Vào chiều ngày 11 tháng 3 năm 2011, lúc 14h46 phút một trận động đất lớn chưa từng có xảy ra ở vùng ven biển phía Đông Bắc của Nhật Bản.

loa phuong o nhat ban
Hoa anh đào trong công viên vườn mùa xuân tại đền thờ Kiyomizudera, bên chiếc đồng hồ và loa phát thanh, Kyoto, Nhật Bản, ngày 10/4/2019. (Ảnh minh họa: Andriy Blokhin/Shutterstock)

Đúng 14h47 phút, toàn bộ hệ thống loa ở vùng ven biển phía Đông Bắc Nhật Bản được tự động phát đi thông báo khẩn cấp có thể có sóng thần (alam), và chỉ sau đó 10 phút hệ thống loa này đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ bị sóng thần và độ cao của sóng thần. Đây là hệ thống loa được trang bị hầu khắp các vùng miền của Nhật Bản nhằm phát đi thông tin cảnh báo nhanh nhất đến với người dân ở vùng nguy hiểm. Hệ thống cảnh báo được kết nối với trung tâm điều hành và về mặt lý thuyết, chỉ cần 7 giây thì thông điệp cảnh báo thiên tai có thể truyền đến từng ngóc ngách của Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, đa số người Nhật có thể tiếp cận được với điện thoại thông minh có kết nối internet nên các thông tin cảnh báo trên mạng có thể vẫn đến được điện thoại của người dùng. Tuy nhiên sẽ có những người chăm chỉ làm việc đến mức họ sẽ chỉ mở điện thoại để xem tin nhắn vào một khung giờ nhất định. Và như vậy, đa số những nhóm người không tiếp cận được với thông tin cảnh báo sẽ rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm.

Cũng vào chiều hôm đó, các nhà mạng phủ sóng ở vùng Đông Bắc hầu như tê liệt do quá tải về người dùng gọi thông báo cho nhau. Chính vì vậy các hạ tầng thông tin internet chỉ phát huy được phần nào.

Trận động đất kèm sóng thần năm đó cướp đi sinh mạng của gần 2.000 người. Nhưng nếu không có hệ thống loa cảnh báo, số người thiệt mạng sẽ lớn hơn rất nhiều vì người dân vùng ven biển chỉ có 30 phút để chạy trước khi những cơn sóng thần cao hơn 10m ập vào bờ biển.

Người Nhật không phá bỏ hệ thống loa đó ngay cả khi hạ tầng về thông tin đã phát triển hiện đại. Nhưng hệ thống loa đó chỉ phát tín hiệu âm thanh vào 5PM mỗi ngày, đó chỉ là âm thanh ngắn khoảng 15 giây, như một hồi chuông để kiểm tra xem có cái loa nào bị tịt không để thay. Họ không dùng hệ thống loa đó để hỗ trợ các chính trị gia tranh cử, không dùng loa đó để phát nhạc, và tất nhiên không dùng hệ thống loa đó để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Tôi làm về quản lý rủi ro thiên tai nhiều năm, đi đánh giá hệ thống hạ tầng cảnh báo thiên tai ở hầu hết vùng miền trong nước và các quốc gia khác, một thông tin tôi chưa bao giờ bỏ sót là tại địa bàn đó có loa phát thanh hay không.

Hệ thống loa phát thanh là cần thiết đối với những thành phố, thôn bản có các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hệ thống loa đó phải được dùng đúng mục đích và không nên lạm dụng nó.

Được lắng nghe âm thanh là một quà tặng đối với con người, nhưng phải nghe thứ âm thanh và thông điệp mình không muốn nghe thì đó là sự tra tấn. Tùy cách chúng ta dùng thì hệ thống loa phường sẽ được yêu hơn là bị ghét.

Đây là bài viết về quan điểm cá nhân của tôi.

Tôi vẫn giữ quan điểm là hệ thống loa phát thanh là cần thiết. Hệ thống đó có thể ở phường hoặc xã vì sẽ có lúc chúng ta cần đến hệ thống loa này. Hà Nội từng có sự cố cháy và phát tán khí độc từ nhà máy bóng đèn. Hà Nội cũng từng bị ngập lụt nghiêm trọng năm 2008. Hà Nội nằm dưới hạ nguồn của 2 thủy điện lớn. Dù có được đánh giá là rất an toàn thì cũng nên đặt ra các tình huống khẩn cấp có thể có và sử dụng hệ thống phát tin cảnh báo này. Tuy nhiên hệ thống loa này không nên dùng để phát tin hàng ngày theo giờ cố định. Lúc đó các phường không đủ bản tin để phát thì sẽ cố ép phát những bản tin không quan trọng.

TS Nguyễn Ngọc Huy (Chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai)

Đăng theo Facebook Huy Nguyen. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.