhập khá lớn của mình để có thể truy cập internet bằng tốc độ của thập niên 90. Nói một tí thì internet ở Cuba là internet công cộng (nhưng không miễn phí, giá truy cập là khoảng USD 3 – USD 7/tiếng) và không có khái niệm internet trong nhà. Cho nên cứ đến buổi tối là các khu vực công cộng (công viên) lại rất đông người Cuba ngồi dán mắt vào điện thoại, ipad (hình ảnh khá giống với trào lưu Pokemon Go thời bấy giờ nhưng tốc độ internet Cuba không cho phép người dân lãng phí như vậy).

Nhưng người Cuba thì lại rất lạc quan. Họ đang trong những ngày đầu tiên chập chững hoà nhập lại với cuộc sống bình thường. Trong họ có sự năng động, có năng lượng bị đè nén suốt 50 năm, và có cả những mầm mống của tệ nạn mà các quốc gia lao vào làm giàu (dựa trên nền tư tưởng giáo điều) luôn mắc phải. Mình thấy được sự chịu khó (tuy còn non trẻ) của người Cuba, trái với hình ảnh hoang tàn của thành phố Havana mà Tố Hữu vẫn thường ca ngợi. Tất cả như chờ đợi một sự kết thúc để bắt đầu điều mới. Sự kết thúc cuộc đời của Fidel Castro hứa hẹn cởi trói toàn diện cho người Cuba. Và cuối cùng thì ngày đó cũng đến.

Mình không phủ nhận Fidel Castro là một nhân vật lịch sử thú vị và đầy cảm hứng. Nếu không thì ông đã không thể mê hoặc người dân Cuba để có người sẵn sàng viết tên ông bằng máu khi chống lại cuộc lật đổ ở Vịnh Con Heo. Ngay cả người trẻ Cuba hiện nay vẫn cảm thấy sự gần gũi với vị lãnh tụ này, và những ai sống đủ lâu để nhớ sự tàn bạo của chế độ Batista sẽ thấy hàm ơn cuộc cách mạng của Fidel. Nhưng Fidel chỉ nên là một nhà cách mạng chứ không nên là một người lãnh đạo quốc gia. Một người lãnh đạo quốc gia sẽ biết rằng chính khách nào cũng chỉ có vai trò lịch sử trong khoảng thời gian nhất định và lợi ích của người Cuba phải nằm ở chính cường quốc to lớn bên kia bờ biển chứ không nằm ở Mozambique hay ở bờ Bến Hải. Một người lãnh đạo quốc gia cũng sẽ biết rằng không cuộc cách mạng nào thành công nếu như dân không được ấm no, tự do, và khai phóng. Mình cảm động trước thiện ý của ông khi muốn hiến máu Cuba cho người Việt Nam nhưng mình không chắc đó là ý hay (cho cả ta và Cuba). Sự chậm tiến của Cuba (và người Cuba) có trách nhiệm rất rất lớn của Fidel Castro và người em của ông đang ra sức sửa sai. Fidel đã sống quá lâu để chứng kiến “thành quả” cách mạng của mình vỡ vụn nhưng không biết ông có kịp nhận ra bản thân đã biến từ một người anh hùng đáng kính trọng thành một tay độc tài không? Cùng thời với ông có Nelson Mandela, người đã từng coi Fidel là cảm hứng cho cuộc đấu tranh của ông, đã khôn ngoan hơn khi biết từ giã quyền lực để đứng về phía tự do để rồi khi ông qua đời, người Nam Phi đã nhảy múa tôn vinh cuộc đời ông. Người Cuba chắc rồi sẽ khóc trong đám tang Fidel nhưng đôi lúc di sản một con người phải là những nụ cười của người dân chứ không phải những giọt nước mắt.

Fidel xin hãy an nghỉ. Ông đã sống cả đời vì dân tộc và đất nước Cuba, và lý tưởng ông hằng theo đuổi một cách trong sáng. Nhưng ông chỉ phạm một lỗi lầm duy nhất là đã tại vị quá lâu để trở thành một lực cản và cố chấp bằng cái giá của sự châm tiến đồng bào ông phải hứng chịu. Xem như lịch sử đã phán xét ông như chính tâm nguyện ở toà án Batista. Mong rằng đất nước Cuba anh em (mình vẫn nghĩ họ là anh em) vẫn sẽ tôn vinh ông và không bắt ông phải sống mãi trong sự nghiệp của bất kỳ ai.