Trên Facebook thi thoảng lại có bạn vào chế giễu tôi “cuồng Nhật”. Tôi coi đó là một lời khen. Người ta nên cuồng một cái gì đó để suy ngẫm từ đó học hỏi xem có cái gì ích cho cuộc sống cá nhân của mình và của cộng đồng mà mình sống trong đó, thuộc về nó hay không.

Có rất nhiều thứ hay ho của Nhật mà tôi “cuồng”, trong đó… rừng!

rừng ở nhật bản
Rừng bên cạnh nông trang ở Hokkaido (Nhật Bản), do người viết chụp năm 2009. (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Đến Nhật, người Việt Nam nếu còn biết xúc động tự nhiên sẽ thấy thiên nhiên ở đây rất tuyệt vời với rừng, hồ nước, sông, động vật hoang dã và…hoa.

Mùa xuân, hoa nở khắp nơi.

Ngay trong thành phố và xung quanh thành phố là rừng.

Gấu, thỏ, lợn rừng chạy cả vào thành phố và xuất hiện ngay cả trong khuôn viên đại học.

Cây ở lẫn với người mà cây ở đây toàn là loài lá kim, lớn chậm, rễ sâu phải mất rất nhiều năm mới có được tán lớn, cây cao.

Xem thế đủ biết Nhật họ giữ rừng và coi trọng rừng như thế nào.

Số liệu thống kê trên wikipedia cho biết diện tích che phủ rừng của Nhật hiện tại là 67%.

Có rừng, nước sông, suối mới đầy mới trong. Mưa lớn mới đỡ bị lũ.

Có rừng không khí mới trong lành.

Chặt cây to của rừng về, xẻ ra để làm đồ gỗ hoành tráng trong nhà mình chẳng có ý nghĩa gì khi môi trường xung quanh ô nhiễm và nguy cơ rình rập.

Những ngày nghỉ tôi thích lang thang đi bộ trong những cánh rừng của Nhật hay đi leo núi. Leo núi kiểu người Nhật không phải để check in mà là để cảm nhận thấy số phận con người nhỏ nhoi gắn bó với số phận của thiên nhiên như thế nào.

Ở quê tôi, cách nhà tôi chừng 1km có ngọn núi Dành. Núi từng có rừng bao phủ nhưng khi tôi học tiểu học thì cây cối bị chặt trụi hết. Đất đá từ núi cứ xô xuống phá hỏng hết vườn, ruộng ở xung quanh. Từ đỉnh núi tới chân núi là những rãnh sâu 1-2m do nước chảy khi mưa lớn tạo thành. Nhìn núi xấu xí đến nhức mắt. Tuy nhiên sau đó, chính quyền và dân địa phương đặc biệt là người cao tuổi ở thôn Hậu đã trồng lại rừng (vừa trồng lại vừa chăm các cây thông con còn sót lại) và bây giờ rừng thông phủ xanh núi. Thân thông to tướng, lá thông rụng ngập dày cả 30-50cm. Những rãnh sâu do xói mòn trước kia được lấp bằng một cách tự nhiên bằng đất và thảm mục. Ruộng xung quanh núi hồi sinh, không còn đất đá lăn xuống lấp ruộng nữa.

Bây giờ nhìn từ xa lại, núi xanh tươi và mềm mại. Trên núi có ngôi chùa nhiều người đến thắp hương.

Có rừng là có nhiều thứ. Thế mà người ta vẫn cứ phá rừng và tự hào chơi đồ gỗ, cây cổ thụ từ rừng sâu đem về. Đấy là niềm tự hào tội lỗi và thiển cận vì khi ta lấy đi của rừng thứ gì đó, chắc chắn ta sẽ phải trả một cái giá nhất định trước tự nhiên.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng theo Facebook Nguyễn Quốc Vương với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: