Tiếc thay, cũng một kiếp người!

Ảnh minh hoạ (Tranh Nguyễn Thái Tuấn 2016)
Ảnh minh hoạ (Tranh Nguyễn Thái Tuấn 2016)

Bản tin sớm nay trên tất cả các báo, như thường lệ, vài dòng tin vài sự kiện xảy ra khắp chốn nhân gian, đọc cũng được mà không đọc cũng được. Có đôi khi, người ta còn nói, ăn thịt con heo không đọc báo thấy ngon hơn, và bởi vậy, làm con người không đọc báo vào sớm mai, có khi thấy hồn mình tinh khiết hơn và cũng có thể, trong khoảnh khắc bên người mình yêu thương, vươn vai để nở nụ cười hạnh phúc với tình yêu trong suốt.

Nhưng bản tin sớm nay, không phải trên một tờ báo địa phương, báo đảng hay báo của tư nhân gì cả. Bản tin sớm nay là của một nhiếp ảnh gia tình cờ dạo bờ hồ tối hôm qua và chứng kiến một người nghệ sĩ già đang chơi vĩ cầm cho người qua đường, thì một bọn côn đồ lao vào giằng lấy cây đàn trên tay ông, bẻ gẫy nó. Chúng nổi giận vì điều gì? Tại sao chúng đập phá không thương tiếc một cây đàn và để tất cả sức lực trên nắm đấm để đập lêm nỗi đau của người nghệ sĩ với trái tim đã dành hết cho cuộc đời này? Chúng nổi giận tàn phá tất cả những gì chung quanh ông già nghệ sĩ, chúng lột cả chiếc yên xe đạp ông để bên cạnh để chiếc xe đưa ông về nhà, chúng còn không bằng một cục sắt vô tri được tác tạo từ bàn tay của con người- thật đáng tiếc khi chúng cũng được một người đàn bà hoài thai, sinh thành- một người mẹ- bà có đau xót không khi biết mình đã sản sinh ra loài dã thú khoác thân xác người. Những con thú đeo mặt nạ lý tưởng mà nó lao mình vào để được hưởng và món ăn nuôi thân xác phàm tục thỏa mãn dục vọng bạo lực xấu xa được khơi dậy bởi ý chí của kẻ cầm quyền tham tàn. Thương xót thay cho những người cha, người mẹ đã hoài công nuôi nấng chúng.

Nghệ sĩ vĩ cầm Trí Hải, năm nay ngoài 70 tuổi, ông đã có mặt trên cõi đời này gần một thế kỷ, chỉ làm một người lương thiện dành cho cuộc đời mình. Ông phiêu bạt khắp nơi để tìm ý nghĩa của cuộc sống, có khi là một người công nhân, có khi là một kẻ lang thang cô độc, nhưng chưa bao giờ ông muốn rời xa cây đàn của mình, chiếc xe đạp không âm thanh, không làm phiền ai mà chỉ lặng lẽ như con ngựa già đưa ông đi khắp chốn.

Và chính vì hiểu được ý nghĩa cuộc đời làm người, ông đã sống để minh định cho quyền con người, quyền được tự do ca hát bằng tâm hồn của một người nghệ sĩ, như cất tiếng cho một góc tối của quê hương bị đọa đày, chia rẽ, xẻ thịt lột da.

Người nghệ sĩ, họ khinh bỉ chính trị và những thủ đoạn đê hèn, bẩn thỉu, man rợ của bản năng thú tính tham lam và chiếm đoạt. Và kể cả khi họ bị vùi dập, tàn phá, họ vẫn mỉm cười nhìn tất cả những sự giận dữ đến tàn ác của chúng với sự xót thương vô cùng: cũng một kiếp người, tiếc thay!