Phần lớn trẻ em sống ở Trung Quốc đại lục bị chính quyền tẩy não từ nhỏ. Khi lớn lên, họ ra nước ngoài học tập, sinh sống, được tiếp xúc với dân chủ nhưng vẫn không quên được những bài học khi xưa. Phóng viên Vicky Xiuzhong Xu đã từng là một người Hoa như thế, trước khi cô may mắn tìm lại được sự cảm thông và hòa ái trong con người mình. Dưới đây là bài viết của cô trên tờ Sydney Morning Herald, nhân sự kiện những người biểu tình ủng hộ Trung Quốc tuần hành tại Sydney những ngày cuối tháng 8/2019.

Hàng trăm người Hoa ủng hộ chính phủ Trung Quốc, hay hàng ngàn người – như thông báo từ nhà tổ chức, đã diễu hành tại Sydney hôm thứ 7 ngày 23/8 để biểu thị phản đối các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Những người tham gia hầu hết là các sinh viên Trung Quốc trẻ. Họ mang hồng kỳ Trung Quốc, hát quốc ca, và đồng thanh hô vang “Trung Quốc Vạn Tuế”, làm cho khoảng ba dãy nhà trên đường George chuyển sang màu đỏ.

nguoi trung quoc dan toc chu nghia
Một cuộc biểu tình của người Hoa ở nước ngoài (Ảnh: Shutterstock)

Những sinh viên này, trong bộ trang phục hàng hiệu, hồ hởi hét những lời lăng mạ vào một một ông già có quan điểm trái chiều (“Đồ phản bội! Đồ phản bội! ***!”) và tấn công một người khác. Sau khi báo cáo những hành vi hung hăng của họ trên tờ Herald, tôi cũng trở thành mục tiêu công kích. “Mày bị bọn đàn ông da trắng *** và bố mẹ mày nên nuôi thịt lợn nướng hơn là nuôi mày,” họ lăng mạ tôi trên WeChat, một ứng dụng tin nhắn của Trung Quốc. Họ đe dọa sẽ đến ném trứng khi tôi lên bục phát biểu tuần này.

Rất nhiều người đã hỏi tại sao sự hung hãn ấy có thể xuất hiện trên mảnh đất Australia này? Làm sao chúng ta có thể để những sinh viên Trung Quốc đại lục tham gia vào những hành vi côn đồ và chèn ép tự do ngôn luận đến vậy tại Australia? Làm sao chúng ta có thể kiềm chế chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang đe dọa sự bình yên của người dân Australia? Họ có đáng bị trục xuất về nước không?

Tôi phản đối bạo lực và những lời lẽ tục tĩu của đội quân gây rối trên mạng khiến tôi phát ốm, nhưng là một cựu sinh viên đến từ Trung Quốc đại lục, tôi cảm thông với những sinh viên ấy. Tôi hiểu họ đến từ đâu.

Thay vì bị sốc hay sợ hãi, những người ủng hộ nhân quyền và dân chủ nên nhân cơ hội này để hiểu họ, mở cửa đối thoại và giáo dục họ, giúp họ tỉnh ra và cải biến tư tưởng về Trung Quốc. Kinh nghiệm của tôi – từ một sinh viên dân tộc chủ nghĩa trở thành nhà báo – chứng minh chúng ta có thể làm được điều đó.

Thực tế là, các sinh viên ấy đến đây để học và giáo dục là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba ở Australia, tạo ra doanh thu tới 17 tỷ đôla mỗi năm. Hơn một phần tư trong số 700.000 sinh viên quốc tế tại đây đến từ Trung Quốc. Phần lớn trong số họ là những người ủng hộ chính phủ. Chúng ta không có cách nào, và cũng sẽ không trục xuất tất cả bọn họ.

>> Người Hoa: Thì ra nước ngoài là như thế này!

Hành trình thay đổi

Tháng 4 năm 2016, hơn 3 năm trước, tôi tìm được một giáo viên hướng dẫn ở Đại học Melbourne. Đó là một lớp dạy viết sáng tạo, và ngay tại lớp này, tôi đã được trao cơ hội thuật lại luận điệu của truyền thông nhà nước Trung Quốc về nhân quyền. Tôi đã làm một bài thuyết trình bảo vệ chế độ Bắc Triều Tiên. Khi người hướng dẫn nói tôi đã bị “tẩy não”, tôi đã báo cáo bà ấy lên cho người quản lý môn học, cho rằng mình đã bị phân biệt đối xử vì quan điểm chính trị khác biệt.

Tôi đã ở Australia trong gần 2 năm. Tôi được biết về vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 (sau sự choáng váng ban đầu, tôi tự làm vài nghiên cứu và kết luận đó là một điệp vụ của CIA). Tôi đọc về Tây Tạng, Tân Cương, tất cả những gì kinh khủng đã xảy ra ở Trung Quốc. Nhưng bộ não của tôi từ chối tiếp nhận nó. Sống cả đời ở Trung Quốc, tin Đảng tin chính phủ, tôi không thể thừa nhận mình đã sai: rằng nhân quyền là quan trọng. Bản năng tự vệ trong tôi nổi lên, và chủ nghĩa dân tộc thì hừng hực.

May thay, điều đó không chuyển thành sự hung hãn ngoài đời thực. Nhưng thành thật mà nói, tôi có thể thấy phiên bản năm 2016 của mình trong cuộc tuần hành hôm thứ 7, nơi người ta dùng loa phát đi những lời lăng mạ nhắm vào người Hồng Kông ủng hộ dân chủ.

Cũng giống như những sinh viên ấy, tôi là nạn nhân của một chế độ giáo dục và một xã hội nơi tiêu chuẩn để xét một sinh viên tốt, một công dân tốt, là phải yêu nước không cần chất vấn. Nguyên tắc thứ nhất trong sổ tay sinh viên: trung thành với Đảng. Nguyên tắc thứ 10: không xả rác.

Quan điểm của tôi bắt đầu thay đổi sau một cuộc phỏng vấn 1-1 với một người tị nạn bất đồng chính kiến trong chương trình học về báo chí. Sau cuộc gặp với một người tị nạn Trung Quốc bị cầm tù vì bất đồng quan điểm chính trị, ông đã kể lại sự cưỡng bức lao động trong tù và cho tôi xem đôi bàn tay nứt nẻ của mình, bằng chứng cho sự tàn ác của chính quyền độc tài toàn trị ấy. Nghe giọng nói của ông ấy, nhìn nỗi đau của ông khiến tôi cảm nhận được sức nặng của sự đàn áp và tìm thấy sự cảm thông và nhân tính trong con người .

Tôi luôn luôn là một người nói nhiều – mới chỉ 3 năm trước đây, tôi là một người lớn tiếng bảo vệ các chính sách của chính phủ Trung Quốc, cũng giống như những sinh viên người Hoa diễu hành trên đường phố Sydney hôm nọ. Nhưng kể từ đó, tôi đã trở thành một người bảo vệ nhiệt thành cho nhân quyền.

>> Áp lực nhân quyền: Nỗi lo sợ cùng cực của ĐCSTQ

Các trường đại học của chúng ta cũng nên có trách nhiệm giáo dục các sinh viên nước ngoài về các giá trị dân chủ, tự do ngôn luận và phép lịch sử. Tôi thật may mắn vì trong luận án khoa học chính trị của mình, tôi đã được tiếp xúc, và phải đối diện, với những thông tin thách thức quan điểm cố hữu của mình. Rất nhiều sinh viên đại lục học thương mại và kỹ thuật không có cơ hội tiếp cận với trải nghiệm tương tự, và họ cần những giáo sư, bạn học và công chúng giúp họ bổ sung điều đó.

Tôi hy vọng rằng, cũng giống như tôi, họ sẽ được học lại về đất nước mình, tự rút ra kết luận cho mình, và thực sự hưởng thụ tự do ngôn luận và quãng thời gian được hít thở bầu không khí dân chủ.

Mấy năm vừa qua, nhiều bằng chứng cho thấy các quan chức và lãnh sự quán Trung Quốc đã tổ chức một loạt các cuộc diễu hành ủng hộ Trung Quốc ở Australia – có một lần năm 2017 đã tập hợp được tới 6.000 người tham gia. Nhưng nếu chúng ta có thể tìm được sự cảm thông trong bản thân mình và giúp những sinh viên trẻ ấy tìm được sự cảm thông trong họ, hy vọng rằng ngày càng ít người Hoa sẽ xuất hiện tại các cuộc diễu hành ủng hộ Trung Quốc tiếp theo.

Theo Sydney Morning Herald/Vicky Xiuzhong Xu
Hạ Chi biên dịch