Ngày 28/1, tổ chức tư vấn “Hội đồng Đại Tây Dương” của Mỹ đã công bố một báo cáo dài 80 trang có tên “Bức điện dài hơn: Hướng tới Chiến lược Trung Quốc mới của Hoa Kỳ”. Báo cáo chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình là nguyên nhân sâu xa khiến mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên bất thường. Vì vậy, để khôi phục mối quan hệ ngoại giao bình thường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình và nhóm của ông ấy phải rời khỏi cơ quan chỉ đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

tap can binh shutterstock 1353005387
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO / Shutterstock).

Để giải quyết vấn đề này, ngày 27/2, kênh “Tiền tuyến chính trị và kinh tế” của YouTube đã phỏng vấn ông Minh Cư Chính (Ming Chu-cheng), giáo sư danh dự thuộc Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Quốc gia Đài Loan.

Giáo sư Minh Cư Chính cho rằng nội dung cốt lõi của báo cáo này là chống ông Tập, không phải chống cộng và không đụng chạm đến thực chất của vấn đề.

Năm 1946, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ và Liên Xô cùng đánh bại phát xít Đức, sau khi bại trận, nhiều người nghĩ rằng thế giới đã hòa bình và họ có thể kê cao gối mà ngủ. Vào thời điểm đó, một nhà ngoại giao người Mỹ tên là George Kennan được cử sang Mátxcơva, Liên Xô, ông ấy có hiểu biết sâu sắc về tình hình Liên Xô lúc bấy giờ.

Ông kết luận rằng hệ tư tưởng, giá trị quan, cấu trúc chính trị và tinh thần lập quốc của Liên Xô rất khác so với các nước dân chủ như Hoa Kỳ, nên không thể dùng cách nghĩ của người Mỹ để xem xét Liên Xô. Ông cho rằng trong tương lai, Liên Xô sẽ trở thành kẻ thù mạnh nhất của Hoa Kỳ. Vì vậy, ông đã viết một bức điện rất dài, được gọi là “Bức điện dài”. Sau đó, bức điện này từ từ phát triển thành nền tảng trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Liên Xô trong nhiều thập kỷ sau này.

Tác giả của bản báo cáo có tên “Bức điện dài hơn” (The Longer Telegram) hy vọng sẽ chỉ ra điều cốt lõi của chính sách đối ngoại trong vài thập kỷ tới cho Chính phủ Mỹ giống như “Bức điện dài” trước đây. Vậy điều cốt lõi là gì? Đó là chống lại ĐCSTQ. Nhưng bản báo cáo đã không đánh giá chế độ, hệ tư tưởng, giá trị quan, tham vọng của ĐCSTQ từ căn bản, v.v.

Bản báo cáo có nói về những điều này, nhưng không coi đây là những thách thức lớn, thay vào đó, nó tin rằng vấn đề cốt lõi nằm ở ông Tập Cận Bình. Miễn là ông Tập Cận Bình và nhóm của ông ấy bị loại khỏi bộ phận chỉ đạo cao nhất của ĐCSTQ, thì ngay cả khi Trung Quốc vẫn là một nước cộng sản, ĐCSTQ cũng sẽ không gây ra mối đe dọa cho Hoa Kỳ, và họ có thể tiến tới dân chủ hóa.

Giáo sư Minh Cư Chính tin rằng quan điểm của “Bức điện dài hơn” này là sai, nếu chính quyền Biden xây dựng chính sách đối ngoại chống lại ĐCSTQ dựa trên báo cáo này, họ sẽ không thể đạt được mục tiêu.

Giáo sư Minh Cư Chính cho rằng từ những năm 1970 đến nay, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đều bị phái ôn hòa chi phối, họ không hoàn toàn yêu mến đảng cộng sản, nhưng tự đáy lòng họ yêu Trung Quốc nên vô tình đã đánh đồng ĐCSTQ với Trung Quốc. Họ nói rằng chúng tôi kỳ vọng và có thiện chí với Trung Quốc. Mặc dù ĐCSTQ thực thi chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi tin rằng Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ tiến tới dân chủ hóa.

Căn cứ đằng sau điều này là lý thuyết dân chủ hóa cổ điển. Nghĩa là xã hội nông nghiệp rất nghèo, sau khi bước vào xã hội công thương nghiệp, kinh tế phát triển thì cả nước sẽ trở nên giàu có, và tầng lớp trung lưu sẽ nổi lên. Sau khi số lượng của tầng lớp trung lưu đạt đến một mức nhất định, họ sẽ muốn thoát khỏi xiềng xích của quyền lực chính trị ban đầu và bắt đầu yêu cầu thực thi dân chủ. Vì vậy, tầng lớp trung lưu sẽ trở thành những người thúc đẩy nền chính trị dân chủ.

Trong giới chính trị phương Tây, đặc biệt là giới học thuật, suy nghĩ của họ là một số quốc gia đã đi theo cách này, vì vậy họ nghĩ rằng ĐCSTQ cũng có thể đi theo cách này. Theo lý thuyết này, chính sách của các nền dân chủ phương Tây đối với ĐCSTQ là tiếp xúc. Họ tin rằng nếu phong bế ĐCSTQ, ĐCSTQ sẽ không bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và kinh tế Trung Quốc sẽ không phát triển.

Vì vậy, để cải tổ ĐCSTQ, phải tiếp xúc với họ, khiến các nhà lãnh đạo ĐCSTQ có thể nhìn thấy những ưu điểm của xã hội tư bản. Sau khi giao lưu với ĐCSTQ, họ sẽ thúc giục ĐCSTQ cải cách. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu cải cách, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, một ngày nào đó tầng lớp trung lưu sẽ xuất hiện trong tương lai. Tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy dân chủ hóa, như vậy Trung Quốc sẽ dần dần chuyển đổi thành một quốc gia dân chủ.

Thực sự đã có những ví dụ thành công theo lý thuyết này. Việc dân chủ hóa nhiều nền dân chủ châu Âu và Mỹ cũng được thực hiện theo cách này. Ngoài ra, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Đài Loan cũng bước đi theo cách này. Do đó, người phương Tây tin rằng nếu Đài Loan, nơi có cùng văn hóa và cùng chủng tộc, có thể chuyển đổi thành một quốc gia dân chủ theo cách này, thì người ta cũng tin rằng Trung Quốc Đại Lục cuối cùng cũng sẽ có thể trở thành một quốc gia dân chủ.

Nhiều người ở các nền dân chủ phương Tây tin rằng phải kiến ĐCSTQ cảm nhận được lợi ích của sự phát triển kinh tế, sau đó cho phép ĐCSTQ tiếp xúc với văn hóa của các nước phương Tây, chẳng hạn như phim Hollywood và các trận bóng của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Bằng cách này, nội bộ của ĐCSTQ sẽ dần thay đổi cho đến một ngày họ đột nhiên thức tỉnh. Nhưng tại sao quá trình này không xảy ra ở Trung Quốc, mà ngược lại, chế độ độc tài của ĐCSTQ lại đang ngày càng mạnh hơn?

Giáo sư Minh Cư Chính đã đưa ra một ví dụ để minh họa rằng quá trình dân chủ hóa một quốc gia cộng sản không phù hợp với lý thuyết dân chủ hóa cổ điển.

Giáo sư Minh Cư Chính nói rằng từ năm 1989 đến năm 1991, chế độ cộng sản của nhiều nước sụp đổ trong thời gian 3 năm ngắn ngủi, sau đó chuyển đổi thành các quốc gia dân chủ. Trong đó có 10 quốc gia gồm Ba Lan, Hungary, Đông Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô và Mông Cổ. Tuy nhiên, việc dân chủ hóa 10 quốc gia cộng sản này không liên quan gì đến tầng lớp trung lưu nói trên.

Ngoài Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc, 7 quốc gia khác có nền kinh tế kém phát triển, và điều quan trọng hơn là họ không có tầng lớp trung lưu. Trong số 10 quốc gia này, chỉ duy nhất Đông Đức là quốc gia có tầng lớp trung lưu. Khi Đông Đức đang dân chủ hóa, do mọi người lái xe đi chơi, và không muốn về nước sau khi thấy môi trường sống tốt ở nước ngoài, dần dần đã dẫn đến việc bức tường Berlin bị lật đổ.

Do đó, trong số 10 quốc gia cộng sản, chỉ có một quốc gia có tầng lớp trung lưu. Nói cách khác, sự kiện dân chủ hóa ở 10 nước cộng sản này cho chúng ta biết rằng lý thuyết dân chủ hóa cổ điển không thể áp dụng cho các nước cộng sản. Đây là một kết luận rất quan trọng, nhưng xã hội phương Tây đã không nhận ra điều này.

Giáo sư Minh Cư Chính nói rằng người đầu tiên sử dụng lý thuyết dân chủ hóa cổ điển đối với Trung Quốc là Tổng thống Nixon của Hoa Kỳ. Ông ấy nói vào thời điểm đó rằng chúng ta không thể để 1 tỷ người Trung Quốc sống trong sự tức giận và cô lập, vì vậy chúng ta phải mở bức tường, sau đó kéo họ hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, và họ sẽ từ từ thay đổi. Nhằm kéo ĐCSTQ vào cộng đồng quốc tế và hợp lực với ĐCSTQ chống lại Liên Xô, biến ĐCSTQ trở thành một quốc gia thực sự có thể chống lại Liên Xô, Chính phủ Hoa Kỳ đã củng cố ĐCSTQ về mặt kinh tế, kỹ thuật và thậm chí cả quân sự.

Bằng cách này, nền kinh tế của ĐCSTQ dần phát triển. Sau khi kinh tế phát triển, ĐCSTQ bắt đầu làm những việc sau đây:

  1. Thứ nhất, thúc đẩy quốc tế,
  2. Thứ hai, thâm nhập các tổ chức quốc tế,
  3. Thứ ba, thâm nhập vào hệ thống tài chính quốc tế,
  4. Thứ tư, từng bước quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.

Khi ĐCSTQ đạt đến điểm này, họ sẽ có sức mạnh đáng kể chống lại các nền dân chủ trong cộng đồng quốc tế. Một kết quả như vậy nằm ngoài dự đoán của Chính phủ Hoa Kỳ. Do đó, trong vài thập kỷ qua, được hướng dẫn bởi lý thuyết dân chủ hóa cổ điển, những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm biến Trung Quốc thành một quốc gia dân chủ đã thất bại.

Những phân tích về ưu và khuyết điểm của Giáo sư Minh Cư Chính cho thấy, quốc gia cộng sản khác với những quốc gia bình thường và rất đặc biệt. Nhân dân 10 nước cộng sản dân chủ hóa thành công đã từ bỏ đảng cộng sản trong quá trình dân chủ hóa. Để chống lại chế độ cộng sản, một số quốc gia thậm chí còn xảy ra xung đột đẫm máu. 10 chế độ cộng sản lúc đó rất yếu và không có khả năng đàn áp người dân một cách hiệu quả.

Ngược lại, chế độ hiện tại của ĐCSTQ khá mạnh và đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới nhằm tiến hành đàn áp vô cùng tàn bạo đối với người dân của mình. Trong hoàn cảnh này, việc trao đổi và hợp tác giữa Hoa Kỳ với ĐCSTQ tương đương với việc hỗ trợ cho ĐCSTQ. Điều này sẽ nâng cao khả năng đàn áp người dân của ĐCSTQ, khiến quá trình dân chủ hóa của Trung Quốc trở thành vô ích.

Như chúng ta đã biết, mặc dù Đài Loan có cùng văn hóa và cùng chủng tộc với Trung Quốc Đại Lục, nhưng Đài Loan trước khi dân chủ hóa không phải là một quốc gia cộng sản. Chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc vào thời điểm đó chính xác là một chế độ lấy chủ nghĩa chống cộng sản làm sứ mệnh của mình. Vì vậy, kinh nghiệm dân chủ hóa của Đài Loan không thể được áp dụng ở Trung Quốc Đại Lục dưới sự thống trị của đảng cộng sản.

Ngoài ra, nếu người ta tin rằng miễn là ông Tập Cận Bình bị loại bỏ quyền lực, Hoa Kỳ sẽ có thể chung sống hòa bình với chế độ cộng sản Trung Quốc, thì ý tưởng này là không thực tế. Bởi trong thể chế của ĐCSTQ, hôm nay ông Tập Cận Bình từ chức, thì ngày mai lại có một nhà độc tài khác lên nắm quyền. Nhà độc tài mới cũng sẽ hành động giống như Tập Cận Bình. Vì sao? Vì bản chất của đảng cộng sản quyết định tất cả những điều này. Vậy nên, nếu ĐCSTQ còn tồn tại, ắt sẽ có một nhà độc tài khác xuất hiện sau ông Tập Cận Bình. Do đó, không thể giải quyết vấn đề từ căn bản bằng cách chống lại ông Tập, chứ không phải chống lại ĐCSTQ.

Các nhà ngoại giao của ĐCSTQ thường tự gọi mình là “những con sói chiến” và gọi chiến lược ngoại giao hiện tại của ĐCSTQ là “cuộc chiến giữa những con sói”. Chúng ta biết rằng một con sói chính là một con sói và một con cừu chính là một con cừu. Kỳ vọng biến một con sói thành một con cừu là điều không tưởng.

Lê Nghi Minh, Vision Time
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm và ý kiến ​​cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: