Tranh cãi về nguồn gốc của dịch viêm phổi Vũ Hán hay còn gọi là COVID-19 do virus corona mới gây ra, khiến người ta liên tưởng đến sự kiện rò rỉ vũ khí sinh học lớn nhất đương đại, sự kiện rò rỉ vi khuẩn than tại Sverdlovsk, Liên Xô.

921px
Vi khuẩn bệnh than trong cơ thể một con khỉ (Nguồn: Phạm vi công cộng, Liên kết)

Căn cứ công nghiệp quân sự Sverdlovsk

Sverdlovsk là một thành phố của Liên Xô (nay là thành phố Yekaterinburg), nhưng nó không phải là một thành phố bình thường. Nó là một cơ sở công nghiệp quân sự sau Thế chiến thứ Hai. Hơn 80% sản phẩm được sản xuất ở thành phố này là sản phẩm quân sự, bao gồm xe tăng, tên lửa đạn đạo, tên lửa, v.v. Đây là một thành phố khép kín, khi chưa được cho phép thì không ai được ra vào. Sau Thế chiến thứ Hai, Liên Xô bắt đầu nghiên cứu vũ khí sinh học và hóa học tại đây, nó được gọi là “Viện nghiên cứu Y tế – Bộ Quốc phòng”, nhân viên của viện bao gồm các nhà nghiên cứu vũ khí hóa học và sinh học Nhật Bản bị bắt làm tù binh. Từ năm 1970, nghiên cứu trọng điểm của viện này là bệnh than. Năm 1974, viện được đổi tên thành “Viện chế phẩm vắc-xin vi khuẩn”.

Ngày 26/3/1975, “Công ước Quốc tế về Cấm Vũ khí Sinh học và Hóa học” chính thức có hiệu lực. Nhưng điều này không gây trở ngại cho viện nghiên cứu đặt tại thành phố khép kín tiếp tục phát triển vi khuẩn bệnh than có thể được sử dụng trong vũ khí sinh học.

Cơ quan nghiên cứu vũ khí hóa học này nằm trong một căn cứ quân sự có tên “Số 19”, và được bảo mật cực kỳ nghiêm ngặt. Khu vực gần cơ quan này có một nhà máy chế biến thịt. Việc thành lập nhà máy chế biến thịt ở đây cũng được coi là có sự cân nhắc về vấn đề cung cấp các vật liệu dinh dưỡng cần thiết cho việc nghiên cứu vũ khí sinh học. “Số 19” vốn khép kín và tự cung tự cấp ở mức độ cao, nó có bệnh viện 75 giường, bưu điện, cửa hàng, nhà trẻ, câu lạc bộ, phòng tập thể dục và thậm chí cả cơ quan kiểm sát riêng. Những người làm việc ở đây phải vượt qua bước thẩm tra nghiêm ngặt. “Số 19” có diện tích 200 ha và được chia thành ba khu vực. Khu vực ngoài cùng là khu dân cư, nơi sinh sống của khoảng 7.000 nhà khoa học, công nhân phụ trợ và các thành viên trong gia đình. Sau đó là đến khu công nghiệp. Khu vực nòng cốt nhất cũng là khu vực có mức bảo mật cao nhất là khu đặc biệt được bao bọc bởi hàng rào thép gai. Việc ra vào mỗi một khu vực đều phải trải qua rất nhiều vòng kiểm tra kỹ lưỡng.

Rò rỉ bệnh than

Đêm ngày 2/4/1949, một số bào tử của vi khuẩn bệnh than Bacillus anthracis rò rỉ vào không khí từ một tòa nhà bốn tầng ở khu vực đặc biệt của “Số 19”. Tòa nhà này tham gia nghiên cứu vi khuẩn bệnh than cấp vũ khí, có 40 nhân viên và do Trung tá Nikolai Burmistrov chỉ huy. Những bào tử bệnh than bị rò rỉ này tạo thành một chùm lông vũ vô hình và trôi dạt qua Sverdlovsk và một số ngôi làng gần đó.

Bệnh than do nhiễm vi khuẩn than là một loại bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao. Số liệu chính thức sau này của Liên Xô cho thấy có 95 người bị nhiễm bệnh than, trong đó 68 người tử vong, tỷ lệ tử vong lên đến 71,5%. Tuy nhiên rốt cuộc có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh và tử vong thì có lẽ không bao giờ biết được. Thảm nhất là nhà máy gốm ở phía nam của tòa nhà, nhà máy này hút gió từ bên ngoài vào cung cấp cho lò sứ và các bộ phận khác của nhà máy, trong mấy ngày đầu đã có 18 người tử vong.

Để đối phó với tình huống xảy ra bất ngờ này, chính quyền Liên Xô đã huy động khẩn cấp để tiến hành khử trùng các tòa nhà trong khu vực nghi nhiễm bệnh, thu gom tất cả quần áo và vải để tiêu hủy, đồng thời tiến hành kiểm tra toàn bộ người nhà bệnh nhân. Những người có triệu chứng sốt đều được đưa đi nằm viện, người có các triệu chứng nặng đều được chuyển đến các bệnh viện chuyên môn. Ủy ban khẩn cấp được thành lập ở Moscow đã đưa ra biện pháp mạnh mẽ đối với sự cố này. Đến ngày 22/4/1949, lính cứu hỏa và các công nhân khử trùng tất cả các tòa nhà và tiêm vắc xin bệnh than ở Số 19 và các khu vực lân cận. Tổng cộng 59.000 người đã được tiêm vắc-xin bệnh than do Liên Xô tự nghiên cứu phát triển.

Điều may mắn là mặc dù tỷ lệ tử vong do bệnh than cao nhưng khả năng lây nhiễm của nó thấp hơn nhiều so với loại virus corona mới ngày nay, hơn nữa vụ rò rỉ và dịch bệnh đều xảy ra trong khu vực nhà máy công nghiệp quân sự khép kín và bảo mật ở mức độ cao. 

Che giấu và vạch trần sự thật

Tin tức về sự cố rò rỉ vi khuẩn bệnh than ở Sverdlovsk lần đầu tiên xuất hiện ở thế giới bên ngoài vào tháng 1/1980. Tin tức về vụ việc đã được đăng trên một tạp chí do người Liên Xô lưu vong ở Frankfurt điều hành. Bài viết này nói rằng tháng 4/1974, căn cứ quân sự Sverdlovsk đã xảy ra vụ nổ và gây ra một căn bệnh truyền nhiễm do rò rỉ vi khuẩn bệnh than.

Không có sự phối hợp của chính quyền Liên Xô, ngoại giới không cách nào tiến hành điều tra. Cho đến năm 1986, Giáo sư Matthew Meselson của Đại học Harvard được Chính phủ Liên Xô cho phép, đã đến Moscow điều tra trong 4 ngày, và đã hẹn nói chuyện với một số quan chức y tế cấp cao của Liên Xô. Sau đó, ông công bố một báo cáo nói rằng ông đồng ý với kết luận chính thức của Liên Xô về sự cố này, sự cố này là nhà máy chế biến thịt đã mang vào vật nuôi bị nhiễm bệnh than. Ông cho rằng kết luận này là hợp tình hợp lý và nhất quán.

Vào tháng 10/1991, ông Peter Gumbel, giám đốc trạm phóng viên Moscow của tờ Wall Street Journal, đích thân đến Sverdlovsk để điều tra. Ông đã phỏng vấn nhiều gia đình bệnh nhân, nhân viên làm việc trong bệnh viện và bác sĩ, và đã có được kết luận rằng giải thích của chính quyền Liên Xô “có nhiều sơ hở, nửa thật nửa giả”. Vào tháng 5/1992, Tổng thống Boris Yeltsin, người từng giữ chức Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô tại Sverdlovsk đúng thời điểm xảy ra sự cố rò rỉ, đã công khai thừa nhận rằng Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đã giải thích với ông: “Nghiên cứu phát triển quân sự của chúng tôi là nguyên nhân chính của sự cố rò rỉ lần này. “

Nhờ sự chấp thuận của Tổng thống Boris Yeltsin, vào tháng 6/1992, một nhóm do Giáo sư Mattew Meselson của Đại học Harvard dẫn đầu, cuối cùng đã được phép vào khu vực xảy ra sự cố để tiến hành điều tra. Họ có một danh sách 68 người tử vong, danh sách này do chính quyền Liên Xô giao cho họ. Họ tìm thấy các thành viên gia đình còn sống dựa theo hình ảnh, và tra rõ nơi cư trú của những bệnh nhân khi còn sống là ở chỗ nào, trước khi phát bệnh thì ở chỗ nào, và cả hồ sơ nhập viện, v.v. Những địa điểm này không tạo thành “khuôn mẫu” trên bản đồ, nhưng những vị trí họ làm việc trước khi phát bệnh cho thấy rõ ràng đều ở cuối hướng gió của tòa Số 19. Điều này cho thấy tất cả họ đều bị nhiễm vi khuẩn do khí dung mang theo, chứ không phải là bị nhiễm do tiếp xúc với sản phẩm thịt chế biến trong nhà máy. Rất may là hướng gió lúc đó không hướng đến khu dân cư thành thị, nếu không có thể hàng trăm ngàn người sẽ bị nhiễm bệnh. Cuộc điều tra đầu tiên của Giáo sư Mattew Meselson trước đó vài năm cho rằng sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm là do nguyên nhân tự nhiên, và chính quyền Liên Xô tuyên bố rằng họ không nghiên cứu vũ khí hóa học là thành thật, kết luận này đến đây đã bị lật lại hoàn toàn.

Loài dơi bí ẩn ở đâu?

Đại dịch virus virus corona mới mà hiện nay con người vẫn đang vất vả chịu đựng đã bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Nguồn gốc của nó rốt cuộc là từ đâu? Các nhà khoa học và các chính phủ trên toàn thế giới ngay từ ngày đầu tiên đều đã nóng lòng muốn biết đáp án, bởi vì nó liên quan đến việc hiểu về việc virus sinh ra và lây truyền, cũng như cách ngăn ngừa và chống lại dịch bệnh.

shutterstock 1677490948
(Nguồn: Shutterstock)

Tuyên bố rằng virus xuất phát từ dơi ở chợ hải sản rõ ràng là không có cơ sở và hiện nay nó không còn được đề cập đến nữa. Năng lực của của ngành hóa sinh và y học hiện nay không phải là hoàn toàn không có khả năng tìm kiếm manh mối của nó. Tuy nhiên, điều rất lạ là Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần viện cớ từ chối các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học tiến hành điều tra thực địa tại Vũ Hán. Tổng thống Mỹ Biden đã ra lệnh cho Chính phủ Mỹ điều tra trong 90 ngày, cuối cùng nói rằng không cách nào đưa ra kết luận chính xác vì Chính phủ Trung Quốc không hợp tác.

Lịch sử thường xảy ra những sự kiện tương tự đáng ngạc nhiên. Nếu loại virus corona mới đến từ loài dơi, Viện Virus học Vũ Hán nổi tiếng là nơi nghiên cứu loại virus được mang trên một số lượng lớn dơi sống, và các nhà khoa học của viện virus này là một những nhà khoa học có trình độ hàng đầu thế giới, thì khi nào con dơi bí ẩn sẽ được tìm thấy? Tôi rất nghi ngờ chuyện những người tuyên bố rằng virus đến từ loài dơi vào đầu thời kỳ dịch bùng phát, kỳ thực họ biết nguồn gốc thực sự của virus.

Các nhà khoa học đến khi nào mới có thể nói một cách chắc chắn rằng chính là virus trên loài dơi trong tự nhiên này đã tạo thành dịch bệnh năm 2020; hoặc là các nhà khoa học có thể nói, trên loài dơi trong tự nhiên không hề có loại virus này, virus là đến từ một nơi đặc biệt nào đó?

Tại Sverdlovsk hơn 40 năm trước, bào tử bệnh than đã bị rò rỉ, nhưng mãi cho đến năm 1992, nhờ sự dũng cảm của Tổng thống Yeltsin nên sự thật mới được phơi bày. Lịch sử thường lặp lại, nhưng lần này liệu nó có lặp lại?

Lý Giang Lâm
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của các nhân tác giả, do Up Media trao quyền cho Vision Times đăng lại, bài gốc tại đây)

Xem thêm: