Categories: Xã luậnBlog

Khi xã hội mất lòng tin: Càng tranh cướp càng hoảng loạn, càng hoảng loạn càng tranh cướp

Bài viết của tác giả Tây Ba trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) trầm trọng ở Trung Quốc, trước tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị, tranh nhau mua thuốc dự trữ, sự ‘vỡ trận’ của hàng loạt bệnh viện, đội ngũ y tế, sự quá tải của nhà tang lễ và hỏa táng.

–oo–

Tin đồn bay khắp Internet rằng nhiều loại thuốc bị người dân tranh cướp hết sạch sành sanh. Thậm chí, sau khi biết sự thật (rằng đó chỉ là loại thuốc vô bổ), nhiều người cũng không thấy hối tiếc. Logic của họ rất khó bác bỏ, thà mua nhầm còn hơn bỏ sót. Phải chăng lòng tin trong xã hội Trung Quốc hiện đại đã sụp đổ?

Thông báo bên ngoài một hiệu thuốc ở Thượng Hải ngày 19/12/2022 ghi: “Không có khẩu trang N95, không có thuốc khử trùng, dùng cồn ethanol; không có thuốc hạ sốt, không có thuốc cảm, chớ dừng chân” (Ảnh: Hugo Hu/Getty Images)

Họ nói rằng thuốc không đáng bao nhiêu tiền, dù mua nhầm cũng chỉ mất mấy chục tệ, nhưng lỡ đúng loại thuốc cần dùng thì sao? Trước đây, các chuyên gia cũng nói rằng không cần phải tranh cướp thuốc hạ sốt, nhưng điều gì đã xảy ra? Chẳng phải thuốc hạ sốt đã “cháy hàng”?

Đây là logic sinh tồn cực kỳ mạnh mẽ, thà mua nhầm còn hơn bỏ sót, không thể tin tưởng vào lời nói của bất kỳ ai, mua được thuốc là yên tâm nhất.

Hết thuốc cảm sốt tại nhà thuốc ở Bắc Kinh. (Ảnh cắt từ video)

Sau vài chục năm giáo dục cường độ cao trên quy mô lớn khắp Trung Quốc, thế hệ trẻ đã nhận thức lại lối sống “tranh cướp” của cha ông mình.

Trước kia, thế hệ trẻ thường tự hào về lý tính khoa học. Họ tin rằng việc tranh cướp hoảng loạn khi mua hàng tích trữ là thói quen lỗi thời và phi lý. Nhưng hiện giờ họ cũng gạt bỏ đi sự kiêu ngạo của bản thân, ngày càng  nhiều người trẻ tự động gia nhập đội quân “tranh cướp” tích trữ hàng một cách tự phát.

“Cướp, cướp, cướp” là một vòng tuần hoàn tự biện hộ. Chỉ cần có đủ người giành giật, thì bất cứ món hàng hoang đường nào cũng đáng để tranh cướp. Càng nhiều người tranh cướp, thì càng có lý do để tranh cướp.

Ví dụ, nếu ai đó tung tin đồn rằng gạo có vấn đề gì đó, mọi người sẽ bắt đầu đổ xô đi mua gạo. Ngay cả những người không tin vào tin đồn đó cũng đổ xô đi mua tích trữ. Nếu không mua được, thì có vẻ như tin đồn này đúng sự thật.

Nguồn cung gạo trên thị trường không thể mở rộng nhanh chóng chỉ vì người dân hoang mang đi gom hàng, nên việc thiếu hụt trong một khoảng thời gian nhất định là điều khó tránh.

Đối với mỗi cá nhân mà nói, khi tin đồn lan rộng thì việc tranh cướp xong hẵng bàn không thể nói là điều phi lý. Tất nhiên, nếu thứ bạn đang tranh cướp là thuốc thì đừng uống bừa bãi, nếu không cái giá phải trả sẽ không chỉ là tiền mua thuốc.

Nhưng đối với một tập thể, ai nấy đều như rắn mất đầu, không dám tin vào bất cứ điều gì, nhưng chuyện gì cũng nhẹ dạ cả tin, thì hôm nay sẽ tranh cướp thứ này, ngày mai tranh cướp thứ khác. Đây chẳng phải là một cục diện đáng buồn sao? Mất tiền chỉ là một khía cạnh nhỏ, việc tranh cướp hàng loạt sẽ khiến những người thực sự cần chúng không thể mua được.

Những lý do mạnh mẽ khiến hàng trăm triệu người “không thể không tranh cướp”, sẽ tạo thành một sự phi lý tập thể khổng lồ.

Xếp hàng dài trước nhà thuốc ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Năng lực sản xuất có lớn đến đâu cũng không thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt cơ cấu do toàn dân “tranh cướp” tích trữ hàng. Chỉ cần đám đông đủ hoảng loạn, mọi người sẽ sẵn sàng tin rằng sa mạc Sahara cũng có thể thiếu cát.

Tranh cướp chỉ là chuyện bề mặt, nguyên nhân gốc rễ là vấn đề niềm tin và công bằng xã hội. Dưới sự uy hiếp của tin đồn, theo bản năng con người sẽ mong muốn có được tất cả những vật liệu có thể bị thiếu hụt.

Kỳ thực, điều này chứng tỏ người dân đang nghi ngờ đến mức cực đoan tính công bằng của cơ chế phân phối đang tồn tại trong xã hội. Sâu trong thâm tâm mình, mọi người đều nghĩ rằng nếu không mua được thuốc, thì khi thời khắc quan trọng đến, họ và gia đình sẽ bị phớt lờ và mất mạng.

Tất cả mọi người không ai tin ai, không tin vào truyền thông, không tin vào chuyên gia, không tin vào bệnh viện, và không tin vào thị trường. Người ta chỉ tin vào hàng có trong tay như một con nghiện. Cảm giác an toàn của con người là một hố đen không đáy, bao nhiêu vật chất cũng không thể lấp đầy.

Thuyết phục người ta tin tưởng bằng lời nói cũng chẳng ích gì. Bạn phải tin tưởng vào truyền thông, nhưng liệu truyền thông có đáng tin? Bạn phải tin tưởng các chuyên gia, nhưng liệu các chuyên gia có đáng tin? Bạn phải tin vào bệnh viện và thị trường, nhưng liệu bệnh viện và thị trường có đáng tin?

Uy tín của các cá nhân và tổ chức này sớm đã sụp đổ từ lâu. Khi mọi tổ chức và mọi người đều nói dối không chớp mắt, cũng chính là lúc họ đang mất đi lòng tin của người khác.

Trong đại cục trước mắt, niềm tin chỉ là một thứ xa xỉ, kết quả là mọi người không còn tin tưởng bất cứ ai, ngoại trừ những thứ đang có trong tay.

Thuốc giải độc cho sự hoảng loạn này không phải là nhiều nguồn cung hơn, mà là xây dựng lại niềm tin. Trong một xã hội vận hành tốt, khi con người bị bệnh, họ sẽ không vội vã đi mua thuốc. Vì người dân sẽ tin vào bệnh viện, tin vào bác sĩ, tin rằng dù thuốc đang khan hiếm, nhưng cũng sẽ được phân phối hợp lý và công bằng.

Nếu trong một xã hội, mọi người luôn phải là mưu tính mới có thể tồn tại, từ sáng đến tối không lo đi tranh cướp thuốc, thì lại lo đi giành giật mua thực phẩm, giấy vệ sinh tích trữ, thì xã hội đó chắc chắn đang có vấn đề trầm trọng. Không có sự ràng buộc của hệ thống và các quy tắc, mọi người chỉ có thể tự lực cánh sinh, tự mình cứu lấy mình.

Nếu mọi người đều không có cảm giác an toàn, không dám tin tưởng vào những người xung quanh, họ sẽ cố gắng hết sức để có được cảm giác an toàn tối thiểu. Khi đó làm sao họ có thời gian để vun đắp cho những điều tốt đẹp và tạo ra sự thịnh vượng?

Mỗi ngày tôi đều cảm thấy vô cùng bất lực khi nhìn thấy vô số câu hỏi chuyên môn cao thâm trong các nhóm bạn bè và WeChat. Mỗi lần thôi thúc tôi muốn nói lại bị dự cảm cản đường: “Nếu bức ảnh này không đáng tin, thì điều gì mới đáng tin đây?”

Suy cho cùng, chúng ta là một cộng đồng được xây dựng bởi trí tưởng tượng của bản thân về nhau. Trí tưởng tượng sẽ được điều chỉnh sau mỗi lần chúng ta tiếp xúc thực với nhau.

Vì vậy, nhìn chung mọi người sẽ lựa chọn tin tưởng hoặc nghi ngờ các thành viên khác dựa trên kinh nghiệm của chính mình.

Do đó, khi thế hệ trẻ gia nhập vào đại quân “tranh cướp” (tích trữ hàng), với cá nhân mà nói, đó là sự bất lực; với tập thể mà nói, đó là thất bại lớn về lòng tin trong xã hội.

Tây Ba
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times.)

Tây Ba

Published by
Tây Ba

Recent Posts

Telegram, Signal, WhatsApp và Threads bị gỡ bỏ tại Trung Quốc 

Apple cho biết vào ngày 19/4 rằng họ đã gỡ bỏ ứng dụng WhatsApp và…

19 phút ago

Làm CTV cho trang thương mại điện tử giả, người đàn ông bị lừa gần 3 tỷ đồng

Làm cộng tác viên cho trang thương mại điện tử giả mạo, người đàn ông…

27 phút ago

Các nước phản ứng trước cuộc tấn công của Israel vào Iran

Hôm thứ Sáu (19/4), Israel được cho là đã tiến hành cuộc tấn công trả…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Dmitry Kuleba: Ukraine không có ‘Kế hoạch B không với viện trợ của Mỹ’

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba hôm 18/4 đã tuyên bố rằng Kyiv không có “Kế hoạch…

2 giờ ago

Bé sơ sinh ọc sữa, ngưng tim nghi do hít dịch tiêu hóa

Khi được bà ngoại phát hiện trong đêm khuya, bé sơ sinh đã tím tái,…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Gần một nửa số đô thị Trung Quốc đang sụt lún, đặc biệt tại Bắc Kinh

Tạp chí Khoa học (Science), ước tính độ cao của khoảng 16% thành phố lớn…

2 giờ ago