Hơn một lần tôi gọi Hà Nội là một bảo tàng khổng lồ. Bởi vì, trong khi tất cả những nơi còn lại rùng rùng vươn cao vươn xa xuyên thẳng vào thế kỷ 21, Hà Nội vẫn có những khoảng không gian mãi mãi ở lại với thế kỷ 20, mặc kệ nhịp quay cuồng khấu ngoài kia, như những viên sỏi nhỏ bị văng ra khỏi cỗ máy thời gian…

Ảnh: Phạm Việt Anh Minh
Ảnh: Phạm Việt Anh Minh

Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta,
Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom một thời hoà bình…
(Bài hát Nhớ về Hà Nội – Hoàng Hiệp)

Tôi sinh ra ngay miệng hố bom, giây phút chào đời của tôi đánh dấu bằng tiếng còi báo động. Mẹ tôi kể rằng tất cả vội vã xuống hầm, vài đứa trong đám trẻ sơ sinh chưa kịp đánh số. Khi lên, họ phát cho mỗi bà mẹ một đứa như phát bánh mì. Mẹ tôi chẳng có điều kiện để kiểm tra xem tôi có thực là con ruột của bà không.

Một buổi trưa, mẹ tôi từ nhà máy về, chạy ào vào nhà, làm đổ kềnh cả cái xe đạp vừa dựng. Bà ôm lấy chúng tôi khóc òa: “Hòa bình rồi!

Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau đó chẳng bao lâu, công việc đưa bố mẹ tôi tới vùng núi, tôi được gửi về Hà Nội sống với ông bà ngoại, ở đây đến nửa đầu thập niên 1990 trước khi chuyển vào Sài Gòn. Vì thế, tôi trở thành người may mắn chứng kiến một Hà Nội trong sự giao thoa, chuyển đổi từ cuộc sống thời chiến sang thời bình, cả một quá trình gian nan, nhọc nhằn để bình thường hóa cuộc sống và nỗ lực mở cửa hội nhập với thế giới vào thập niên sau đó.

Tam tứ đại đồng đường

Tam tứ đại đồng đường là điểm chung của hầu hết các gia đình Hà Nội ngày ấy, ba bốn thế hệ với nhiều chuẩn giá trị song song tồn tại.

Thế hệ cao niên (ông bà tôi) dường như vẫn sống với tâm thế của thế kỷ trước, giữ nguyên nền nếp gia phong kiểu Khổng – Nho.

Thế hệ trung niên (cha mẹ chú bác chúng tôi) sau hai thập niên hấp thu lý tưởng cộng sản, cố xây dựng một nếp sống hiện đại, theo hình mẫu con người mới xã hội chủ nghĩa kiểu “Thép đã tôi thế đấy!” đang giật mình nhìn lại.[1]

Những trí thức thế hệ 2x, 3x, 4x từng sớm tiếp xúc với văn hoá Pháp từ thời phổ thông đứng trước cơn khủng hoảng giá trị. Ngày họ tới thư viện quốc gia tự nâng cấp ngoại ngữ bằng đống sách ngoại văn cho thoả cơn nhớ thời vàng son. Tối tối, họ pha ấm trà Bắc Thái, ôm chiếc cassette nhỏ dò sóng đài BBC, áp tai vào nghe thời sự quốc tế, giữa tiếng loa truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vang vang báo tin mùa màng thắng lợi và loa phường chĩa vào cửa sổ kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ.

Từ trong nhà ra ngoài phố, những câu chuyện tiếu lâm chính trị, những bài vè thâm thuý (humour noir) tuôn ra quanh vầng khói thuốc và những mái đầu điểm bạc.

Thế hệ thanh niên (anh chị tôi) thì với bản tính nổi loạn, vẫn âm thầm chống lại mọi khuôn phép của lễ giáo phong kiến lẫn kiểu mô phạm ngây ngô xã hội chủ nghĩa bằng cách xem nghe đọc những thứ phi chính thống. Anh trai tôi cùng đám bạn bí mật chép nhạc vàng trong sổ, chuyền tay nhau cuốn băng “Sơn ca 7” với tình khúc Trịnh Công Sơn qua giọng hát ngái ngủ của Khánh Ly cho đến khi bị người lớn tịch thu. Một anh bạn luật sư thế hệ 5x thì kể đã từng tham gia một ban nhạc chuyên chơi nhạc lãng mạn Pháp có “trụ sở” ngay đầu phố Lò Đúc. Sân khấu của họ là các đám cưới, bất cứ lúc nào có cơ hội là họ diện quần loe tóc dài kiểu hippie, dù theo như anh nhớ thì “cứ ra ngoài, 10 lần thì 8 lần bị công an rạch quần.”

Còn bọn trẻ chúng tôi thì vô lo, cứ tận hưởng lợi thế của cả ba lối sống: vẫn nghe ông kể chuyện Tam Quốc, bà dạy giáo lý Nho gia, chơi đủ các trò dân gian mà thi thoảng rủ nhau nhảy tàu điện lên đọc sách “chùa” ở hiệu sách quốc văn Tràng Tiền kết hợp ăn kem, tối cứ nhà ai có tivi thì ghé vào xem.

Cậu tôi từ chiến trường B trở về thì quay lại trường đại học rồi tìm cách đi hợp tác lao động tại Tiệp Khắc. Mọi gánh nặng kinh tế và quyền quyết định nằm trong tay bà ngoại. Bà ngoại tôi là thương gia kinh doanh vải vóc (thời thập niên 40 có cửa hàng ở 83-85 phố Hàng Đào). Ông ngoại tôi vốn là nhân viên bàn giấy (hành chính) trong sở liêm phóng của Pháp, khi Pháp rút thì ông trở thành công chức lưu dụng, chiều chiều đội mũ phớt, chống ba- toong đi đánh cờ với bạn bè.

Anh ruột của ông tôi là quan năm thời Pháp (một chức vụ ngang hàm đại tá bây giờ), sau hiệp định Genève 1954, ông đem bà vợ thứ vào nam, bỏ lại toàn bộ bát vị thờ tổ tiên, gia đình, họ hàng cho người em trai lo liệu. Thế là nhà tôi bất đắc dĩ trở thành nơi tổ chức tất cả các giỗ chạp của dòng họ ngoại.

Ngày ấy, từ quê lên phố những người họ hàng ở quê tôi đi bằng xe đạp, có khi còn đi bộ. Ba mươi cây số mất chừng hơn hai tiếng đồng hồ. Ngoài những ngày giỗ tổ tiên định kỳ một tháng vài lần, những người họ hàng xa gần ở quê tôi có thể thình lình xuất hiện bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước: khi thì họ vừa thu hoạch xong luống khoai, lựa ra mấy củ ngon nhất đem biếu. Khi thì đàn gà mới đẻ trứng, khi thì cây muỗng (một loại cây giống xoài mà rất chua) năm nay đột nhiên sai quả, khi thì vườn mít gặp bão, buộc phải trẩy sớm.

Phố trong làng, làng trong phố

Ngoài phố, cuộc sống phố thị và nông thôn cũng giao thoa một cách nhịp nhàng. Thật ra, đó cũng là quãng thời gian mà Hà Nội thực sự bước vào tiến trình nông thôn hoá nhanh chóng với sự hiện diện của lối sống nông thôn ngay trong cuộc sống nội đô.
Hà Nội vốn nhỏ bé, lọt thỏm giữa các ngôi làng cổ, cảm tưởng chỉ cần rời khỏi trung tâm khoảng nửa tiếng đạp xe là thấy làng, thấy quê rồi. Người quê ở vùng lân cận xưa nay vẫn lên phố bán buôn, họ thường vẫn mặc nguyên bộ áo gụ, quần nâu, chân đất, các bà già còn chít khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhau trầu. Họ xuất hiện lúc tinh mơ, trên hè phố, làm cho phố xá mang màu sắc của làng, líu ríu bán bán mua mua. Họ rời thành phố với những gánh, những sọt thồ nhẹ tênh lúc chiều buông, đem theo mấy chiếc bánh mì về làm quà cho con, băng qua cầu Long Biên, về với làng quê yên ả và gia đình ở bên kia sông.

Trong khi đó, những công nhân viên chức từ tỉnh xa hơn như Nghệ Tĩnh, Thái Bình, Yên Bái, Cao Bằng, bằng con đường bố trí nhân sự dựa trên tình đồng hương, bắt đầu nán lại Hà Nội như những chủ nhân. Thoạt đầu họ sống trong những căn phòng cấp 4 tập thể cơ quan, rồi do chính sách chia nhà, ưu tiên cắt đất phân lô cho cán bộ công nhân viên của các bộ ngành, họ dần dần rời khỏi những căn phòng tập thể đó, ra chỗ rộng hơn để đón vợ con, cha mẹ lên. Hàng ngàn sinh viên ra trường chấp nhận chân sai vặt ở cơ quan, miễn là được có suất biên chế ở lại thủ đô cũng trụ lại theo cách đó.

Những khu phố cổ vừa thêm chủ mới sau 1954, nay lại một lần nữa được xẻ nhỏ cho mục đích sang nhượng, bắt đầu chật ních người. Khu phố Tây, những căn biệt thự kiểu Pháp gồm 3 thế hệ sinh sống cũng lại tiếp tục được phân nhỏ ra cho nhiều hộ gia đình đến ở. Những gia chủ cũ chán nản trước sự xâm thực văn hoá của người nhập cư, chọn cách lùi sâu vào trong hoặc rút lên gác với lượng nhân khẩu không vơi đi chút nào. Thế nên mới có cảnh tân hôn dở khóc dở cười với tấm ri – đô (rideur) được kéo quây lấy hai bên giường, trong khi cha mẹ, ông bà nằm cách đó chưa đầy một sải tay.

Nhưng thế vẫn chưa đáng ngán bằng việc phải chung sống cả với những con vật nuôi lấy thịt trong nhà. Không gian ở đã nhỏ còn bị thu hẹp, biến đổi công năng, để dành chăn nuôi “cải thiện”. Phòng tắm người chia một phần cho lợn, ban-công hoa nhường chỗ cho gà. Nhà nào không có điều kiện nuôi lợn cũng có ít nhất vài con gà, cho chúng ăn những gốc rau già, chút cơm thừa canh cặn gạn được từ chậu nước rửa bát đĩa.

Nuôi đã cực, bán còn cực hơn. Nếu liên hệ cơ quan nhà nước đến thu mua thì thủ tục nhiêu khê, giá lại không cao cho nên phần lớn các gia đình hay tìm cách bán cho tư thương. Thế là việc giết mổ được tiến hành âm thầm kín đáo ngay trong nhà, vào ban đêm.

Khâu giao hàng cũng gian nan hết mực. Tôi từng chứng kiến Nhím – cô bạn hàng xóm học lớp 2 ngày ấy phải nhường áo mưa, đội nón cối cho con lợn vừa bị giết, đặt nó lên baga xe đạp của bố, rồi ngồi sau ôm giả như “ôm em”, dưới trời mưa tầm tã, hòng che mắt cán bộ quản lý thị trường.

Nhưng có lẽ đó là những khó khăn bên ngoài, còn bên trong, tâm thế người Hà Nội ngày ấy vẫn còn khá thư thái, bình an so với bây giờ.

Tình yêu chữ nghĩa

Hôm rồi, ghé một triển lãm tranh, tôi hết sức bất ngờ nhận ra hiệu sách ngay đầu ngõ nhà bà tôi ngày trước hiện diện trong một bức tranh. Ngay sau khi tôi chia sẻ tấm ảnh chụp bức tranh trên mạng xã hội, nó được các FaceBooker lan truyền nhanh chóng với lượt like lên đến cả ngàn trong một buổi sáng, với những comments đi ngược về ngày này cách đây 30 năm.
Vì lẽ gì, một cửa hàng cho thuê sách lại có thể hằn in trong ký ức thế hệ 6x, 7x chúng tôi đến thế?

Hiệu sách ấy tồn tại từ đầu thập niên 1980, nằm đầu phố Thi Sách tiếp giáp với Lê Văn Hưu, đối diện cửa hàng xăng dầu, nhìn xéo sang xưởng phim đèn chiếu và con ngõ bé tẹo, nghĩa là ngay cái nơi tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama ghé ăn bún chả bình dân trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.  Thời vật chất khan hiếm, văn hoá phẩm là món ăn tinh thần xa xỉ, thì việc người mua sách đọc xong, mang ra bán lại cho tiệm sách cũ để những ai thu nhập thấp hơn có cơ hội được đọc với kinh phí chỉ bằng 1/10 giá bìa là giải pháp tuyệt vời.

Hà Nội ngày ấy có cả chục cửa hàng sách như vậy, nhưng hiệu sách đầu phố tôi là nổi tiếng hơn cả. Nó lợi thế vì nằm đối diện cửa hàng xăng dầu. Thời ấy chẳng có thứ gì mua mà không phải xếp hàng, từ mớ rau, miếng thịt, cây kim sợi chỉ cho tới lít dầu hoả về thắp đèn. Cho nên hiệu sách nằm đối diện cửa hàng xăng dầu là quá lý tưởng cho những người mua hàng tận dụng thời gian chết, tranh thủ bồi bổ thêm chút tri thức.

Thời thơ ấu, ngày nào tôi cũng đi ngang qua đó ít nhất 6 lần: đi học, đi đặt những cục gạch giữ chỗ ở nơi người ta đang xếp hàng mua nhu yếu phẩm cho gia đình. Lần nào đi qua, cũng thấy các cô chú trí thức đặt xong cục gạch ghi tên mình ở cửa hàng dầu thì chạy sang bên này thuê sách đọc.

Trong ký ức của thế hệ 6x, 7x, đi kèm với những viên gạch giữ chỗ xếp hàng, những can dầu hôi rình giấu nơi góc khuất để cho chúng tôi chút ánh sáng bằng hạt đỗ học bài mỗi tối ngày ấy là những cuốn truyện Tàu, những bộ tiểu thuyết kinh điển dày hàng nghìn trang của Nga và Pháp được “nguỵ trang” dưới sách giáo khoa. Thắp đèn để học thì được chứ để đọc tiểu thuyết thì xa xỉ quá, cho nên chúng tôi thường phải lén giấu chúng dưới sách giáo khoa cho khỏi bị bố mẹ la mắng.

Cũng có một cách khác là đem sách ra đọc dưới ánh đèn đường. Hình ảnh quen thuộc ngày ấy là tối tối, mấy đứa “mọt sách” thì cắm cúi chú mục vào cuốn sách giấy đen sì, bên cạnh là một đám con nít lau nhau bắt ve hay chơi đánh trận giả.
Hà Nội là thế, chẳng dễ dàng để cuộc sống nhọc nhằn lấy đi bản tính ưu nhã và tình yêu văn chương chữ nghĩa.

Vẻ bình an thư thái hiếm hoi

Sự thiếu thốn vật chất kéo dài mãi những năm chiến tranh đến cuối thập niên 1980 đã sinh ra một thế hệ người Hà Nội khéo léo thu vén, kiên trì nuôi dưỡng khí chất Tràng An trong kham khó.

Với vải vóc phân phối, cả nước ăn mặc gần như giống nhau, nhưng người Hà Nội vẫn khéo léo định vị mình một cách tinh tế trong nền văn hoá đồng phục. Những tiệm may phố Hàng Bông, hàng Gai vẫn để ngỏ cửa cho những vị khách sành điệu, những cửa hiệu thêu ren vẫn cho ra đời những chiếc áo, những chiếc khăn tay bằng vải phin nõn (phân phối) với đường thêu tinh xảo. Những cửa hiệu chuyên vá áo, sửa quần, sẵn sàng tháo tung một chiếc áo vest cũ đã mòn hai tay để biến nó thành gi-lê, hoặc dán lên mông quần đã sờn những miếng tích – kê với đường chỉ hoàn hảo mà chúng tôi hay gọi là tivi. Thậm chí ở ngõ Thanh Miến khu Quốc Tử Giám còn có một cửa hàng chuyên sang sợi, để làm lại như mới một chiếc áo chẳng may bị rách.

Ở Sài Gòn, tôi có một người bạn vong niên là giáo sư luật khoa ở đại học Humboldt Berlin, thỉnh thoảng hay café nhắc về Hà Nội thời anh ra tập kết cùng mẹ. Trong ký ức của anh, Hà Nội những năm cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ là hình ảnh đàn cò chiều chiều bay về phủ trắng hết các ngọn cây sao trên phố Lò Đúc. Anh thường đi bộ từ ký túc xá, vòng qua Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối, Hàn Thuyên, Thi Sách… quan sát và đoán xem cô gái nào trong căn nhà ấy là con của chủ nhân đích thực. Trong cả một thế giới trang phục cùng màu, nhận ra các nàng không khó: ngoài giọng nói nhẹ như tơ, cô nào cũng nhỏ nhắn, trắng đến xanh xao, phong thái nhẹ nhàng, miệng cười nhưng mắt thì xa vắng. Ánh mắt ấy, thần thái ấy khiến một cậu học sinh miền Nam như anh chỉ ngắm nhìn từ xa mà không dám tiến tới.

Sau này nhiều lần trở lại Hà Nội, anh vẫn gặp đâu đó sự an hoà, ý nhị của người Hà Nội, anh cố tìm nhưng không còn thấy dáng vẻ đài các và không khí bình yên trên đường phố ngày ấy nữa. Nhưng hình ảnh đàn cò bay về đậu trên các tàng cây và nụ cười của các thiếu nữ luôn trở lại trong tâm trí. Anh tự hỏi: máy bay trên đầu, còi báo động rú liên hồi, sao người Hà Nội không ăn cuồng sống vội? Những ngày kham khó ăn thiếu mặc rét, sao người Hà Nội vẫn có một vẻ bình an, thư thái đến hiếm hoi? Hoa vẫn nở đầy ban – công, chim chóc vẫn về trú ngụ. Mấy chục năm lang thang xứ người, anh vẫn chưa thôi tự hỏi: điều gì tạo nên ánh mắt xa vắng và nụ cười thanh thoát ấy của các thiếu nữ Hà Nội? Không u uẩn nhiều nhục cảm như đàn bà xứ Huế, không tươi tắn đầy sức sống như con gái Sài Gòn, nhưng nó vừa thánh thiện vừa ám ảnh.

Tinh thần mà anh bạn tôi thấy ở các thiếu nữ Hà Nội ngày ấy, tôi ngờ là do cha mẹ họ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hoá Pháp. Hoặc ít ra, gián tiếp qua văn Tự Lực Văn Đoàn, thơ nhạc Tiền chiến kiểu Đoàn Chuẩn -Từ Linh mà có.

Thật ra ấn tượng của anh về các thiếu nữ Hà thành không khác với những chuyện mẹ tôi kể về thời bà còn là nữ sinh Trưng Vương. Ngày ấy nữ sinh hay đội nón trắng. Trong vành nón trắng mỏng manh ấy, phía bên trong chóp nón của mẹ tôi có gắn một mẩu gương nhỏ xíu. Mỗi lần nữ sinh Trưng Vương tan trường là lại có một cơ số nam nhi bám theo sau. Mẹ tôi thường gỡ nón, vờ quạt cho tóc bay nhưng thật ra là nhìn vào gương nhỏ, quan sát phía sau, xem chàng trai mình chấm trong số mấy vệ tinh ấy hôm nay có còn theo nhiệt tình như hôm qua.

Có một điểm chung ở những phụ nữ thế hệ 4x, 5x ngày ấy là sự kiên nhẫn và khả năng chờ đợi vô cùng tận. Họ không chủ động như các cô gái ngày nay mà luôn ở trong tư thế chờ đợi. Họ duyên dáng kiêu sa nhưng vẫn chờ ý trung nhân đủ can đảm đuổi kịp họ, họ chờ lời tỏ tình để trao đi lời ước hẹn, và cứ thế chờ, dẫu cho người đàn ông ấy vào chiến trường B, lên biên giới phía Bắc, hay nơi hải đảo xa xôi. Tình yêu của họ lãng mạn, ý nhị, thuỷ chung và nhuốm màu lý tưởng, một cách rất Hà Nội, dẫu rằng một phần không nhỏ những đấng nam nhi can trường ấy chẳng bao giờ trở về.

Biệt ly – nhớ nhung từ đây

Không chỉ người lớn, cuối thập niên 1970, đầu 1980, bọn trẻ con chúng tôi cũng bất đắc dĩ phải đứng trước những biệt ly[2] . Trong lớp lác đác có bạn đeo tang đến lớp vì bố vừa hy sinh ở biên giới phía Bắc hay mặt trận phía Tây Nam.

Trong khi nhiều người tỉnh xa hồ hởi kéo về Hà Nội thì nhiều gia đình Hà Nội lại không trụ nổi với khó khăn tìm cách vào Nam hay “xung phong” đi kinh tế mới. Trường học của tôi ngày ấy phải sắp xếp lại lớp do bỗng dưng hụt hẳn một lượng lớn học sinh.

Một số ít khác thì kiếm cách vượt biên. Nhím và Hải Ly – hai chị em cô bạn hàng xóm của tôi đã theo cha mẹ vượt biên vào những ngày cuối năm 1980. Trước khi đi, Nhím sang chơi với tôi nguyên buổi tối, nó rơm rớm nước mắt thông báo: “sáng mai tớ sang bà ngoại, nhưng sang lâu lắm, chắc không bao giờ gặp lại cậu.” Tôi ngạc nhiên vì nhà bà ngoại của Nhím và Ly chỉ ở cách đó đúng hai dãy phố, nhưng tôi giữ lời hứa, không đem thắc mắc ấy đi hỏi bất kỳ ai hết.

Cho đến 30 năm sau, khi bố Nhím và Ly mất, họ mới mang di cốt người cha về thăm lại Hà Nội. Lúc ấy cả hai chị em cô đã hoàn toàn quên tiếng Việt.

Dù ngôn ngữ đã không còn nhưng ký ức thơ mộng nhất của người bạn thân thuở ấu thơ của tôi, thật lạ, vẫn là lũ sóc nâu vui nhộn nấp trong những rặng sấu già, những đàn cò bay về đậu trắng những hàng sao dầu trên phố, là lũ chim sẻ ngang trời chợt sà xuống ngay trước mắt người mà không hề sợ hãi. Là bao đêm nóng nực xách xô ra vỉa hè hứng từng giọt nước máy. Là đêm trung thu đốt đèn kết từ hạt bưởi khô, ngắm trăng trên con phố vắng tanh yên tĩnh tuyệt vời, mặc sức cho trí tưởng tượng bay bổng. Là những sớm tinh mơ sau bão, trong lúc người lớn tất bật lo khắc phục hậu quả thiên tai thì chúng tôi chăm chăm đi gỡ những tổ chim trên những thân cây vừa ngã, nhặt sấu rơi cho mẹ bỏ vào nồi rau muống. Là ngõ nhỏ có mảng tường lở rêu mọc thành hình chú ngựa đang phi, thoảng hương hoa thiên lý, loong coong tiếng guốc mộc và những vũng nước mưa trong vắt đọng trên lớp đá răm sạch tinh…

Hơn một lần tôi gọi Hà Nội là một bảo tàng khổng lồ. Bởi vì, trong khi tất cả những nơi còn lại rùng rùng vươn cao vươn xa xuyên thẳng vào thế kỷ 21, Hà Nội vẫn có những khoảng không gian mãi mãi ở lại với thế kỷ 20, mặc kệ nhịp quay cuồng khấu ngoài kia, như những viên sỏi nhỏ bị văng ra khỏi cỗ máy thời gian. Đó là nguyên do vì sao sau bao nhiêu lần hẫng hụt, một vài kẻ xa xứ như Nhím như tôi, như người bạn luật sư kia, vẫn không tài nào lãnh đạm với mảnh đất này.

Sau ngày gặp lại Nhím, tôi lại thấy Hà Nội giống một tiệm cầm đồ hơn. Nghĩa là ở đó có đủ thứ, hầm bà làng, mà ai đó đã vội gán đi trong lúc bí bách, mong ngày chuộc về, nhưng có vẻ như ngày đó không bao giờ đến. Và do đó, bất kỳ ai mới đến có thể tình cờ trở thành chủ sở hữu với giá khá mềm, chỉ cần bạn kiên nhẫn lau đi chút bụi.

Giống như nhiều người Hà Nội chọn sống nơi xa, mỗi lần trở về, cảm giác như đứng bên ngoài ngôi nhà mình xưa kia, giờ gia đình khác đến ở. Vẫn ô cửa đó, nhưng người và đồ vật bên trong đã đổi khác.

Có lẽ cách “trở về” an toàn hơn với tôi và nhiều người là xem lại những thước phim, những bức tranh, những tấm ảnh thời đó.

Ít ra, chúng không đem lại cảm giác hẫng hụt mất mát như đứng trước cửa sổ sáng đèn, nhìn vào ngôi nhà vừa quen vừa lạ của ai kia.

Sài Gòn tháng 8/ 2016   
(Trích từ cuốn sách ảnh Hà Nội Một Thời của John Ramsden – Viện Viễn Đông Bác Cổ và Nhã Nam phối hợp xuất bản. Ảnh của JR – 1980.)