Nếu ai có kiến thức vỡ lòng về giáo dục học thì đều hiểu dạy cái gì, dạy thế nào, sử dụng phương pháp nào thì cuối cùng cũng phải nhằm mục đích phát triển con người, nghĩa là phải làm cho người học xã hội hóa được cá nhân, nâng tầm bản thân cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn.

sach thieu nhi cua nhat 1
“Trời đẹp”. (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Điều đó có nghĩa là mọi thứ phải là phương tiện phục vụ cho phát triển con người, vì con người. Những gì chống lại con người, không phục vụ cho sự phát triển của con người sẽ bị hạn chế tối đa trong giáo dục thậm chí bị cấm.

Trong đời sống, rất nhiều người cũng tìm kiếm sự giác ngộ thông qua một phương tiện nào đó, thậm chí là công việc, sở thích. Những người như Miyamoto Musashi luyện kiếm không phải thuần túy là để chém giết hay đánh nhau giành phần thắng mà cuối cùng là để đạt tới cảnh giới giác ngộ-nơi tâm hồn như trời quang không gợn mây, không mảy may chút băn khoăn nghi ngờ (xin đọc Ngũ luân thư – một tập binh pháp thư do kiếm khách Miyamoto Musashi biên soạn).

Vì thế các giáo tài đưa vào sách giáo khoa thường được lựa chọn rất thận trọng để đảm bảo tính thẩm mĩ và tính sư phạm. Từng câu, từng chữ đầu đời sẽ tác động rất lớn đến tâm hồn học sinh. Những nội dung của giáo tài được khéo léo sử dụng để huấn luyện cho học sinh kĩ năng, truyền đạt cho học sinh tri thức.

Tại đất nước này, sách giáo khoa từ lớp 1-9 được Nhà nước cấp miễn phí cho học sinh dựa trên kết quả lựa chọn.

Từ năm 1947, Nhật Bản giao quyền biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cho các nhà xuất bản tư nhân. Bộ Giáo dục làm mỗi việc đưa ra quy chế, thẩm định…

Bài đầu tiên trong sách giáo khoa Quốc ngữ lớp 1 của Nhật có tựa là “Trời đẹp”:

“Trời đẹp
Nào, đi thôi
Hãy đi ra thế giới rộng lớn nào!
Thật háo hức phải không nào?
Thật thú vị phải không nào?
Nào cùng bắt đầu nào.”

sach thieu nhi cua nhat 2
Chữ và ảnh minh họa của bài thơ “Trời đẹp” (đọc từ phải sang). (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong sách giáo khoa Nhật Bản, họ đưa vào cả nội dung về “Thư viện” vào sách giáo khoa Quốc ngữ. Ở đây, học sinh vừa học chữ, học vần đồng thời nó cũng là bài học đầu đời về thư viện. Điều này nói lên rằng các tác giả biên soạn luôn ý thức sâu sắc về đọc sách-văn hóa đọc đối với việc học và phát triển của học sinh. Họ đưa vào đầy chủ ý.

“Cùng tới thư viện nào
Thư viện là nơi ta có thể thưởng thức sách.
Ở đây có sách tranh (ehon) này!
Ừ, có nhiều quá nhỉ!
Nào, trả sách về chỗ cũ nào!
Đây là sách của tất cả mọi người đấy!
Các con hãy giở thật cẩn thận nhé!”

sach thieu nhi cua nhat
(Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Không thấy “ngựa ô”, “ngựa tía”, không thấy “chó tợp mỡ”. Chỉ thấy gió, hoa và con đường thơ mộng. Không thấy cố ép vần vì đối với trẻ con chữ nào chưa biết, vần nào chưa biết giáo viên đọc lên các cháu sẽ hiểu. Tiếng mẹ đẻ mà. Đọc một hai lần, các cháu nhớ luôn.

Xin tạm dịch:

“Ngọn gió ấm áp bắt đầu thổi
Một con đường dài, thật dài
Đầy hoa
Đã xong rồi”

sach thieu nhi cua nhat 3
Một trang sách giáo khoa quốc ngữ lớp 1 của Nhật Bản. (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Nguyễn Quốc Vương (Tác giả, dịch giả)

Đăng theo Facebook Nguyễn Quốc Vương với sự đồng ý của tác giả. Bài do TTVN tổng hợp và biên tập. Vui lòng đọc các status gốc tại trang của tác giả.