Trong buổi thuyết trình về “giáo dục nghề nghiệp ở Nhật Bản” thứ bảy vừa qua, ở phần thảo luận có một bạn gái đứng lên hỏi tôi như sau:

Em thưa thầy, em vừa thi tốt nghiệp THPT quốc gia xong và có ý định đi du học Nhật Bản. Mẹ em thì ủng hộ nhưng bố em lại cho rằng em nên học hết đại học ở Việt Nam sau đó hãy đi. Thầy có thể đưa ra lời khuyên gì cho em?”.

Tôi không phải là người được đào tạo về nghiệp vụ tư vấn, cũng như chưa từng làm việc cho trung tâm tư vấn du học nào. Khi về nước, có hai nơi thú thật tôi rất ngại đó là trung tâm tư vấn du học và trung tâm xuất khẩu lao động. Đơn giản vì tôi không có thời gian và sức lực để tìm hiểu kĩ và nắm được hoạt động của họ do vậy nếu cộng tác tôi e ngại trong vô tình mình có thể tiếp tay cho những điều xấu cho dù tôi biết có những nơi vẫn làm ăn nghiêm túc và có lý tưởng riêng.

du hoc tu tuc nhat ban
Một lớp học ngoại ngữ tại Nhật Bản. (Ảnh minh họa/duhoc.japan.net.vn)

Trở lại câu hỏi của bạn trẻ nói trên, tôi sẽ đưa ra lời khuyên dựa trên những gì tôi biết khi học, làm việc ở Nhật và bằng chính trải nghiệm đau thương của mình.

Trước hết tôi đặt ra một loạt câu hỏi cho bạn trẻ.

– Em đi học dưới dạng tự túc hoàn toàn, tự túc một phần hay có học bổng?

– Em sẽ vào học trường nào, ở đâu?

– Nguồn tài chính em lấy ở đâu? Mức độ thế nào?

– Em hiểu gì về đời sống ở Nhật?

Phần trả lời của em gái cung cấp một số thông tin sau:

– Em đi du học tự túc và sẽ học trường tiếng Nhật.

– Hình thức du học: tự túc hoàn toàn

– Phương án tài chính: bố mẹ hỗ trợ chi phí đi và sau khi sang Nhật ổn định bạn sẽ tự chủ dần tài chính thông qua việc đi làm thêm.

Sau khi có thông tin trên, tôi tiếp tục đặt ra cho em vài câu hỏi khác

– Em có biết một tháng trung bình em cần bao nhiều tiền để sinh sống ở Nhật? Nó bao gồm những khoản nào?

– Em có biết theo luật hiện hành một du học sinh sẽ được làm việc bao nhiêu tiếng/tuần? mỗi tiếng được bao nhiêu tiền và làm những việc gì?

– Em có định trước được những khó khăn mình sẽ phải đối mặt khi sang Nhật: khả năng tự lập? khả năng chống lại và vượt qua cô đơn?

Các câu trả lời của bạn gái đưa ra cho thấy em chưa biết thông tin gì nhiều về cuộc sống ở Nhật. Đặc biệt thông tin về tài chính thậm chí có màu sắc ảo tưởng nguy hiểm giống như thông tin từ các trung tâm giới thiệu “du học vừa làm vừa học, thu nhập 40 triệu/tháng”.

du hoc tai nhat 1
Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. (Ảnh minh họa/duhoc.japan.net.vn)

Thực ra con số 40 triệu tiền Việt nói trên là có thể và với người Việt nó ghê gớm nhưng ở Nhật nó chẳng là gì. Trung bình một du học sinh sẽ tiêu khoảng 10-20 triệu tiền cho học phí/tháng, ăn uống, ở, bảo hiểm mất khoảng 14-20 triệu/tháng. Đấy là con số không nhỏ. Cộng với số tiền đi khoảng 150-200 triệu. Cộng lại số tiền đó là bao nhiêu?

Trong khi đó để kiếm tiền thì tiền đề phải là:

– Ý chí (đơn giản vì việc dễ sinh viên Nhật làm hết rồi, du học sinh sẽ phải làm việc 3K là chính (nguy hiểm, bẩn, khắc nghiệt)

– Sức khỏe (có đủ sức làm liên tục 5-8 tiếng, phải đứng trong nhiều giờ liền và làm việc hết công suất không?)

– Tiếng Nhật (đương nhiên, tiếng càng dốt nguy cơ phải làm trong môi trường 3K nói trên càng cao). Trình độ tiếng Nhật bạn gái nói trên là N5 tức là ở dạng hết sức sơ khai. Nên nhớ có người lấy được N2 thậm chí N1 ở VN sang Nhật thời gian đầu cũng không hiểu được người Nhật nói gì và không nói lại được.

– Tuân thủ luật pháp: Luật Nhật thắt ngày càng chặt. Để đi làm dưới visa du học sinh bạn phải đến Cục xuất nhập cảnh của Nhật xin giấy phép. Họ thẩm tra tư cách và cấp nhanh chóng. Tuy nhiên bạn chỉ được làm 28 tiếng/tuần. Tiền lương 1 tiếng khoảng 800-1.000 yên. Như vậy một tháng bạn kiếm được 28 x 4 x 1.000 (tính tối đa) =112.000 Yên (Khoảng 22 triệu đồng).

Như vậy, nếu như bạn được làm việc trong điều kiện lý tưởng nói trên thì bạn kiếm được đủ số tiền ăn, ở. Tuy nhiên đừng lãng mạn hóa vì 1.000 yên/giờ là mức lương của phiên dịch viên cho các nghiệp đoàn lao động ở Nhật. Còn lại muốn kiếm 1.000 yên/giờ hoặc là bạn phải rất giỏi tiếng Nhật và hiểu văn hóa Nhật, hai là bạn phải đổi sức khỏe lấy tiền khi làm việc trong đêm khuya hoặc môi trường độc hại.

du hoc tu tuc nhat ban
Một bạn trẻ ngủ ngay trên sân ga tàu điện ngầm. (Ảnh: FB Tăng Duy Bằng)

Tất nhiên, tôi biết rất nhiều du học sinh Việt Nam khác chọn con đường làm nhiều việc, làm lậu, làm quá giờ và nhận tiền mặt để qua mặt cơ quan chức năng của Nhật.

Việc này tiềm ẩn rủi ro là khi bị phát giác bạn sẽ bị xử lý bằng cách cho về nước và vô hiệu hóa visa. Bên cạnh đó khi làm việc bất hợp pháp bạn có nguy cơ bị đối xử không công bằng, bị lạm dụng (đủ thứ) hoặc rủi nữa là khi bị tai nạn lao động thì không có ai chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ đột tử của thực tập sinh và du học sinh Việt Nam. Lý do không nói cũng hiểu đó là họ đã làm việc quá sứcsống trong điều kiện không tốt trong thời gian dài. Nhiều vụ rất thương tâm.

Hơn nữa, khi đi làm mệt mỏi bạn sẽ không có khả năng tập trung cho việc học. Rất nhiều sinh viên trường tiếng lên trường chỉ để điểm danh rồi… ngủ.

Kết quả là không thể cải thiện, nâng cao trình độ tiếng Nhật. Có bạn tốt nghiệp trường tiếng mà vẫn như “mù tiếng Nhật’’.

Kém tiếng Nhật đồng nghĩa với việc rất khó thi, học lên cao để kéo dài visa…

Và nữa, cái này cũng nguy hiểm. Khi khó khăn về tài chính, bạn sẽ dễ trở thành mục tiêu của các băng nhóm. Họ lôi kéo, dẫn bạn vào con đường phạm tội (lừa đảo, trộm cắp, vận chuyển, tiêu thụ đồ ăn cắp, lừa đảo).

Trong 2 năm làm phiên dịch cho luật sư người Nhật, tôi đã gặp rất nhiều bạn du học sinh và thực tập sinh rơi vào tình cảnh này. Có nhiều hoàn cảnh rất thương tâm: Bị bắt khi bạn gái có bầu 5 tháng và đang chuẩn bị làm lễ cưới.

du hoc nhat ban
Nhà trường nhắc nhở lưu học sinh Việt Nam tránh bị lừa việc làm. (Ảnh: FB)

Như vậy, lời khuyên của người bố “học xong đại học rồi qua Nhật” không phải là không có lý vì khi đó bạn gái kia có đủ thời gian tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống tự lập, nâng cao hiểu biết và khả năng tiếng Nhật trước khi đi.

Tất nhiên, mọi khả năng đều để mở. Tương lai thuộc về người can đảm và có lỷ tưởng. Nếu như bạn gái kia sau khi nắm rõ, suy nghĩ rất kĩ về các rủi ro mà quyết tâm vẫn cao ngút trời, máu trong trái tim vẫn sôi 100 độ và muốn ngâm “Muốn vượt bể đông theo cánh gió/muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” (Xuất Dương Lưu Biệt – Phan Bội Châu) thì tôi nghĩ, bạn nên sẵn sàng Đông du vào ngày mai.

Can đảm khác liều mạng ở chỗ người can đảm là người làm điều gì đó sau khi đã cân nhắc tất cả những rủi ro, khó khăn, hi sinh mà mình sẽ phải chịu đựng. Kẻ liều mạng là kẻ chỉ quyết định dựa trên cái tưởng tượng của chính mình, sự xúi bẩy của kẻ khác hoặc sự tác động của “phong trào”.

Liều mạng khi gặp khó khăn sẽ tạo ra bi kịch và thất vọng dẫn tới gục ngã.

Tất nhiên trong thực tế thì người ta cũng có thể chuyển hóa từ “Liều mạng” hoặc “ngây thơ” thành can đảm. Điều này tùy thuộc vào khả năng trưởng thành và ý chí của chính cá nhân đó trong thực tế được tôi luyện.

Nhưng khả năng đó thấp bởi vì những người có khả năng chuyển hóa đó hầu hết là những người trước đó đã có bản lĩnh hoặc tiền đề nhất định.

Tất nhiên, mọi lời khuyên đều chỉ để nghe, quyết định cuối cùng là ở người đi. Con đường của mỗi người là do chính người đó tự tạo ra không ai quyết định thay được. Quan trọng là dám chịu trách nhiệm về bước chân của mình. Nếu nghĩ như vậy, việc ngăn cản từ bên ngoài tự nó không có nhiều ý nghĩa.

Theo Facebook Giảng viên Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm: