Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, thay vì trở thành một lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm, các sáng kiến của Trung Quốc như con đường tơ lụa y tế và ngoại giao khẩu trang đã làm sáng tỏ những động cơ tư lợi ẩn sâu sau hoạt động viện trợ và hỗ trợ nhân đạo của Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Truyền thông Trung Quốc thường mô tả Tập Cận Bình như một chính khách, một nhà triết học và một người đàn ông mạnh mẽ kể từ khi nắm quyền lãnh đạo vào tháng 3 năm 2013. Ông Tập có quyền lực tuyệt đối, nắm trong tay mọi phương tiện kiểm soát cũng như là nhân tố quyết định cho ‘thắng lợi’ của ĐCSTQ. Việc xây dựng một nền tảng dân tộc chủ nghĩa dựa trên học thuyết đặc sắc của ông đã được công nhận là “Tư tưởng Tập Cận Bình” (chính thức là “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Kỷ nguyên mới”). Chủ tịch Tập được cho là đang tìm cách đưa “vầng hào quang” Trung Quốc trở lại, khiến nhiều người so sánh ông với “huyền thoại” Mao Trạch Đông ngày nào.  

Hiện tại, với phiên họp toàn thể lần thứ V của Ban Chấp hành trung ương ĐCSTQ lần thứ 19 dự định sẽ họp vào cuối tháng 10 năm 2020, ông Tập đang đối diện với phép thử về chính sách, tư tưởng và chiến lược của mình. Nhiều người ôm giữ thái độ hết sức cảnh giác với lời hứa của Tập Cận Bình với nhân dân Trung Quốc về việc xây dựng một “Cộng đồng nhân loại chia sẻ vận mệnh tương lai”(CSF), nền tảng trong chính sách ngoại giao tại khu vực châu Á của ông. Các nhà quan sát cũng đang theo dõi cách nó hoạt động trong thời kỳ sau đại dịch, và liệu nó có thể đạt được tất cả mục tiêu đặt ra ngay cả khi Bắc Kinh nhanh chóng đánh mất vị thế ngoại giao trên trường quốc tế.

Với ảo tưởng nắm vai trò lãnh đạo – lấy châu Á làm trung tâm trong nền chính trị thế giới, năm 2015, ông Tập đã giới thiệu sáng kiến CSF  trong bài phát biểu quan trọng tại phiên họp thứ 70 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó khuyến khích xây dựng các quan hệ đối tác song phương để các quốc gia có thể “đối xử với nhau bình đẳng.” Được ca ngợi là một nỗ lực nhằm thúc đẩy chủ nghĩa thể chế tự do, CSF phản ánh việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương, chống lại chủ nghĩa đơn phương và thúc đẩy tư duy cùng thắng thay vì ý tưởng trò chơi có tổng bằng không. Ngày nay, tầm nhìn của ông Tập và cam kết của Bắc Kinh đối với điều được tuyên bố đã trở nên rỗng tuếch. Trên thực tế, ngay cả khi thế giới tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong khi tiếp tục đón nhận những hậu quả khủng khiếp của nó, một Trung Quốc do ông Tập lãnh đạo dường như đã vứt bỏ mọi kỳ vọng trong cam kết của họ với những ý tưởng thêu dệt trong CSF.

Tại cuộc họp Đại hội Toàn quốc của ĐCSTQ, ông Tập phát biểu rằng nhằm thực tế hoá tầm nhìn CSF, Trung Quốc nhất định phải theo đuổi “phát triển hòa bình, bảo vệ hoà bình thế giới, và duy trì trật tự thế giới.” Tuy nhiên, năm 2020 đã cho thấy một Trung Quốc tương phản hoàn toàn, với quân đội hiếu chiến cả trên đất và trên biển, nôn nóng khẳng định quyền thống trị vùng lân cận và coi thường trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Hơn nữa, khuynh hướng xét lại của Trung Quốc đã làm xói mòn các quan hệ song phương và đa phương, phản ánh rõ ràng việc từ bỏ hợp tác cùng có lợi vì các quan hệ hài hoà.

Thay vì trở thành một lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm – một vai trò được Bắc Kinh xác định nhằm giả bộ quyền lực ngoại giao mềm của họ được sử dụng một cách hiệu quả – các sáng kiến của Trung Quốc (như ngoại giao khẩu trang và con đường tơ lụa y tế} – đã soi sáng động cơ tư lợi ẩn sau việc trợ cứu và viện trợ nhân đạo. Hơn nữa, cái gọi là quan điểm “láng giềng thân thiện” và chính sách hào phóng của Bắc Kinh đã được thay thế bằng sự hiếu chiến dữ tợn. Khi đối tác thương mại lâu đời của Trung Quốc là Úc kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc và cách xử lý giai đoạn đầu đại dịch, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội bằng các biện pháp trả đũa nặng tay, thậm chí yêu cầu sinh viên tẩy chay các trường đại học Úc. Đồng thời, chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của họ ở biển Đông và biển Hoa Đông đã phát triển mau lẹ, dẫn đến việc quan hệ với cả Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á trở nên ngày một xấu đi.

Việc các nhà sản xuất Nhật Bản rời bỏ Trung Quốc, được hỗ trợ bởi gói kích thích 2,3 tỷ đôla để chuyển sang các nước Đông Nam Á khác hoặc về nội địa, đã nêu bật sự bất tín ngày càng tăng của Tokyo đối với Bắc Kinh. Nhật Bản đã biểu thị rõ ràng không tán thành Luật An ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông, cũng như tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ các công dân của thành phố đến tị nạn. Trong tuyên bố mạnh mẽ nhất từng có, ASEAN đã lên án những âm mưu đơn phương của Bắc Kinh làm thay đổi nguyên trạng, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS).

Đặc biệt, quan hệ với Ấn Độ đã đi đến bờ vực chiến tranh khi hai nước đối đầu dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Kể từ cuộc xung đột ở thung lũng Galwan hồi tháng Sáu, căng thẳng liên tục tăng cao với những cuộc hội đàm hòa bình bất thành khi cả hai đều chuẩn bị cho một cuộc giao tranh kéo dài trong tương lai gần. 

Đài Loan cũng trở thành đối tượng của khuynh hướng xét lại của Bắc Kinh. Trung Quốc đã gia tăng đáng kể việc củng cố lực lượng quân sự quanh hòn đảo, nhiều lần xâm nhập không phận Đài Loan và khiến Đài Bắc phải kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu phòng trường hợp xảy ra chiến tranh. Thậm chí, các nước châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương như Mông Cổ, Hàn Quốc và New Zealand đều coi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một thế lực xét lại ít cân nhắc đến luật pháp và chuẩn mực quốc tế. 

Ở khía cạnh này, cam kết rõ ràng của Trung Quốc với CSF trở nên nực cười, nếu không phải là đạo đức giả. Việc Bắc Kinh cam kết thúc đẩy một trật tự thế giới đa nguyên chỉ là một cách nói nhằm mục đích thúc đẩy sự trỗi dậy của chính họ. Vượt trên các nguyên tắc bình đẳng và quan tâm lẫn nhau, Trung Quốc luôn tin rằng họ phải đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu để xứng với năng lực khổng lồ của mình; và rằng sự hội nhập sâu rộng hơn của họ nhất định có nghĩa là cần định hướng lại trật tự thế giới dưới những giá trị xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.

Điều thú vị là, Bắc Kinh đã nhanh chóng sử dụng CSF, còn gọi là Cộng đồng cùng chung vận mệnh, như một công cụ của chính sách đối ngoại để củng cố quan hệ với các nước láng giềng ngay cả khi quan hệ của họ với các nước khác, đặc biệt với Hoa Kỳ, trở nên xấu đi. Ông Tập đã cố gắng sử dụng sự bùng phát đại dịch – bắt nguồn từ tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc – để làm nổi bật những thách thức mà nhân loại nói chung phải đối mặt. Một câu chuyện phổ biến nổi lên trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc là quan niệm về CSF của ông Tập đã đạt được một “cách giải thích sống động” mới trong thời kỳ hậu đại dịch, trong đó Trung Quốc có thể “hội tụ sức mạnh toàn cầu” và điều khiển phản ứng quốc tế đối với virus. Theo xu hướng này, ông Tập chủ trương sự cấp thiết phải xây dựng một cộng đồng nhân loại chia sẻ vận mệnh tương lai và tìm cách tăng cường hợp tác với các quốc gia được lựa chọn ở mỗi vùng của châu Á, đặc biệt là Kazakhstan, Campuchia và Afghanistan.

Thiện ý chính trị của Bắc Kinh luôn vấp phải với sự phản kháng mạnh mẽ khắp thế giới, ngay cả châu Âu cũng nhận ra hiểm hoạ nền ngoại giao “chiến binh sói” của Trung Quốc. Bị tàn phá bởi làn sóng đại dịch virus corona đầu tiên, EU nhận thấy sự trợ giúp của Trung Quốc là không đáng tin cậy (với các bộ xét nghiệm chất lượng thấp của Trung Quốc đã bị gửi trả) và một âm mưu táo bạo để hình thành nên mạng lưới ảnh hưởng trong châu lục. Nói cách khác, Trung Quốc mưu mô vụ lợi qua điều mà nhiều người tin rằng là một cuộc khủng hoảng do chính họ tạo ra.

Khái niệm tổng thể của CSF vốn dĩ tốt, đến nỗi nó đã được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tán dương trước đây và luôn được lồng ghép vào nhiều nguyên tắc hiện có cũng như các sáng kiến dưới cái ô bảo trợ đa phương của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tầm nhìn của ông Tập cách quá xa các hành động, chính sách và ý định thực tế của ông. Nếu Bắc Kinh thực sự muốn áp dụng chủ nghĩa đa phương, bình đẳng chủ quyền và quan hệ đối tác tôn trọng lẫn nhau để tạo ra một tương lai tươi sáng chung cho nhân loại, thì Bắc Kinh phải định vị sự trỗi dậy của mình trong trật tự quốc tế hiện có, bằng cách trước hết đưa châu Á tự tin hơn bất cứ khu vực nào khác trên toàn cầu.

Jagannath Panda – Nhà nghiên cứu và Điều phối viên Trung tâm về Đông Á tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar, New Delhi.