Lần đầu tiên sau 30 năm sự kiện Lục Tứ, cảnh sát Hồng Kông và Macao đã cấm người dân hai địa khu này tổ chức lễ kỷ niệm với lý do lo ngại dịch bệnh virus corona. Nhưng đằng sau cái cớ này thực chất là nỗi sợ hãi của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với tự do và nhân quyền. Tại Trung Quốc Đại Lục, người dân không thể công khai tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong sự kiện Lục Tứ, các nhà hoạt động nhân quyền cũng như bất đồng chính kiến đều đã bị theo dõi và quản thúc tại nhà suốt một thời gian dài trước đó.

Lục Tứ, Hồng Kông
Tối này 4/6/2020, hàng ngàn người dân Hồng Kông không sợ lệnh cấm tụ tập của cảnh sát, kiên trì đến Công viên Victoria để tổ chức lễ tưởng niệm 31 năm thảm sát Thiên An Môn. (Ảnh: Tống Bích Long/Epoch Times)

31 năm về trước, sáng sớm ngày 4/6/1989, ĐCSTQ đã tiến hành thảm sát những sinh viên và người biểu tình ôn hòa, gây chấn động cộng đồng quốc tế. Kể từ đó, tình trạng “đầu rơi máu chảy” đã lan rộng khắp vùng đất Trung Hoa thông qua nhiều phong trào đàn áp khác, có thể kể đến như cuộc bức hại Pháp Luân Công, đàn áp các nhân sĩ nhân quyền, tước đoạt quyền công dân và tự do tín ngưỡng, trấn áp phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ, che giấu tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông… Cỗ máy thống trị đầy bạo lực và dối trá ấy chưa bao giờ hối cải.

Đàn áp Pháp Luân Công

Suốt hơn 70 năm cầm quyền, ĐCSTQ đã khiến hơn 80 triệu người dân Trung Quốc thiệt mạng bất thường. Cải cách ruộng đất, Trấn phản, Phản hữu, Nạn đói lớn, Cách mạng Văn hóa, Thảm sát Lục Tứ, bức hại Pháp Luân Công… mỗi một cuộc vận động đều đi kèm với đấu tranh, tra tấn, giam cầm, tù đày, bức hại tinh thần và giết hại người vô tội… gây nên vô số thảm kịch phi nhân tính. ĐCSTQ đã phá hủy đạo đức và văn hóa truyền thống, phá hoại vô số các di tích lịch sử, thậm chí còn đối nghịch với giá trị phổ quát “Chân-Thiện-Nhẫn” của nhân loại, đẩy quốc gia và dân tộc Trung Hoa xuống vực sâu.

Ngày 7/12/2019, trang web chính thức của Pháp Luân Công Minghui.org đã xuất bản “Báo cáo điều tra về việc ĐCSTQ tra tấn và giết hại học viên Pháp Luân Công”. Bản báo cáo đã tóm tắt 3.653 trường hợp bị bức hại đến chết từ cơ sở dữ liệu mà Minghui thu thập trong nhiều năm qua. Tuy nhiên con số này cũng chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Báo cáo cho thấy, trong số 65% các trường hợp bị bức hại đến chết, có 21% số người là bị đánh đập đến chết, 11% số người bị bức thực đến chết, 10% bị ép buộc tiêm hoặc uống các loại thuốc độc hoặc phá hủy thần kinh đến chết; 3% bị lao lực do lao động cưỡng bức mà chết, 2% bị sốc điện đến chết, 2% bị lạm dụng tra tấn đến chết, 2% bị ngược đãi trực tiếp mà chết, 1% là do bị trừng phạt về thể xác mà chết, 1% là chết trong quá trình cầm tù, 26% số người chết do chịu đựng các phương thức tra tấn khác nhau.

Tháng 5/2018, hai luật sư nhân quyền tại Đại Lục là Tạ Yến Ích và Tạ Dương đã gửi thư ngỏ tới Liên minh châu Âu, chỉ ra rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công chính là “thảm họa nhân đạo có phạm vi rộng lớn và tà ác nhất trong lịch sử loài người kể từ sau Thế chiến II đến nay”. Mối nguy hại mà cuộc bức hại mang đến cho nhân loại còn vượt quá nhiều cuộc chiến tranh: hàng chục triệu người đã bị kỳ thị và đối xử bất công; hàng trăm nghìn người đã bị kết án, bắt giữ và cầm tù phi pháp; hàng chục nghìn người bị bức hại đến tàn tật hoặc chết, thậm chí còn bị mổ cướp nội tạng… Tra tấn và lạm dụng diễn ra khắp nơi, bắt giữ phi pháp ở đâu cũng có thể thấy.

Từ năm 1999 đến nay, cuộc đàn áp vẫn không dừng lại. Từ tháng 5/2015, gần 210.000 người Trung Quốc đã đệ đơn kiện hung thủ của cuộc bức hại là Giang Trạch Dân lên các cơ quan tư pháp tối cao của ĐCSTQ. Tuy nhiên, chính quyền lại phớt lờ và im lặng trước làn sóng mạnh mẽ như vậy trong dân chúng. Thậm chí, nhiều người gửi đơn kiện còn bị trả thù và đàn áp tàn bạo.

Đàn áp phong trào Phản đối Dự luật Dẫn độ và Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông

Tháng 6/2019, người dân Hồng Kông đã phát động phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ nhằm phản kháng chế độ chuyên chế. ĐCSTQ thao túng chính phủ Hồng Kông và cảnh sát Hồng Kông lạm dụng bạo lực tấn công và bắt giữ người biểu tình ôn hòa. Tính đến nay, gần 9.000 người biểu tình đã bị bắt giữ, trong đó có nhiều nghị sĩ dân chủ và các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, hơn 1.000 người đã bị truy tố, hàng trăm người bị thương hoặc thậm chí tàn tật suốt đời, và nhiều người khác đã chết một cách ly kỳ.

Vào tháng 11 năm ngoái, người dân Hồng Kông đã tạo một cơ sở dữ liệu về việc cảnh sát Hồng Kông lạm dụng quyền lực. Hiện tại, họ đã thu thập được hơn 2.000 trường hợp, bao gồm 14 phạm trù khác nhau như bắt tay cấu kết với xã hội đen, bạo lực tình dục, đe dọa, uy hiếp, bạo lực ngôn ngữ, giá họa cho người biểu tình, tấn công các nhà báo và cản trở tự do báo chí, tấn công lực lượng y tế và cản trở cứu hộ, lạm dụng bạo lực thể chất, sử dụng vũ khí bất hợp pháp, hợp tác với thế lực ĐCSTQ v.v.

Nhằm che đậy bạo lực, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao cùng nhiều kênh truyền thông của của ĐCSTQ còn miệt thị người biểu tình là “côn đồ”, truyền bá nhiều tin tức sai lệch hoặc một chiều để kích động chủ nghĩa dân tộc. Tại nước ngoài, nhiều kênh truyền thông thân ĐCSTQ cũng liên tục dẫn lại những lời dối trá này nhằm tẩy não người Hoa ở địa phương.

Tháng 5/2020, ĐCSTQ tuyên bố sẽ xem xét Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, gây nên phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Hành vi lập pháp này trực tiếp bỏ qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông và cho phép Bắc Kinh trực tiếp thành lập một cơ quan an ninh quốc gia tại Hồng Kông, tương đương với việc phá hủy hoàn toàn “một quốc gia, hai chế độ”. Bốn loại tội danh được cho là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia liệt kê trong dự luật về cơ bản nhằm ngăn chặn cuộc đấu tranh kháng nghị nhằm duy trì tự do dân chủ của người dân Hồng Kông.

Embed from Getty Images

Ngày 4/6/2019, trong lễ kỷ niệm sự kiện Lục Tứ tại Công viên Victoria, người dân Hồng Kông đã trưng bày thêm poster nhằm phản đối Dự luật Dẫn độ (Ảnh: (PHILIP FONG/AFP via Getty Images)

Cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông và Chủ tịch Liên minh Hồng Kông hỗ trợ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc Lý Trác Nhân ngày 28/2 và 18/4 năm nay đã hai lần bị chính quyền bắt giữ vì tham gia biểu tình Phản đối Luật Dẫn độ.

Ông Lý Trác Nhân nói: “Đàn áp chính là thủ đoạn xuyên suốt của ĐCSTQ, không hề thay đổi. Năm nay, chính phủ đã ngăn cản không cho chúng tôi kỷ niệm sự kiện Lục tứ tại Công viên Victoria. Tuy nhiên, Hồng Kông không thể thoái lui, bởi chúng tôi không bao giờ thoái lui. Bản chất của ĐCSTQ là đấu tranh và bạo chính.”

Ông Jerome Cohen, một học giả nổi tiếng về luật của Trung Quốc và là giáo sư luật của Đại học New York, nói với phóng viên BBC tiếng Trung rằng, sự kiện “Lục Tứ” có mối tương quan chặt chẽ với Hồng Kông của ngày hôm nay, bởi nó cho thấy rõ bản chất thực sự của ĐCSTQ, như phong tỏa thông tin, kiểm soát ngôn luận, các thủ đoạn đàn áp đã vượt quá cả pháp luật v.v. 

Vưu Duy Khiết (You Weijie) là thành viên của nhóm Các bà mẹ Thiên An Môn, chồng bà là ông Dương Minh Hồ đã qua đời trong chính sự kiện Lục Tứ khi mới 42 tuổi. Theo VOA, khi phát biểu trong lễ tưởng niệm 31 năm sự kiện Lục Tứ tại Công viên Victoria Hồng Kông, bà đã chất vấn: “Sau cuộc đàn áp, chính quyền vẫn tiếp tục ra tay thanh trừng. Là người Trung Quốc, chúng ta rốt cuộc là công dân hay là con dê chờ bị giết thịt?”

Trình Hiểu Dung

Xem thêm: