Một trong số nhiều bài thơ viết ra chỉ để dạy con cái học và hành ở đời của cụ Nguyễn Khuyến có hai câu tôi rất thích: “Học hải yếm nghi phòng phiếm dật/ Nho gia thận vật yếm cơ hàn” được hiểu là “bể học (mênh mông thế, học gì thì học ) nhưng tối kỵ học những thứ phù phiếm. (Còn) nhà Nho đâu sợ gì đói rét”.

ngyen khuyen
Ảnh minh họa (Ảnh: commons.wikimedia.org)

Không ít người nhiều chữ, hiểu văn hoá Nho giáo cho câu thứ 2 là nhà Nho (trí thức) vốn thấm lời dạy của cổ nhân “ăn không cầu no, mặc không cầu ấm, ở không cầu yên” thì chuyện cơm áo sá gì? Tôi tin thế nhưng vẫn cứ muốn nghĩ thêm một ý khác là nhà Nho vốn trí tuệ hơn người tại sao lại chấp nhận phận nghèo nên nếu có chịu phận nghèo do buổi đầu thì rồi bằng trí tuệ, bản lĩnh của mình, cũng sẽ vượt qua.

Cụ Tam Nguyên khuyên con đừng học điều phù phiếm mà phải coi đó là thứ cần tránh đầu tiên không phải không có ý. Cái phù phiếm đôi khi khoác những cái áo khoác sặc sỡ nên dễ mê hoặc lòng người và nhận chân ra nó không hề đơn giản. Thế nên đã không ít người tài giỏi và nghiêm ngắn đấy đã bỏ cả đời mình lao vào những công việc phù phiếm mà cứ tưởng mình đang làm một việc cứu người, giúp đời. Đến lúc tỉnh ra thì đã muộn. Còn bi kịch hơn nữa là có người đến chết vẫn không nhận ra đã ném cả đời mình vào những chuyện phù phiếm rồi lại còn lôi kéo bao kẻ khác theo mình.

Cái phù phiếm ở đời không chỉ có ở những cá nhân do nhận lầm mà ra mà nó còn có ở những tập thể, nhóm xã hội. Từ xưa đã thế. Nay vẫn thế. Ngay ở cả các nước phát triển cũng vẫn có tình trạng này. Trum nhậm chức Tổng thống nước Mỹ đã cắt bỏ nhiều chương trình quốc gia và xuyên quốc gia mà ông ta cho rằng không vì lợi ích nước Mỹ. Chưa biết độ đúng, sai đó đến đâu vì còn cần thời gian nhưng tư tưởng thực tiễn, thiết thực ấy là điều đáng để suy ngẫm. Ở tầm nào cũng thế thôi.

Học những thứ chả có ích gì, chủ nghĩa thành tích, thói sính bằng cấp, danh hiệu ở ta đang là điều phù phiếm. Nhưng người ta chạy theo nó vì nó mang lại lợi ích cho những cá nhân. Vậy là trong cái phù phiếm có cái lợi nhưng cái lợi này như độc tố huỷ hoại xã hội. Cơ chế đẻ ra phù phiếm và nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Làm thế nào để tiết chế căn bệnh này, đi đến xoá bỏ nó? Biện pháp ở trong tay nhà cầm quyền. Đề ra chính sách và tổ chức thực hiện là quyền hạn và chức trách của họ. Còn nhân dân chỉ có thể làm theo và lên tiếng ủng hộ mà thôi.

Bài học để làm cho dân giàu, nước mạnh nhiều lắm. Xa thì Âu, Mỹ. Gần thì Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Sao ta cứ loay hoay mãi thế? Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ nếu cần thì phải học thôi. Nhưng sao lâu thế? Mà dân mình cũng đâu kém cạnh gì? Viết đến đây lại giật mình, nhớ đến câu cảnh báo: anh đã làm gì cho nước nhà mà nói những chuyện ấy? Xin thưa, nước là của chung, các đấng bậc có việc của đấng bậc nhưng kẻ dưới cũng có trách nhiệm chứ. Các cụ cũng đã từng dạy thế mà.

Theo Facebook Nhà giáo Phạm Quang Long

Xem thêm: