Có cảm giác mạng xã hội đang có một cuộc ‘chiến tranh tâm lý’ về vấn đề Biển Đông. Sao TQ lên tiếng ủng hộ đường lưỡi bò, những người chưa chia sẻ lên tiếng thì bị giục giã chỉ trích ở nước họ. Ở nước ta sau một thời gian rất dài được/bị “ngâm tẩm” phim Trung Hàn, mê say cuồng nhiệt sao của họ, giờ thì “vỡ mộng” “phẫn nộ” “cay đắng”…

Thử dùng “cái đầu lạnh” để phân định vấn đề: chuyện các sao TQ có bị “tẩy não” “tuyên truyền” “thành công cụ” “chủ nghĩa dân tộc”… hay không đều khó nói chính xác, vì quá chủ quan, không đủ căn cứ. Nhưng có điều này là cực kỳ chính xác: với hơn một tỷ người TQ ở khắp châu lục, các sao Hoa ngữ có lượng khán giả/khách hàng chủ yếu là người TQ. Nói thẳng thắn, họ ko những ko mất gì khi chia sẻ việc ủng hộ “đường lưỡi bò” mà còn có cơ hội lấy lòng hơn 1 tỷ khách hàng. Những sao chưa lên tiếng ủng hộ đã chịu mũi tên hòn đạn, nữa là nói ngược lại thì họ hết đất sống luôn. Hơn nữa, họ là công dân nước đó, điều đó quá dễ hiểu.

Để nói về “cực đoan” “nhồi sọ” thì trong chuyến đi kéo dài 1 tháng năm ngoái vừa rồi của tôi về vấn đề Biển Đông. Những người chúng tôi gặp hầu hết là học giả, nhà ngoại giao, quân sự…, tôi là người VN duy nhất trong đoàn, trong suốt thời gian ở TQ, những người đi cùng thường xuyên liếc nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, sau đó trao cho cái nắm tay hay vỗ vai động viên vì cách người TQ nói về vấn đề Biển Đông và cách họ lên án VN, Philippines “chiếm đoạt” biển đảo của họ. Tôi ngồi chịu trận.

Nói vậy để thấy giới học giả, nghiên cứu học rộng hiểu cao, được coi là tỉnh táo lý trí nhất như vậy thì các sao giải trí không như vậy mới thật ngạc nhiên. Sự thật là Phạm Băng Băng chẳng bao giờ biết, cũng chẳng quan tâm ở VN có bao nhiêu fan club của cô, và cô hẳn cũng chả phiền lòng về việc các club đó đóng cửa.

Và điều này mới thật quan trọng: nghệ thuật là nghệ thuật, khác với tuyên truyền, mị dân kiếm tiền hay những điều tương tự, phải rạch ròi. Nghệ thuật thật sự đi xuyên qua tất cả các biên giới, định kiến, phe phái.

Tôi xem đi xem lại phim ‘Bá Vương biệt Ngu cơ’ của đạo diễn Trần Khải Ca không biết bao nhiêu lần, để thừa nhận rằng ít nhất trong tác phẩm này người TQ mạnh mẽ và sòng phẳng với quá khứ. Cách họ phơi bày cuộc Cách mạng văn hoá đầy khổ đau sai lầm, thân phận con người trong đó chạm vào tim tất cả người xem, cộng với bối cảnh câu chuyện, nét văn hoá đặc trưng TQ mang về giải Cành Cọ Vàng.

Cũng như người Mỹ trao giải Oscar cho phim Cuộc sống tươi đẹp, Bệnh nhân người Anh, Giải cứu binh nhì Ryan… vì những câu chuyện con người trong đó rung động trái tim. Trong những phim đó không ai chăm chăm lên án chủ nghĩa phát xít hay cố chứng minh chính nghĩa “phe địch, phe ta” Giống như phim Đời Cát từng làm rung trái tim khán giả Việt. Yêu tận cùng, đau tận cùng, đẹp tận cùng, khốc liệt tận cùng… Giá trị xuyên suốt đó được coi là ‘danh thiếp nghệ thuật’ đi vào trái tim con người. Đó là nghệ thuật.

Oscar không trao cho những bộ phim phô diễn cơ bắp, vũ khí, chủ nghĩa anh hùng kiểu Mỹ “một người diệt 100 người” dù đó là những phim rất ăn khách. Có một thời, các nhà làm phim Hollywood rất thích mang người Nga ra làm kẻ thù cho các anh hùng của họ. Gián điệp Nga, tàu ngầm Nga, khủng bố Nga… cuối cùng đều tan tành dưới tay các siêu anh hùng Mỹ. Kết quả của những năm Chiến tranh lạnh. Gần đây các tên khủng bố trong phim Mỹ thường có khăn trùm đầu kiểu Trung Đông, rồi trào lưu mới nhất là nhóm khủng bố Nhà Trắng đến từ Triều Tiên.. ầm ào khiêu vũ cùng các bản tin thời sự trên truyền thông và lãi to cả về “hình ảnh Mỹ” lẫn tiền bạc.

Hãy cứ xem phim TQ, hâm mộ ngôi sao của họ như bạn muốn. Tẩy chay họ chẳng giải quyết được gì, vào các trang mạng của họ cãi bằng tiếng Trung cũng chẳng giải quyết được gì, nói chính xác là cãi nhau với hơn 1 tỷ người là điều không tưởng. Nhưng thử tưởng tượng xem, nếu bạn nắm trong tay một tấm “danh thiếp nghệ thuật”, bạn xuất hiện ở Cannes, Oscar… hay những sự kiện quốc tế, cất tiếng nói của bạn, lúc đó mọi việc sẽ khác.

Nếu là tôi, tôi mơ ước giá mình đủ giỏi, đủ ảnh hưởng, đủ nổi tiếng toàn cầu, tôi sẽ lên những kênh truyền hình lớn như CNN và mời những ngôi sao TQ như Chân Tử Đan, Chương Tử Di tranh luận về vấn đề Biển Đông, và về quan điểm của họ, để cả thế giới và người TQ nhìn vào. Trước khi tranh luận, tôi sẽ bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng võ thuật, nghệ thuật của họ, tranh luận sẽ không khoan nhượng, nhưng sau đó tôi bày tỏ mong muốn xem bộ phim tiếp theo của họ. Rạch ròi giá trị mới là người trưởng thành.

Có hai câu nói tôi rất thích, và trích dẫn lại nhiều lần: “Chúng ta dạy học sinh căm thù chủ nghĩa thực dân, nhưng căm thù tới mức không thèm biết Victo Hugo là ai, thì chúng ta hỏng” và “muốn được người khác tôn trọng, phải cố gắng ngang hàng với họ”.