Trong các lĩnh vực GTVT của Việt Nam, đường sắt là lĩnh vực chậm thay đổi nhất so với hàng không và đường bộ. Sau 44 năm kể từ năm 1975, những người đứng đầu đã không làm được điều gì mới đáng nói, lại còn phá mất tuyến đường sắt độc đáo Phan Rang – Đà Lạt, mà nếu làm lại thì tốn không biết bao nhiêu công sức tiền của.

noi khong voi duong sat ha khau lao cai hai phong 1
Một nữ nhân viên nhân viên gác chắn mở lại rào chắn khi đoàn tàu sắp băng đoạn đường giao cắt, tại TP.HCM, ngày 9/11/2018. (Ảnh: Shutterstock)

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất trù phú bậc nhất của quốc gia, có tiềm năng to lớn về con người và thiên nhiên, có diện tích 40.548 km2 và dân số 18,5 triệu người. Tăng trưởng GDP của miền Tây Nam Bộ cao hơn bình quân cả nước. Vậy mà hiện nay miền Tây Nam Bộ không có tuyến đường sắt nào. Sau 74 năm cầm quyền rồi mà người Việt Nam cũng không chịu làm thêm 1 mét đường sắt ở Miền Tây Nam Bộ.

Trong khi đó, miền Tây Bắc và Đông Bắc đã có tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội, Hải Phòng – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội và đang xây dựng tuyến Quảng Ninh – Hà Nội.

Về đường bộ cao tốc, đã có tuyến Lào Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội. Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Bắc Giang – Hà Nội, và đang xây dựng tuyến Lạng Sơn – Bắc Giang.

Như vậy, nhìn tổng quát GTVT Miền Tây Bắc và Đông Bắc vẫn cần tiếp tục đầu tư, nhưng chưa phải cấp thiết bậc nhất.

Cấp thiết bậc nhất là tuyến TP.HCM – Hà Nội và Miền Tây Nam Bộ. Cho nên, không phải ưu tiên cho Tây Bắc, Đông Bắc mà phải khẩn cấp đầu tư phát triển giao thông vận tải cho Miền Tây Nam Bộ, cả đường sắt lẫn đường bộ cao tốc.

Trong khi miền Tây Nam Bộ chưa có tuyến đường sắt nào, thì Bộ GTVT lại khởi động dự án đầu tư mới tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng khổ 1.435 mm, mặc dù đã có sẵn tuyến đường sắt khổ 1.000 mm. Tư vấn Trung Quốc đề xuất làm tuyến mới khổ 1.435 mm, chứ không phải cải tạo mở rộng tuyến đường sắt cũ 1.000 mm.

Theo ông Vũ Quang Khôi – Cục trưởng Đường sắt Việt Nam cho biết thì đơn vị ông đang phối hợp với tư vấn Trung Quốc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Hà Khẩu – Lào Cai, và 392 km tuyến Lào Cai – Hải Phòng. Trung Quốc cho vay 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường này.

Còn tại cuộc họp đầu tháng 3 với tư vấn Trung Quốc, thì Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu tư vấn Trung Quốc làm rõ quy mô, tổng mức đầu tư, lộ trình xây dựng tuyến đường, phạm vi khu vực đầu tuyến kết nối với Trung Quốc…

Rõ ràng Trung Quốc trực tiếp thúc ép đầu tư tuyến đường sắt mới Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng.

Trung Quốc đã và đang hà hơi phép màu kinh phí. Trung Quốc đang đưa con mồi kinh phí làm ảo thuật. Tài trợ cho nghiên cứu khả thi và tư vấn. Tiếp đến là cho vay ưu đãi và ân hạn để xây dựng đường sắt, mua tàu và các phương tiện kỹ thuật với “giá ưu đãi”.

Chỉ có điều, vài % ưu đãi và mấy năm ân hạn không tài nào gánh nổi “giá ưu đãi” đã thổi lên gấp 2,3 lần. Cây chưa trồng mà đã nhận quả đắng.

Chúng ta hãy nói “Không” với Trung Quốc về tuyến đường sắt Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng.

Trong khi kinh phí không đủ, phải đi vay tứ tung, thì hãy tập trung nguồn lực làm đường sắt khổ 1.435 mm cho tuyến TP.HCM – Hà Nội và tuyến Cần Thơ – TP.HCM, chứ dứt khoát chưa thể là Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng.

Chúng ta không thể vay tiền của Trung Quốc, chịu gánh nợ cả gốc lẫn lãi, rồi để làm đường sắt cho Trung Quốc trên lãnh thổ nước ta.

Đất nước đang gánh chịu những đòn tàn phá nặng nề. Những Formosa Kỳ Anh, những Gang thép Thái Nguyên, những đường sắt Hà Đông – Cát Linh… hàng ngàn mũi dao đang xẻ đâm đất nước. Đất nước chưa cần đường sắt Hà Khẩu – Lào Cai – Hải Phòng. Đất nước không cần đánh đổi sự tăng trưởng GDP bằng tai họa. Cháu con không cần cha anh phải đi vay mượn. Đừng nhân danh phát triển kinh tế, đừng nhân danh hợp tác quốc tế, đừng nhân danh vì tương lai con cháu mà chuốc lấy tai họa.

TS Nguyễn Ngọc Chu

Theo Facebook Nguyen Ngoc Chu

Xem thêm: