Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bày tỏ sự thất vọng đối với Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Bắc Kinh dường như đang đánh mất đòn bẩy áp lực đối với nhà độc tài trẻ của chế độ Bình Nhưỡng. Thay vì thuận theo ý chí của Trung Quốc, lãnh tụ tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un vẫn liên tục “cắn lại” những ông già ở Bắc Kinh, những người vốn đang cung cấp cho nhà nước biệt lập này từ nhiên liệu, thực phẩm tới bảo hộ ngoại giao.

Ông Kim Jong-un chưa từng gặp ông Tập Cận Bình kể từ khi hai vị này lên cầm quyền ở mỗi nước. 

“Những vết cắn này” thách thức quyền lực, làm bối rối các nhà lãnh đạo Trung Quốc và gây khó khăn cho những nỗ lực của hòa giải của Bắc Kinh khi vừa phải làm hài lòng Mỹ, vừa phải chống đỡ cho chế độ Bình Nhưỡng để thực hiện mục đích của riêng họ. Những biểu hiện dưới đây cho thấy khuynh hướng coi thường Trung Quốc của chế độ nhà họ Kim:

* Các điệp viên Bắc Hàn là những nghi phạm chính trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam tại Malaysia hồi đầu năm nay. Nạn nhân là anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và đang cư trú tại Macau, được cho là được chính quyền Trung Quốc bảo vệ không chính thức. Ngoại giới cho rằng ông Kim Jong Nam đã từng ủng hộ cải cách nền kinh tế Bắc Hàn theo mô hình Trung Quốc và được xem là nhân vật có thể thay thế vai trò lãnh đạo của ông Kim Jong-un.

* Vụ thử bom hạt nhân lần thứ 6 của Bắc Hàn hôm 3/9 mà nước này cho rằng đó là bom nhiệt hạch, diễn ra đúng vào thời điểm khai mạc Hội nghị BRICS tại Bắc Kinh, làm bối rối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây không phải lần đầu tiên chế độ Bình Nhưỡng làm việc này. Bắc Hàn cũng đã phóng một quả tên lửa hồi tháng 5/2017 trước khi Chủ tịch Tập phát biểu tại Diễn đàn Vành đai & Con đường – một hội nghị hợp tác kinh tế quan trọng do Bắc Kinh khởi xướng. Và cho đến nay đặc phái viên mới phụ trách vấn đề Bắc Hàn của ông Tập thậm chí vẫn chưa được phép tới Bình Nhưỡng làm việc.

* Phớt lờ những cảnh báo liên tục từ Trung Quốc, ông Kim Jong-un thường xuyên leo thang căng thẳng bằng phát ngôn hiếu chiến và liên tục cải thiện tầm bắn tên lửa bằng các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Đồng thời, Bình Nhưỡng đã đỗ lỗi cho Bắc Kinh có “hành động thiếu thận trọng trong việc phá hỏng” lòng tin giữa hai nước.

Vậy điều gì đã kích thích ông Kim Jong-un xa lánh ảnh hưởng của đồng minh đang bao thầu tới 90% ngoại thương của nước mình? Lãnh tụ tối cao Bắc Hàn đã chống đối Trung Quốc như thế nào?

Những nhà lãnh đạo độc tài toàn trị thường không tự đi giải thích hành động của bản thân mình và ông Kim Jong-un với 6 năm cầm quyền khi chỉ mới 33 tuổi, cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu phần nào sự ghét bỏ Trung Quốc của ông ta khi tìm hiểu chính câu chuyện về gia đình của vị độc tài trẻ tuổi này.

Trong gần 70 năm sống trong với những người bảo trợ mạnh mẽ cùng ý thức hệ ở nhà nước Trung Quốc cộng sản, ba thế hệ độc tài nhà họ Kim đã trải qua những kinh nghiệm lúng túng và có phần nhục nhã giữa sự phụ thuộc và bất tín, giữa hợp tác và sự khinh ghét. Những hành xử “ngỗ nghịch của cậu Kim trẻ” cho thấy có rất ít lý do để giả định rằng Trung Quốc ngày nay có thể áp đặt được ý chí của họ lên Bắc Hàn. Có thể ông Trump và các Tổng thống Mỹ khác đôi lúc nghĩ rằng Bắc Kinh có thể kiềm chế Bình Nhưỡng, nhưng thực tế điều này đã rất ít cơ hội thành hiện thực.

Thái độ khó chịu của gia đình họ Kim đối với Trung Quốc có lẽ bắt nguồn từ việc lãnh tụ vĩ đại của Bắc Hàn Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), nhà độc tài sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và là ông nội của lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un, đã từng bị Trung Quốc bắt giam và làm nhục.

Ông Kim Nhật Thành lớn lên tại miền đông bắc Trung Quốc, nơi mà trong những năm 1930 ông trở thành một lãnh đạo của đội quân du kích Triều Tiên chiến đấu cùng với những người cộng sản Trung Quốc chống lại quân xâm lược Nhật Bản. Không cảnh báo trước, những người cộng sản Trung Quốc đã đánh bật ông Kim và binh lính của ông. Hàng trăm người Triều Tiên đã bị tra tấn và sát hại trong một vụ thanh trừng theo chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc dựa trên sự hoang tưởng và sai lầm của những người cộng sản Trung Quốc với niềm tin rằng những người Triều Tiên đang bí mật làm tay sai cho Nhật Bản.

Ông Kim Nhật Thành đã bị bắt tại Trung Quốc năm 1934, nhưng may mắn sống sót. Sau đó ông đã gọi vụ “[Những người Triều Tiên] bị giết hại một cách bừa bãi bởi [người Trung Quốc] mà vừa mới hôm qua còn chia sẻ cùng nhau bánh mì và bữa ăn, là một cơn gió điên”.

Trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên, những ký ức cay đắng của ông Kim Nhật Thành chính là việc bị phía Trung Quốc làm cho mất mặt trước công chúng. Ông Kim bắt đầu cuộc chiến tranh vào năm 1950 khi phát động cuộc xâm lược miền Nam nhờ vào sự hậu thuẫn của Liên bang Soviet của Stalin. Tuy nhiên, khi quân liên minh do Mỹ lãnh đạo nhảy vào giúp đỡ Nam Hàn, quân đội miền Bắc đã đại bại và chỉ có thể trụ vững nhờ vào lực lượng quân Trung Quốc vượt qua sông Áp Lục trực tiếp tham chiến. Khi đó, phía Trung Quốc đã buộc ông Kim phải đứng bên lề cuộc chiến của chính mình. Vị tướng lĩnh hàng đầu của Trung Quốc, ông Bành Đức Hoài đã trách mắng cách lãnh đạo “vô cùng trẻ con” của lãnh tụ tối cao Kim Nhật Thành và nói mỉa mai với lãnh đạo Bắc Hàn rằng: “Ông đang hy vọng để kết thúc cuộc chiến này dựa vào may mắn à?”.

Ông Kim Nhật Thành chắc hẳn đã không bao giờ có thể quên được cách ông đã bị phía Trung Quốc đối xử ra sao. Sau cuộc nội chiến đó, ông Kim đã xóa bỏ hoàn toàn trong các trang lịch sử chính thức của Bắc Hàn về vai trò của Trung Quốc trong việc cứu vãn và tái thiết lại đất nước Bắc Triều Tiên. Sự oán giận chế độ Bắc Kinh của ông Kim tiếp tục nhân lên vào năm 1980 khi Trung Quốc công khai tố cáo Bắc Hàn thực hành chủ nghĩa phong kiến với việc ông Kim chuyển giao quyền lực tuyệt đối cho con trai Kim Jong-Il, biến Bắc Hàn như một vương quốc cộng sản theo hình thức cha truyền con nối.

Thông thường ở cả hai phía Bắc Hàn và Trung Quốc đều có ấn tượng xấu về nhau. Ông Sidney Rittenberg, một thông dịch viên cho ông Mao Trạch Đông, vào năm 2013 đã từng nói với tờ Washington Post rằng ông Mao coi ông Kim Nhật Thành chỉ là một kẻ liều lĩnh, lý thuyết suông và từng có lần miêu tả ông Kim như “một cái ung nhọt đau đớn số một ở mông”. Năm 1992, Trung Quốc khiến cho gia đình họ Kim càng tức giận hơn khi Bắc Kinh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc –  kẻ thù không đội trời chung của miền Bắc.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc từ ông Mao Trạch Động cho tới ông Tập Cận Bình đều lựa chọn bảo vệ và chống đỡ cho chế độ nhà họ Kim chuyên gây rối, vì Bắc Kinh lo ngại rằng sự sụp đổ của Bắc Hàn sẽ kích hoạt một làn sóng dân tị nạn tràn qua sông Áp Lục và tạo điều kiện cho một nước Đại Hàn thống nhất liên minh với Hoa Kỳ áp sát biên giới Trung Quốc. Khi sự cô lập quốc tế với Bắc Triều Tiên tăng lên cùng với sức mạnh hạt nhân của họ, chế độ nhà họ Kim đã trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào thương mại Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc đó rõ ràng không thể tác động đến hành vi của ông Kim Jong-un. Ông ta dường như đã bị ảnh hưởng lớn hơn về sự ác cảm với Trung Quốc từ ông nội mình. Tháng trước, khi ông Kim gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “lão già rối loạn tâm thần”, thì Thông tấn xã Bắc Triều Tiên (KCNA) đăng một bài bình luận chỉ trích các phương tiện truyền thông ở Bắc Kinh vì đã có các phát ngôn “thô lỗ” và “không biết xấu hổ“. Bài bình luận cũng nói rằng Bắc Hàn ít bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

Dưới bài bình luận này có ký tên “Jong Phil”, có nghĩa là “ngòi bút chính trực”. Đây là bài xã luận chống Trung Quốc thứ ba của tác giả này kể từ đầu năm nay trên kênh truyền thông nhà nước Bắc Hàn. Ông Adam Cathcart, một học giả về Trung Quốc tại Trường đại học Leeds, trao đổi với tờ Washington Post rằng ông ta tin rằng Jong Phil chính là bút danh của ông Kim Jong-un.

Theo Blaine Harden (Washington Post)

 Xuân Thành dịch

Xem thêm: