Mưa xối xả, mưa giữa mùa Thu vừa chạm tới. Chiều thứ 7, ngồi một mình bên song cửa kính, nhìn trời trút nước, nghe ca khúc “Cát bụi”, để thấy đời trăm năm thật hữu hạn.

la-mua-thu

Trên cõi tạm này, cũng biết bao phận đời còn đang lao đao, khốn đốn, và kể cả những mảnh đời vừa rời kiếp nhân sinh hỗn độn lắm ưu phiền, mệt nhọc này để trở về hư không.

Tôi nghĩ đến nhiều cảnh đời, mệnh người khác nhau.

Nào là cậu bé 9 tuổi vừa bị tấm tôn sắc lẹm vô tình của người lao động chân tay chở nghênh ngang giữa đường cho kịp chuyến mưu sinh cứa vào cổ cướp đi sinh mệnh còn đang thơ trẻ tung tăng bên lề đường. Cái chết bất ngờ không được báo trước và quá phũ phàng, đầy bàng hoàng và cả sự xót xa. Một bên là tâm hồn trẻ thơ, một bên là người lao động lam lũ, trở thành nạn nhân của một xã hội được lăn bánh bằng những sự vận hành mong manh và đầy bất trắc.

Tôi lại nghĩ đến những cái chết của những người còn trẻ, bị ung thư, như Duy Nhân, Trần Lập, Minh Thuận và cả Hán Văn Tình, những người được dư luận quan tâm và biết đến vì lĩnh vực hoạt động bề mặt của họ. Tất cả những cái chết ấy theo một góc cạnh khác, rất từ từ và có thể thấy được nó xâm lấn sinh mạng họ từng ngày, từng giờ. Người ta chết, trong sự nhận thức thấy rõ nó tồn tại ngay trong cơ thể mình, đầy đau đớn. Nhưng người ta phải chấp nhận nó, như một sự thật không bao giờ có thể chối bỏ, cho đến khi y học có thể giải quyết được những biến thể của căn bệnh quái ác mà vô phương cứu chữa cho đến lúc này.

Họ đã lìa xa, để về một kiếp khác, cõi khác, để tồn tại. Còn chúng ta vẫn đang cố gắng sống ở trong cõi này, kiếp này, với đầy những đau thương và bất trắc hiển hiện của chính mình, nhưng là trong một trạng thái mưu cầu chung.

Cơn mưa, giá mà có thể gột sạch những hoen ố, nhem nhuốc của đời này. Nhưng không, nó chỉ làm nhiệm vụ của một quy luật tự nhiên, ấy là nặng hạt thì thành mưa, sau những ngày oi ả và khói bụi, độc hại tích tụ lại trên tầng cao và bị trọng lực kéo xuống. Và nó rơi xuống trần gian là để mang lại sự sống cho những mầm cây, cho những miền đất khô cằn cần nó, như miền Tây và miền Trung Nam Bộ đang chết khát từng ngày. Giá mà, tôi có thể chuyển những giọt mưa căng mọng này đến những người dân đang chịu cảnh hạn hán khô khốc, phải tạm dùng nước nhiễm cyanua và chờ những cân gạo cứu đói mỗi giây phút trôi qua. Nhưng cũng có nhiều nơi, mưa gió ập xuống lại trở thành ngập lụt, lũ quét chết người, đình trệ giao thông, phá tan nhà cửa, vườn tược, mùa màng.

Giá mà, là một sự bất lực. Và điều đó có thể không xảy ra nếu chúng ta đã bắt tay vào hành động để thay đổi thực trạng này từ trong quá khứ.

Người dân miền Trung vùng biển chết, sau 6 tháng khốn đốn, vẫn còn đó những khó khăn chồng chất, còn nặng nề hơn cả những lúc mới xảy ra sự kiện thảm hoạ thảm khốc ấy. Đến nay họ đã đâm đơn kiện và đòi bồi thường từ kẻ đã gây ra thảm hoạ này, ngay trên vùng đất của chính mình. Hơn 1.088 hộ dân ở Hà Tĩnh đã là những người đầu tiên dùng luật pháp để giải quyết một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng của mình, với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương 100 triệu đô la Mỹ).

Tôi lại nghĩ đến phận người đàn bà, thông qua cô Hoa hậu bất hạnh Phương Nga họ Trương. Đúng là phận người đàn bà ở xứ này đủ thứ trói buộc và sẵn chứa quá nhiều những thứ đối đãi bất công luôn dành cho họ. Đặc biệt là trong hôn nhân và quan hệ khác giới.

Những người đàn bà luôn bị buộc cho những nghĩa vụ phải tuân thủ, phải vâng lời, phải hay bếp núc, phải giỏi chiều chồng, phải thạo việc nhà, chuyện chăm con, chuyện họ hàng, còn việc lớn hơn như kiếm tiền và xã hội thì thuộc phận sự mang tính tự nhận của cánh đàn ông xứ này.

Đàn ông xứ này giỏi bia rượu, giỏi nói phét, giỏi hù hoạ vợ con, giỏi phiếm chuyện gái gú, giỏi bàn tán hay phán xét người khác, giỏi bắt nạt đàn bà, nhưng đứng trước những việc quốc gia đại sự, việc xã hội thì lảng tránh và im lặng. Kiếm được vài đồng là lên mặt với vợ con, là lớn tiếng huyênh hoang với bạn bè, với chòm xóm. Tự cao, tự đại và ra oai như một niềm tự hào. Nhưng thử hỏi một phép lịch sự với đàn bà khi ra đường, trong công việc xem có hiểu thực sự là thế nào không? Ngay cả tình dục, cũng là một nghệ thuật, chứ không phải hùng hục vào như trâu húc mả và coi đàn bà là để thoả mãn bản năng đàn ông. Người ta phải tôn trọng đàn bà và cảm xúc của họ ngay cả lúc trên giường. Đằng này, mấy người làm được? Cứ thử nhìn tay “đại gia” hành hạ cô Hoa hậu kia thì thấy rõ sự kinh khiếp của nó.

Trong một cuộc tình, hay hôn nhân, họ, những người trót mang hai chữ danh phận “đàn bà”, lại bị đối xử một cách thậm tệ bởi những thói xấu của đàn ông xứ này. Chuyện chửi bới, đánh đập, lăng mạ và bạc đãi, ngay cả trong giới trí thức, quan cách cho đến những người công nhân, nông dân, đều có cả.

Tôi rùng mình nghĩ, với một tay được gọi là đại gia nhưng đầy bệnh hoạn, một cô gái tạm gọi là học thức, thông minh, xinh đẹp, có khả năng thông thạo 3 ngoại ngữ, có khả năng âm nhạc, vậy mà phải khuất phục trước đồng tiền dơ bẩn mang tính đổi trao, bán chác, và phải chịu đựng những hành vi tính dục đầy bệnh hoạn của một gã đàn ông, trong 7 năm ròng. Quả là kinh hoàng khi trở thành đồ chơi tình dục phục vụ cho một kẻ lệch lạc hành vi tính dục một cách trầm trọng.

Phải chăng, tự cô ấy đã chấp nhận bán rẻ nhân cách và hạ thấp tài năng của mình trong thời cuộc này? Trong xã hội mà cái gì cũng ngã giá, mua bán, ngay cả những chiếc ghế đầy quyền lực, thì hẳn nhẽ sẽ chẳng thể trách cô gái ấy phải lâm vào cảnh Kiều ngày xưa. Đàn bà, dù gì vẫn dễ cả tin và dễ bị lường gạt nhất. Ở đây, tôi không hề và hoàn toàn né tránh việc tỏ ra một thái độ miệt thị hay bất kỳ ý nghĩ xúc phạm nào dành cho cô gái đáng thương hơn đáng trách ấy. Không thể hành xử như kẻ đã cố tình đưa cô vào tù sau khi lật lọng và tráo trở hệt như Mã Giám Sinh trong Kiều truyện của cụ Nguyễn Du.

Vì như ông Kissinger đã nói: Địa vị của một người càng cao thì càng không được dùng thất bại của đối phương để làm đau lòng họ, nếu sau khi người khác thất bại mà bị làm nhục thì đó là điều tồi tệ nhất. Và với bất kỳ ai cũng vậy, đều có sai lầm và thất bại trong sự lựa chọn trong cuộc đời mình, nhất là trong cuộc sống có quá nhiều cám dỗ và lại đầy cạm bẫy giăng ra này.

Và thử hỏi xem, trong cái xã hội này, bao kẻ sẵn mình bán trôn hoặc sử dụng nó để tiến thân trên con đường quan lộ, công việc? Tôi nghĩ là một câu hỏi nhưng không cần trả lời, mà mọi người tự kiểm nghiệm lấy trong hành trình sống đời của mỗi người.

Hành vi của mình sẽ định giá giá trị bản thân mình.

Đúng là,

Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du).