Một góc trong triển lãm “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966” đang diễn ra ở Hội Trường Thống Nhất (cổng Nguyễn Du) được dùng để nói về sáu nhân vật này. Những người làm triển lãm gọi đây là những gương mặt cũ đã làm nên Sài Gòn.

trien lam sai gon
Hình ảnh tại buổi triển lãm ‘Những gương mặt Sài Gòn’. (Ảnh: Lê Nguyễn Duy Hậu)

Trương Vĩnh Ký (tên thật Trương Chánh Ký – hay còn gọi là Petrus Ký) có lẽ là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp đưa vào danh sách những học giả vĩ đại nhất thế giới trong từ điển Larousse. Ông viết hơn 100 tác phẩm lớn nhỏ, phiên âm Truyện Kiều ra Quốc ngữ và có thể coi là đại sứ văn hoá của người Việt thời kỳ đầu Pháp thuộc.

Phan Châu Trinh là người nổi tiếng nhất trong số năm người ở đây. Ông là lãnh tụ của phong trào Duy Tân và là cha đẻ của phong trào đấu tranh bất bạo động của Việt Nam. Triết lý của ông cho đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến như một hướng đi có thể tham khảo cho Việt Nam (Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh). Khi Nguyễn Tất Thành qua Pháp, chính Hy Mã là người đã cưu mang chàng thanh niên năm đó. Khi Phan Châu Trinh qua đời, 6 vạn người Sài Gòn đã tham gia đưa tang ông.

Nguyễn An Ninh vốn nằm trong nhóm Ngũ Long ở Pháp (cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, và Nguyễn Tất Thành). Nhóm Ngũ Long thường sử dụng chung một bút danh là “người họ Nguyễn yêu nước”, hay Nguyễn Ái Quốc. Sau ông về nước làm báo yêu nước và đi bán dầu cù là để truyền bá tinh thần cách mạng. Ông cũng là một biểu tượng của đấu tranh bất bạo động ở Sài Gòn xưa. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông bắt đầu bằng hai câu: “Sống mà vô dụng sống làm chi/Sống chẳng lương tâm sống ích gì“.

Đỗ Hữu Phương, hay còn gọi là Tổng đốc Phương, là một doanh nhân Hoa Kiều giàu có. Ông là một trong những người đã định hình, xây dựng ngôi trường nữ sinh đầu tiên của Sài Gòn, sau tên Áo Tím, Gia Long, và nay là Nguyễn Thị Minh Khai.

Sương Nguyệt Anh, con gái rượu của Nguyễn Đình Chiểu, là chủ bút một tờ báo về nữ quyền đầu tiên. Nhiều người coi bà là nhà nữ quyền đầu tiên của Việt Nam.

Trương Văn Bền là tỷ phú giàu nhất Sài Gòn. Sản phẩm nổi tiếng nhất của ông chính là savon Cô Ba Sài Gòn.

Điều làm mình bất ngờ đó là sáu nhân vật này được mô tả một cách khách quan và không hằn học. Nếu nhìn kĩ, năm trên sáu nhân vật (trừ bà Sương Nguyệt Anh) đều đã từng một thời bị chính quyền sau 1975 chỉ trích hoặc xem là cấm kỵ nhắc đến. Petrus Ký bị khinh khi vì từng làm thông ngôn cho Pháp, và bản thân ông cũng xem những lãnh tụ phong trào Cần Vương là thiếu thức thời. Phan Châu Trinh luôn bị sách khoa sử Việt Nam sau 1975 xem là cải lương và di sản của ông chưa bao giờ được nghiên cứu thấu đáo. Nguyễn An Ninh vốn có cái gốc là cha đẻ của Đệ Tứ Cộng Sản ở Việt Nam, đối thủ nguy hiểm nhất của những người theo Đệ Tam Cộng Sản (mà đa số các Đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương thời kỳ đầu là học trò) – một trong những đồng chí thân cận nhất của An Ninh là Tạ Thu Thâu từng bị ám hại vì tội “trotskyist” (Đệ Tứ) và mất tên đường sau 1975. Trương Văn Bền một thời không được nhắc đến vì là tư sản. Còn Đỗ Hữu Phương được coi là “tay sai đắc lực nhất của Pháp” khi đã tham gia dẹp loạn Trương Quyền (con Trương Định) và Nguyễn Trung Trực.

Tuy nhiên, như quan điểm của mình từ đó đến nay, đem thiên kiến và quan điểm chính trị đương đại để bình về nhân vật lịch sử là rất phiến diện vì nó có nguy cơ mỹ hoá hay xú hoá một ai đó. Mỗi nhân vật lịch sử có thể là phản diện với người nay, chính diện với người kia, nhưng luôn luôn phải trung lập với khoa học lịch sử. Và cái nhìn trong triển lãm đang diễn ra thật sự đã đi theo cách làm này. Đó là điều đáng quý, cũng như cách các nhân vật lịch sử của VNCH được mô tả ở lầu 2 Triển lãm.

[…]

Chi tiết thông tin về buổi triển lãm xem thêm tại đây.

Theo facebook Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu

Xem thêm: