Ảnh minh hoạ (pixabay.com)
Ảnh minh hoạ (pixabay.com)

Không hẹn mà gặp, hôm nay đồng loạt các cơ quan truyền thông đều im lặng về Dự án thép Hoa Sen – Cà Ná của ông Lê Phước Vũ.

Thông tin đang gây cấn đột ngột im lặng, như cú phanh xe gấp vốn dĩ không mới trong đời sống báo giới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây là những thông tin có ảnh hưởng đến chính trị, thượng tầng hoặc quan hệ ngoại giao.

Trong Đại hội Cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen vào những ngày đầu tháng 9 năm nay, ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh, “Tụi nó đưa báo, đưa facebook, tôi đưa VTV1, chính thống luôn”.

Lần này, ông Lê Phước Vũ không chỉ có mình VTV1, mà còn có thêm sự trợ giúp của một lặng im. Đáng tiếc, sai lầm lớn nhất của nhiều cá nhân ấy chính là tin rằng nếu báo chí im lặng thông tin sẽ rơi vào thinh không. Có điều, đây là một thời đại khác, thời đại mà người ta quen gọi là thế giới phẳng.

Việc can thiệp quá sâu vào tính phản biện của báo giới từ một ai đó về dự án gây nhiều lo ngại về môi trường, có nhiều nghi vấn về vốn, công nghệ, nguồn nước… như Dự án thép Hoa Sen – Cà Ná không trấn an được nhân dân, dập tắt được dư luận. Thay vào đó, chỉ khiến uy tín của báo giới sụt giảm nghiêm trọng hơn trong lòng nhân dân.

Lâu trước, tôi có đọc đâu đó trần tình của một quan chức về hưu với đại ý, “Chống ngoại xâm thì rất dễ vì kẻ thủ nhận diện được, nhưng chống tham nhũng thì cực khó vì mình không thể đề phòng những người xung quanh”.

Câu chuyện về sự im lặng trước một Dự án thuần về mặt kinh tế của một doanh nghiệp cũng vậy.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm khiết và kiến tạo, sự quyết liệt “Không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chủ ý với dự án này.

Thế nên tôi vẫn muốn tin, một dự án có quá nhiều khuất tất như Hoa Sen – Cá Ná vậy không thể được thông qua, nhất là khi chủ đầu tư là ông Lê Phước Vũ liên tục hôm nay nói một đằng, hôm kia nói một nẻo.

Quan trọng nhất, những khuất tuất ấy người dân đã nắm rất rõ, rất kỹ bằng những kênh thông tin khác ngoài báo chí.

Cho dù như thế nào đi chăng nữa tôi vẫn nghĩ, gạt báo giới ra khỏi hiện thực của đời sống, chưa bao giờ là một giải pháp văn minh, khôn ngoan.