Người có nhà ở Sài Gòn còn thấy mệt mỏi, nói chi hàng triệu bà con nhập cư. Đa số mất việc mấy tháng. Tiền ăn, tiền trọ, tiền điện nước, tiền xà bông, bột giặt, tã lót cho con… Đâu đâu cũng thấy những cảnh đời tơi tả. 

nguoi ngheo khon kho tphcm covid 3
Cậu bé Dương Thanh Đ. (14 tuổi), bán cá thuê ở ngã tư Tân Hòa Đông – Đặng Nguyên Cẩn trưa 16/8/2021. (Ảnh: Cù Mai Công)

Sáng 16/8/2021, buổi sáng đầu tiên của tháng giãn cách Chỉ thị 16 ở TP.HCM. Đường phố có vẻ vẫn khá đông dù đâu đâu cũng rào chắn. Hẳn ai có việc “thiết yếu” thật sự mới ra đường chứ lúc này đường phố có gì để ra: hàng quán không, chợ búa không… Hầu hết là những shipper, người giao hàng… Dòng người đi lặng lẽ trong thời COVID, mệt mỏi và chịu đựng…

Người có nhà ở Sài Gòn còn thấy mệt mỏi, nói chi hàng triệu bà con nhập cư. Đa số mất việc mấy tháng. Tiền ăn, tiền trọ, tiền điện nước, tiền xà bông, bột giặt, tã lót cho con… Ngày 1/8 đã có một đợt cả vạn người đổ về quê. Xe khách, xe buýt, xe lửa không chạy thì đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ…; nước non ngàn dặm cũng đi. Hôm qua, 15/8, nhiều bà con ở trọ ráng bám trụ cũng hoảng hồn khi nghe TP.HCM cách ly một tháng nữa, lại đổ về quê. Bị ngăn lại ở Suối Tiên, động viên “trở về, địa phương sẽ lo”… Tiến thoái lưỡng nan, thập diện lo sợ. Đất Sài Gòn chưa bao giờ thắt ngặt với họ như vậy.

Nói cho ngay, người Sài Gòn giờ muốn sẻ chia cũng muôn phần khó khăn. Đường phố rào chắn vô số chốt. Các con hẻm, đường nhỏ coi như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đi lại khó khăn. Tôi đi từ ngã tư Phú Nhuận theo đường Phan Đăng Lưu ra ngã tư Hàng Xanh, phải dừng lại 15 phút ở đoạn đường nội thành “hắc xì dầu” nhất hiện nay: trước Công an quận Bình Thạnh, để khai báo. Hàng trăm xe cộ dồn cục trong nắng, bất chấp COVID…

nguoi ngheo khon kho tphcm covid 2
“Hai tháng qua mình thấy từng ông bà lão ngủ qua cơn đói, tay chân bủn rủn kiệt sức…” – chia sẻ của anh Lê Phong, thành viên “Trạm cơm 0 đồng”. (Ảnh: Phong Bụi/Trạm cơm 0 đồng/Facebook)

Tôi cố đi. Ở cây xăng góc Bạch Đằng – Đinh Bộ Lĩnh có một người học trò nghèo của tôi đang đợi. Gia đình người học trò đang là sinh viên này chỉ còn ba làm tài xế “ba tại chỗ” ở công ty. Mẹ làm nhà hàng giờ thất nghiệp. Bà và dì lớn tuổi. Hai tháng nay trong túi chỉ có 200.000 đồng mẹ cho không dám xài. Tôi gửi vài ký sườn non, ba rọi đặt của Vissan và vài trăm ngàn đồng xài vặt.

Gửi vội rồi đi vì cổng trường Ngô Sĩ Liên có T., một người bạn cũ đang đợi. T. vốn là con trung tá VNCH Nguyễn Văn M., cựu quận trưởng Đức Phổ, Quảng Ngãi. Xưa nhà ở hẻm 148, sinh hoạt chung chi đội Thiếu niên tiền phong hồi 1975 với tôi. Dòng đời trôi dạt về quận 12, làm bảo vệ ở Sài Gòn. Dịch giã, vợ thất nghiệp, hai con đi học, gia đình bốn người chỉ còn T. đi làm bảo vệ công ty, lương tháng vài triệu. Một con gà, một ký ba rọi, bịch rau củ và 500.000 đồng.

Rồi lại đi gặp anh D. , nhà ở Hóc Môn, ngày ngày đi làm bảo vệ một nhà riêng trên đường Bành Văn Trân, xéo nhà thờ Chí Hòa. Anh D. là con một sĩ quan cảnh sát đặc biệt VNCH nên không vô đại học được. Ba đi cải tạo về cũng không cho xuất cảnh HO, giờ làm bảo vệ. Vợ lấy thịt từ chợ Phạm Văn Hai giùm cho các cửa hàng lấy công, nhưng giãn cách, nghỉ ba tháng nay rồi. Hai vợ chồng, hai con sống dựa vào lương bảo vệ của anh D., 6tr đồng/tháng. Anh gốc Huế, Công giáo, rất nho nhã và tự trọng. Không bao giờ than thở hay xin xỏ ai. Gia đình bốn người mấy tháng nay chỉ còn anh đi làm, hai con đi học. Gửi tạm anh 1.000.000 đồng như món quà nhỏ xíu. Xin lỗi vì không thể gửi hơn.

Rồi lại đi gặp T. , người mẹ hai con quê Vĩnh Long ở hẻm 299 Tân Hòa Đông, quận Bình Tân, làm thuê phụ việc nhà, dịch thất nghiệp hai tháng nay vì không ra đường được, kẹt ở lại Sài Gòn ba mẹ con. Gạo còn, nhưng thức ăn hết, có lúc phải nấu cháo ăn với trứng. Gửi chị 1.500.000 đồng.

Trên đường đến nhà chị T., tôi thấy một xe máy nát bét: không “bàn thờ”. Chạy xe là Dương Thanh Đ., 14t, mẹ lượm ve chai dù COVID. Hàng xóm thuê cậu bé bán vài con cá saba, đầu cá hú và ít ngó sen ở ngã tư Tân Hòa Đông – Đặng Nguyên Cẩn. Thú thật là tôi không thích ăn cá nhưng vờ ghé mua 1 trả tiền 10. Cậu bé 14 tuổi mà đen nhẻm, gầy gò, nhỏ xíu như 10 tuổi, lọt thỏm sau mâm cá…

nguoi ngheo khon kho tphcm covid
“Hai tháng đủ một phần mình hiểu về một chút người vô gia cư họ sống ra sao… Đó là một sản phụ sinh con, người mẹ gầy gò chắt nước gạo cho con uống;… Đó là nhóm người Khmer đói suốt 2 ngày…” – anh Lê Phong. (Ảnh: Phong Bụi/Trạm cơm 0 đồng/Facebook)

Đâu đâu cũng thấy những cảnh đời tơi tả. Nếu khu vực trung tâm thành phố, tương đối ít xe cộ thì ra các vùng “ngoại ô”, người xe qua lại khá nhiều. Nhiều xe, sạp hàng rong bán rau trái, thịt cá và có cả xe bán mấy bịch… dừa nước. Tôi hỏi T., cậu bé 14 tuổi: “Con bán ngoài đường vậy không sợ COVID hả?”. “Sợ chớ chú – cậu bé nói liền – mà không ra thì má con hết tiền rồi chú”. Xe máy nhìn như đống sắt vụn của chú là của người chủ thuê, không hiểu sao nó chạy được, nhất là khi cậu bé ấy chống chân không tới.

Rồi từ cuối đường 3/2 ra bùng binh Phú Lâm, tôi thấy rải rác người ăn xin ngồi, chỗ một, hai người, chỗ gần chục người (bùng binh Phú Lâm). Tôi ghé gửi mỗi người 100.000 đồng. Một bà cụ rơm rớm nước mắt: “Ngoại cảm ơn con. Con đi mạnh giỏi nghen”…

12
“Họ đói thật sự. Nếu không xin hộp cơm, nửa ngày để chờ đợi sẽ chẳng có gì bỏ vào bụng…” – Lê Phong. (Ảnh: Phong Bụi/Trạm cơm 0 đồng/Facebook)

Người Sài Gòn có nhà cửa còn như vậy nói chi các xóm trọ. Có xóm đã treo bảng cầu cứu. Bất kỳ ai vô, cả xóm mừng, trình bày hoàn cảnh…

Lương của tôi hai, ba tháng nay chỉ một tuần là hết. Tháng này cũng vậy. Nhưng tôi xin không nhận của ai vì quỹ thời gian rất căng thẳng. Chỉ khi hai cô giáo cũ hồi tiểu học trường Mai Khôi của tôi, từ nước ngoài cắc củm lương hưu gởi về một ít, “bắt” tôi phải làm công việc cô giao: chia sẻ chút lòng của hai cô giáo xưa vùng Ông Tạ. Ba của hai cô là anh ruột vị giám mục lỗi lạc, nhân lành Bùi Tuần, xưa cũng ở vùng Ông Tạ. Cô dạy, tôi học trò lẽ nào dám cãi.

… Và tôi lại đi. Khả năng của tôi có hạn, chỉ xin góp một giọt nước trong biển buồn Covid ở Sài Gòn những ngày này…

Nhà báo Cù Mai Công

Đăng theo Facebook Cù Mai Công với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm:

Sài Gòn bao thương: “Các cô đừng cho nhiều quá, người khác không có phần, tội nghiệp”