Việc Mỹ chia rẽ giữa đảng và nhân dân chính là vấn đề chí tử nhất đối với Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Đối với Trung Quốc, ngày 3/9 năm nay lẽ ra là một cột mốc lịch sử, kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng “cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhật Bản” và “cuộc chiến tranh chống phát xít.”

Tuy nhiên, những lời chỉ trích gay gắt lại không nhằm vào Nhật Bản. Giọng điệu chống Nhật đã được thay thế bằng bài diễn thuyết chống Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện tại một hội thảo kỷ niệm chuyên đề tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Trong bài phát biểu sau đó, ông đã lớn tiếng hăm dọa chính quyền TT Trump, liệt kê 5 điều Trung Quốc không thể chấp nhận. 

Mỗi câu nói, ông đều mở đầu bằng tuyên bố: “Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép….

“âm mưu của bất cứ ai hay bất cứ lực lượng nào bóp méo lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc và xuyên tạc bản chất và sứ mệnh của đảng;”

“âm mưu của bất cứ ai hay bất cứ lực lượng nào xuyên tạc và thay đổi con đường của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, phủ nhận và bôi nhọ những thành tựu to lớn của nhân dân Trung Quốc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội;”

“âm mưu của bất cứ ai hay bất cứ lực lượng nào chia rẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc và khiến họ chống đối nhau;”

“âm mưu của bất cứ ai hay bất cứ lực lượng nào nhằm áp đặt ý chí của họ lên Trung Quốc, thay đổi  định hướng phát triển của Trung Quốc, và cản trở nỗ lực của nhân dân Trung Quốc trong việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ;”

“âm mưu của bất cứ ai hay bất cứ lực lượng nào gây nguy hại cho cuộc sống hoà bình và quyền phát triển của nhân dân Trung Quốc, cản trở sự giao lưu và hợp tác của họ với các dân tộc khác, hoặc phá hoại sự nghiệp chính nghĩa vì hòa bình và phát triển của nhân loại.”

Một học giả châu Á nghiên cứu về quan hệ Mỹ – Trung và Trung- Nhật cho biết trong số 5 điều trên, đặc biệt quan trọng là điều thứ ba. Việc Mỹ chia rẽ giữa đảng và nhân dân chính là vấn đề chí tử nhất đối với Trung Quốc.

Không có bầu cử công bằng và dân chủ, tiên đề của kiểu cai trị của Trung Quốc là đảng đại diện cho mọi lợi ích của người dân Trung Quốc.

Nếu Mỹ, cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới, nghiêm túc đối xử tách biệt Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, đó sẽ là vấn đề không nhỏ đối với Bắc Kinh.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tại một cuộc họp báo thường lệ hôm 11/9 đã nói, “Cụm từ “Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép” được nhắc lại năm lần là câu trả lời tốt nhất cho sự bôi nhọ có chủ tâm chống ĐCSTQ và âm mưu chia rẽ ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc của một số lực lượng cực đoan chống Trung Quốc tại Mỹ.”

Trong bài phát biểu, ông Tập cũng đề cập đến việc Nhật Bản cần suy nghĩ một cách sâu sắc về lịch sử chủ nghĩa quân phiệt và xâm lược của họ. Nhưng ông cho biết Trung Quốc coi trọng hơn việc duy trì quan hệ hoà bình và hữu nghị giữa hai nước về lâu dài.

Phong cách ông Tập đọc diễn văn cũng ít thấy. Thay vì đọc từ máy nhắc, ông Tập ngồi nhìn xuống bàn và đọc một bài viết chuẩn bị sẵn. Mỗi lần ông tuyên bố “Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép,” ông ngừng lại, dường như chờ một tràng pháo tay. 

Trước hội nghị, lễ dâng hoa đã được tổ chức ngày 3/9 tại Bảo tàng Chiến tranh về cuộc kháng chiến chống xâm lược Nhật Bản của nhân dân Trung Quốc, gần cầu Marco Polo ở ngoại thành Bắc Kinh.

Mặc dù có sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn – người được thấy lần đầu tiên sau nhiều tháng, các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc chỉ coi tin này có tầm quan trọng thứ hai trong ngày. Rõ ràng là chủ đề chính trong ngày không phải là “chống Nhật.” 

Bài phát biểu của ông Tập đáng chú ý vì “đây là lần đầu tiên chính lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc tấn công chính quyền TT Trump một cách trực tiếp,” một nguồn tin của đảng cho biết. 

Trên thực tế, nó là một phản ứng với bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo hôm 23/7 ở California, khi ông công bố hính sách nhằm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và tách đảng khỏi những người dân Trung Quốc bình thường.

Ông Pompeo đã gọi ông Tập là “một người tin tưởng thật sự vào hệ tư tưởng toàn trị đã phá sản.”

Chi tiết của bài phát biểu nảy lửa đó ban đầu không được truyền ở Trung Quốc. Tuy vậy, hơn một tháng sau, chúng đã được biết một cách rộng rãi.

Để chống lại luận điệu của chính quyền TT Trump, Trung Quốc cần sự ủng hộ của bè bạn. Đó là vì sao hai nhà ngoại giao hàng đầu gồm Uỷ viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tiến hành các chuyến công du riêng biệt ở châu Âu.

Các lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đẩy mạnh các mối quan hệ với châu Âu, cùng việc tập trung lớn vào những lợi ích kinh tế, sẽ cho phép Trung Quốc ngăn chặn Mỹ hình thành một liên minh quốc tế chống Trung Quốc.

Ông Dương và ông Vương còn có một nhiệm vụ quan trọng hơn ở châu Âu: khiến các đối tác lặp lại chính sách “một Trung Quốc” khi đề cập tới Đài Loan. 

Vào thời điểm đó, một đoàn đại biểu Cộng hòa Séc do Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrel dẫn đầu đang thăm Đài Loan trong 6 ngày dù Cộng hòa Séc và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao. Trong khi gần đây, Mỹ cũng đã đẩy mạnh quan hệ với Đài Loan. 

Vì thế, Trung Quốc đang ngày càng trở nên bất an khi thấy chính sách “một Trung Quốc” – trong đó Đài Loan là một phần của một thực thể toàn vẹn gọi là Trung Quốc – dường như chỉ còn là một thứ bề mặt. 

Tuy nhiên, tại châu Âu, những nỗ lực của Trung Quốc hòng buộc Đài Loan và những người ủng hộ họ phải im lặng đã phản tác dụng.

Khi ông Vương nói Chủ tịch Thượng viện Séc sẽ “phải trả một giá đắt” vì đi thăm Đài Loan, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đang đứng cạnh ông Vương tại một cuộc họp báo ngày 1/9 đã lên tiếng phản đối và nói rằng “Đe doạ không thích hợp ở nơi đây.”

Đức và Pháp cũng phê phán Luật An ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông vào cuối tháng Sáu. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” về tình hình ở Hồng Kông và tình trạng nhân quyền ở Tân Cương.

Ông Macron nói với các phóng viên rằng Pháp không loại bỏ bất cứ công ty nào khỏi thị trường mạng 5G thế hệ tiếp theo của họ, gồm cả gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc, nhưng chiến lược của ông đặt trên cơ sở chủ quyền của châu Âu.

Do đó, ông Macron chỉ ra rằng mạng di động 5G của Pháp sẽ được xây dựng chủ yếu bởi các nhà sản xuất châu Âu.

Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc chiến cam go trong cố gắng tuyệt vọng để giữ lại châu Âu.

>> Viên Cung Di: Tập Cận Bình bị kẹt giữa phe chủ hòa và chủ chiến

Trong số những người tham gia Hội thảo chuyên đề ngày 3/9 là các viên chức từ Ban công tác chính trị của Uỷ ban Quân sự Trung ương, nơi chịu trách nhiệm về các vấn đề chính trị trong quân đội. Đó là một chỉ dấu cho thấy từ nay về sau sẽ không chỉ những nhà ngoại giao “chiến binh sói” của Bộ Ngoại giao, mà cả một đội “toàn Trung Quốc” cùng phản kích chống Mỹ.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao ông Tập lại chọn kỷ niệm 75 năm cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc để phát động một cuộc phản công chống Mỹ?

Có lẽ bởi vì lúc đó ông Tập đang ve vãn Nhật Bản. Bài diễn văn của ông xuất hiện 6 ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo từ chức vì lý do sức khoẻ.

Một dấu hiệu của suy đoán này đến từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh, người đã đánh giá cao ông Abe trên Twitter vì đã khiến mối quan hệ Trung – Nhật tốt đẹp hơn.

Bà viết bằng tiếng Anh và tiếng Nhật: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm cải thiện quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản. Chúng tôi chúc ông mau chóng phục hồi và có sức khoẻ tốt.”

Điều thú vị là bản dịch chính thức tiếng Trung câu Tweet của bà Hoa dịch “đánh giá cao” thành “cám ơn.” Sự tương phản về lập trường của Trung Quốc đối với Mỹ lộ hẳn ra.

Với tầm nhìn về một cuộc đối đầu dữ dội lâu dài với Mỹ, chính quyền Tập muốn lôi kéo Nhật về phía họ càng nhiều càng tốt. 

Đối với nền ngoại giao Trung Quốc, điều quan trọng hơn là để ngỏ khả năng hiện thực hoá chuyến thăm chính thức bị hoãn của ông Tập đến Nhật Bản. Chuyến thăm này ban đầu được lên kế hoạch vào tháng Tư, nhưng đã bị hoãn do bùng phát virus corona.

Khuấy động dư luận Nhật Bản tại thời điểm chính trị nhạy cảm khi Nhật có Thủ tướng mới không có lợi cho lợi ích tối ưu của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể dễ dàng bị nhấn chìm vào tình cảm chống Nhật nếu kỷ niệm lần thứ 75 châm ngòi cho “cuộc tấn công Nhật Bản quyết liệt.” Đó sẽ là kịch bản tồi tệ nhất về mặt chiến lược.

Năm điều cấm chống Washington đã chuyển hướng hoàn toàn sự chú ý từ “chống Nhật” sang “chống Mỹ.” 

Hiện tại Bắc Kinh đang phân tích và tính toán cẩn thận về các chiến lược khi cả Mỹ và Nhật đều đang chọn lãnh đạo của họ cho những năm sắp tới. Điều lý tưởng đối với Trung Quốc là sẽ có một cơ hội để chia rẽ Nhật Bản và Mỹ.

Xem xét kỹ hơn bài phát biểu của ông Tập cho thấy rằng dù với giọng hiếu chiến, ông cẩn thận tránh nhắc tới tên ông Trump.

Đó dường như là một sự dự phòng rủi ro nhẹ, để các vấn đề vẫn còn có thể được dàn xếp ổn thoả nếu Tổng thống Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới.

Katsuji Nakazawa/Nikkei

Xem thêm: