Vào năm 1786, trong tình trạng 13 bang của Mỹ còn hỗn loạn và chưa ổn định chính trị lẫn hoạt động thương mại, Hội nghị lập hiến liên bang đã được kêu gọi và tụ họp lại với mục tiêu là để thiết lập nên một bản Hiến chương (Hiến pháp) thay thế cho “Các điều khoản liên bang” quá nhiều bất cập và lỏng lẻo làm cơ sở chung cho các bang liên kết từ trước.

Khi đó, ba người trẻ nhất, một người hơn tôi 1 tuổi lúc ấy là Hamilton, 32. Người tiếp theo là 34 và James Madison lúc đó 36 tuổi. Đó là những tinh hoa của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lúc đó, họ được ngồi ngang hàng với nhau và bàn thảo ròng rã hàng tháng trời liên tiếp một cách nghiêm túc về những tiên đề trọng đại nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Mục đích sau rốt của người Mỹ lúc đó không phải cố để tạo ra một bản Hiến pháp, mà họ thực ra cũng chưa bao giờ nghĩ tới, rằng nó sẽ trở nên vĩ đại đến thế theo chiều dài tồn tại của mình, họ cũng không nhằm thiết lập nên một thứ gì hoàn hảo, mà chủ đích của họ chỉ đơn giản là giữa những điều không tốt thì đâu sẽ là thứ ít xấu và có thể ít phạm phải sai lầm nhất.

Bản Hiến pháp đó đã bị phản đối khá gay gắt ngay từ những ngày đầu bàn thảo ở bang Philadelphia với 55 con người đại diện trí tuệ Mỹ. Và ngay cả sau đó, chính bản Hiến pháp đó, chỉ có vỏn vẹn 7 điều (sau đó là 27 lần tu chính án), thế nhưng chứa đựng những nguyên tắc cốt lõi để tồn tại hơn cả những công trình kiến trúc vĩ đại khác. Bản thân nó cũng phải mất 2 năm ròng sau khi đã được thông qua, mà sau lời phát biểu cuối cùng của ông Benjamin Franklin làm chủ toạ, để thư qua thư lại nhằm thuyết phục đủ 2/3 bang (9 bang trên tổng số 13 bang lúc đó) đồng thuận vơi bản Hiến pháp ấy. Và đó là kết quả của phần lớn trước thuyết phục của James Madison, người được mệnh danh là cha đẻ Hiến pháp Mỹ hiện thời.

Nước Mỹ chưa bao giờ hoàn hảo, và càng không cố thiết lập nên điều đó, mà họ tìm kiếm những giá trị và cơ chế sao cho nó ít xấu nhất và cũng ít sai lầm nhất có thể để lựa chọn và đặt niềm tin.

Washington vĩ đại vì có công thống nhất 13 bang đánh dấu thời kỳ lập quốc. Abraham Lincoln vĩ đại vì ông đã chấm dứt được nội chiến Bắc Nam và giải phóng được hoàn toàn chế độ nô lệ trên đất Mỹ mà vốn được bảo đảm mọi con người là đều có vị thế như nhau bằng lời mở đầu bất hủ của Hiến pháp Hoa Kỳ. Theodore Rooseves vĩ đại vì đưa nước Mỹ thoát khỏi những khủng hoảng trầm trọng và đưa nước Mỹ phát triển mạnh mẽ về kinh tế.

Sau này, khi giải phóng hoàn toàn chế độ nô lệ thì nước Mỹ lại mắc phải một hệ quả xã hội nan giải khác, nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại như một thách thức nhức nhối kéo dài cả trăm năm đối với dân tộc họ, những người da màu bị loại bỏ khỏi những cuộc bầu cử chính thức và bị đối xử bất công theo nghĩa kỳ thị. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Martin Luther King chỉ là một phần của lịch sử, ở đó phải kể đến công lao to lớn của vị tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Lyndon Baines Johnson, đối với tôi, phong cách lãnh đạo, tư duy và cách thể hiện quan điểm của con người ấy thực sự rất tuyệt vời, con người đó cá tính đến mức cay nghiệt, sẵn sàng quát tháo và đuổi vợ đi trước mặt nhân viên, bất cần sự an ủi bằng lời ngon gọt, thẳng thừng chê bai phó tổng thống bằng những lời chẳng đẹp đẽ gì, ông ấy khen phó tổng thống phục vụ mình bao nhiêu năm cần mẫn tốt bụng là với ý niệm – sự tốt bụng thực ra là để nói về những con người thiếu cá tính, dành cho công việc của người giữ trẻ, còn trong chiến tranh thì tốt bụng là một thứ ngu ngốc. Ông có nét tương đồng về tính cách của vị tổng thống Franklin D.Rooseves (thứ 26), giống cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Tất nhiên, bản Hiến pháp đầy trí tuệ ấy đã mở cánh cửa cho việc tiếp theo trong việc có thể lựa chọn được những con người tài năng lãnh đạo đất nước, và đến nay đã có 44 vị tổng thống Hoa Kỳ đã được đặt tên, mà theo đánh giá thì họ là những thành công chứ chưa bao giờ được nhìn nhận như là một sự thất bại bất kể theo nghĩa nào đó, vì cơ chế của sự vận hành chính thể của quốc gia này không cho phép họ, với vai trò tổng thống, bước qua ranh giới của những sai lầm chết người hay trong phạm vi lớn hơn mức được phép.

Nếu không có cá tính và sự cương quyết nhưng đầy khôn khéo mang tính mưu lược của Lyndon, chưa chắc hai đạo luật về dân quyền và quyền dân sự của người da màu được thông qua những năm 1960s trong tình trạng cả nước Mỹ căng thẳng đến nghẹt thở để giải thoát Mỹ khỏi những bế tắc và mâu thuẫn mang tính thời đại giữa thời cận hiện đại của mình ở thế kỷ trước. Cái cách ông ấy xử trí tình huống, cái cách ông ấy cô đơn trước sự chống đối của tất thảy, cái cách ông ấy thể hiện cá tính và cả lúc yếu đuổi rất đỗi con người, nhất là qua thước phim “All the Way” (tạm dịch, Trọn con đường, hoặc Đi đến cùng), mới thấy được sự vĩ đại của một con người trong những khoảnh khắc và hành động vì đất nước, vì nhân dân và lẽ công bình, mà trong đó hàm chứa sự khắc nghiệt nhưng lại đầy trí tuệ một cách quyết liệt của ông.

Nước Mỹ tiếp tục vĩ đại hơn, vì những vị tổng thống tài ba, hệ thống toà án độc lập và chế độ lưỡng viện hoàn toàn đại diện cho dân mà không bị chi phối bởi bất kỳ đảng phái hay cá nhân nào.

Nước Mỹ, lại một lần nữa tôi nói đến với một sự nể phục về trí tuệ và cách họ biến trí tuệ, bất kể đó là ai, trở thành hữu dụng trên thực tế để đưa đất nước đi lên ngày một văn minh và hoàn thiện hơn.

Người Mỹ, chưa bao giờ hài lòng và thôi tự chỉ trích mình, người dân chưa bao giờ hết đòi hỏi ở chính phủ của họ, và sẵn sàng chửi bới, phỉ báng lãnh đạo, luôn hào hứng và đặt lên trên hết là việc bàn thảo chính trị và có thể tự quyết vận mệnh quốc gia một cách công khai và đúng nghĩa thực sự của nó qua lá phiếu trực tiếp của mình.