Từ trước tới giờ, “tình cảm” và “cảm tính” là hai khái niệm rất dễ lẫn lộn với nhau. Đối với những người suy nghĩ đơn giản thì “tình cảm” và “cảm tính” là một. Tuy nhiên cũng có những kẻ vì mục đích riêng thao túng người khác nên cố tình đánh tráo hai khái niệm này với nhau khiến cho người khác bị lợi dụng. Tôi muốn qua bài viết này giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất giúp mọi người phân biệt được thế nào là “tình cảm” và thế nào là “cảm tính” để có suy nghĩ và hành động đúng đắn.

tinh cam va cam tinh
(Hình minh họa/dẫn qua towardsdatascience.com)

Có thể hiểu nôm na như thế này, “cảm tính” là thứ tình cảm bản năng và bộc phát, không thông qua sự chi phối của lý trí mà dựa trên những giác quan (nhìn, nghe, sờ, nếm, ngửi). Nó là thứ tình cảm nguyên thủy của một đứa trẻ. Đứa bé thích ăn kẹo vì nó cảm nhận được vị ngọt của kẹo và vì thế nó đòi ăn kẹo mà không cần biết rằng ngoài vị ngọt ra, viên kẹo đó không có giá trị dinh dưỡng và không thể ăn thay cơm được. Cũng như trong nhận thức của đứa trẻ, ai cưng chìu nó, cho nó ăn ngon hoặc nói ngọt với nó là người thương nó. Đứa trẻ đó với tình cảm bản năng của mình không nghĩ đến việc những hành động thương yêu chiều chuộng nó có thực sự là tốt đẹp hay ẩn chứa một mục đích sâu xa gì bên trong hoặc hậu quả của sự nuông chìu quá mức ấy là gì. Nói đến đây, chắc mọi người cũng phần nào nhận thức được rằng từ “cảm tính” đến “tình cảm” phải đi qua “lý trí”. Chính “lý trí” là điều kiện khiến cho “tình cảm” trở nên chín chắn, sâu đậm và đúng đắn hơn. “Lý trí” của một con người được tạo thành từ “kiến thức” và “kinh nghiệm”. Đứa bé khi lớn lên được học hành về khoa học phổ thông và biết được rằng viên kẹo ngọt đó được tạo thành bởi chất tạo màu, hương liệu và chất tạo ngọt sẽ thôi không đòi ăn kẹo nữa mặc dù nó vẫn còn thích hương vị của viên kẹo đó. Trong trường hợp này, kiến thức tạo nên lý trí của cậu bé và thông qua đó chi phối tình cảm cậu bé đối với viên kẹo mình yêu thích. Cũng như khi đứa bé đó nếu qua trải nghiệm bản thân biết rằng người cưng chìu nó không thực sự thương yêu nó mà chỉ lợi dụng nó hoặc sau này khi lớn lên đứa bé trở thành hư hỏng do sự cưng chìu, nó sẽ hiểu được rằng không phải ai ngọt ngào đều là tốt cả. Ở trường hợp thứ hai, kinh nghiệm của đứa trẻ tạo nên lý trí và qua đó chi phối tình cảm.

Càng thiếu hiểu biết và va chạm thực tế cuộc sống con người càng sống cảm tính. Các cô cậu thanh thiếu niên yêu nhau cuồng nhiệt nhưng sau đó cũng mau chán nhau, chia tay thậm chí gây ra hậu quả nghiêm trọng như có thai ngoài ý muốn phải phá thai hoặc sinh con ra trong khi mình còn chưa lo được cho bản thân mình bởi vì tình yêu của họ là thứ tình yêu rất bản năng thiếu đi sự suy xét của lý trí. Nhiều vụ yêu nhau say đắm đến khi chia tay dẫn đến việc đâm chết người yêu hoặc tạt acid cũng vì thứ tình cảm đó chỉ đơn thuần là cảm tính không thông qua lý trí. Đó là lý do tại sao phần lớn các bậc phụ huynh cấm con cái mình không được yêu quá sớm. Đáng sợ hơn cả sự thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm là sự giáo dục và kinh nghiệm sai trái dù vô tình hay cố ý cũng đều sẽ dẫn đến một thứ tình cảm-cảm tính sai lạc một cách nghiêm trọng. Một cô gái được nuôi dưỡng trong một gia đình toàn là những người phụ nữ hận đàn ông sẽ trở nên thù ghét đàn ông và trong mắt cô bất cứ con người giống đực nào cũng xấu xa đê tiện cũng như một chàng trai sống trong một gia đình trọng nam khinh nữ sẽ đối xử tệ với vợ mình sau này.

Những người sống cảm tính và những người sống cân bằng giữa tình cảm và lý trí có những khác biệt rất đặc trưng:

1. Người cảm tính không kiềm chế được cảm xúc của mình và thường có khuynh hướng bộc lộ cảm xúc một cách thái quá trong khi người cân bằng về tình cảm kiểm soát cảm xúc của mình rất tốt.

2. Người cảm tính hiếm khi suy nghĩ vấn đề một cách thấu đáo và phản biện mà chỉ dựa trên những biểu hiện bên ngoài để phán xét vấn đề đó. Trái lại, người có tình cảm cân bằng luôn suy nghĩ đến tận cùng gốc rễ để hiểu được bản chất thực sự của vấn đế trước khi đưa ra kết luận. Đối với một người cảm tính, giữa hai người đang cãi nhau, người khóc lóc là người đúng còn kẻ vung tay múa chân quát tháo ầm ầm đích thị là kẻ sai. Trong một vụ va quẹt ngoài đường, người đi ô tô chắc chắn có lỗi còn anh đi xe đạp mới là kẻ đáng bảo vệ.

3. Người cảm tính có lập trường rất dễ thay đổi do sự tác động của những điều kiện bên ngoài. Họ có thể chỉ vừa chửi mắng một người nào đó thậm tệ nhưng ngay sau đó lại lên tiếng bênh vực thông cảm khi người kia rơi vài giọt nước mắt hoặc nói vài câu đánh động vào tình cảm của họ. Trong khi đó, một người có tình cảm cân bằng có một lập trường rất vững vàn dựa trên sự lý luận của lý trí.

4. Người cảm tính dựa vào số đông và chủ nghĩa kinh nghiệm để quyết định đúng sai. Một vấn đề nếu được nhiều người ủng hộ thì chắc chắn sẽ đúng và nếu điều này được truyền từ đời này đến đời khác thì nó lại càng đúng đắn khỏi phải suy xét nhiều. Chính vì vậy họ rất dễ bị dẫn dắt và kích động trong khi người có tình cảm cân bằng cần nhiều hơn hai điều kể trên để tin vào một vấn đề.

5. Người cảm tính đặt cảm xúc của mình lên trên lý trí, sự thật và cả cảm xúc của người khác. Họ cũng ít khi nghĩ tới trách nhiệm hoặc hậu quả của những gì mình làm. Trong khi người tình cảm cân bằng luôn quan tâm tới sự thật và cảm xúc của những người liên đới vì họ sợ rằng một quyết định sai lầm của họ sẽ gây hậu quả khôn lường và tổn thương đến người khác.

6. Người cảm tính thường mê tính dị đoan vì họ sợ những thứ vô hình không giải thích được. Người có tình cảm cân bằng nếu có niềm tin tôn giáo thì đó là một niềm tin lành mạnh, khoa học và hướng thiện.

7. Mục đích giải quyết vấn đề của người cảm tính không để tìm ra chân lý hoặc giải pháp mà chỉ để thỏa mãn cảm xúc cá nhân. Ngược lại người cân bằng tình lý sẽ chú trọng đến hiệu quả và cách giải quyết vấn đề nên cho dù thua họ vẫn có thể tươi cười nếu hợp tình hợp lý.

8. Người cảm tính có trình độ thẩm mỹ kém vì họ dễ thỏa mãn với những trò giải trí với thị hiếu rẻ tiền sáo rỗng. Người cân bằng tình lý thường có một tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật và văn học. (Còn tiếp)

Theo facebook Viên Huỳnh

Xem thêm: