Một chiều sát Tết, nhận được tin nhắn của bác: “Bạn Toàn mời bạn Quỳnh trưa mai qua ăn cơm trưa. Ăn xong không ngủ lại”. Bạn Quỳnh đọc xin nhắn của bác xong cười mủm mỉm một mình. “Bạn Toàn” vẫn dí dỏm, như thường lệ. “Bạn Toàn” có những email đầy tinh nghịch là “Phạm Toàn vĩ đại”, nhưng thực ra Phạm Toàn khiêm tốn bậc nhất (mà bác Phạm Toàn cũng lại có email “Phạm Toàn khiêm tốn”, như lời GS Phạm Duy Hiển đã nói ngày 16/6 trong buổi nói chuyện do chúng tôi tổ chức sau khi hoàn thành và ra mắt cuốn “Xin được nói thẳng” của GS Hoàng Tụy.

canh buom image
“Gửi lại hết cho vườn hồng”… (Hình minh họa/Shutterstock)

Làm sao một người 88 tuổi vẫn ngây thơ, hài hước, dí dỏm và đáng yêu? Bởi vì bác luôn nhìn mọi sự vật, hiện tượng bằng đôi mắt của con trẻ, nhất định phải thế! Đúng ngày 25/5, một tháng trước, khi bệnh đã trở nặng rất nhanh, bác dặn, cũng như làm thơ – phải “ăn thơ, thở thơ, ngủ thơ”, thì người làm giáo dục phải ăn, ngủ, thở với những suy nghĩ của con trẻ. Suy nghĩ từ những câu đồng dao của trẻ. Ông đọc lên, giọng sang sảng: “Thả đỉa ba ba/ chớ bắt đàn bà/ phải tội đàn ông/cơm cháo như bông/ gạo tiền như nước/ đổ mắm đổ muối/ đổ chuối hạt tiêu/ đổ niêu cứt gà”. Và dặn tại sao lại phải tìm hiểu ca dao khi dạy trẻ (cũng buồn cười là từng đã có thời giáo viên phổ thông bị bắt phải đi tìm tính giai cấp, tính dân tộc trong ca dao): “Bản chất của ca dao là gì? Là sống với trẻ con. Sống với trẻ con để học gì? Để học từ. Nhưng học từ khéo đến mức như một nghệ thuật ấy. Cho nên ai cũng bảo là ca dao chứ không phải là nói nhăng cuội”.

Suy nghĩ như một đứa trẻ là bước đầu để hiểu và xây dựng một Cách Làm giáo dục dựa trên năng lực của trẻ, mà như ông dặn dò trước đó không lâu, đó là: “Giáo dục, muốn phát triển phải có ba yếu tố: Một là nhà nước, hai là giáo viên, ba là học sinh. Quan hệ giữa nhà nước với khối B, C không quan trọng bằng quan hệ giữa giáo viên – học sinh. Vì mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh là bất biến… Giờ cậu Thuyết cứ bảo chúng tôi căn cứ vào nghị quyết này nọ, đến khóa sau nó thay thằng khác, thay nghị quyết thì anh ăn vạ nó à? Cho nên mình phải căn cứ vào sự phát triển giáo dục, tức là căn cứ vào năng lực của trẻ em, vào tâm lý của trẻ em”.

giao duc canh buom
Bìa cuốn sách “Em học, em nghĩ, em làm” – sản phẩm của học sinh Gateway (năm học 2017-2018), NXB Tri thức.

Chính cái suy nghĩ cần phải độc lập, tự lực, tự làm mà không cần tới sự hỗ trợ hay chỉ đạo, định hướng đó đã tạo một Cánh Buồm mà thời gian đầu rẽ sóng ra khơi gặp biết bao thiếu thốn. Tôi nhớ, tổng kết những năm đầu của Cánh Buồm, bác Toàn đứng lên kể là được thầy Tụy, người này người kia, mỗi người góp một ít tiền in, tiền mực. Khi cô Nguyễn Thị Bình hỏi “Tình hình thế nào”, bác trả lời “Em tay không bắt giặc”. Vị thuyền trưởng tay không đó đã tập hợp được cộng sự tình nguyện làm được một chương trình sách giáo khoa phá vỡ thế độc quyền về tư duy SGK trong suốt nhiều năm, góp phần cổ vũ cho xu hướng “nhiều bộ sách giáo khoa”. Mà cũng chỉ một Cánh Buồm thôi, bác không có ý định nhân rộng mô hình đó, chỉ vì “phổ biến bây giờ thì tôi chết, lấy đâu ra người đi huấn luyện”, mà có chương trình hay đã chết yểu chỉ vì tư duy nhanh chóng muốn đại trà trong một sớm một chiều khi chưa hoàn thiện chương trình và thiếu sách.

Vị thuyền trưởng đó dày dặn kinh nghiệm, trang bị tư tưởng – ông khảo cứu rất kỹ từ Jean Piaget, Henri Piéron, Howard Gardner… trong suốt mấy chục năm dạy học rồi làm Cánh Buồm, nhưng khi nói chuyện với ông, đố thấy mấy khi ông nhắc tới những từ to tát như “triết lý”, “tư tưởng”. Bởi vì, dù ông đặt ra một tôn chỉ là phải có tư tưởng rõ ràng trong cải cách giáo dục (và ông cũng cho rằng các cải cách hiện nay có tử huyệt là thiếu vắng một nhà tư tưởng) nhưng tư tưởng ấy phải được hiện thực hóa, thấm vào cách làm giáo dục, chứ không phải nhắc đến theo kiểu lấy kiến thức, lý thuyết ra để làm sang. Đọc lý thuyết khó, hiểu lý thuyết đã khó, nhưng thấm, ngấm tư tưởng tới mức thực hành không hề nhắc gì đến nó mới thực sự khó. “Nếu là một nhà cải cách, một nhà tư tưởng thì phải đi rất khéo, đi rất thận trọng, để người ta thấy con đường chứ không phải thấy cái tư tưởng”.

giao duc canh buom 1
Bìa cuốn sách “Em học, em nghĩ, em làm” – sản phẩm của học sinh Gateway (năm học 2016-2017), NXB Tri thức.

Ông tuyệt đối không phải là người trọng lý thuyết, tuyệt đối hóa thứ gì. Cái ông đề cao là “hàng tỷ tiết dạy của cô giáo”. Ông nói: Muốn cải cách được thì phải có tư tưởng xuyên suốt, phải triển khai được. Và điều mà “Cánh Buồm làm mười năm nay, nhấn đi nhấn lại, lạy van chúng nó phải giữ lấy cái con đường ấy, là 1 tỷ tiết học của các cô giáo dạy ở trên lớp. Anh không có một tỷ cái tiết học này thì chẳng có tư tưởng, chẳng có sách gì cả. Thế nên thật sự muốn cải cách giáo dục thì phải thật khiêm nhường, thật khiêm tốn. Không phải là khiêm tốn đùa, khiêm tốn giễu”.

Sẽ còn nhiều điều để nói về ông, mà tôi tin rằng, để hiểu hết những gì ông làm, sẽ cần tới những nhà chuyên môn. Tôi chỉ điểm ở đây để nhớ rằng chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những gì ông để lại. Và ngay cả khi chúng ta không phải là nhà giáo dục thì vẫn học được rất nhiều điều cho việc ứng xử với giáo dục, hoặc ít nhất ứng xử, dạy dỗ con cái. Điều mà bác làm, cái bất biến là nghiên cứu, học “cách học của trẻ con” đúng với tất cả chúng ta. Những gì mà bác dặn trích ra từ tim, của một con người trải nghiệm với bao thăng trầm của thời cuộc, thấu hiểu thế sự rối ren. Nói về dân chủ, điều bác dặn sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều: “Dân chủ hóa là phải cho trẻ con tập làm dân chủ từ lúc nó chưa biết dân chủ là gì cả, phải dạy cho nó”. Bác kể, tổng kết năm học ở Gateway, nơi đang thực hành chương trình của nhóm Cánh Buồm, các bạn lớp 3, lớp 4 đóng kịch, phân vai là các bên trong Liên Hợp Quốc để bàn, để lập luận về các quyền của con người. “Dân chủ hóa là như thế, chứ có phải dân chủ hóa là ngồi định nghĩa tái cấu trúc là gì đâu”.

nha giao pham toan
Nhà giáo Phạm Toàn. (Ảnh: Nguyễn Thu Quỳnh)

Tấm ảnh trên đây tôi chụp khi vị thuyền trường khiêm tốn ấy còn tại thế, lúc Người còn khỏe mạnh, Người ngồi cùng với người sáng lập và lãnh đạo của Tia Sáng và tôi, chỉ vài tháng trước khi mất. Mà thực ra ông đã biết trước điều này. Khi nhận được bài của ông vào Tết vừa rồi, nhìn cái tiêu đề “Gửi lại hết cho vườn hồng” tôi đã giật mình, kéo vội xuống cuối bài, “Chiều nay mặt trời đã lại đang nhìn thấy ông già chết thật”. Ứa nước mắt nhắn ông: “Cháu cảm ơn bác đã tặng hoa hồng cho đời, và cho Tia Sáng”. Sau tết, tôi gặp ông, thấy ông kêu đi dạy về thấy mệt không thở được, giục đi khám, ông bảo: “Tôi khắc tự biết tôi, chị cứ kệ tôi”. Ông thương yêu mọi người, lo lắng cho mọi người, nhưng ghét việc ai đó hỏi thăm, thương ông nên không dám hỏi nhiều.

“Con mẹ Quỳnh”, như bác vẫn gọi con trìu mến sáng nay tới tạm biệt Người đây. Người rời cõi tạm nhưng mọi người sẽ còn nhớ mãi nụ cười hồn hậu, nụ cười của một tâm hồn an định trước bao đổi dời, nhớ mãi ánh mắt lấp lánh say mê, lấp lánh nhiệt huyết.

Hai cuốn sách “Em học, em nghĩ, em làm”, ngay cái tiêu đề sách đã thể hiện cách làm giáo dục của bác.

Thử đọc những gì các em học sinh, những bông hồng của bác viết:

“Thuyền đi dưới trăng
Trăng đi dưới thuyền
Có người lênh đênh…”

Hay

“Ta đi hướng nào đây
Một ngã tư đường phố
Toàn là người lạ mặt”

Một chương trình giáo dục đánh thức được những cảm nhận rất tinh tế của các em bé 7-8 tuổi thực là quá tài.

Nguyễn Thu Quỳnh (Nghiên cứu viên)

Đăng theo Facebook Nguyen Thu Quynh. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: