Có 2 chuyện gây ấn tượng sâu sắc cho tôi đó là thông tin về giải thưởng du lịch danh giá và khi gặp những người Đà Nẵng trong chuyến “du lịch trả góp”.

intercontinental danang sun peninsula resort
InterContinental Sun Peninsula Resort Đà Nẵng. (Ảnh minh họa/Titan Group)

Ngày 10/12/2017, trong lễ trao giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards 2017 (WTA) diễn ra tại Phú Quốc, hai khu nghỉ dưỡng do tập đoàn Sun Group đầu tư đã liên tục được xướng tên ở những hạng mục giải thưởng danh giá nhất. InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã xác lập một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch thế giới khi lần thứ tư liên tiếp được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”. JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đã trở thành “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới”.

Năm nay, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã xuất sắc vượt qua 30 đại diện đến từ các châu lục, vùng lãnh thổ như Four seasons resort at jumeirah beach (Du bai), The Ritz carlton laguna niguel (Mỹ), Ayada (Maldives)… Năm 2017, số lượng ứng viên tham gia tranh giải ở hạng mục “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” cao gấp gần 3 lần so với năm 2016, khiến việc InterContinental Danang Sun Peninsula Resort lần thứ 4 nhận được giải thưởng cao quý này trở thành một kỳ tích. Nhà hàng La Maison 1888 của khu nghỉ dưỡng đồng thời được vinh danh ở hạng mục giải thưởng uy tín khác là “Nhà Hàng Fine Dining sang trọng nhất thế giới 2017”.

Harnn Heritage Spa thuộc khu nghỉ dưỡng cũng được vinh danh “Spa trong khu nghỉ dưỡng tốt nhất Việt Nam” và “Spa trong khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á”.

Cũng như mọi dự án khác ở bất kỳ nơi đâu, khu nghỉ dưỡng sang trọng này khởi nguyên từ việc di dời giải tỏa nhiều hộ dân và không hiểu những người dân bình thường này có thụ hưởng được gì từ những dự án nghỉ dưỡng sang trọng mọc lên như nấm ở Đà Nẵng.

Tôi không biết, không hiểu nó có nằm trong chiến lược phát triển nào trong khi triển khai dự án không nhưng tôi đã bắt gặp những người Đà Nẵng chưa hề đặt chân đến những khu nghỉ dưỡng ngay chính tại Đà Nẵng nhưng lại có những chuyến du lịch đi khắp mọi miền đất nước qua chương trình du lịch tự phát không tên tạm gọi là “du lịch trả góp”. Đại khái người dân lao động góp cho người tổ chức 10.000 đồng mỗi này, sau một vài tháng thì cả khu phố cùng nhau đi du lịch ở nơi nào đó. Thế là người Đà Nẵng đã đi du lịch khắp nơi bằng phương thức kinh tế đơn giản và tình người như vậy.

Tôi chợt nhớ người Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, chợt nhớ luôn câu chuyện ông gọi Phan Văn Anh Vũ (biệt danh “Vũ nhôm”, được xem là ông trùm bất động sản Đà Nẵng) lên nói rằng có một dự án khó giao cho Vũ “nhôm” kèm theo điều kiện mà ông Nguyễn Bá Thanh gọi là “bia kèm mồi” hay “bánh mì kẹp thịt” là phải thực hiện một tiểu dự án phúc lợi khác cho người dân Đà Nẵng, tôi nhớ không chính xác hình như là hệ thống chiếu sáng hoặc camera gì đó. Ngay tuần sau ông Vũ phải chuyển ngay 50 tỷ cho tiểu dự án.

Cách làm này tôi cũng đã thấy ở Bình Dương với ông Hồ Minh Phương, chủ tịch tỉnh và ông Huỳnh Uy Dũng (biệt danh “Dũng lò vôi”, là chủ sở hữu của Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam). Bất cứ dự án nào Dũng “lò vôi” xin Ông Phương đều cho “nếm mùi bia kèm mồi” với một tiểu dự án phúc lợi cho người dân nào đó.

Tất nhiên cách làm này không còn phù hợp với quy mô phát triển rất lớn hiện nay của Bình Dương và Đà Nẵng nhưng không khỏi làm tôi liên tưởng đến thân phận của những người dân nghèo trong cuộc chơi toàn cầu hiện nay của những “ông lớn”, người dân được gì khi phải xa rời mảnh đất, ngôi nhà thân yêu của mình khi chính quyền thu hồi đất để thực hiện dự án hay chỉ là những chuyến “du lịch trả góp” với 10.000 đồng mỗi ngày khi phải nhịn cà phê hoặc buổi ăn sáng?

Theo facebook nhà báo Hoàng Linh

Xem thêm: