Majuro thủ đô của quần đảo Mashall Islands, một quốc đảo nằm giữa Thái Bình Dương, diện tích khoảng 9.7km2 và dân số 20.000 người. Nơi đây có bãi biển Laura đẹp nhất nhân gian với bãi cát hình vòng cung trắng mịn, nước biển trong tinh khiết in màu nền trời xanh ngọc. Laura beach cũng đẹp hơn bởi nét hoang sơ do ít chịu sự tác động của con người.

Cách bãi biển Laura chỉ khoảng 15 phút lái xe trên một con đường độc đạo là một bãi rác khổng lồ. Do kiến tạo tự nhiên của hòn đảo này không có núi vì vậy mà núi rác nơi đây là nơi cao nhất của hòn đảo này. Nó cao hơn cả tòa nhà cao nhất ở resort 5 tầng nơi tôi ở.

rac thai bo bien
Bãi biển Laura xinh đẹp. Với trải nghiệm của mình, tôi thấy chẳng nơi nào đẹp bằng. Nhưng rác đang vươn đến đây. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Huy)

Tại sao rác chất cao thành núi như vậy?

Majuro không có công nghiệp, không có ngành sản xuất gì để có thể tạo ra ô nhiễm. Tuy nhiên, mọi thứ được dùng ở Majuro đều nhập từ bên ngoài; từ oto, xe máy, vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm hàng ngày đều phải nhập từ bên ngoài vào bằng các containers.

Bi kịch là, hàng hóa nhập vào ngày càng nhiều nhưng chẳng biết xử lý hậu tiêu dùng ở đâu. Có lẽ vì vậy mà rác cứ mỗi ngày một ngập lên. Dọc bờ lagoon (đầm phá ở bên trong đảo vòng cung Majuro) có thể bắt gặp la liệt xác oto, xác những con tàu đắm mà có thể nó có niên đại từ thế chiến thứ 2. Đó là những thứ quá nặng để sóng biển có thể mang chúng ra đại dương và vì vậy chúng ở lại trơ gan cùng tuế nguyệt.

rac thai bo bien
Núi rác ở Majuro. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Huy)
rac thai bo bien
Một chiếc xe ô tô phế liệu trong số hàng trăm chiếc dọc bờ lagoon Majuro. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Huy)

Tôi hỏi một anh làm quản lý môi trường nơi đó, anh bảo, khi anh sinh ra chúng đã ở đấy rồi. Và mỗi ngày, những chiếc xe cũ lại được đem ra bờ biển vứt bỏ. Sóng chỉ có thể bóc tách một phần của những đồ phế thải mang đi, những cỗ máy nặng hàng tấn thì ở lại, ngày một nhiều hơn.

Tại núi rác khổng lồ, chính quyền địa phương cho tách những vỏ lon và đồ nhựa nén thành những khối rác vuông vắn và đóng vào các container. Họ bảo, hàng tháng sẽ có tàu lớn chở đi. Chính quyền địa phương phải chi trả một khoản lớn cho những con tàu đến chở rác. Nhưng rác chở đi đâu thì họ không biết. Có thể nó mới cập bến Hải Phòng vài tháng trước đây (?!)

rac thai bo bien
Những thứ này sẽ được nén lại cho vào container chở đi đâu đó. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Huy)
rac thai bo bien
Majuro lagoon nhìn từ resort, đẹp vô cùng.(Ảnh: Nguyễn Ngọc Huy)

Ở một eo biển của huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa là 3 xã giáp ranh chia nhau 1 vùng bờ chật hẹp. Nơi đó cũng có một bãi rác khổng lồ chủ yếu tập kết những thứ mà thiên nhiên không phân hủy được. Đó là núi rác túi nilon, bao bì và quần áo cũ. Bãi rác đó có từ năm 2006 khi một cơn bão lớn cuốn mọi thứ ở biển khơi tấp vào. Nó quá lớn để có thể được xử lý, và nó lại nằm ở vùng giáp ranh nên trách nhiệm chẳng thuộc về ai. Cứ thế, nơi đây thành bãi rác chung để người dân 3 xã ven biển lén lút, hay công khai đưa đồ phế liệu ra vứt bỏ. Núi rác cao lên mỗi ngày.

Khi tôi có một thảo luận nhóm với các lãnh đạo huyện Kim Sơn, Ninh Bình về những thách thức lớn nhất đối với địa phương là gì. Những cán bộ nơi đây cho rằng thách thức lớn nhất không phải đói nghèo, không phải biến đổi khí hậu mà là RÁC. Cả huyện Kim Sơn bây giờ không có nhà máy xử lý rác, không có nơi chôn lấp rác tập trung. Toàn bộ rác của Kim Sơn đang được vận chuyển hàng ngày đến Tam Điệp để chôn lấp. Tất nhiên họ phải trả một khoản phí lớn cho việc đổ rác ở hàng xóm này. Tuy nhiên, nguy cơ hiện hữu đối với họ là: Khi bãi rác Tam Điệp đóng cửa, rác của Kim Sơn sẽ về đâu? 

Hội An là một thành phố du lịch nổi tiếng bởi những giá trị văn hóa và kiến trúc lâu đời. Hội An cũng được biết đến như một nơi có môi trường xanh, sạch. Tuy nhiên, ít ai biết rác thải của Hội An đang được đem đi đâu. Mỗi ngày Hội An thải ra khoảng 80 tấn rác, chỉ khoảng 30% số rác này được xử lý bằng lò đốt. Số còn lại được chở đi chôn lấp ở một huyện lân cận. Nguy cơ lớn là, khi huyện lân cận đóng cửa bãi rác thì rác của Hội An sẽ được chở đi đâu?

Ở hai thành phố lớn nhất cả nước là thủ đô Hà Nội và TP.HCM, rác đang được thu gom hàng ngày, chở vào các bãi rác tập trung rộng hàng trăm hecta để… chôn lấp. Khi chôn lấp rác, chính quyền ngầm hiểu rằng rác đã được xử lý. Còn những người hiểu biết hơn về vòng đời của rác, hiểu rằng rác đó vĩnh viễn sẽ không được xử lý.

bai rac bo bien thanh hoa
Bãi rác lâu đời ở ven biển Hậu Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Huy)

Rác không thuộc về ai

Bài toán trách nhiệm đối với rác có vẻ như khó tìm lời giải. Khi một cá nhân vứt rác vào một thùng rác công cộng, vào nơi thu gom rác ở cấp hộ gia đình, họ ngầm hiểu rằng, họ đã trả tiền cho việc vứt rác của mình. Trách nhiệm xử lý rác thuộc về cơ quan môi trường.

Khi các công ty môi trường nhận rác từ người dân mang đi xử lý, họ sẽ gom lại, đổ đống và cho rằng như thế là xong. Tiền nào của nấy mà! Muốn xử lý rác triệt để thì đưa thêm tiền đây! Vậy ai sẽ là người trả thêm cái phần tiền thêm đó để đảm bảo rác được xử lý triệt để? Là trách nhiệm của chính quyền, của người dân hay của một bên thứ 3 nào khác? Bên thứ 3 là bên nào? là nhà sản xuất ra các vật liệu có hại cho môi trường, là người tiên phong mong muốn sống trong môi trường xanh sạch, hay là thế hệ tiếp theo, những người chưa được sinh ra trên cõi đời này phải trả giá cho nó?

Đất chẳng đẻ thêm ra, mà rác thì ngày một chất chồng.

Theo Facebook TS Nguyễn Ngọc Huy (ĐH Việt Nhật – VJU)

Xem thêm: